Doanh nhân đang muốn điều gì ?
“Cứ hỏi bất kỳ doanh nhân nào trong nước là họ muốn gì, chắc chắn họ trả lời rằng cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định, an toàn”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.
Doanh nghiệp cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định và an toàn – Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Huỳnh Văn Minh,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
* Năm 2014 là tròn 10 năm ngày Doanh nhân VN, nhưng có tới 5 năm doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh khó khăn trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông đã chứng kiến nhiều cuộc ra đi đau đớn?
- Tôi đã trải qua những cảm xúc buồn trong những năm qua. Có hôm, anh em doanh nhân ngồi khóc với nhau, nói là ngủ một đêm sáng mai dậy không biết ai còn ai mất. Cứ như thời chiến tranh. Khủng hoảng tài chính toàn cầu, cộng với nội tại kinh tế vĩ mô yếu kém, chính sách còn nhiều bất cập chưa tháo gỡ kịp thời khiến trên dưới 200.000 DN phải rời khỏi thị trường, trong đó có nhiều DN uy tín, có thương hiệu mạnh.
Riêng 3 năm gần đây đã có trên 150.000 DN ngưng hoạt động, hơn 400.000 DN còn lại thì đến 60% báo cáo không có khả năng nộp thuế. Mặc dù cùng lúc có nhiều DN được sinh ra, tương ứng với số mất đi, nhưng hàng trăm ngàn DN rời thị trường là một mất mát lớn. Làm sao một đứa trẻ mới lớn làm việc được như người trưởng thành?
* Đằng sau những con số nói trên, theo ông là gì?
Có hôm, anh em doanh nhân ngồi khóc với nhau, nói là ngủ một đêm sáng mai dậy không biết ai còn ai mất. Cứ như thời chiến tranh
Ông Huỳnh Văn Minh,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
- Hậu quả dĩ nhiên còn kéo dài, không khắc phục được một sớm một chiều vì DN hiện nay vẫn còn yếu lắm. Tôi cũng mừng là gần đây Chính phủ đã ban hành một số chính sách tích cực như rút ngắn thời gian khai thuế, giảm lãi suất, điều chỉnh chính sách sử dụng đất đai… Nhưng nhìn chung, chính sách của ta cũng còn thiếu thông thoáng, an toàn. Bất kỳ DN nào muốn tồn tại cũng phải hội đủ ba điều kiện là vốn, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Có vốn mà không có cơ chế chính sách thì cũng chết; người giỏi mà không có tiền cũng không xong.
Đơn cử đối với sản xuất, vốn là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng DN mạnh dạn đầu tư đổi mới không nhiều do cơ chế, vốn, lãi suất của ta thiếu ổn định khiến họ không yên tâm. Ví dụ, DN ký hợp đồng tín dụng phải đảm bảo trong quá trình đó không tăng lãi suất thì họ mới dám làm. Còn nếu tăng hoặc cắt bất tử phải bồi thường. Nhưng đâu có ngân hàng nào dám cam kết việc này. Vì thế, DN vay vốn đầu tư cũng giống như đi xiếc trên dây mà không có nón bảo hiểm. Cho nên tôi mới nói, phải có sự đồng hành của ba điều kiện trên.
Chỉ còn 2% DN lớn
* Theo ông, vấn đề phải khắc phục ngay về mặt cơ chế, chính sách?
- Vấn đề hàng đầu hiện nay là phải thể chế hóa các luật, nghị định, thông tư phù hợp với điều kiện thực tế. Tất cả phải thật thông thoáng, công bằng và phải an toàn để tạo lòng tin. Đặc biệt, chủ trương chính sách và giải pháp thực hiện phải song hành. Dự thảo thông tư phải kèm với dự thảo nghị định để trình cùng lúc, chứ không phải nghị định ra đời vài tháng sau mới có thông tư. Một vấn đề nữa là nghị định do các ban, ngành liên quan soạn dẫn đến tình trạng họ luôn tạo sự an toàn cho họ, cái khó đẩy về DN. Vậy thì lòng tin của DN không có.
* Hệ quả lớn nhất của tình trạng chính sách thiếu ổn định đối với các DN là gì?
Video đang HOT
- Đó là hàng loạt DN “ăn xổi ở thì” vì chạy theo chính sách. Quan trọng hơn, chúng ta không xây dựng được những DN tầm cỡ khu vực và thế giới. Trước đây chúng ta có 5% DN lớn, nhưng nay chỉ còn 2%. DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm gần 99%. Qua đó cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của DN VN nói riêng là quá yếu.
Sau 5 năm khủng hoảng, nhiều DN cũng đã có sức đề kháng tốt. Vấn đề còn lại là xây dựng được niềm tin của họ với chính sách. Nếu hỏi bất kỳ doanh nhân nào trong nước là họ muốn gì, chắc chắn họ sẽ trả lời cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định, an toàn.
* Còn mong muốn trước mắt là…
- Vốn và lãi suất. Nhà nước nên cho phép DN được thỏa thuận giải quyết nợ tồn đọng thay cho mua bán nợ. Trước mắt cho giảm lãi suất của nợ cũ và nợ mới, khống chế lãi suất đầu ra và đầu vào trong toàn hệ thống ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ ép đầu vào mà thả nổi đầu ra là không hợp lý. Ngoài ra, cần giảm bớt thủ tục và điều kiện đảm bảo để giúp DN tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Nhờ pháp luật giải quyết tranh chấp với cơ quan hành chính
Các quy định, đặc biệt các quy định về thuế ban hành khá nhiều khiến các DN khó thực hiện đúng. Họ lại bị rủi ro là sau 5 năm ngành thuế mới kiểm tra. Nhiều khi DN sai vì hiểu sai hoặc không biết quy định nhưng tính 5 năm phạt sẽ rất nặng, bị truy thu lên đến tiền tỉ, trăm tỉ đồng thì rất khó cho DN. Chính vì vậy, cần có quy định phạt tối đa bao nhiêu trong trường hợp này. Có một tín hiệu tốt trong thời gian gần đây là các DN đã mạnh dạn nhờ cơ quan pháp luật giải quyết khi có tranh chấp với cơ quan hành chính về các thủ tục, những quy định gây thiệt hại cho phía DN. Luật sư Phạm Ngọc Hưng T.Xuân (ghi)
Ý kiến Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty CP giấy Sài Gòn: Cải tổ bộ máy nhân sự ở các cơ quan nhà nước
Thời gian qua Chính phủ đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN phát triển, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai xuống dưới các bộ, ngành còn chậm chạp. Những người tham gia thực thi ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực chưa quán triệt được tinh thần từ Chính phủ nên kết quả thực hiện không cao. Từ đó đánh mất cơ hội cho các DN cũng như tạo nên sự cản trở trong quá trình phát triển của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Có đi sâu vào từng chi tiết mới thấy rằng còn quá nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà đối với DN. Do vậy, DN mong muốn Chính phủ có sự cải tổ, thay đổi mạnh hơn trong thủ tục hành chính và nhân sự thực hiện ở các đơn vị quản lý nhà nước.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica: Lãi suất thiếu công bằng
Có hai vấn đề mà DN làm sản xuất như chúng tôi đang quan tâm và mong muốn các nhà làm chính sách suy nghĩ tìm cách thay đổi để gỡ khó cho DN. Việc xem xét tiến tới bỏ hạn mức chi phí quảng cáo là vấn đề được cộng đồng DN ủng hộ. Tuy nhiên, quy định DN chi thực hiện các chương trình khuyến mãi nếu sử dụng không hết sẽ phải trích nộp vào ngân sách 50% phần còn thừa là không hợp lý. Chương trình không thành công, doanh số tất nhiên cũng không đạt với mục tiêu đề ra. Khi đó, cơ quan quản lý nên cho phép DN dùng số tiền còn thừa đó chuyển sang hình thức khuyến mãi khác hoặc để dành cho những lần khuyến mãi sau chứ không thể bắt DN nộp tiếp tiền chi khuyến mãi đó nữa.
Thứ hai là liên quan đến lãi suất ngân hàng, tôi thấy sự không công bằng giữa các DN sản xuất và thương mại. Ngân hàng luôn có chính sách khuyến khích DN vay ngắn hạn hơn trung hạn và dài hạn. Đầu tư một dàn máy sản xuất phải cần thời gian thu hồi vốn ít nhất 5 – 8 năm, trong khi làm thương mại, anh vay và mua lô hàng, vài ba tháng sau hoặc ngắn thời gian hơn đã bán được và thu hồi một phần vốn… Hiện tại, lãi suất vay trung hạn 3 năm cao hơn từ 1 – 2% so với lãi suất vay ngắn hạn và không phân biệt DN làm gì khiến DN làm sản xuất không dám đầu tư mở rộng.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hungthinh Corp: Mạnh dạn mở cửa
Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách mở cửa, nhưng lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh không mạnh dạn. Như chủ trương mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, đẩy mạnh gói 30.000 tỉ đồng… nhưng thực tế những người làm luật, thực thi các chính sách lại triển khai trì trệ. Nhà nước chủ trương cho vay 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất nhưng ngân hàng không duyệt; rồi chủ trương cho điều chỉnh diện tích căn hộ nhưng địa phương thực hiện quá thận trọng… Đất nước ta vẫn còn quá nghèo, dân thu nhập chưa cao, DN cũng còn quá nhỏ bé so với DN các nước trên thế giới. Do đó, chúng ta cần phải mạnh dạn mở cửa, cởi mở mạnh mẽ, cần có những chính sách đột phá để thay đổi. Có như vậy thị trường bất động sản mới phát triển, người dân mới dễ dàng mua được nhà.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty thép Việt: Thiệt thòi vì ít kiện
Với ngành thép, VN ngày càng hội nhập và mở cửa thị trường sâu rộng nhưng lại không có biện pháp đối phó để bảo vệ thị trường nội địa. Ở nhiều nước quy định nếu sản phẩm thép nhập khẩu quá 18% thì sẽ áp dụng ngay các biện pháp phòng vệ thương mại. Còn chúng ta sau nhiều năm hội nhập chỉ có một vụ kiện chống bán phá giá trong khi phải đối diện với hàng trăm vụ kiện ở nhiều nước khác nhau là thiệt thòi lớn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kềm Nghĩa: Xem lại “tư duy hóa đơn”
Rất nhiều khách hàng, thông qua các đại lý của Kềm Nghĩa phản ánh là họ gặp khó hoặc thậm chí bị cản trở khi mang sản phẩm Kềm Nghĩa chỉ để làm quà tặng hoặc giới thiệu ra nước ngoài bằng đường hàng không với số lượng nhỏ. Nếu không có hóa đơn đỏ, hải quan không cho khách mang hàng đi với giải thích là nhằm chống hàng giả. Theo tôi được biết, tại các nước, hải quan sân bay hỏi hóa đơn để trừ thuế cho khách. Nếu không có hóa đơn, khách sẽ không được miễn trừ thuế. Đơn giản vậy thôi. Đằng này, chúng ta yêu cầu hóa đơn của khách để giữ lại hàng hay cho đi chứ không phải với mục đích đơn giản ban đầu là để trừ thuế cho khách. Hai tư duy hoàn toàn khác nhau và cần xem xét lại một cách thấu đáo, linh hoạt và có lợi cho DN lẫn khách hơn.
Ông Đỗ Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Việt Mỹ: Hàng giả ép chết hàng thật
Từ đầu năm nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng bùng phát là bởi giá nhiều loại nông sản gần đây xuống thấp, nông dân thiếu vốn đầu tư vật tư, phân bón nên họ ưu tiên sử dụng sản phẩm giá rẻ và mắc bẫy. Tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác đang là thách thức với ngành sản xuất phân bón, gây nhiều bức xúc cho người dân và những DN làm ăn nghiêm túc. Ngành phân bón cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để không còn những kẽ hở cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại và tạo được sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
M.PHƯƠNG – Đ.SƠN – N.NGA – Q.Thuần (ghi)
N.Trần Tâm (thực hiện)
Theo TNO
Làm ăn kiểu vậy, bôi trơn là tất yếu
Với những khó khăn, bất cập và rào cản cơ chế đã nêu trên, cơ hội nào cho các giảng viên làm NCKH?
Để trả lời câu hỏi trên trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết sẽ nêu ra những nhóm nguyên nhân chính và không đi sâu vào phân tích đầy đủ kèm theo những minh chứng cụ thể.
Cơ chế tài chính rối rắm, phức tạp
Đầu tiên là cơ hội tiếp cận.
Trong vài năm gần đây, cơ hội tiếp cận thông tin và được tham gia đấu thầu công khai các đề tài KH đang ngày một nhiều hơn nhưng con đường để một nghiên cứu viên trẻ giành được đề tài không hề dễ dàng.
Việc chia nhau "thị phần" trong chiếc bánh kinh phí NCKH vẫn xảy ra, một phần là do những người có "quan hệ" tranh đề tài về cho cá nhân và tổ chức của họ. Một phần do các bộ ngành phải phân bổ kinh phí để duy trì các cơ sở nghiên cứu yếu kém. Điều này đã dẫn đến hiện tượng xin cho và "chạy" đề tài nghiên cứu. Vì thế việc đấu thầu công khai nhiều nơi mang tính hình thức và khó có cơ hội cho các giảng viên ĐH.
Cơ hội được tiếp cận thông tin về việc tuyển chọn đề tài KH vẫn còn ít ỏi. Những thông tin được công khai trên các trang thông tin của cơ quan quản lý đề tài KH thường được cập nhật rất muộn. Những giảng viên ĐH là những nhà KH trẻ, những nhà nghiên cứu độc lập... nên hầu như không có cơ hội tiếp cận nếu không có những mối quan hệ theo kiểu "truyền thống".
Ngay cả Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được coi là công khai, minh bạch và tất cả các nhà KH đều có thể tiếp cận thì cơ chế và các điều kiện thực hiện đề tài lại quá khắt khe.
Vật cản thứ hai là kinh phí đề tài NCKH quá thấp.
Câu nói thường gặp trong các hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH là với kinh phí như vậy thì kết quả nghiên cứu đạt được khó có thể tốt hơn. Và đó chính là lý do tại sao phần lớn các đề tài NCKH sau khi nghiệm thu xong đều được đem cất kỹ trong tủ.
Như có bộ nọ, nơi có gần 60 trường ĐH, và hầu hết là các trường ĐH lớn với số lượng những người có học hàm học vị nhiều nhất so với các bộ ngành khác, việc "tranh" được đề tài rất khó, mặc dù trong vài năm gần đây đã đổi mới cơ chế đấu thầu và tăng tiền. Đó cũng là lý do tại sao kinh phí của đề tài NCKH cấp trường thường chỉ từ 5 10 triệu đồng/đề tài.
Không hiểu với khoản kinh phí này thì người thực hiện đề tài sẽ làm như thế nào để ra sản phẩm nghiên cứu có chất lượng? Trong khi còn bao nhiêu khoản chi, từ mua vật liệu, hóa chất, chi phí hội đồng nghiệm thu và cả chi phí... bôi trơn.
Nguyên nhân thứ ba là cơ chế tài chính không phù hợp. Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu khiến những người nghiên cứu nghiêm túc không muốn nhận và thực hiện đề tài từ ngân sách. Một cơ chế tài chính rối rắm, phức tạp với những đơn giá quy định có khi từ 10 năm trước.
Ảnh minh họa
Hầu như cá nhân, tổ chức nào đấu thầu được đề tài cũng đau đầu với các thủ tục thanh toán và giải trình trước nhà trường đơn vị chủ quản thay mặt chủ nhiệm đề tài ký hợp đồng NCKH. Việc mua hóa đơn bên ngoài, kê khống khối lượng công việc, kê khống khối lượng vật liệu hóa chất thí nghiệm, hợp lý hóa kinh phí bôi trơn... là chuyện tất yếu.
Chính đây là nguyên nhân dẫn đến sự gian dối, giảm chất lượng và không khuyến khích được những giảng viên nghiêm túc.
Ngoài ra, không thể không nói đến chuyện tăng đột biến số lượng SV dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên. Vì khối lượng giảng dạy quá nhiều, dẫn đến các giảng viên chỉ lo đi dạy mà không còn thời gian để làm nghiên cứu. Mặt khác, các giảng viên trẻ bị lao vào vòng xoáy soạn bài, giảng bài mà không có thời gian để đọc tài liệu, để hình thành tư duy và ý tưởng NCKH. Họ thậm chí còn chưa định hình rõ ràng về phương pháp tiếp cận NCKH và chưa có kỹ năng viết một bài báo KH. Không dưới 70% số lượng giảng viên trẻ có thâm niên công tác dưới 05 năm ở các trường ĐH hiện nay thuộc nhóm này.
Và cuối cùng là chuyện thiếu sòng phẳng.
Việc thiếu thông tin và mối quan hệ với cơ quan quản lý KH, kinh phí thực hiện đề tài quá thấp và cơ chế tài chính phức tạp như đã nêu trên dẫn đến những giảng viên trẻ rất khó nhận được các đề tài NCKH. Muốn có khối lượng NCKH, họ phải xin tham gia cùng với các chủ nhiệm đề tài, thường là các cây đa cây đề trong cơ quan họ công tác.
"Thu nhập" đang kìm hãm
Việc họ được nhận một phần công việc, tự chủ trong thực hiện và được trả công sức xứng đáng hầu như khó xảy ra. Bởi vì kinh phí đề tài quá hạn hẹp và phải chi cho việc "bôi trơn" nhiều dẫn đến các nội dung thực hiện phải cắt giảm tối đa. Và nếu muốn tham gia đề tài, thì phải chấp nhận cơ chế này. Việc làm khống số liệu, copy nghiên cứu của người khác để hoàn thành đề tài là chuyện thường ngày ở huyện...
Chính vì vậy những giảng viên NCKH nghiêm túc thường khó chấp nhận thực hiện, và lại là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng "ngụy KH" kiếm thành tích và học hàm học vị.
Cơ chế tiền lương cũng đang kìm hãm sự phát triển.
Để có thể có những ý tưởng nghiên cứu mới, sáng tạo và có thời gian thực hiện các nghiên cứu thì các giảng viên phải thực sự không bị phân tán vào các vấn đề cơm áo gạo tiền, nhiều diễn đàn đã nói chuyện này.
Ai cũng biết, việc nghiên cứu của giảng viên sẽ kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa trường ĐH và nhà sản xuất. Góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của xã hội và tạo ra giá trị gia tăng cho các trường ĐH, nhằm tiến tới một nền giáo dục ĐH phi lợi nhuận trong hoạt động đào tạo.
Những quốc gia phát triển đều có trình độ KHCN tiên tiến. Và phần lớn các nghiên cứu đều được xuất phát từ các trường ĐH.
Bao giờ ở ta mới thức tỉnh điều này?
Trịnh Xuân Báu
Theo_VietNamNet
Lại bàn chuyện quản giá xăng Việc trả quyền điều hành giá bán lẻ xăng dầu cho Bộ Công Thương liệu có thỏa mãn được mong muốn về một cơ chế quản lý, giám sát giá để minh bạch, lành mạnh hóa thị trường? Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý giao Bộ Công Thương...