Độc chiêu “né” phí của xe tải
Thời gian gần đây, nhiều xe tải nặng, xe container đã tìm cách né đóng phí đường bộ khi lưu thông trên xa lộ Hà Nội bằng nhiều chiêu thức tinh vi.
Khi xe từ quận Thủ Đức lưu thông vào cầu Sài Gòn (TPHCM), đến trạm thu phí xa lộ Hà Nội mới (đặt tại quận 9), nhân viên trạm thu phí sẽ phát một phiếu thu tạm thời cho tài xế. Trong trường hợp xe đi vào Liên Tỉnh lộ 25B (nay là đường Đồng Văn Cống), phương tiện sẽ không bị thu phí vì tuyến đường này được miễn thu phí. Trong trường hợp xe đi qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội cũ (quận 2), hệ thống camera đặt tại đây sẽ ghi nhận biển số xe và báo về trạm thu phí xa lộ Hà Nội mới để yêu cầu tài xế đóng phí. Vì vậy, để né phí, tài xế nghĩ ra khá nhiều “độc chiêu” để vô hiệu hóa hệ thống camera.
Lắm chiêu nhiều trò
Chiêu thông thường nhất mà cánh tài xế hay sử dụng là dùng áo cũ, giẻ lau, một miếng bìa, tờ giấy để che toàn bộ hoặc một phần biển số xe. Cánh tài xế thủ sẵn “dụng cụ”. Lựa lúc thuận tiện, phụ xe nhanh chóng nhảy xuống, kẹp miếng bìa vào biển số hoặc căng giẻ lau ra nhét vào đầu xe, phủ xuống che biển số. Cá biệt, có tài xế còn dùng cả khóm hoa cúc giắt lòa xòa trước đầu xe để che biển số.
Với tình trạng “mập mờ” này, hệ thống camera không đọc được chính xác biển số nên không ghi nhận, cũng như không chuyển dữ liệu về trung tâm xử lý trên trạm thu phí xa lộ Hà Nội mới. Vì vậy, vô hình trung những xe che biển số được hiểu là đã đi vào Liên Tỉnh lộ 25B và nghiễm nhiên được miễn thu phí.
Một phương pháp nữa phá nhanh gọn mà không kém phần hiệu quả là dùng bút hoặc băng keo đen để “phù phép” con số. Những chữ số dễ bị phù phép là số 0, số 1 và số 3. Tài xế chỉ việc dùng băng keo đen hoặc bút gạch ngang ở giữa thì số 0 đã biến thành số 8. Tương tự, chỉ cần vài nét chấm phá thì số 3 cũng trở thành số 8, số 1 thành số 4. Việc phù phép biển số này được giới tài xế tiến hành từ khi xe còn nằm trong bãi.
Với những loại biển số được “tô điểm” kiểu này, hệ thống camera không cách nào phân biệt được đâu là biển số thật đâu là biển số giả nên cũng không ghi nhận những phương tiện này.
Có tài xế còn dày công nghĩ ra “chiêu độc” là gắn cố định một miếng nhôm vào một đoạn dây dài. Chỉ cần chọn vị trí thích hợp, phụ xe nhảy xuống kẹp miếng nhôm vào biển số rồi ung dung chạy qua hệ thống camera, sau đó phụ xe chỉ cần ngồi trên cabin giựt sợi dây cho miếng nhôm bung ra rồi thu “dụng cụ” về cất đi. Mỗi lần đi qua hệ thống camera, phụ xe lại đem ra sử dụng tiếp.
Một chiêu nữa thường được giới tài xế sử dụng vào ban đêm là nối đuôi nhau chạy thành đoàn, mỗi đoàn từ 4 – 7 chiếc. Lúc này, mỗi xe cách nhau chỉ khoảng nửa mét, đèn xe lại chói sáng nên hệ thống camera không ghi hình được biển số xe.
Video đang HOT
Công khai thực hiện
Sở dĩ chỉ có xe tải nặng và xe container dùng chiêu trò để che biển số nhằm né phí vì mức phí của 2 loại xe này khá cao, từ 40.000 – 80.000 đồng/lượt. Hai loại xe này chỉ được đi qua cầu Sài Gòn từ 0 – 6 giờ nên hành vi này chủ yếu được thực hiện trong đêm. Không ít xe có giấy lưu hành đặc biệt cũng thực hiện che biển số vào ban ngày và bị hệ thống ghi hình lại.
Hầu hết việc dùng “độc chiêu” để né phí được tài xế thực hiện trước khi đi vào vùng ghi hình của camera. Tuy nhiên, không ít tài xế cho xe chạy đến tầm ghi hình của camera rồi mới giở chiêu trò. Trong một số đoạn ghi hình chúng tôi ghi được nhìn thấy rõ phương tiện chạy rề rề để cho phụ xe nhảy xuống thực hiện việc che biển số. Một số phụ xe sau khi thực hiện xong hành vi che biển số không thèm quay trở lại cabin mà cứ chạy trước đầu xe, đến khi qua hệ thống camera mới leo lên xe ngồi.
Phụ xe đang cột dây vào để che biển số
Biển số xe tải này là 4120 nhưng tài xế phù phép thành 4128
Hệ thống camera cũng không thể đọc được biển số xe bị che một nửa hoặc che toàn bộ bằng giẻ lau (Ảnh cắt từ clip do phóng viên thực hiện)
Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) – đơn vị thu phí trên xa lộ Hà Nội – trong thời gian gần đây, lượng vé tháng đang sụt giảm. Một số doanh nghiệp chi tiền cho tài xế đóng phí nhưng do muốn bỏ túi riêng nên họ tìm đủ cách để né. Sau khi dùng thủ thuật để né phí thành công, tài xế tìm cách mua lại biên lai chứng nhận đã thu phí để nộp cho chủ doanh nghiệp. Theo một nhân viên trạm thu phí, đã có một số doanh nghiệp đem những biên lai chứng nhận thu phí này đến nhờ kiểm tra tính xác thực. Trong một đợt kiểm tra khoảng 20 biên lai, nhân viên phát hiện chỉ có 1 biên lai đúng số xe của doanh nghiệp, còn lại đều là biên lai mua lại của phương tiện khác!
Công an TP nghiên cứu xử lý
Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết đến nay chưa nghe CII phản ánh về tình trạng tài xế né phí bằng cách che biển số. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ông Thương sẽ cho kiểm tra và đề ra hướng xử lý. Mới đây, CII cũng đã trình báo sự việc lên Công an TP để nhờ can thiệp. Hiện nay, Công an TP đang nghiên cứu phương án để xử lý tình trạng này.
Theo 24h
Phí đường bộ: Đừng "ép" chủ phương tiện vào thế khó!
Việc quy định thu phí riêng rơ-moóc, thu phí cao các phương tiện vận tải hàng hóa, thu phí cả xe đạp điện, phải nộp phí theo chu kỳ kiểm định... theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, là "ép" chủ phương tiện vào thế khó.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết: Hiệp hội đang hoàn thiện văn bản đề xuất liên quan đến dự thảo mới về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện gửi Bộ Tài chính vào đầu tuần tới, bày tỏ quan điểm và những đề nghị của Hiệp hội.
Ông Hùng cho biết quan điểm, ngay cái tên của thông tư "Phí sử dụng đường bộ" là không đúng vì trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ là thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Tài chính đưa ra tên mới là "Phí sử dụng đường bộ". "Nếu như phí sử dụng đường bộ thì quá rộng. Ở đây chỉ là bảo trì đường bộ, số kinh phí thu được này chỉ góp một phần cùng với Nhà nước để giữ gìn, sửa chữa, bảo trì đường bộ chứ không hoàn toàn là phí sử dụng đường bộ. Tên gọi như vậy là không phù hợp với Nghị định 18 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài chính sửa lại tên thông tư này là Phí bảo trì đường bộ", ông Hùng nói.
Thời gian thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2013.
Theo dự thảo Thông tư về phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính, đề xuất xe ôtô chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân sẽ phải đóng 130.000 đồng/tháng xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe cá nhân) đến các loại xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên sẽ phải đóng phí từ 180.000 - 1.040 triệu đồng/xe mức phí đối với xe đạp điện, xe máy 50-100 cm3 là 50.000-100.000 đồng/năm/xe xe trên 100 cm3 là 100.000-150.000 đồng/năm/xe. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2013.
Ông Hùng nhận định, việc nộp phí theo thông tư hướng dẫn là nộp theo chu kỳ kiểm định của phương tiện. Với các phương tiện thực hiện kiểm định theo chu kỳ dưới 1 năm (3 tháng hoặc 6 tháng/lần), chủ phương tiện cũng phải nộp phí theo chu kỳ này. Điều này đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Với các doanh nghiệp sử dụng hàng trăm xe đến hàng nghìn xe mà yêu cầu họ nộp phí theo định kỳ 3 hay 6 tháng/lần, rất dễ bị đẩy vào tình huống khó khăn, thậm chí phá sản.
Theo đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngoài tem kiểm định cần có một tem nộp phí riêng độc lập. Thời gian nộp phí có thể theo chu kỳ kiểm định hoặc theo thời gian do chủ xe yêu cầu. Có thể chủ xe nộp phí 1 tháng, tháng thứ 2 lại đến nộp phí tiếp và dán tem đảm bảo tùy theo điều kiện của chủ phương tiện.
"Trong biểu thu phí, theo kiến nghị của chúng tôi không nên tách sơmi rơ-moóc và rơ-moóc ra nộp phí riêng vì bản thân 2 loại này không thể tự lưu hành trên đường vì chúng không có động cơ, chúng chỉ có thể lưu hành khi được gắn vào xe đầu kéo vì vậy nên chuyển thành phí tổ hợp cho xe ô tô đầu kéo rơ-moóc. Hơn nữa, trong vận tải, một xe đầu kéo có thể kéo 1 hoặc nhiều rơ-moóc mà tính thu phí theo số rơ-moóc thì chủ phương tiện không thể chịu nổi", ông Hùng phân tích.
Ngoài ra, đối với các xe của lực lượng vũ trang, bộ đội và công an được nộp phí theo quy định riêng với những ưu đãi riêng. Tuy nhiên, xe của lực lương vũ trang làm kinh tế thì phải nộp mức phí theo quy định của xe dân sự. Không để xảy ra tình trạng lạm dụng phương tiện xe lực lượng vũ trang làm kinh tế.
Có thể chính người dân lại phải chịu phí sử dụng đường bộ của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị bỏ thu phí sử dụng phương tiện xe máy điện. Thực chất người dân gọi đây là xe đạp điện. Nếu cứ "ép" xe đạp điện thành xe máy điện để thu phí của người dân thì vô lý! Đối tượng sử dụng xe đạp điện chủ yếu là học sinh, sinh viên đi học, những gia đình không có điều kiện sử dụng xe máy hay người cao tuổi... Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc thu phí xe máy cũng nên được người dân tham gia vì mức phí một năm cũng không đáng kể. Việc thu phí giao cho địa phương thực hiện sẽ có nhiều khó khăn và bất cập.
"Trước đây, khi dự thảo việc thu phí này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có đề xuất thu phí bảo trì đường bộ thông qua xăng dầu. Hình thức thu phí này đảm bảo được sự công bằng. Bởi khi thu phí theo đầu phương tiện, các phương tiện lưu thông trên đường nhiều ít khác nhau, thậm chí có phương tiện hỏng hóc nằm "đắp chiếu" vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ. Việc thu phí theo đầu phương tiện có nhiều bất cập và không thể công bằng với các phương tiện tham gia giao thông. Việc thu phí qua xăng dầu sẽ dễ dàng hơn và triệt để hơn với các đơn vị thu phí. Tuy nhiên, đề xuất này của chúng tôi không được Bộ Tài chính chấp thuận" - ông Hùng chia sẻ.
Về mức thu phí, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc phí với phương tiện vận tải hàng hóa. Với các phương tiện vận tải này, đặc biệt là các phương tiện lớn như xe container, phí tăng bao nhiêu, nhà xe lại thu cước của chủ hàng tăng tương ứng. Như thế vô hình chung, chính người tiêu dùng phải chịu phí sử dụng đường bộ. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ giá thành các sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Theo tinmoi
Thu phí đường bộ ôtô: Thiếu công bằng? "Nên cân nhắc, xem xét hoãn thu phí sử dụng đường bộ bởi mức thu hằng năm là khá lớn. Nếu phải nộp phí qua các kỳ đăng kiểm mỗi năm sẽ gây khó khăn cho chủ xe, nhất là đối với những doanh nghiệp vận tải". Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết...