Doanh thu du lịch sụt giảm, nhiều nơi dừng đón khách để chống Covid-19
Nhiều địa phương đã dừng đón, có nơi thì vắng khách khiến cho ngành du lịch cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Mộc Châu (Sơn La) tạm dừng đón khách du lịch từ vùng có dịch Covid-19
Nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế tối đa lây nhiễm qua đường du lịch, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã quyết định tạm dừng, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn.
Với thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ, Mộc Châu luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách.
Cụ thể, tại công văn số 635, ngày 11/3/2020, Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động cho ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tạm dừng không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn; các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch thì tạm thời từ chối, hoặc hủy cung cấp dịch vụ đối với các đoàn đông người, đến từ các quốc gia và vùng có dịch để phòng ngừa.
Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS- CoV-2 cần phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý khách du lịch theo quy trình, hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.
UBND các xã, thị trấn cũng được yêu cầu chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền và phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường trong phạm vi cơ quan và hộ gia đình; khuyến khích tạm dừng tổ chức tất cả các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch, hạn chế thấp nhất việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người; chủ động phối hợp nắm tình hình về toàn bộ số người nước ngoài, số người trở về từ vùng dịch để chủ động các biện pháp theo dõi phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Mộc Châu quyết định tạm dừng, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn.
Theo Lãnh đạo UBND huyện Mộc Châu, với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, cao nguyên Mộc Châu luôn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngay trong những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19, Mộc Châu vẫn có khá đông du khách trong nước, quốc tế đến tham quan du lịch. Tuy nhiên, bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, Mộc Châu vẫn giữ vững mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe của du khách và cộng đồng dân cư trước đại dịch Covid-19. ( Trấn Long-VOV-Tây Bắc)
Thừa Thiên Huế tạm dừng đón khách tham quan các điểm di tích
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ký văn bản hỏa tốc về việc tạm thời không đón khách vào tham quan các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Các điểm di tích Huế dừng đón khách tham quan.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các huyện, thị xã, thành phố Huế, kể từ 17h ngày 14/3 các điểm trên dừng đón khách cho đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh thực hiện xử lý môi trường, phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch Covid 19 và đảm bảo điều kiện an toàn cho việc đón khách tham quan trở lại.
Ông Võ Lê Nhật, Giám Đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Di tích, bảo tàng… đều đóng hết cho đến khi có thông báo sau tuỳ tình hình. Tôi thấy, lượng khách vẫn đông mà tình hình dịch đang phức tạp, yêu cầu dừng đã, còn chuyện mở cửa phải chờ các thông báo tiếp theo của Ban chỉ đạo”. (Lê Hiếu/VOV-Miền Trung).
Video đang HOT
Tạm dừng bán vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tạm thời dừng bán vé tham quan.
Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Theo ông Phan Hộ, việc tạm dừng bán vé tham quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhưng đơn vị vẫn nghiêm túc chấp hành. Ông Phan Hộ cũng cho biết, đến ngày 3/3, Mỹ sơn đón hơn 1.000 lượt khách tham quan. Sau đó vài ngày, lượng khách bắt đầu sụt giảm còn khoảng 700 khách. Con số này tiếp tục sụt giảm khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các nước châu Âu.
“Để an toàn chung cho nhân dân, đồng thời cũng hạn chế việc đi lại của khách nước ngoài. Ở Mỹ Sơn, cơ cấu lượng khách tham quan đến hơn 80% là khách nước ngoài. Trong điều kiện hiện nay, nếu Mỹ Sơn tiếp tục mở cửa thì du khách vẫn tiếp tục đến. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, chúng tôi phải thực hiện biện pháp tạm thời đóng cửa không phục vụ khách du lịch nữa trong một thời gian khi nào có quyết định mới sẽ thông báo”, ông Phan Hộ nói.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất tạm dừng bán vé tham quan đô thị cổ Hội An vì dịch Covid-19. (Hoài Nam/VOV-Miền Trung)
Vắng khách, du lịch TP HCM thiệt hại nặng vì Covid-19
Đến thời điểm này, ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, mất doanh thu lớn là tình trạng chung của các điểm tham quan, các doanh nghiệp du lịch.
Những ngày qua, Bưu điện TPHCM vắng hẳn khách tham quan so với thời điểm này năm ngoái.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có kiến trúc cổ và không gian rộng rãi, lâu nay là điểm tham quan thu hút rất đông khách trong và ngoài nước, nhưng những ngày qua lượng du khách đến đây giảm sút nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Đức Trung, hướng dẫn viên của Công ty cổ phần Du lịch Quốc tế – Asian Travel, thường xuyên dẫn khách ở khu vực này cho biết, lượng khách đến Bưu điện TP HCM chỉ bằng một phần nhỏ trước đây do khoảng 70% các tour tham quan TP bị hủy, nhất là sau khi Chính phủ ngừng miễn thị thực cho công dân 8 nước Châu Âu.
“Nếu như năm trước tầm này đông nghịt khách nhưng bây giờ tất cả mọi người đều nhìn thấy, rất ít khách, cỡ bằng 10% năm trước. Khách ít như vậy, thu nhập…đại đa số bị ảnh hưởng rất lớn”, anh Đức chia sẻ.
Chị Lê Thị Hồng Thu, tiểu thương tại chợ Bến Thành chỉ biết cầu mong cho dịch bệnh qua mau để khách du lịch đông trở lại.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, phụ trách mảng Tiếng Đức, hướng dẫn viên của Công ty TNHH MTV Tiêu điểm Châu Á, cũng thường xuyên hoạt động tại khu vực Bưu điện TP HCM cho biết, trong một tháng vừa rồi rất nhiều khách sạn, công ty lữ hành phải hủy tour. Khách du lịch không đến TPHCM ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều người làm trong ngành du lịch.
Số lượng vé tham quan bán ra của Dinh Độc Lập những ngày qua giảm sút đáng kể.
Tương tự, chợ Bến Thành là điểm tham quan hút khách, nhộn nhịp nhất nhì TP HCM, bởi đây không chỉ là điểm du lịch mà còn là nơi buôn bán lớn của TP HCM. Thế nhưng gần hai tháng nay, chợ trở nên vắng vẻ, đìu hiu.
Tiểu thương Lê Thị Hồng Thu cho hay, thu nhập chủ yếu của chị là nhờ bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài. Nếu trước đây du khách ra vào nườm nượp, trung bình một ngày đêm chị bán được 40 lượt khách thì nay phải ngồi buồn rầu, từ sáng đến trưa vẫn chưa có khách tham quan.
“Trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì chợ bán rất ế. Khách đi du lịch từ sáng tới giờ là không thấy. Bình thường khu này bán rất sớm mà tới thời điểm này vẫn chưa bán mở hàng, chưa có ai hỏi tới, so với trước Tết thì bây giờ quá ế, nhìn không thấy ai đi cả”, chị Hồng chia sẻ.
Khách vắng, vé bán giảm, bị hủy tour, mất doanh thu… đó là tình trạng chung của rất nhiều điểm tham quan, công ty du lịch tại TPHCM. Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên bán vé tour tại Dinh Độc Lập phải thừa nhận Dinh cũng đang bị ảnh hưởng vì dịch covid-19: “Số lượng vé giảm, ngày này đang dịch thì giảm hơn bình thường. Tuần vừa rồi chưa có dịch trở lại cũng đông, nhưng giờ thì vắng hơn. Không những Dinh mà tất cả những chỗ khác đều giảm và vắng”.
Ông Đặng Hiếu Minh, Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại & Du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) tại TPHCM cho rằng, số ca mắc covid-19 gia tăng thì hai đến 3 tháng tới du lịch TPHCM sẽ bị “tê liệt”, rơi vào trạng thái “ngủ đông”, rất ảm đạm. Vì thế ông mong muốn các hãng hàng không có thể hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, điểm tham quan trong việc hủy tour, hủy chuyến. Đồng thời các doanh nghiệp cần có kiến nghị trong chính sách thuế để tháo gỡ khó khăn hiện tại.
Một nhóm khách Châu Âu đang nghe hướng dẫn viên thuyết minh trong Dinh Độc Lập.
“Nếu có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chúng tôi trong việc hủy, phạt vé máy bay thì chúng tôi rất hoan nghênh. Đồng thời các doanh nghiệp lữ hành cũng nên cùng nhau đề xuất lên chính phủ để có chính sách giảm thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệ có cơ hội hồi phục. Trong thời gian này chúng ta nên tận dụng để xây dựng lại các sản phẩm du lịch và đưa ra các gói truyền thông cũng như kích cầu, tour, chương trình khuyến mãi khi thị trường có tín hiệu hồi phục chúng ta có thể ngay lập tức thu hút lại khách du lịch quốc tế”, ông Minh nói.
Theo Sở Du lịch TP HCM, qua khảo sát 22 doanh nghiệp lữ hành có quy mô lớn, đến hết tháng 2, số khách trong và ngoài nước hủy tour tham quan TP HCM và các dịch vụ du lịch vì dịch Covid-19 là gần 88.000 khách, thiệt hại về doanh thu hơn 920 tỷ đồng. Theo dự báo của một số chuyên gia du lịch, đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, khách du lịch nước ngoài đến TP HCM ít nhất giảm thêm 40-50%. Do lượng khách chiếm tỉ trọng cao là Trung Quốc, Hàn Quốc không đến, khách Châu Âu hủy tour đến Việt Nam, trong đó có TP HCM.
Nhóm phóng viên/VOV
Theo vov.vn
Thừa Thiên Huế: Điểm đến an toàn thân thiện với du khách
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 nhưng những ngày qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhiều du thuyền quốc tế và các đoàn khách nước ngoài đến tham quan.
Đang thời điểm dịch bệnh Covid-19 nhưng những ngày qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đón nhiều du thuyền quốc tế và các đoàn khách nước ngoài đến tham quan các điểm di tích, danh thắng. Cùng với các thành phố Đà Nẵng, Hội An, tỉnh Thừa Thiên Huế được du khách đánh giá là điểm đến du lịch an toàn.
Hiện nay, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn diễn ra bình thường. Tại các điểm tham quan, trải nghiệm Di sản Cố đô Huế như Hoàng cung, lăng tẩm, chùa chiền, các điểm du lịch cộng đồng... tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng chương trình ưu đãi phục vụ du khách. Những ngày tháng 2 này, bình quân mỗi ngày, Di sản Huế đón từ 7.000-8.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 6.000 lượt. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nghiên cứu các gói kích cầu như tổ chức "Tuần lễ vàng du lịch tại Di sản Huế", thực hiện giảm 20-50% giá vé cho các đoàn tham quan điểm di tích.
Khách du lịch đến tham quan di sản Huế.
"Tôi cảm thấy khách sạn rất chu đáo và ân cần với cả khách hàng, đảm bảo cho khách hàng yên tâm khi đến du lịch tại Huế"- Bà Nguyễn Thanh Diệu Trang, du khách đến từ Hà Nội, cho biết.
Những ngày qua, cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tiếp đón 3 du thuyền với hơn 4.000 du khách. Hiện cảng Chân Mây đã được tỉnh Thừa Thiên Huế trang bị máy tầm soát thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe du khách trước khi nhập cảnh đúng theo quy định của ngành y tế. Chỉ những du khách có chỉ số sức khỏe bình thường mới được phép lên bờ tham quan. Một số doanh nghiệp du lịch đã giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc Khách sạn AlBa Sapa Thanh Tân cho biết: sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức đề kháng đang được doanh nghiệp này giới thiệu với đối tác, tìm kiếm nguồn khách mới.
"Chúng tôi đã có những hoạt động để chuyển tải thông điệp tới khách hàng như là ngâm tắm suối khoáng nóng sẽ nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó điểm vui chơi ở resot AlBa đưa ra thông điệp đó thì cũng được sự hưởng ứng của qúy khách hàng trong thời điểm hiện nay"- bà Châu Thị Hoàng Mai cho biết.
Tàu Silver Spirit cập cảng Chân Mây vào ngày 19/2.
Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, qua thống kê cho thấy lượng khách đến Huế giảm khoảng 15% so với trước, dự kiến đến khoảng tháng 3/2020, số lượng khách giảm khoảng 20%. Ông Thắng nhận định, lượng khách có giảm, song đây là con số có thể chấp nhận được với ngành du lịch Huế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
"Trong tâm điểm dịch nhưng khách đến rất đông và trên cơ sở đó chúng tôi tìm mọi biện pháp để quảng bá điểm đến, vùng Huế hiện nay rất an toàn, thân thiện. Tất cả các doanh nghiệp, các công ty lữ hành và hướng dẫn viên đều phải nêu cao vai trò của mình trong vấn đề quảng bá để cho khách biết được đây là điểm đến an toàn, yên tâm và thân thiện"- ông Đinh Mạnh Thắng cho biết.
Cùng với việc đảm bảo môi trường du lịch an toàn, giới thiệu quảng bá điểm đến thân thiện, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang có giải pháp tái cơ cấu thị trường khách, liên kết để có những gói kích cầu du lịch, nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và người dân, thời gian qua, ngành du lịch, ngành y tế và các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng và đơn vị quản lý các điểm di tích đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như phát khẩu trang, dung dịch nước rửa tay cho du khách.
"Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng điểm đến để khẳng định Huế vẫn là điểm đến an toàn và thân thiện. Tôi nghĩ đó hết sức quan trọng, để người khách du lịch yên tâm đến thưởng ngoạn đến du lịch tại Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, sẽ có gói kích cầu liên quan giảm giá về tham quan, làm việc với các tour với các đơn vị lữ hành, đơn vị hàng không để giảm giá vận tải từ quốc tế cũng như từ trong nước từ TP Hồ Chí Minh, từ Hà Nội đến Huế"- ông Phan Ngọc Thọ cho biết./.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Theo vov.vn
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kích cầu du lịch hiệu quả Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều điểm du lịch tại TPHCM vẫn giữ được niềm tin với du khách. Vẫn hấp dẫn du khách quốc tế Du khách quốc tế tham quan Bưu điện thành phố chiều 21/2/2020. Ảnh T.D Trong những ngày gần đây, tại một số điểm tham quan nổi...