Độc chiêu mở rộng “lãnh địa” của giang hồ “nhà quê”
Trong giới giang hồ có một luật bất thành văn là “việc ai người đó làm, cơm ai người đó ăn”, tức là không được “thò mũi” vào chuyện của người khác, địa bàn của ai, người đó quản lý, hoạt động. Nếu xâm chiếm địa bàn của người khác có nghĩa là đã khiêu chiến với người đó.
Mà đã “chiến” thì sẽ có đổ máu. Nguyên “tốc độ” – một tên giang hồ “nhà quê” nhưng lại có sở thích trái với luật bất thành văn của giới giang hồ. Có thể chính vì sở thích quái dị này mà Nguyên nhanh chóng bị “vô khám”…
Nguyên “tốc độ”
Mưu hèn kế bẩn
Tại các lễ hội hàng năm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngoài những trò chơi truyền thống thì còn có một số trò chơi khác mang tính sát phạt, được thua của trò cờ bạc, dựa trên cái gọi là “vui chơi có thưởng” như trò chơi ném vòng vào cổ chai quay số trúng thưởng chơi tôm, cua, cá chơi cờ tướng chơi lúc lắc… Băng của Nguyên đã bảo kê cả những trò chơi rất nhỏ lẻ này tại các lễ hội ở Hải Dương, Hưng Yên. Qua tìm hiểu, Nguyên thấy các trò “vui chơi có thưởng” đó ở các lễ hội truyền thống tại Bắc Ninh cho “nguồn thu” ổn định vào dịp đầu năm nên không thể bỏ qua. Nguyên quyết định tranh giành địa bàn bằng gây “thanh thế” giang hồ và phô diễn sở thích “show hàng nóng”.
Nguyên đã kéo đàn em sang Bắc Ninh, tại các huyện giáp ranh với Hải Dương như Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài… để “xâm chiếm” địa bàn. Cuộc “đổ bộ” này báo hiệu một “cuộc chiến” không khoan nhượng của kẻ giữ và kẻ chiếm. Biết “đất có thổ công, sông có hà bá” nên Nguyên đã “cấy” vài thằng đệ tử để “trong đánh ra, ngoài đánh vào. Thế nhưng, những trò quậy phá của băng Nguyên chưa đủ độ để “quấy” được những “anh chị” bản địa. Thế là thói ngông cuồng, thích “show hàng nóng” của Nguyên được dịp “phát tiết”.
Tại quán ăn đêm trong lễ hội, Nguyên rút súng, bắn vào bạt… tiếng nổ phát ra làm chủ quán khiếp vía. Nhưng Nguyên không ngờ là “anh chị” bản địa cũng có súng. Cuộc đấu kết thúc, Nguyên và đàn em bị thương. Theo chỉ đạo của Nguyên, đệ tử bị thương đến trình báo công an, với mục đích “mượn tay giết người”. Chiêu này của Nguyên “nhà quê” không giống với cách hành xử của giang hồ “đẳng cấp”. Giang hồ “đẳng cấp” là tự giải quyết mâu thuẫn, quyền lợi với nhau chứ không hèn là “mượn dao giết người” như thế.
Băng của Nguyên từ kẻ vi phạm, thành nạn nhân, tức là “thắng” nhưng thực tế, băng của Nguyên lại không dám quay lại địa bàn mà y đã tuyên bố là “giành được quyền kiểm soát” ấy.
Nguồn thu chính từ gái mại dâm?
Chưa thể mở rộng được địa bàn với các hoạt động vi phạm khác, Nguyên lại càng “bóc lột” sức “lao động” của gái mại dâm nhiều hơn. Hoạt động dẫn dắt, chứa chấp, môi giới, bảo kê quán có gái mại dâm càng được Nguyên thắt chặt. Việc cơ quan Công an huyện Cẩm Giàng tấn công quán Lệ Hằng, do Nguyễn Thị Hằng, SN 1973 ở Đức Xương, Gia Lộc, Hải Dương làm chủ, bắt quả tang tại quán có 2 đôi nam nữ đang “yêu nhau” – là một trong những sào huyệt hoạt động mại dâm chính do Nguyên bảo kê. Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Còn gái bán dâm, khách mua dâm thì bị xử lý hành chính.
Video đang HOT
Đây là quán cà phê nơi Nguyên “tốc độ” mua phụ nữ về ép làm tiếp viên
Dưới sự bảo kê của Nguyên, các quán hoạt động trá hình và khá tinh vi. Bọn đàn em của Nguyên đã rất thành thạo trong nghề chăn dắt gái bán dâm. Trong số những gái bán dâm đó, có những cô đã từng là bạn gái, là “người yêu” đàn em của Nguyên. Nhưng “tình yêu” của dân giang hồ hám tiền này thật mỏng manh và có những thời điểm, bọn chúng đã bán luôn cả người mình yêu…
Nguyễn Thị H, một cô gái bị bọn Nguyên “chăn dắt”, sau rất nhiều lý do cũng được phép về quê, đã kể lại với cô bạn rằng: Vì tin tưởng “người yêu” – là một đàn em của Nguyên ở Quảng Ninh – nên mới đi theo. Không ngờ, công việc mà “người yêu” tìm cho là làm nhân viên ở quán gội đầu. Khi đã “trao hết” cho người mình yêu thì anh ta đi làm ăn xa. Thực chất là tránh mặt H. Sau đó, H bị ép bán dâm.
Một thời gian, gặp lại “người yêu”, H nhờ “người yêu” giúp đỡ. “Người yêu” nói rằng, đó là lệnh của đại ca, không được “làm trái”. Làm trái, chỉ có con đường chết. Sống ở nơi đất khách quê người, lại “được bảo vệ” nghiêm ngặt, H không dám khai báo, không dám liên lạc về gia đình. Sau rất nhiều lần năn nỉ, van xin, H cũng được “người yêu” tạo điều kiện là cho về thăm nhà. “Người yêu” đã phải bảo lãnh cho H là tuyệt đối giữ im lặng, nếu không sẽ bị đại ca trừng phạt. H hiểu, đòn trừng phạt của giang hồ hiểm ác nên xin cha mẹ cho đi vào miền Nam ở với cô chú. Thực tế có bao nhiêu cô gái, bị “chăn dắt”, bị buộc phải tự nguyện bán “vốn tự có” để lấy tiền, hàng tháng “nộp thuế” cho Nguyên “tốc độ” để chúng ăn chơi phung phí mà không dám lên tiếng, không dám tố cáo giống như H?
Không thể “quê” hơn
Nguyên rất thích được tung hô là giang hồ đất Cảng (Hải Phòng), đất Mỏ (Quảng Ninh) đi khai phá “văn minh” giang hồ. Khi có ai đó vô tình lộ quê quán là ở Hải Dương, Nguyên “thù dai” lắm. Theo giải thích của Nguyên, chỉ có giang hồ Hải Phòng, Quảng Ninh là “đệ nhất” miền Bắc và cả nước. Chỉ cần nói đến địa danh là nhiều tên “anh chị” các địa phương phải nể, phải gờm. Thế nhưng, trong giới giang hồ, “danh” và “chất” phải đi cùng với nhau.
Nguyễn Thị Hằng tại trụ sở công an huyện Cẩm Giàng
Tại Quảng Ninh, Nguyên chỉ là một tên giang hồ tiểu tốt, chưa có “số” thì làm sao có “danh” được. Nhưng, Nguyên lại tự cho mình là đẳng cấp, “chiếu trên” nên rất hay thể hiện hành động coi thường người khác bằng cách rút súng, gí vào đầu để thị uy bắn lên tường ở những chỗ đông người để “show hàng”. Trong một số bữa nhậu ở quán, lúc đông người, Nguyên còn để hẳn súng trên bàn, chỗ nhiều người dễ nhìn thấy nhất. Nguyên thản nhiên ăn, cười đùa với đám đệ tử, với bồ hoặc gái mại dâm mà băng của y chăn dắt.
Để chủ nhà hàng, quán gội đầu, quán hát, khách sạn, nhà nghỉ… phải “nộp thuế” hàng tháng thì Nguyên mở đầu “màn chào hỏi” bằng việc đập phá, đuổi khách. Để thực hiện hợp đồng đòi nợ thuê thì Nguyên chỉ đạo đàn em đánh người gây thương tích, gí súng vào đầu doạ. Chính những trò “Chí Phèo” của Nguyên đã làm các ông, bà chủ sợ, tự nguyện nhận sự bảo kê của nhóm Nguyên, “nộp thuế” hàng tháng là 500.000 đồng, sau đó tăng lên 1 triệu và nhiều hơn nữa. Ngoài “nộp thuế” thì các loại hình dịch vụ trên còn phải cung phụng Nguyên và đệ tử ăn, chơi, nghỉ… miễn phí nếu chúng có nhu cầu.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Hiển kể: Nguyên rất bất ngờ khi bị bắt. Nguyên cho rằng, mình đã “ném đá” rất hoàn hảo nên vô can trong các hoạt động phạm pháp của băng nhóm do mình cầm đầu. Nguyên không phòng thủ, không hề để súng trong người, cạnh người như những lần di chuyển ở bên ngoài. Khi công an ập đến nhà trọ, Nguyên có thái độ bất ngờ và thay đổi thành rất nhanh theo kiểu công an bắt nhầm người. Hai bên xông vào vật lộn với nhau. Nguyên to, khoẻ vừa chống cự, vừa la làng…
Hiện tại, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra các mảng tội của băng Nguyên “tốc độ”. Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc trên các số báo tới.
Theo Nguoiduatin
Độc chiêu lừa giữa phố
Tung tin cháy xe trên xa lộ để sửa chữa với giá cắt cổ, giả làm thợ điện đi bán máy khoan, dàn cảnh cầu xin lòng thương hại của người đi đường... là những chiêu lừa khiến nhiều người mắc bẫy.
Một buổi chiều trên đường đi làm về qua đại lộ Võ Văn Kiệt (TP HCM), chị Thanh (quận Bình Thạnh) thấy hai phụ nữ trạc tuổi 40 chỉ tay vào xe máy của chị, ra hiệu như đang có sự cố. Không để ý đến việc này, chị đi tiếp. Chạy thêm chừng 500 m, thêm người đàn ông chạy vượt qua, lại chỉ tay vào xe của chị.
Chột dạ, chị Thanh dừng lại, quan sát kỹ lốp xe, vành xe, máy... nhưng không phát hiện bất thường nào. Tuy đã nổ máy chạy tiếp nhưng người phụ nữ này không khỏi băn khoăn: "Không phải ngẫu nhiên mà hết người này đến người khác chỉ vào xe mình".
Vòng cao su mà người đàn ông đã thay cho chị Thanh, hét giá 280.000 đồng. Ảnh: Tá Lâm.
Đi thêm một đoạn, có người đàn ông chở theo phụ nữ phóng tới, giọng hốt hoảng nói với chị Thanh: "Hình như xe con bị cái gì kìa, thấy người ta chỉ chỉ quá chừng". Hoảng sợ, chị dừng xe lại cùng với người đàn ông xem xét chiếc Jupiter. Chăm chú nhìn động cơ máy, ông ta phán đoán: "Hình như xe con phát lửa. Chạy được bao xa rồi, chạy tiếp một đoạn nữa xem?".
"Lúc đó,nhớ lại nhiều vụ xe đang chạy bỗng phát cháy mà báo chí đưa tin,đầu tôi quay cuồng không nghĩ ngợi được gì nữa. Sợ run bắn cả người, tôi răm rắp nghe theo lời người đàn ông. Đi được một đoạn, ông ta la lên bảo tôi dừng lại vì xe bị xẹt lửa, tấp vào lề để sửa", chị kể.
Ông ta giới thiệu, nhà ở huyện Bình Chánh, mở tiệm bán xe máy: "Hên cho con đó nha. Coi như chú cứu mạng con đó. Mai mốt có ai mua xe nhớ giới thiệu tới chỗ chú mua", ông ta xởi lởi.
Người đàn ông xoay xoay vặn vặn các con ốc một lúc thì lấy ra một miếng cao su tròn tròn bị bể. Ông ta nói với chị Thanh, vật này hỏng nên làm xăng chảy ra gây xẹt lửa, nếu không kịp thời sửa chữa thì sẽ phát nổ ngay. Sau đó, người đàn ông bảo người phụ nữ đi cùng đưa miếng cao su giống hệt. Chỉ chưa đầy 5 phút sau, sự cố "xe xẹt lửa" đã được xử lý.
Chi Thanh thắc mắc vì sao có sẵn miếng cao su thì người đàn ông này bảo đang trên đường đi bảo hành xe cho khách nên mới có. "Trong lòng đầy hoài nghi, nhưng vì nghĩ người ta giúp mình, sau khi cám ơn rối rít, tôi hỏi cái miếng cao su đó bao nhiêu tiền, ông ta hét giá 280.000 đồng", chị Thanh kể.
Nghi ngờ bị sập bẫy băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chị Thanh thấy sợ nhưng cũng kiên quyết không để mất tiền oan. Chị hỏi xin cái namecard để có dịp "đền ơn" thì được người đàn bà cho biết là quên đem theo. Bị hai người này hối thúc đưa tiền, chị vẫn bình tĩnh nói trong túi chỉ còn 80.000 đồng.
Họ tỏ ra rất giận dữ và khăng khăng bắt phải trả đủ 280.000 đồng. Nhưng khi chị Thanh nói sẽ gọi điện cho anh trai đưa tiền ra trả và móc túi lấy điện thoại, hai người này chấp nhận cầm 80.000 đồng. Chị Thanh cho biết, miếng cao su họ bắt chị trả 280.000 đồng, trong các tiệm sửa xe chỉ 8.000 đồng.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, với chiêu lừa tương tự, nhiều người đã phải mua miếng cao su như trên với giá từ 50.000 đến gần 500.000 đồng. Không chỉ có ở đại lộ Võ Văn Kiệt, trên các con đường của TP HCM như xa lộ Hà Nội (đoạn Suối Tiên đến Nghĩa trang thành phố), cầu Sài Gòn... chiêu lừa "xe xẹt lửa" cũng thường xuyên diễn ra.
Khác với chiêu lừa xe cháy, ở TP CHM cũng xuất hiện nhiều người đóng giả thợ điện đi bán máy khoan để lừa đảo. Cách đây mấy hôm, chị Nguyễn Thị Ngói (sinh viên ĐH KHXH và Nhân văn TP HCM) bị một thanh niên lừa lấy mất máy tính xách tay, 200.000 đồng và giấy tờ tùy thân.
Chị kể, vừa bước ra cổng trường, có người khoảng 27 tuổi, mặc đồ công nhân thợ điện đến hỏi chuyện. "Anh làm thợ điện, có mấy cái máy khoan muốn bán nhưng không dám lộ mặt, muốn nhờ em bán giúp anh sẽ cho em một triệu đồng", anh ta nói.
Chiếc máy khoan mà người đóng giả làm thợ điện nhờ bán để lừa đảo. Ảnh minh họa: Tá Lâm.
Thấy chỉ cần bán giúp anh ta mà được chia tiền, Ngói đồng ý. Người thanh niên này dẫn Ngói đến gần một cửa hàng, đưa cho 3 chiếc máy khoan và một tờ hóa đơn thanh toán, bảo cô sinh viên vào bán cho chủ cửa hàng với giá 9 triệu đồng.
Anh ta yêu cầu Ngói để lại túi xách làm tin với lý do sợ Ngói "chạy mất". Anh ta còn đưa chìa khóa xe Novo đang chạy cho cô sinh viên giữ làm tin. Không mảy may nghi ngờ, Ngói để lại chiếc túi xách.
Chỉ đợi Ngói vào cửa hàng, người thanh niên lấy chìa khóa khác mở xe, phóng bỏ đi cùng chiếc túi xách có chứa laptop, giấy tờ tùy thân và 200.000 đồng của Ngói. Ba máy khoan người thanh niên giao cho Ngói là hàng giá rẻ, chỉ khoảng 300.000 đồng một chiếc.
Chiêu thức giả cảnh nghèo khổ để tìm sự thương hại của người dân cũng khiến nhiều người đi đường mắc bẫy. Công an phường 22 (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã lật tẩy màn kịch của bà Đặng Thị Ký (57 tuổi) - dàn cảnh để người đi đường va quẹt làm đổ gánh tàu hủ, khóc lóc kêu gọi lòng thương.
Tại cơ quan điều tra, người đàn bà này khai hàng sáng gánh tàu hủ trên hành lang bộ hành cầu Sài Gòn. Đợi đến lúc đông người, bà giả vờ va quyệt phải người đi đường làm gánh tàu hủ rơi tung tóe. Ngay lập tức, bà ta kêu khóc thảm thiết cầu xin lòng thương hại của mọi người.
Hàng trăm người đi đường tin vào hoàn cảnh thương tâm của bà đã cho 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng. Một lần "đóng kịch" khoảng một đến hai giờ, bà Ký thu được gần một triệu đồng.
Theo VNExpress
Hiến mình cho "quỷ" - Bài 3: Thế thân Quy luật chung, để giữ mạng sống, các "ông trùm" gốc Phi rất hiếm khi trực tiếp mang heroin trong người hay chứa trong nhà. Thủ đoạn của chúng là dùng tiền che thân, thuê - với giá rẻ mạt - những người phụ nữ mang đi, mang về "cái chết trắng" cho chúng. Vì hoạnh tài, nhiều phụ nữ đã giúp sức...