‘Doanh nghiệp Việt cần đầu tư nhiều hơn vào game giáo dục’
Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông, phát biểu tại lễ ra mắt trò chơi Chinh Phục Vũ Môn hôm qua 3/4.
“Giải trí Internet có tính hai mặt. Bên cạnh những trò chơi lành mạnh, xã hội vẫn tồn tại những game có nội dung kích động bạo lực, không phù hợp thuần phong mỹ tục. Trong một thời gian dài, dư luận, xã hội cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng đã bày tỏ quan ngại, bức xúc đối với những trò chơi trực tuyến không lành mạnh này”, ông Hải phát biểu.
Ông Lưu Vũ Hải phát biểu tại lễ ra mắt Chinh Phục Vũ Môn.
Ông Hải nhận định, cũng như Internet, chúng ta không thể cấm game mà chỉ có thể cố gắng phát triển nhiều nội dung tốt. “Một mặt, các cơ quan quản lý nên khuyến khích phát triển những trò chơi lành mạnh, nhất là những sản phẩm có nội dung tuyên truyền quảng bá lịch sử. Mặt khác, chúng ta rất cần các doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung giải trí kết hợp giáo dục. Đây là công việc khó khăn bởi có những công ty game lớn nhất nhì Việt Nam đã đầu tư ba bốn chục tỷ đồng để tạo trò chơi giáo dục thuần Việt nhưng kết quả vẫn khiêm tốn”, ông Hải nói.
Cục trưởng cũng gửi lời chúc mừng kết quả tích cực bước đầu mà Chinh Phục Vũ Môn đạt dược thông qua đánh giá của các nhà giáo dục, cộng đồng. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, đây mới chỉ là bước khởi đầu, nhà phát hành cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người chơi để hoàn thiện sản phẩm, làm sao kết hợp hài hòa yếu tố giải trí và giáo dục.
“Những trò chơi giáo dục như Chinh Phục Vũ Môn cần được quan tâm phát triển nhiều hơn trong tương lai. Với bước khởi đầu suôn sẻ của sản phẩm này, các doanh nghiệp game khác tại VN sẽ có động lực để đầu tư mạnh hơn vào thể loại giáo dục. Qua đó, hình ảnh dịch vụ trò chơi trực tuyến tại VN sẽ được cải thiện, đáp ứng nhu cầu giải trí của người chơi cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển trong đời sống xã hội”, ông Hải kết luận.
Video đang HOT
Đồng quan điểm với ông Hải, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết: “Việc các nhà phát hành game Việt Nam hướng tới sản xuất, phát hành một số game giáo dục là tín hiệu đáng mừng và đáng khích lệ. Nếu khai thác tốt game giáo dục sẽ góp phần trong việc hình thành nhân cách, bổ trợ kiến thức cho học sinh. Game giáo dục cần đạt được các tiêu chí giáo dục rõ ràng: giải trí lành mạnh và cung cấp tri thức, kỹ năng cho người chơi”.
Phát biểu về định hướng phát triển nội dung game giáo dục tại Việt Nam, ông Hiển nói: “Game giáo dục VN cần phát triển những nội dung, cốt truyện và tình tiết thật hấp dẫn và mang tính giáo dục cao. Mặt khác, game giáo dục cần có sự kết hợp việc giải trí với quảng bá hình ảnh truyền thống dân tộc, đồng thời lồng ghép trong đó nội dung giáo dục”.
Ông Nguyễn Bá Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định, xét về mặt tâm lý học, những người hoạt động tập trung trí não nhiều như các em học sinh rất cần có lúc giải trí để giảm bớt căng thẳng. Theo ông Bình, game giáo dục là giải pháp tốt giúp vừa giải tỏa được căng thẳng mệt mỏi sau giờ lên lớp, đảm bảo kết quả học tập, vừa thâu nhận thêm các kiến thức ngoài sách vở.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Game online giáo dục VN chưa thể 'chinh phục vũ môn'
Các game thuộc thể loại này còn thiếu và chưa được ủng hộ nhiều.
Từ trước đến nay, trong số hàng chục sản phẩm game trực tuyến đang lưu hành ở VN, thể loại nhập vai hành động nhập từ Trung Quốc vẫn chiếm đa số (khoảng trên 80%) bên cạnh các mảng khác như casual, bắn súng... Theo nhận định chung của cộng đồng, các game online nhập vai luôn nhận được sự chú ý của đông đảo game thủ do nó phù hợp với thị hiếu của đa số người dùng. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi vốn cũng như sinh lời của thể loại này là rất nhanh, thông thường chỉ từ 1 đến 3 tháng.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Thông tin Truyền thông đã có công văn gửi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến. Nội dung văn bản khuyến khích doanh nghiệp Việt chủ động đầu tư sản xuất game có nội dung mang ý nghĩa giáo dục cao, kết hợp quảng bá truyền thống văn hóa lịch sử phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Gần như ngay lập tức, VNG đã tung ra Vương Quốc Chuột Chũi, webgame casual với đối tượng hướng đến là trẻ em tuổi từ 6 đến 12. Ở thời điểm đó, đây là sản phẩm game giáo dục trực tuyến đầu tiên được đưa về Việt Nam. Về cơ bản, nội dung Vương Quốc Chuột Chũi hướng tới tính giải trí nhẹ nhàng để phù hợp với độ tuổi khách hàng là thiếu nhi, nhi đồng. Game dẫn dắt người chơi qua nhiều thử thách, cả về trí thông minh và các mini game mang tính giáo dục, thử tài khéo léo, đánh đố... đồng thời giúp người chơi ôn lại từ vựng tiếng Anh cơ bản và kỹ năng sống.
Vương Quốc Chuột Chũi vẫn chưa để lại tiếng nói đáng kể nào tại làng game Việt.
Theo quan điểm của đại diện VNG, mục đich của việc họ giới thiệu Vương Quốc Chuột Chũi ra thị trường VN chủ yếu mang tính thử nghiệm, không đặt nặng về mặt doanh thu. Vị này lý giải, đây là thể loại còn rất mới ở VN nên chuyện tập trung định hướng kinh doanh ở mảng này cần có nhiều thời gian. Hiện tại, VNG vẫn tiến hành cập nhật đều đặn cho sản phẩm. Tuy nhiên, lượng người chơi Vương Quốc Chuột Chũi là không nhiều, thua xa so với số game thủ đang tham gia vào các sản phẩm MMO khác của công ty này.
"Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân", sự có mặt lẻ loi của một game giáo dục chưa có nhiều đột phá như Vương Quốc Chuột Chũi nhanh chóng bị quên lãng giữa một rừng game online đủ mọi thể loại với độ "hút khách" cao. Tuy nhiên một lần nữa, hy vọng về sự đi lên của mảng game giáo dục lại được sống dậy với sự góp mặt của Chinh Phục Vũ Môn từ Egame. Khác với Vương Quốc Chuột Chũi, sản phẩm này hướng tới đối tượng khách hàng rộng hơn, cụ thể là lứa tuổi học sinh - sinh viên.
Là một MMORPG kết hợp giải đố, Chinh Phục Vũ Môn mang đến cho game thủ cơ hội tiếp cận vô số kiến thức mới thông qua các chế độ chơi hết sức thú vị như đấu đội đánh boss, đấu đơn hay bắn bóng. Bên cạnh đó nhiều tính năng mới lạ lần đầu có trong một game như lớp học ảo, nhà riêng 3D, mạng xã hội.. sẽ là mảnh đất giải trí lành mạnh, đề cao tính nhân văn và sự chia sẻ kiến thức của người chơi năng động.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng giám đốc Egame, chia sẻ việc phát triển và vận hành Chinh Phục Vũ Môn hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề lớn nhất vẫn là thị hiếu của game thủ Việt như đã đề cập ở trên. Một rào cản khác mà công ty này vấp phải là định kiến của xã hội đối với trò chơi trực tuyến. Cụ thể, khi nhắc đến hai từ "game online", hầu hết các bậc phụ huynh và gia đình đều mặc định rằng, game là bạo lực, vô bổ và gây tổn hại đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của con trẻ.
Chinh Phục Vũ Môn đang nỗ lực để cải thiện bộ mặt game online giáo dục tại VN.
Ông Thủy khẳng định sẽ làm hết sức mình để chứng minh cho xã hội thấy rằng, game online - cụ thể ở thể loại giáo dục - sở hữu nhiều mặt tích cực và lợi ích cho người chơi, đặc biệt trong vấn đề trau dồi kiến thức. Thay vì thu lợi nhuận chóng vánh bằng bán vật phẩm như đa phần game online trên thị trường, chiến lược kinh doanh của công ty sẽ tập trung vào hướng lâu dài, thông qua việc vận hành các bài giảng trực tuyến với chi phí thấp.
Một đại diện của một nhà phát hành lớn tại VN chưa từng tham gia vào lĩnh vực game giáo dục cho biết, việc định hướng phát triển và vận hành game thể loại này ở VN là điều cần cân nhắc kỹ, không thể bắt tay làm một sớm một chiều. Điều này xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất, game online giáo dục hiện không phải là "món ăn" được ưa thích của game thủ Việt, những người vốn từ lâu đã mê các thể loại hành động, nhập vai kiếm hiệp...
Bên cạnh đó, việc lựa chọn sản phẩm game giáo dục trực tuyến có nội dung phù hợp với văn hóa thuần phong mỹ tục của VN không hề dễ dàng, nhất là khi đặt trong bối cảnh Việt Nam từ trước đến nay luôn phải nhập game ngoại. Trường hợp tự phát triển một game giáo dục, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí sản xuất không nhỏ, trong khi tiềm năng thu hồi vốn và sinh lời lại không mấy khả quan.
Đưa ra định hướng cho các doanh nghiệp về phát triển game online giáo dục tại VN, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông, nhận định các doanh nghiệp cần nâng cao tính giải trí của sản phẩm game online giáo dục sao cho thỏa mãn nhu cầu của người chơi. Song, nội dung trò chơi vẫn cần chú trọng định hướng giáo dục nhân cách cũng như nâng cao kiến thức của người chơi trong nhiều lĩnh vực.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Các game online casual nên về nước nhiều hơn Vốn là những MMO có đồ họa dễ thương, bắt mắt cùng gameplay vui nhộn, tạo tiếng cười, các game online casual có lối chơi đơn giản kết hợp với những bản nhạc nền êm đềm, vui tai sẽ phần nào giúp bạn thực sự được xả hết stress, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống sau một ngày học tập, làm việc...