Doanh nhân thủy sản nhảy Gangnam Style
Trong clip dài hơn 4 phút, doanh nhân ngành thủy sản Nguyễn Thanh Lang (thường biết đến với tên Michael Lang) thể hiện lại điệu nhảy ngựa nổi tiếng của nam ca sỹ Hàn Quốc Psy trong “hit” Gangnam Style
Một cảnh quay trong clip Gangnam Style của Michael Lang. Ảnh: Dienkhanh
Các cảnh quay khá giống với video gốc của Psy, do chính Michael Lang thực hiện và hát bằng lời Việt. Clip này được tải lên mạng chia sẻ YouTube từ ngày 3/12 và sau một tuần đã có hơn 200.000 lượt xem, với 371 người nhấn nút “Thích” và hơn 2.600 lượt “Không thích”. Bên cạnh đó cũng có hơn 1.660 bình luận, phần đông bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng Michael Lang nên tập trung vào công việc chính của mình là kinh doanh.
Một số thành viên cộng đồng lên tiếng bênh vực Thanh Lang, cho rằng đây là sở thích riêng của từng người. Nickname Tung nguyen manh nói: “Bài hát này đem lại cho mình tiếng cười và sự thoải mái. Like vì niềm đam mê của anh Michael Lang”.
“Tôi chưa bao giờ cho mình là một ngôi sao, bởi vậy có người có ý kiến này, có người có ý kiến kia là chuyện thường tình – nghề đi hát là nghề làm dâu trăm họ mà các bạn”, Michael Lang giãi bày trên website của mình khi có nhiều ý kiến không thiện cảm với clip mới của anh.
Cũng không ít lần anh ngại ngùng: ca hát, nhảy múa giữa đám đông sẽ khiến bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, nhân viên, sợ sẽ mất hình ảnh, dáng vẻ tôn nghiêm trong công việc. Song, có chê cũng có khen và quan trọng hơn anh được sống hết mình với âm nhạc, phòng thu trở thành nơi xả stress hữu hiệu sau những giờ làm việc căng thẳng.Doanh nhân Nguyễn Thanh Lang là một kỹ sư nông nghiệp, sẵn niềm đam mê ca hát và thần tượng “vua nhạc Pop” Michael Jackson nên làm lãnh đạo doanh nghiệp, anh vẫn không từ bỏ sở thích sưu tầm nhạc của Michael trong các chuyến công tác nước ngoài, mang về nghiên cứu và chọn những bài hay để dịch sang tiếng Việt. Không chỉ xuất hiện trong các video được tải lên YouTube, Michael Lang còn tổ chức các liveshow và ra mắt album của riêng mình.
Video đang HOT
Michael Lang nói: “Nhiều lúc cũng khó cân bằng giữa công việc và đam mê ca hát. Bởi ca hát cần đầu tư nhiều thời gian, trong khi kinh doanh phải vắt óc để tìm cách mang lại doanh số cao nhất, nên khó vẹn toàn đôi đường”
Theo VNE
Doanh nghiệp thủy sản khát vốn
Xây nhà máy ồ ạt dẫn đến mất cân đối cung cầu, nay lâm vào cảnh khát vốn, nợ nần chồng chất, không tiền trả lương công nhân... nhiều đại gia thủy sản đang điêu đứng.
Công ty Trường Nguyên đã được cho thuê 5 năm để chủ cũ lấy tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Ảnh: Duy Khang
Hàng chục nhà máy chế biến thủy sản mọc lên ở miền Tây mấy năm qua. Trong đó Cà Mau là nơi "nóng" nhất với 34 nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu có tổng công suất khoảng 300.000 tấn nguyên liệu một năm. Đặc thù của tỉnh cực Nam Tổ quốc là nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến thay vì nuôi tôm công nghiệp như Bạc Liêu, Sóc Trăng. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), mỗi năm nông dân tỉnh này thu hoạch khoảng 130.000 tấn tôm nên không đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho hàng chục nhà máy thủy sản công suất lớn.
Thiếu nguyên liệu nên xảy ra tình trạng phá giá, tranh mua giữa các doanh nghiệp để tồn tại. Người bán cũng chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng tôm nguyên liệu, dẫn tới cảnh đối tác trả lại những kiện hàng trị giá tiền tỷ, đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn khó.
Đến nay chỉ có 40% nhà máy thủy sản ở Cà Mau hoạt động hiệu quả do tạm ổn về tiềm lực tài chính. Số còn lại có một nửa cực kỳ khó khăn, đứng bên vực phá sản vì thiếu nguyên liệu, nhà máy hoạt động cầm chừng, lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng.
Giám đốc Công ty Thiên Mả cho biết cuối tháng này sẽ đóng cửa nhà máy Thiên Mã 3 vì không còn tiền trả lương 700 công nhân. Ảnh: Duy Khang
Thư ký CASEP Lý Văn Thuận cho biết đã có 4 doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau đổi chủ do kinh doanh kém hiệu quả là Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải, Công ty cổ phần Thực phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Ngọc Châu và Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Minh Châu. Trong đó, Công ty Đại Dương và Việt Hải đều có vốn điều lệ 120 tỷ đồng được một doanh nhân quê Hải Phòng nắm quyền điều hành nhưng sau khi đổi chủ vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh.
Tại Cần Thơ, ngoài Công ty cổ phần Thủy sản Bình An được đổi chủ vì kinh doanh thua lỗ, hiện nay Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã cũng đang điêu đứng với khoản nợ khoảng 560 tỷ đồng đang mất khả năng chi trả. Hiện hai nhà máy chế biến thủy sản của Thiên Mã đóng cửa vì thiếu vốn. Nhà máy còn lại là Thiên Mã 3 đang hoạt động với hình thức nhận gia công 40-50 tấn nguyên liệu mỗi ngày để duy trì công việc cho khoảng 700 công nhân.
Theo ông Phan Bá Tòng (Giám đốc Công ty Thiên Mã), nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì công ty này mất cân đối khoảng 100 tỷ đồng. Vì vậy, Thiên Mã đang liên hệ với Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài chính) để tái cơ cấu theo cách của Thủy sản Bình An. Mới đây, một đơn vị của Bộ Công an đã đến Công ty Thiên Mã làm việc để nắm lại tình hình nợ nần.
"Dự kiến cuối tháng này tôi đóng cửa nhà máy Thiên Mã 3 vì hết vốn để bù lỗ. Nhà máy nghỉ hoạt động đồng nghĩa với 700 công nhân mất việc nhưng mỗi tháng phải trả lương khoảng 1 tỷ đồng thì không biết lấy đâu ra tiền", ông Tòng cho biết thêm.
Công ty Vĩnh Nguyên của ông chủ trẻ Lê Tùng Huy cũng đang khát vốn. Ảnh: Duy Khang
Tại khu công nghiệp Trà Nóc 1 (TP Cần Thơ), Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên và Vĩnh Nguyên của ông chủ trẻ Lê Tùng Huy cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Ông Huy đã cho một doanh nghiệp cùng ngành thuê Công ty Trường Nguyên thời hạn 5 năm để khỏi phải trả lương hàng trăm công nhân, chi phí điện nước và hàng tháng được đối tác đồng gánh phần lãi ngân hàng.
Theo ông Huy, công ty còn lại là Vĩnh Nguyên muốn hoạt động hiệu qủa phải cần vốn nhưng vay tiền ngân hàng vào thời điểm này không dễ. Đó là chưa kể khoảng nợ trên 100 tỷ, mỗi tháng ông Huy phải trả lãi trên 1 tỷ đồng và lương công nhân, chi phí điện nước.
Một chuyên gia kinh tế nhận định không riêng gì Cần Thơ hay Cà Mau mà quy hoạch thủy sản của cả miền Tây thời gian qua thiếu sự quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương và các ngành chức năng dẫn đến mất cân đối giữa vùng nuôi, nhà máy và thị trường. Nhiều doanh nhân không có kinh nghiệm trong ngành thủy sản cũng vay tiền đào ao nuôi tôm cá, xây nhà máy khi thấy nông dân nuôi tôm trúng mùa, bán được giá cao. Gặp năm thất mùa tôm cá, nhà máy không đủ nguyên liệu phải sản xuất cầm chừng trong khi lãi suất ngân hàng tăng nên chi phí đầu vào quá cao, không cạnh tranh được với nhiều nước lãi suất ngân hàng thấp như Thái Lan, Ấn Độ...
"Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện nay chỉ có 'một đồng vốn nhưng đến bốn đồng vay' nên sản xuất không có lãi. Nhà nước nên có chính sách đột phá về vốn để doanh nghiệp thủy có điều kiện tiếp cận vốn vay. Lãi suất ngân hàng cần xuống thấp hơn nữa để sản phẩm từ tôm, cá của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới", Thư ký CASEP nêu quan điểm.
Theo VNE
Doanh nghiệp thủy sản kêu cứu Hơn 50% đơn vị phá sản, nguồn nguyên liệu nội địa hạn chế, áp lực sắp bị tước ân hạn nộp thuế nhập khẩu 275 ngày khiến hàng loạt doanh nghiệp thủy sản đồng thanh kêu cứu. Chiều 15/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức lấy ý kiến "Dự thảo quy định ân hạn nộp...