Độc chiêu săn tin tình báo của Phạm Xuân Ẩn
Không có những pha đột nhập gay cấn để sao chụp hồ sơ, kế hoạch của đối phương, Phạm Xuân Ẩn âm thầm hoạt động tình báo trong vai trò một phóng viên của Reuters và Time tại Việt Nam…
Nhà báo tầm cỡ
Trong kế hoạch cài cắm một điệp viên tình báo chiến lược, năm 1957, Phạm Xuân Ẩn được tổ chức cho sang Mỹ học về báo chí trong 2 năm. Tháng 10 năm 1959, ông về nước. Do có mối quan hệ với Trần Kim Tuyến – trùm mật vụ của chính quyền Diệm nên ông được biệt phái sang Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) phụ trách các phóng viên nước ngoài làm việc tại đây. Từ đó cho đến khi chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn tích cực hoạt động tình báo cho Cách mạng trong vai trò một phóng viên của Reuters và Time tại Việt Nam…
Trong những năm 1960, Ẩn là một nhà báo cỡ bự ở Sài Gòn. Ít ai có thu nhập đến 750 USD một tháng như ông. Mặt khác, tầm cỡ của ông còn thể hiện ở những mối quan hệ rộng lớn từ Phủ Tổng thống đến Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. Nhiều nhân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn như Trần Kim Tuyến, Đỗ Mậu, Đỗ Cao Trí, Tôn Thất Đính, ông đều quan hệ thân tình đến mức có thể lại nhà chơi bất kỳ lúc nào.
Phạm Xuân Ẩn (ngoài cùng bên trái) trong thời gian làm báo Times, Mỹ.
Trong cuốn sách Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời, ông Ẩn có kể rằng một lần ông đến nhà Trần Kim Tuyến chơi gặp nhiều vị Bộ trưởng mang quà đến biếu xén. Nhìn thấy nhiều hoa thủy tiên, ông bảo: “Ở đây nhiều quá mà nhà tôi không có”. Miệng nói tay ông vơ một nắm. Một ông Bộ trưởng nhìn thấy không vừa ý hỏi vợ Tuyến: “Đứa nào mà hỗn vậy?” nhưng bà vợ Tuyến cười xuề xòa bảo ” À anh Ẩn làm báo quen đấy mà”.
Những người cung cấp tin tức cho Phạm Xuân Ẩn rất yên tâm vì ông luôn trung thành với nguyên tắc báo chí là bảo vệ nguồn tin đến cùng. Trong dịp đưa tin về sự kiện đại sứ Mỹ Nolting khánh thành đường băng Tân Sơn Nhất, trong tay Ẩn đã có bản phô tô bài diễn văn của Nolting và ông đã phát bài diễn văn cho Reuters. Bất ngờ là khi đọc, Nolting lại tự ý cắt bỏ một số câu chữ. Khi nghe VOA phát lại tin lấy từ Reuters, Nolting thấy những câu chữ đó vẫn còn. Ông ta vô cùng tức giận cho là Reuters có nội gián trong Tòa Đại sứ và yêu cầu phải điều tra cho ra kẻ đó.
Sau khi nhân viên an ninh của Sài Gòn không thuyết phục được Ẩn nói ra, George Philip (tùy viên báo chí của Đại sứ và là bạn Ẩn) đến gặp Ẩn. Bị từ chối nói ra người cung cấp tin, Philip cố gắng tìm manh mối bằng cách chỉ hỏi người cung cấp tin là da trắng, da đen hay da vàng. Bất ngờ, ông Ẩn nói: “Mày biết người Mỹ dạy tao làm báo rất kỹ, thà mất việc chứ không nói ra nguồn tin”. Nỗ lực điều tra kẻ “nội gián” của Nolting thất bại nhưng nhờ đó, uy tín của Phạm Xuân Ẩn với các nguồn tin lại càng lên cao. Những người quen biết ông càng tin tưởng vào một nhà báo chân chính, trung thực nên không ngại cung cấp tin tức cho ông sau này.
Morley Safer (chủ biên Chương trình 60 phút của Đài CBS) trong cuốn sách Hồi tưởng: Khi trở lại thăm Việt Nam đã viết về Phạm Xuân Ẩn: “Ở tòa báo Time, anh được coi là người khôn khéo. Ẩn luôn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt – Mỹ và cũng là một trong số ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”.
Video đang HOT
Làm tình báo bằng kỹ năng báo chí
Khi Morley Safer hỏi rằng: “Họ (tức những người chỉ huy của Ẩn) đã trông cậy ở anh điều gì?”. Phạm Xuân Ẩn nói: “Cũng là những điều mà tòa báo Time muốn tôi viết. Cấp trên của tôi muốn được biết về các căn cứ, tiềm năng của các đơn vị, các cấp chỉ huy, biết ai tham nhũng và những ai có thể tranh thủ được. Họ muốn biết mọi chuyện về chính trị, cũng những thứ mà các anh làm báo trước đây muốn được biết”.
Mối quan hệ giữa nghề báo và nghề tình báo, như ông nói rất mâu thuẫn nhau. Một đằng biết tin tức gì thì viết toạc ra cho cả thế giới biết còn một đằng biết được tin gì thì đánh giá, phân tích rồi phải giấu nhẹm đi không để người khác biết là mình biết. Tuy vậy chúng lại thống nhất với nhau ở điểm cùng đi săn tìm thông tin và Phạm Xuân Ẩn đã kết hợp hai nghề ấy một cách hoàn hảo.
Phạm Xuân Ẩn bên đường phố Sài Gòn. (Ảnh do một nhà báo Mỹ chụp).
Những nguồn tin của ông thường ở các giới: báo chí, tình báo, an ninh đối phương… họ cũng rất cần tin tức. Để lấy được tin tức từ họ cũng cần phải có qua có lại, ông nói: “Thức ăn của họ là thông tin, tư liệu… Như chim phải cho ăn hoài nó mới hót. Người kinh tế cần tin kinh tế. Tin công khai thôi. Chơi thị trường chứng khoán có lúc họ không biết nên hay không nên bán ra. Họ tìm đến hỏi mình vì mình biết phân tích các dấu hiệu thời cuộc có thể ảnh hưởng. Thí dụ năm 1973 thị trường chứng khoán Mỹ xuống dữ. Mỹ lạm phát nặng. Khi họ hỏi ý kiến, tôi cũng xin chút thời gian ngắn tham khảo và đưa nhận xét để họ tự quyết định. Chẳng hạn như lạm phát đấy nhưng chưa đến nỗi. Vẫn có khả năng lên…Ngay cả giới tướng lĩnh quân sự cũng làm ăn nên họ quan tâm”.
Ngược lại, họ sẽ giúp ông những tin tức ông cần về hoạt động quân sự, các kế hoạch… mà họ nghĩ ông cần để phân tích thời cuộc phục vụ cho viết báo. Cũng có khi qua những thông tin mà họ nói khi nhờ ông tư vấn này nọ lại tiết lộ những sự việc khác. Đó là đặc điểm chỉ có ở một nhà báo giỏi hoạt động tình báo như Phạm Xuân Ẩn.
Quan sát, phán đoán là những kỹ năng quan trọng của một nhà báo. Phạm Xuân Ẩn tỏ ra rất có năng lực quan sát và nhạy cảm trong phán đoán. Khi đại sứ Nolting sắp bị triệu hồi về nước, chính quyền Diệm cố gắng giữ kín, Tòa Đại sứ cũng bưng bít thông tin. Vào một tối ngồi ở tiệm ăn Pháp có tên La Cigale, ông bắt gặp viên bí thư của Nolting dẫn theo một cô bồ người Việt vào quán. Một nhân viên an ninh của Tòa Đại sứ nhìn thấy hỏi anh ta: “Sao bữa nay ăn mặc lôi thôi lại còn dẫn theo cả đào?”. Người bí thư trả lời: “Tuần tới tao về nước, phải cho tao xả hơi chứ”. Dựa vào đó cộng với những thông tin đã nghe từ trước, Phạm Xuân Ẩn kết luận tuần tới Nolting về nước. Tin của ông đăng lên Reuters đã khiến Tòa Đại sứ Mỹ một lần nữa điên đầu. Dù ông không nói ra nhưng biết đâu những tin tức ấy kèm theo đánh giá phân tích của ông đã chuyển về chiến khu để giúp cấp trên nắm rõ tình hình chính trường Sài Gòn cũng như quan hệ Việt Mỹ thời đó.
Phạm Xuân Ẩn không viết hồi ký để nói chi tiết về đời hoạt động của mình. Tuy nhiên, với vài mẩu chuyện trên, ta cũng phần nào hiểu được bí quyết giúp ông thành công chính là sự hóa thân vào nghề báo một cách thực sự. Như ông đúc kết: “Bình phong để hoạt động không phải là cái vỏ, không phải là sự đội lốt trá hình, đó không là sự ngụy trang bên ngoài. Phải thật sự sống bằng nghề đó một cách trong sạch – sống mãn đời nghề đó mới mong tiếp cận được mọi điều”.
Theo NTD
Người lái xe Jeep chở Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng
Trưa 30/4/1975, được lệnh chở hai người đàn ông to béo, bệ vệ tới Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng nhưng ông Vân không biết đó là đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, chiến sĩ giải phóng quân Đào Ngọc Vân (quê Thanh Hoá) tròn 25 tuổi. Ông chính là người lái chiếc xe Jeep, biển số 15778, cùng đồng đội ở Trung Đoàn 66 áp giải Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Ông Đào Ngọc Vân vẫn nhớ như in thời khắc chở Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng. Ảnh: Lê Hoàng
Ngồi trong căn nhà nhỏ trên phố Ngô Văn Sở (TP Thanh Hóa), người đàn ông tuổi lục tuần bắt đầu kể về một thời binh nghiệp hào hùng. 18 tuổi, ông xung phong vào chiến trường nhưng vì không đủ cân (lúc đó chỉ nặng 30kg) nên bị đơn vị từ chối vì nghĩ "còn trẻ con chưa thể cầm nổi cây súng huống hồ ra trận đánh giặc".
Kế hoạch bất thành, ông làm đơn xin vào làm công nhân ở Đội giao thông thuộc Phòng Thị chính, thị xã Thanh Hoá. Thời gian này, ông lái máy ủi san đường cho xe bộ đội qua cầu Hàm Rồng. Năm 22 tuổi, khi ông đang là công nhân giao thông thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Theo lệnh Tổng động viên, mùa xuân năm 1972 ông Vân lên đường nhập ngũ. Khi quân và dân miền Bắc phải gồng mình đánh trả các cuộc oanh tạc chiến lược B52 của Mỹ, thì miền Nam bắt đầu bước vào tổng tiến công khắp chiến trường.
Hai tháng sau, ông cùng đơn vị có mặt tại chiến trường Quảng Trị và biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Đại đội có nhiệm vụ phụ trách pháo lực của Trung đoàn. Đây cũng là lần đầu ông được thử sức bằng trận đánh Đường 9 Nam Lào. Chính trận này, Đào Ngọc Vân đã ngồi vào chiếc xe Jeep, biển số 15778, là chiến lợi phẩm thu được sau trận chiến.
"Thấy chiếc xe quân địch bỏ lại, trong lúc cao hứng, tôi lao lên cầm vô lăng rồi đạp côn, vào số, nhấn ga, đạp phanh, cua trái, quành phải khá thông thạo. Đồng đội ngạc nhiên mắt tròn mắt dẹt, cứ vỗ tay rào rào. Thế là thủ trưởng Trung đoàn 66 chấp nhận cho tiểu đội của tôi thu giữ chiếc xe", ông Vân nhớ lại.
Sau khi được Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ giao nhiệm vụ toàn quyền quản lý chiếc xe chiến lợi phẩm, ông Vân trực tiếp lái xe chở chỉ huy cùng các chiến sĩ tham mưu trên đường vào Nam chiến đấu.
Chiếc xe Jeep đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh tư liệu.
7h sáng 30/4/1975, đơn vị ông Vân được lệnh tiến vào xa lộ Biên Hòa, vượt cầu Sài Gòn, mặc cho các loại súng tăng, súng máy của quân địch nổ rền. Ông bảo, "sung sướng nhất là chiếc Jeep này có mái xe, vách thoáng, nên nghe được đủ thứ âm thanh của trận đánh cuối cùng. Tiếng thét của lính, tiếng reo hò của quân dân, mệnh lệnh của chỉ huy các binh chủng... chúng tôi đều nghe rõ mồn một. Tôi nhấn mạnh ga, hòa theo đoàn xe giải phóng ào ào qua cầu Sài Gòn".
Lúc này, người dân đã đứng chật kín hai bên đường. Chiếc xe Jeep chạy đến một ngã tư, đang chưa biết đi theo lối nào thì được người đàn ông trạc 40 tuổi tay cầm lá cờ giải phóng nhảy lên bám vào xe rồi chỉ hướng đi. Chốc chốc ông Vân lại hét lên hỏi người cầm cờ "Sắp đến nơi chưa?" Anh này mỉm cười "Qua Gia Long rồi, sắp tới". Không ai bảo ai nhưng có lẽ người dẫn đường cũng biết chiếc xe Jeep đang muốn tiến vào Dinh Độc Lập.
"Khi đến cổng Dinh, xe tăng của quân ta đã lao thẳng hất tung cánh cổng chính, xe chúng tôi theo sát xe tăng do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy tiến thẳng vào trong sân. Chúng tôi lao nhanh ra khỏi xe rồi chạy lên tầng 2 tòa nhà. Khá đông lãnh đạo Ngụy quyền bị dồn vào phòng trong tòa nhà... Ít phút sau, tôi được lệnh ra xe tiếp tục làm nhiệm vụ", người lái xe Jeep kể.
Khoảng 10h30, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ tay cầm súng ngắn cùng các chiến sĩ dẫn hai quan chức Ngụy quyền người béo mập, đeo kính trắng, đi giầy đen ra xe. Phía sau là rất đông cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng. "Ngồi vào xe, sát tay lái tôi là vị to béo, tôi đoán đó là vị quan chức vì ông ta rất bệ vệ, bên phải ông ta là ông Thệ. Một thanh niên mặc áo trắng dẫn đường cho xe tiến thẳng về Đài phát thanh Sài Gòn", ông Vân kể và cho hay, mãi sau này mới biết mình chở Dương Văn Minh đi đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Tướng Dương Văn Minh (người ngồi bên phải) chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh do phóng viên ảnh hãng thông tấn AP thực hiện.
11h30 ngày 30/4, những chiếc loa phóng thanh ở Sài Gòn đồng loạt vang lên lời tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng miền Nam do Tổng thống Dương Văn Minh đọc: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam". ( Nghe tại đây)
Tiếp đó, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng tuyên bố: "Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn giải phóng"! Mọi người mừng vui ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy dài rồi thét lớn: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi".
Theo VNE
Những giọt nước mắt của ông Mười Hương "Trong lịch sử tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ kho tàng tình báo Việt Nam" (Lời tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo Miền) Tấm hình đăng kèm theo...