Doanh số bán ô tô Vios tại Việt Nam tăng gần 290%
Ngày 10/3, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) công bố tổng doanh số bán hàng trong tháng 2/2020 đạt 4.682 xe (không bao gồm xe Lexus), tăng 104% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sedan Vios – mẫu xe bán chạy nhất của Toyota hàng tháng.
Trong tổng doanh số trên, xe lắp ráp trong nước (CKD) đạt 3.641 xe. Cụ thể, Toyota Vios đạt doanh số bán 2.468 xe, tăng gần 290% so với cùng kỳ năm ngoái và đứng thứ nhất về doanh số trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và trên toàn thị trường.
Đây là mẫu xe được Toyota Việt Nam vừa tung ra phiên bản nâng cấp với những cải tiến về an toàn và tiện nghi, trang bị thêm hàng loạt công nghệ hiện đại như tính năng kiểm soát hành trình (Cruise control), cảm biến hỗ trợ góc trước và sau cho phiên bản G, camera lùi, kết nối Android Auto và Apple CarPlay trên tất cả các phiên bản…
Bên cạnh đó, doanh số bán của Innova đạt 613 xe, tăng 29% và Corolla Altis là 135 xe, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019. Toyota Fortuner tháng này đạt mức doanh số 528 xe, trong đó có 425 xe CKD (chiếm 69% doanh số Fortuner), tăng 8% so với cùng kỳ.
Với dòng xe nhập khẩu, trong tháng 2 vừa qua có tổng cộng 1.041 xe được tiêu thụ; trong đó có có 249 xe Camry, Rush đạt 291 xe, Wigo đạt 167 xe, Hilux đạt 97 xe và Toyota Yaris đạt 64 xe./.
Theo Bnews
[ĐÁNH GIÁ XE] Toyota Rush S 2020 - Đủ dùng!
Sự thực dụng kết hợp với sức hấp dẫn của thương hiệu Toyota là thứ tạo nên sức hút của Rush, mẫu MPV lai crossover 7 chỗ. Tuy nhiên, liệu sự thực dụng có là yếu tố quan trọng nhất đối với khách hàng Việt?
Toyota Rush là mẫu xe đa dụng cỡ nhỏ được sinh ra để phục vụ những gia đình sinh sống tại các thành phố lớn, nơi sự nhỏ gọn, linh hoạt và tiện dụng luôn được ưu tiên. Toyota Rush chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 07/2018, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia cùng với các mẫu Toyota khác như Fortuner, Avanza và Wigo.
Đây là một phần trong kế hoạch tập trung vào xe nhập khẩu của Toyota Việt Nam nhằm tận dụng chính sách miễn thuế cho xe sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách gần đây khiến Toyota lại tập trung lắp ráp xe trong nước với sự khởi đầu là Fortuner CKD, bên cạnh các mẫu xe đại trà như Vios hay Innova. Tuy vậy, xu hướng tiêu dùng chủ yếu của khách hàng Việt vẫn ưu ái xe nhập khẩu nguyên chiếc hơn. Đó là lý do vì sao những mẫu xe như Toyota Rush vẫn tiếp tục được nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.
Toyota Việt Nam chỉ nhập về một phiên bản Rush duy nhất với động cơ 1.5 lít và hộp số tự động 4 cấp (tương đương Xpander) và không có phiên bản số sàn. Giá bán của Toyota Rush là khoảng 668 triệu đồng (cao hơn Xpander phiên bản số tự động tương đương 48 triệu đồng). Dù vậy, Toyota Rush vẫn thu hút được một lượng khách hàng riêng. Đó là nhờ sự kết hợp giữa khung gầm cao không sợ đường xấu và nội thất 7 chỗ ngồi phù hợp với nhu cầu di chuyển với nhiều người trên xe của đa số gia đình Việt Nam.
Video đang HOT
Ngoại thất tân thời
Ta dễ dàng nhận thấy chiếc xe nhà Toyota vẫn duy trì thiết kế hiền hòa đặc trưng của hãng mà không quá phô trương, hầm hố như đối thủ Xpander hay Ertiga. Đối với một số người thì đó là nét "duyên thầm" của Rush vì không phải ai cũng thích sở hữu một chiếc xe có ngoại hình như "rô bốt biến hình", nhất là khách hàng trung niên.
Nhìn một cách tổng thể, thiết kế của Toyota Rush 2019 dễ khiến người nhìn liên tưởng tới một chiếc Fortuner thu nhỏ. Xe sở hữu kích thước tổng thể 4.435 x 1.695 x 1.705 mm, trục cơ sở 2.685 mm, khoảng sáng gầm lên tới 220 mm, rất phù hợp với cả nhu cầu "leo lề" khi đỗ xe trong phố hay đi đến những vùng núi hiểm trở. Xe có trọng lượng khô 1.290 kg, cao hơn một chút so với đối thủ cùng cấp vì Rush có cấu hình dẫn động cầu sau, vốn đòi hỏi trục các đăng dài hơn và vi sai lớn hơn xe dẫn động cầu trước. So với thế hệ trước (không phân phối chính thức ở Việt Nam), Toyota Rush 2020 dài hơn 45 mm, cao hơn 15 mm. Đó là sự "nảy nở" thích hợp để phục vụ nhu cầu di chuyển với 7 người trên xe.
Toyota Rush vẫn sở hữu những đường nét hiện đại và cá tính, không bị lạc lõng giữa những đối thủ ra mắt sau. Chúng ta thấy lưới tản nhiệt hình thang với các thanh nằm ngang tương tự với Toyota Innova, nhưng cụm đèn được thiết kế liền mạch với lưới tản nhiệt đã mang đến một bộ mặt hứng khởi, năng động hơn so với Innova. So với đối thủ Xpander, Toyota Rush S nhỉnh hơn về hệ thống chiếu sáng vì mẫu xe này được trang bị đèn pha LED tự động bật, trong khi Xpander chỉ có đèn pha halogen.
Nhìn sang phần thân xe của chiếc Toyota Rush, ta vẫn thấy những đường nét thiết kế tương đối mạnh mẽ và cảm xúc, xứng đáng là mẫu xe hướng đến nhóm khách hàng thành thị, vốn có đòi hỏi khá cao về mặt thẩm mỹ. Ta có 1 đường hõm chạy từ vòm bánh xe trước, vuốt lên cụm đèn sau. Phần thân dưới được ốp nhựa đen - kiểu thiết kế đặc trưng của xe SUV/CUV, giúp mang lại ấn tượng thị giác rằng xe cao ráo, hầm hố hơn thực tế.
Cá nhân tôi thích kiểu la-zăng hình cánh quạt của Toyota Rush hơn Expander vì nó lớn hơn (17 inch so với 16 inch) và có thiết kế bắt mắt hơn, dù kiểu la-zăng của Xpander che khuyết điểm phanh sau tang trống tốt hơn. Một điểm cộng nữa cho Toyota Rush là nước sơn của mẫu xe này cao cấp hơn với 1 lớp nhũ óng ánh, trong khi sơn Xpander không có nhũ. Thêm vào đó, cửa sổ dành cho người ngồi hàng ghế ba cũng lớn hơn 1 chút so với Xpander, mang lại tầm nhìn thoáng đãng hơn. Thiết kế phần đuôi xe của Rush cũng khá hiện đại với đèn hậu LED, 2 cảm biến lùi và camera lùi. Nhìn chung thì Toyota Rush là một chiếc xe có ngoại hình tương đối đẹp.
Nội thất không nhiều điểm nhấn
Đối với một chiếc xe gia đình thì không gian nội thất là tiêu chí quan trọng nhất. Tại sao lại mua xe 7 chỗ trong khi 7 người không thể ngồi thoải mái trong xem, đúng không? Không gian nội thất là thứ khiến Toyota Innova độc bá trong một thời gian dài, và bây giờ chúng ta sẽ xem đàn em Rush thể hiện như thế nào.
Bằng đo lường thực tế, tôi thấy nếu để hàng ghế 2 ở vị trí tiêu chuẩn thì khoảng cách giữa lưng hàng ghế 2 đến lưng hàng ghế 3 là 70 cm. Đó không phải là một con số quá ấn tượng nhưng cần nhìn nhận thực tế rằng hàng ghế thứ 3 của Rush được thiết kế ra để phục vụ trẻ em là chính. Nhóm trải nghiệm đã bố trí 3 người ngồi ở 3 hàng ghế để trực tiếp trải nghiệm độ rộng rãi của 3 hàng ghế. Tôi cao 1m7 và 2 người trải nghiệm khác cao 1m8. Ngồi ở hàng ghế thứ 3, tôi phải bó gối một chút và mặt ghế cũng không mấy êm ái nhưng nếu đi hành trình ngắn dưới 10 km thì vẫn không quá khó chịu.
Điều khiến tôi kém hài lòng nhất là ghế lái chưa thích hợp với thể trạng, dù tôi cũng chẳng hề to cao ngoại cỡ. Vai ghế lái rất thấp nên không đủ ôm trọn vai người lái, trong khi mặt ghế cũng ngắn nên nếu lái đường xa, chân người lái sẽ dễ bị mỏi vì phần đùi không được nâng đỡ toàn bộ. Vô lăng của Toyota Rush cũng chỉ chỉnh được độ cao thấp chứ không thò thụt nên tôi không thể tìm được một tư thế lái thực sự thoải mái. Tất nhiên nhược điểm về tư thế ngồi lái chỉ thực sự bộc lộ rõ khi đi đường xa như chuyến đi Sapa vừa rồi của chúng tôi, nếu bạn chỉ đi phố hằng ngày thì điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm với chiếc xe.
Bù lại cho phần ghế ngồi không mấy thoải mái là một màn hình trung tâm khá đẹp. So với màn hình nguyên bản của đối thủ chính Xpander, Màn hình của Rush không chỉ lớn hơn (7 inch so với 6.2 inch) mà còn sáng hơn, rõ nét hơn, chạy giao diện đẹp hơn và nhất là phản ứng nhanh nhạy hơn. Chưa hết, Toyota Rush có dàn âm thanh 8 loa, trong khi Xpander chỉ có 6 loa.
Bên cạnh đó, Toyota Rush cũng được trang bị điều hòa tự động với màn hình hiển thị nhiệt độ, trong khi điều hòa Xpander chỉ có những nấc gió và nhiệt độ cố định. Toyota Rush có dàn cửa gió sau được bố trí trên trần xe, rất thuận tiện và hiệu quả hơn kiểu cửa gió đặt sau bệ tỳ tay giống như mọi mẫu crossover trên thị trường. Nhắc đến bệ tỳ tay thì tôi lại thấy tiếc vì Rush không có bệ tỳ tay trong khi lại có tới 3 hộ để cốc trung tâm. Dù khách hàng có thể dễ dàng độ những "đồ chơi" như màn hình trung tâm hay bệ tỳ tay nhưng sẽ tốt hơn nếu một chiếc xe được trang bị đủ từ nhà máy.
Về trang bị an toàn, Toyota Rush lại vượt trội so với cả hai đối thủ cạnh tranh chính là Suzuki Ertiga và Mitsubishi Xpander. Với mức giá cao hơn 48 triệu đồng, Toyota Rush nổi trội hơn Xpander với hệ thống kiểm soát lực kéo, 6 túi khí, Hỗ trợ đổ đèo và cảm biến lùi phía sau. Mẫu xe của Mitsubishi không có kiểm soát lực kéo, cảm biến lùi và nhất là chỉ được trang bị 2 túi khí. Những thiết bị an toàn cơ bản như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử ESP, Hỗ trợ khởi hành ngang dốc đều được trang bị cho cả 2 mẫu xe. Trong khi đó, Suzuki Ertiga lại thiếu đi cân bằng điện tử ESP. Có thể điều này là khá lạ lẫm đối với một số người tiêu dùng, nhưng Toyota Rush lại là mẫu xe có đầy đủ hệ thống an toàn nhất trong phân khúc.
Trải nghiệm lên Sapa
Toyota Rush được trang bị động cơ 2NR-VE 4 xy-lanh, dung tích 1.5L, sản sinh công suất tối đa 102 mã lực tại 6.300 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 134 Nm tại 4.200 vòng/phút, kết hợp với hộp số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu sau. Máy 1.5 lít và hộp số 4 cấp là những tiêu chí thông dụng ở phân khúc này, bạn không thể đòi hỏi một chiếc xe mang trong mình động cơ, hộp số hiện đại mà có giá bán rẻ được.
Để trải nghiệm khả năng đi đèo dốc của Toyota Rush, chúng tôi đã tranh thủ đến Sapa vào một dịp cuối tuần trước Tết. Trên xe là 4 người lớn với cân nặng trung bình khoảng 75 kg và rất nhiều thiết bị quay phim và đồ đạc cá nhân nên cũng có thể coi đây là một chuyến dã ngoại với 6, 7 người trên xe. Trong khu vực nội thành Hà Nội thì chiếc Rush hoạt động nhẹ nhàng và tương đối thoải mái. Sự nhỏ gọn của Rush là lợi thế lớn khi đi phố. Nước ga đầu cũng khá bốc vì bước số 1 được thiết kế rất ngắn để tận dụng tối đa công suất động cơ.
Ra đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì cũng là lúc trải nghiệm với Toyota Rush bắt đầu trượt khỏi kỳ vọng của tôi. Chiếc xe cần vòng tua lên tới 3.000 vòng/phút để duy trì tốc độ 100 km/h, một mức khá cao trong thời buổi hiện tại. Thêm nữa, xe không có sẵn ga tự động (cruise control) nên cầm lái một hành trình dài (riêng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã dài tới 264 km) với Rush là tương đối mỏi chân.
Thêm một vấn đề nữa là hệ thống treo của xe. Cả treo trước và treo sau đều có lò xo quá cứng, giảm chấn quá mềm nên kiểm soát thân xe k tốt vì dao động này chưa được dập tắt triệt để thì dao động khác đã tới. Điều này khiến thân xe luôn dao động và không bao giờ đạt trang thái cân bằng, êm ái, nhất là đi tốc độ cao ở mặt đường tương đối xấu.
Với bất kỳ chiếc xe nào thì cách dễ dàng nhất để biết xe có êm ái hay không là quan sát phần đầu của một người đang ngủ trên xe. Khi ngủ thì phản xạ tự cân bằng của con người bị tạm dừng, nếu đầu của người đang ngủ bị lắc lư nhiều thì tức là xe không êm ái. Với chiếc Rush, đầu của 3 người bạn đồng hành của tôi lắc lư khá nhiều.
Đến đoạn đèo dốc lên thị trấn Sapa, chiếc Rush cần một tay lái vững vàng kinh nghiệm và sự tính toán chi li để vượt xe một cách an toàn. Công bằng mà nói thì mọi chiếc xe trong phân khúc cũng sẽ khá vất vả khi vượt ở đường đèo dốc và Rush cũng vậy. Lên đến thị trấn thì mọi nhược điểm khi đi đường đèo dốc đã lắng xuống, chiếc xe lại êm ái và linh hoạt khi đi vòng quanh trung tâm Sapa, nơi đông nghịt người những ngày cuối tuần, chẳng kém Hà Nội là mấy!
Kết luận
Kết thúc hành trình đi Sapa, đối với tôi thì điểm sáng lớn nhất của chiếc Rush là khả năng tiết kiệm nhiên liệu của nó. Chiếc xe chỉ tiêu thụ đúng 7 lít xăng/100km trong hành trình hơn 600km vừa qua, một con số rất đáng khen ngợi. Như vậy, có thể thấy rằng khả năng tiết kiệm xăng cộng với thiết kế đẹp, độ bền bỉ và thương hiệu Toyota là những yếu tố cần thiết để Rush tiếp tục trụ vững tại thị trường Việt Nam.
Theo Tuoitrethudo
Toyota Rush - lựa chọn phù hợp cho người mua xe lần đầu Tâm lý đắn đo vì ít trải nghiệm khiến người mua xe lần đầu không biết chọn chiếc nào để an toàn tài chính. Toyota Rush là một đáp án. Minh Sơn lên Google gõ cụm từ "Lần đầu mua, chọn xe nào 700 triệu", và công cụ tìm kiếm trả cho 3,9 triệu kết quả. Sơn hoa mắt. Anh tham gia vào...