Doanh nghiệp xả thải, lợn, gà, cá chết sạch
Nhiều doanh nghiệp tại phường Thủy Phương ( thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh điêu đứng.
Đua nhau xả thải độc
Sau một thời gian dài người dân phường Thủy Phương liên tiếp kiến nghị, Đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Hương Thủy vừa kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế đóng tại phường này. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện nhiều thông số nước thải của xí nghiệp này thải ra môi trường vượt các quy chuẩn cho phép từ 2,4-7,5 lần.
Nước tại khe Cầu Đôi ô nhiễm trầm trọng do nước thải độc hại của doanh nghiệp đổ vào. ảnh: An Sơn
Cụ thể, khối lượng các hợp chất hữu cơ trong nước vượt 2,5 lần, giá trị tổng nitơ vượt 2,4 lần, độ màu vượt 7,5 lần…
Ngoài xí nghiệp trên, thời gian qua, cơ quan chức năng của thị xã Hương Thủy và tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phát hiện nhiều doanh nghiệp khác ở Thủy Phương xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Đó là Công ty TNHH Hà Xuyên (sản xuất và tái chế giấy), Công ty TNHH Như Ý (sản xuất, tái chế giấy), doanh nghiệp tư nhân Thùy Dương và doanh nghiệp tư nhân Thế Phương (cùng sản xuất và tái chế nhựa).
Người dân cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những doanh nghiệp này như thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động để không còn tái diễn tình trạng sau khi bị xử lý doanh nghiệp lại xả thải độc ra môi trường.
Video đang HOT
Với hành vi “bức tử” môi trường, những doanh nghiệp này đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xử phạt, trong đó Công ty Hà Xuyên bị phạt 114,3 triệu đồng, Công ty Như Ý 120,4 triệu đồng, các doanh nghiệp Thùy Dương và Thế Phương bị phạt tổng cộng hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo người dân phường Thủy Phương, kể từ khi bị xử phạt đến nay, các doanh nghiệp trên vẫn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Lợn, gà, cá… chết sạch
Có mặt tại khe Cầu Đôi và hồ Châu Sơn- nơi nguồn nước thải độc hại của nhiều doanh nghiệp đổ ra, chúng tôi chứng kiến nước tại những khu vực này có màu đen sì và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Anh Ngô Văn Chung (ngụ tổ 13, phường Thủy Phương) cho biết, trước đây khe Cầu Đôi và hồ Châu Sơn có rất nhiều tôm cá, nhưng những năm trở lại đây phần nhiều các loài thủy sản tại đây đã bị tận diệt do nước thải độc hại. Nguồn nước thải này đã ngấm vào giếng nước của hàng trăm hộ dân trong vùng, khiến nước giếng không thể sử dụng.
Anh Ngô Văn Mây (cùng ngụ tổ 13) cho biết, nước từ hồ Châu Sơn chảy qua các tổ 13, 14, 19 của phường Thủy Phương rồi đổ về phường Thủy Châu. Trước đây, người dân sống gần những nơi nước hồ chảy qua ăn nên làm ra bằng nghề nuôi cá, nhưng hiện hầu hết đều đã phải bỏ nghề do nước thải ngấm vào hồ khiến cá chết hàng loạt. “Không chỉ cá mà các loài vật nuôi như gà, vịt sau khi uống phải nước thải cũng lăn ra chết. Nghiêm trọng nhất là các vật nuôi có giá trị kinh tế lớn như trâu, bò vì uống phải nước thải mà đẻ ra con bị dị tật hoặc chết vì sình bụng”- anh Mây bức xúc.
Trao đổi với NTNN, ông Phan Bồng- Phó Trưởng phòng TNMT thị xã Hương Thủy cho biết: Chính quyền thị xã đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường đối với các doanh nghiệp Hà Xuyên, Như Ý, Thùy Dương và Thế Phương. Sau đề nghị của thị xã, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở TNMT và công an môi trường vào cuộc.
Theo Danviet
Phó thủ tướng: 'Sớm công bố biển miền Trung bao giờ an toàn'
Để ổn định sản xuất, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên cùng các nhà khoa học đánh giá để sớm công bố biển miền Trung bao giờ an toàn.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở miền Trung là sự cố lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Ông thừa nhận ban đầu "có chút lúng túng" nhưng sau đó các đơn vị đã phối hợp đồng bộ và cơ bản đã giải quyết được sự cố.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai các vấn đề hậu Formosa, cũng như sử dụng các công cụ quản lý nhà nước trong rà soát, đánh giá thanh tra diện rộng nguồn thải lớn để nắm bắt và kiểm soát chặt các đối tượng, tránh xảy ra trường hợp tương tự Formosa. Bên cạnh đó, theo ông Tài, Việt Nam cần xây dựng quy chế về ứng phó sự cố môi trường, trong đó nêu rõ huy động nguồn lực thế nào, cách thức ra sao để ứng phó kịp thời và tránh sự cố lan rộng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (phải) và Bộ trưởng Tài nguyên chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm. Ảnh: Báo tainguyenmoitruong.
Đánh giá cao kết quả đạt được trong các lĩnh vực của Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương toàn ngành trong việc tìm ra thủ phạm gây sự cố môi trường biển miền Trung. Ngành tài nguyên cùng các đơn vị liên quan đã buộc thủ phạm phải nhận sai, xin lỗi, đền bù và hỗ trợ người dân, đồng thời phục hồi vùng biển bị ảnh hưởng.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ Formosa, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. "Công bố môi trường biển bao giờ an toàn để nhân dân và doanh nghiệp biết, từ đó sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ", Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ cần mời các nhà khoa học để có chứng cứ chặt chẽ chính xác.
Về vấn đề môi trường, Phó thủ tướng đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là xả thải trực tiếp chưa được xử lý ra ao hồ, sông ngòi, biển của các cơ sở sản xuất, dịch vụ ... gây bức xúc trong xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ cần tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, hộ dân xả thải ra môi trường ở tất cả các khâu như đánh giá tác động môi trường đến khi khai thác sử dụng. Các cơ sở và địa phương cần có hệ thống quan trắc 24/24 để kiểm soát.
San hô chết ở Hà Tĩnh do độc tố từ nhà máy Formosa thải ra biển không qua xử lý. Ảnh: VAST.
"Chỉ cấp phép cho các cơ sở hoạt động dịch vụ khi có hoạt động xả thải ra môi trường qua xử lý và đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam. Mọi vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm, không trừ bất kỳ tổ chức cá nhân nào, cần thiết thì chuyển cơ quan điều tra", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, tiến sĩ Vũ Đức Lợi - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung cho biết, khoảng cuối tháng 7 Hội đồng sẽ công bố kết quả khảo sát và đo đạc ở các tỉnh miền Trung. Đây sẽ là cơ sở để trả lời khi nào biển an toàn và đưa ra các phương án khắc phục môi trường biển.
Liên quan đến việc chôn lấp chất thải Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Tổng cục Môi trường đã lấy mẫu và giao cho một số phòng thí nghiệm nhưng đến giờ chưa đưa ra kết quả cuối cùng. Việc đưa ra kết quả phân tích mẫu phải có đối chứng. Kết quả Hà Tĩnh công bố vừa rồi được thực hiện ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam.
"Có nhiều loại đất đai khác nhau nên số mẫu phải lấy nhiều hơn, trong khu vực này không có nguy hại thì phải lấy mẫu làm sao để có tính đại diện, trên quan điểm là phải làm kỹ lưỡng", Bộ trưởng Hà nói.
Phạm Hương
Theo VNE
Hà Tĩnh lên kế hoạch tiêu hủy 8 tấn cá đông lạnh nhiễm cadimi Cá biển nhiễm chất độc cadimi đánh bắt từ vùng biển Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ được tiêu huỷ bằng cách đốt nóng ở nhiệt độ cao. Sáng 4/8, ông Trần Xuân Dâng, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, cơ quan chức năng tỉnh này đã lên kế hoạch tiêu hủy 8,1 tấn cá biển có hàm lượng...