Doanh thu tăng vọt, lợi nhuận bứt phá, cổ phiếu thép thăng hoa
Nhiều mã cổ phiếu doanh nghiệp thép thăng hoa từ đầu năm nhờ kết quả kinh doanh bứt phá, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực dịch COVID-19.
Nhu cầu sử dụng thép tăng cao trong nước và thế giới sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá thép tiếp tục neo ở giá cao. Đi cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu ngành thép đang trong những ngày tháng thăng hoa khi giá liên tục tăng.
Nóng như cổ phiếu ngành thép
Trên thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu doanh nghiệp thép không ngừng nổi sóng từ đầu năm. Cụ thể, chốt phiên giao dịch sáng nay 28/7, mã HPG của Thép Hòa Phát đứng mức 46.850 đồng/cổ phiếu, tăng 1,41%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 650 đồng.
Thị trường chứng khoán từ đầu năm ghi nhận những phiên thăng hoa của cổ phiếu thép.
Tính từ đầu năm (1/1 – 28/7) cổ phiếu HPG tăng 13%, tương ứng thêm 5.400 đồng mỗi cổ phiếu. Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy cổ phiếu HPG tăng mạnh từ giữa năm 2020. Theo tính toán của Vietstock, trong vòng 1 năm trở lại, mã HPG tăng 109,1%, trong đó đỉnh giá cao nhất lập ngày 1/6/2021 tại mức 55.500 đồng/cổ phiếu.
Mã HSG của Hoa Sen Group cũng tạm khép phiên sáng nay ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 0,84%. Từ đầu năm, cổ phiếu gắn liền với tên tuổi đại gia Lê Phước Vũ tăng trưởng ấn tượng 62,5%, tương đương mỗi cổ phiếu cộng thêm 13.850 đồng. Với hơn 489 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Hoa Sen Group nở thêm hơn 6.700 tỷ đồng.
Video đang HOT
Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim cũng liên tục bay cao khi tăng 112% kể từ đầu năm. Nhờ mức tăng này, mỗi cổ phiếu NKG thêm 16.800 đồng, giúp vốn hóa thị trường tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Dù diễn biến giá không thuận trong quý gần đây song nếu so với 1 năm trước, mã POM của Thép Pomina đã tăng khoảng 163%. Hiện cổ phiếu doanh nghiệp này đang đứng mức 13.400 đồng/cổ phiếu.
Thép Tiến Lên cũng là một trong những cái tên có giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm. Thống kê cho thấy, trong 140 ngày giao dịch kể từ đầu 2021, mã TLH tăng 90,7%, tức mỗi cổ phiếu thêm 6.900 đồng. Mức tăng này còn khủng khiếp hơn nếu so với 1 năm về trước, theo Vietstock, cổ phiếu Thép Tiến Lên đã tăng 380,1% trong một năm qua.
Là ông lớn trong ngành thép, cổ phiếu TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tạm chốt phiên sáng nay, mã TVN đứng mức 12.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu 2021, mã TVN tăng 47,56%, tức mỗi cổ phiếu thêm 3.900 đồng.
Thị trường chứng khoán từ đầu năm cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ của các cổ phiếu MEL của Thép Mê Lin (74,7%), cổ phiếu VCA của Thép Vicasa (tăng 23,8%), cổ phiếu TDS của Thép Việt Đức (tăng 32%)…
Lực đẩy từ doanh thu và lợi nhuận
Tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận cộng với triển vọng tươi sáng trong thời gian tới là bàn đạp cho nhóm cổ phiếu ngành thép thăng hoa.
Trong báo cáo phân tích mới đây về Hòa Phát Group, Chứng khoán Rồng Việt – VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong quý II sẽ đạt khoảng 10.200 tỷ đồng và giảm về mức 8.900 tỷ đồng vào quý III.
VDSC cũng mảng thép cán nóng (HRC) giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh hiện tại của Hòa Phát Group khi doanh nghiệp đang hưởng lợi từ xu hướng tăng giá HRC và nhu cầu mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu tôn mạ.
“VDSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ khả quan trong quý II và quý III do công ty vẫn đang giữ giá bán cao. Báo giá của Hòa Phát cho HRC giao trong tháng 7 là hơn 1.000 USD/tấn, cho phép công ty đạt mức biên lợi nhuận gộp khoảng 38% trong quý III, tương tự mức biên gộp trong quý II “, báo cáo VDSC nêu.
Thực tế quý I/2021, ông lớn ngành thép này đạt doanh thu cao kỷ lục 31.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý I/2020.
Tương tự, Hoa Sen Group mới đây đã công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 5 và lũy kế 8 tháng niên độ 2020 – 2021 với kết quả khá khả quan. Theo đó, lũy kế 8 tháng niên độ 2020 – 2021, doanh nghiệp này đạt doanh thu 29.062 tỷ đồng, thực hiện 88% kế hoạch và lợi nhuận 2.810 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch năm. Hiện Hoa Sen Group cũng đang đứng đầu thị phần tôn mạ với 37,2% và đứng thứ 2 thị phần ống thép với 20,32%.
Trong khi đó, Thép Nam Kim báo lãi nửa đầu năm 1.166 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ và 4 lần so cả năm ngoái nhờ giá thép tăng mạnh. Năm 2021, Thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 16.000 tỷ đồng trên cơ sở sản lượng tiêu thụ đạt 900.000 tấn và lãi sau thuế 600 tỷ đồng.
Chia sẻ tại phiên họp thường niên hồi tháng 4, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc công ty, cho biết kế hoạch này được xây dựng đầu năm khi giá thép thấp. Lúc đó, thép ở mức 700 – 750 USD một tấn nhưng cuối tháng 4 tăng lên 930-950 USD. Vì vậy, kế hoạch lợi nhuận đã hoàn thành ngay trong nửa năm và nếu khả quan, doanh thu đến cuối năm có thể đạt 19.000 tỷ đồng.
Thép Thủ Đức cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần hơn 655 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 34 tỷ đồng, gấp 4 lần. Theo lý giải của TDS, trên đà tăng trưởng quý I, những tháng đầu quý II thị trường thép vẫn tiếp tục sôi động, sản lượng tiêu thụ thép tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 3.000 tấn, giá bán bình quân sau khi trừ chiết khấu cũng tăng 1,5 lần, đem về khoản lợi nhuận gộp tăng hơn cùng kỳ 23 tỷ đồng.
Tương tự, Thép VICASA báo lãi sau thuế quý II/2021 gấp gần 6 lần cùng kỳ, đạt gần 29 tỷ đồng. Trong kỳ,doanh thu thuần của VCA đạt hơn 643 tỷ đồng, tăng 28% so với quý II/2020. Lãi gộp theo đó cũng tăng 91%, lên hơn 31 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh là do doanh thu được thúc đẩy bởi giá bán tăng trong khi giá vốn sản xuất ổn định nhờ công ty dự trữ nguyên vật liệu đầu vào. Tính chung 6 tháng đầu năm, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt 1331 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng hơn 40 tỷ đồng, tăng 217%.
Sắc xanh lan tỏa rộng, VN-Index bật cao
Diễn biến COVID-19 ngày càng phức tạp nhưng trong phiên sáng 27/7, thị trường chứng khoán đã bật tăng hơn 13 điểm so với phiên trước dù thanh khoản chưa có sự vượt trội.
Lực cầu khá tích cực và có tính lan tỏa trên diện rộng, thị trường đã có phiên giao dịch khởi sắc.
Một trong những thông tin được giới đầu tư quan tâm là văn bản của Bộ tài chính gửi Ủy ban chứng khoán (UBCK) về việc rà soát các biện pháp chống nghẽn lệnh. Sau 3 tuần sử dụng hệ thống giao dịch mới, hiện tượng nghẽn lệnh cơ bản đã được khắc phục; đồng thời yêu cầu UBCK khẩn trương báo cáo việc áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước đây để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thông tin này đã phần nào tác động tích cực thêm cho tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Nhóm cổ phiếu bluechip tăng đều trong phiên sáng 27/7 đã giúp thị trường tăng mạnh ngay khi mở cửa. Trong đó, cổ phiếu tăng mạnh nhất 3,8% trong nhóm là TPB, tạm chốt phiên tại mức giá 34.150 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 3% lên 33.100 đồng/cổ phiếu; TCB tăng 2% lên 50.000 đồng/cổ phiếu; VIB tăng 2,5% lên 39.500 đồng/cổ phiếu. Các mã khác VPB, MSB, ACB, MBB, CTG, STB, LPB đều tăng hơn 1%...Trong nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu gồm FPT, MWG, NVL, VHM và VNM, 3 mã đứng giá tham chiếu là KDH, PNJ và SBT, còn lại đều tăng.
Chốt phiên sáng 27/7, sàn HoSE có 226 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index tăng 13,25 điểm ( 1,04%) lên 1.285,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 340,97 triệu đơn vị, giá trị 10.516,93 tỷ đồng, tăng 30,88% về giá trị và 21,27% về giá trị so với phiên sáng 26/7.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí đều giao dịch khởi sắc. Chốt phiên sáng 27/7, HNX-Index tăng 4,33 điểm ( 1,43%) lên 307,21 điểm với 91 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,95 triệu đơn vị, giá trị 1.420,67 tỷ đồng, đều tăng hơn 50% cả về lượng và giá trị so với phiên sáng 26/7.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo: Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1.300 điểm. Theo đó, những nhà đầu tư đã bắt đáy với tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình trong phiên 19/7 khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường trong phiên tới và có thể canh chốt lời nếu VN-Index tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.300 - 1.325 điểm.
Thị trường chứng khoán đang có cơ hội rất tốt để đột phá và cơ hội cần được tận dụng. Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định: Phiên 27/7, thị trường sẽ có phiên phục hồi thành công với độ rộng tích cực, đáng chú ý là có sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản đã bù đắp cho lực cản từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường, nếu không có biến động lớn trong các phiên tiếp theo, chứng khoán vẫn được kỳ vọng sẽ có sóng tăng trở lại.
Giao dịch hé lộ tài sản "khủng" của con tỷ phú ngân hàng Thị trường chứng khoán nhiều biến động gây ảnh hưởng tới tài sản các tỷ phú là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua. Khối tài sản của con tỷ phú Hồ Hùng Anh Tuần qua, bà Hồ Thủy Anh (con gái tỷ phú Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank) vừa hoàn tất giao dịch mua...