Doanh nghiệp vận tải đang ‘bất kham’?
Thúc ép, lập đoàn kiểm tra liên ngành, nhưng DN chỉ giảm giá cước vận tải nhỏ giọt trong khi xăng dầu liên tục giảm giá. Cùng với đó là việc tăng giá cước vận tải dịp Tết. Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng cơ quan quản lý đã “nương” DN hay DN vận tải đang “bất kham”?
Nguyên nhân được các doanh nghiệp vận tải đưa ra cho việc chây ì giảm cước vận tải là giá xăng thường giảm nhỏ giọt nên họ phải chờ một mức giảm đủ lớn mới có thể điều chỉnh giá… (Ảnh minh họa).
Theo thông báo mới đây của Sở Tài chính TP.HCM, đã có hơn 55 đơn vị vận tải thực hiện kê khai giá đối với vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định. Cước vận tải tuyến cố định và taxi giảm giá từ 2 đến 7,9%.
Năm 2015, trong tổng số 23 lần điều chỉnh giá xăng dầu, thì có đến 12 lần giảm giá xăng, dầu diezen giảm 13 lần, dầu hỏa giảm 16 lần và dầu ma dút giảm 14 lần. Các lần tăng với tần suất thấp hơn nhiều. Đầu năm 2016 này, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Cái lý các DN kinh doanh vận tải thường đưa ra cho việc chậm trễ giảm giá của mình đó là do không điều chỉnh tăng khi giá xăng dầu tăng. Thế nên, khi giá xăng dầu giảm họ lại “ngó lơ” không giảm bất chấp sự giục giã của các cơ quan quản lý nhà nước và sự nóng lòng của khách hàng.
Trong hàng nghìn xe taxi đang lăn bánh ngoài phố sá kia, giá mở cửa vẫn là 5.000 hoặc 6.000 đồng (tùy hãng) và mức giá tiếp theo vẫn “chôn chân”: 11.000/km!
Chưa kể, cứ dịp lễ, Tết, các DN vận tải lại áp mức phụ thu tăng chóng mặt, lên đến 60%. Nhưng đó chưa phải là thực tế. Trong một khảo sát vào sáng nay của phóng viên truyền hình, tại Bến xe miền Đông, mức giá (có phụ thu) được niêm yết của một tuyến xe là gần 600.000 đồng, thì mức giá người đi xe phải “móc hầu bao” lên đến 1,2 triệu đồng.
Thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình, một lãnh đạo của Bộ Giao thông vận tải đã phải thừa nhận với báo chí: “Lập đoàn kiểm tra chỉ là giải pháp nhất thời được triển khai khi vấn đề giá cước gây bức xúc xã hội. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng thành quy định pháp luật để điều chỉnh”.
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cũng đang gấp rút dự thảo Thông tư bổ sung các quy định về yêu cầu thời điểm phải kê khai lại giá cước khi có biến động về giá nhiên liệu. Dựa vào những quy định về yêu cầu thời điểm phải kê khai lại giá cước khi có biến động về giá nhiên liệu. Từ đây sẽ bổ sung các chế tài xử lý vi phạm cụ thể trong công tác quản lý giá cước.
Video đang HOT
Văn bản cần thời gian hoàn thiện, nhưng tết Nguyên đán lại đang đến rất gần. Không phải vì giá cước vận tải không nằm trong danh mục 11 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, mà cơ quan quản lý “bó tay”. Việc thúc ép, thanh kiểm tra cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Người dân cần các cơ quan chức năng mạnh tay hơn để ngắt điệp khúc buồn tăng giá này.
Mới đây, trước đợt bán vé Tết cho người dân, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giảm 20% giá vé hành khách, để phù hợp với việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian qua. Vị “tư lệnh” của ngành này cũng đã từng yêu cầu giảm giá vé máy bay “cho dân được nhờ”.
Còn nhớ, cách đây 2 năm, trước sức ép tăng giá cước vận tải dịp Tết, các cơ quan chức năng đã kiên quyết vào cuộc, trong trường hợp cần thiết, có địa phương đã bố trí xe đưa rước người dân về quê ăn Tết, để không có trường hợp nào không bắt được xe về quê trong những ngày cuối cùng của năm.
Vẫn biết rằng, mệnh lệnh hành chính chưa hẳn đã phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, các cơ quan quản lý cần phải mạnh tay hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Mới rồi, một vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã hứa trước công luận: “Tới đây, cơ quan quản lý sẽ áp dụng quy định DN giảm giá cước sau 5 ngày xăng dầu giảm giá”.
Người dân chờ đợi những thay đổi từ thực tế, nếu không khó có thể đánh giá cơ quan quản lý đã tròn vai.
Theo NTD
Vì sao cước taxi tại Việt Nam cao?
Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, giá cước taxi nước ta đang đắt hơn so với nhiều nước trong khu vực. Vì sao thu nhập, mức sống của người dân Việt Nam thấp nhưng giá cước taxi lại cao?
Một trong những nguyên nhân khiến giá taxi ở Việt Nam cao là do giá xe taxi quá đắt - Ảnh: Dương Linh
Cước cao vì chi phí lớn
Khi được PV Báo Giao thông đặt câu hỏi: "Giá cước taxi tại Việt Nam có cao hay không?", ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng, một doanh nghiệp có khoảng 300 đầu xe taxi cho rằng: "Muốn biết cao hay không phải xem cụ thể phương án giá". Ngay sau đó, ông Hải chuyển cho PV bảng kê khai giá cước taxi của loại xe Huyndai Grand i10 và Getz.
Theo bảng kê khai này, chi phí mua xe là 480 triệu đồng. Các chi phí cơ bản trong một năm của chiếc xe taxi gồm: lương lái xe là 54 triệu (2 nghìn đồng/km), khấu hao cơ bản là 96 triệu (khấu hao trong 5 năm), sửa chữa lớn 22,5 triệu đồng, trả lãi ngân hàng 40,3 triệu đồng, nhiên liệu gần 78 triệu đồng. Cùng đó, chi phí quản lý khoảng 9 triệu đồng cộng thêm các chi phí khác như: Bảo hiểm hành khách và phương tiện, dầu nhớt, sửa chữa lớn - nhỏ, lốp xe, chi phí bán hàng, thuế (doanh nghiệp, VAT)... tổng chi phí trong một năm hơn 353 triệu đồng. Trừ chi phí tất cả các khoản đầu vào đó, đơn vị này đưa ra giá cước là 13.081 đồng trong khi giá cước công ty đang khai thác là 11 nghìn - 11.500 đồng/km. "Chúng tôi đang chạy xe dưới giá thành", ông Hải nói.
"Rà soát sự hợp lý về giá cước vận tải là do ngành Tài chính thực hiện theo nguyên tắc tính chi phí đầu vào. Tôi biết có những doanh nghiệp đã kê khai giá cước khi giá xăng ở mức thấp hơn hiện nay. Trong trường hợp ấy, yêu cầu họ giảm cước thì cũng rất khó". Bà Phan Thị Thu Hiền Phó Vụ trưởngVụ Vận tải (Bộ GTVT)
Ông Hải cho biết, nếu tính theo các chi phí đầu vào như vậy, rõ ràng doanh nghiệp đang bị lỗ. Tuy nhiên, hầu hết các hãng hiện nay đều không lấy lợi nhuận từ giá cước mà từ việc bán thương quyền và khấu hao phương tiện. Khi có thương hiệu bán 5-6 triệu đồng/xe tiền đàm một cách dễ dàng. "Trước sức ép của xã hội và để giữ thương hiệu, chúng tôi sẵn sàng hạ giá cước từ 3-5% trong thời gian tới nhưng nếu nói là giá cước taxi tại Việt Nam cao bất thường là chưa chính xác", ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Truyền thông taxi Mai Linh tại TP HCM cho biết, lợi nhuận của Mai Linh hiện rất thấp, chỉ khoảng 5%. Mai Linh đầu tư một chiếc Innova 7 chỗ, có giá từ 800 - 900 triệu đồng nhưng chỉ hoạt động được từ 5 - 7 năm phải thanh lý nên khấu hao rất lớn. Trong khi đó, phí bảo dưỡng, sửa chữa rất cao. Bình quân mỗi tháng xe taxi của Mai Linh phải đi bảo dưỡng từ 1 - 2 ngày. Phí này hãng phải chi trả hoàn toàn, bảo hiểm chỉ thanh toán trong trường hợp xe bị tai nạn. Bên cạnh đó, còn nhiều loại thuế, phí khác như: Thuế GTGT, phí bảo trì đường bộ, điều đàm, phí bán hàng, bến bãi... ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành. Theo ông Hưng, nếu "đầu vào" giảm chắc chắn cước taxi sẽ giảm.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM: " Vấn đề đặt ra là người nhận định đứng ở góc độ nào khi nói giá cước taxi Việt Nam cao hơn Thái Lan, Singapore và một số nước trong khu vực. Chẳng hạn như, giá xe đầu tư ở Thái Lan và Việt Nam khác nhau vì thuế nhập khẩu về Việt Nam cao hơn nhiều. Đồng thời, một chiếc xe taxi hiện đang phải "cõng" nhiều loại phí trong khi các thuế, phí kinh doanh cũng rất cao. Chúng tôi muốn giảm nhưng không thể giảm hơn được nữa".
Các hãng taxi đều cam kết giảm giá khi chi phí đầu vào giảm - Ảnh: Tạ Tôn
Tài xế taxi than thu nhập thấp!
Anh Nguyễn Hữu Cường, lái xe của hãng Việt Nam Taxi (Hà Nội) cho biết, hãng của anh kê khai giá cước 11 nghìn/km từ khi giá cước cao nhất nên bây giờ yêu cầu giảm cước sẽ rất khó khăn cho anh em lái xe.
Từ năm 2012, anh Nguyễn Văn C. và một người bạn góp vốn mua chiếc Innova đã qua sử dụng với số tiền hơn 400 triệu đồng, nhờ thương hiệu, dịch vụ của Mai Linh và thay phiên nhau chạy. "Ngày hôm qua, tôi chạy được hai triệu đồng, chi phí xăng 450 nghìn đồng, tiền đàm mất 150 nghìn đồng, thuế thu nhập 240 nghìn đồng, rửa xe, tiếp thị 36 nghìn đồng. Xe của mình, mình tự lái nhưng tổng số tiền thu về không được một nửa... Đó là chưa kể, mỗi năm chúng tôi phải nộp cho Mai Linh 12 triệu đồng tiền thương hiệu", anh C. tính toán.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cước taxi ở nước ta cao hơn một số nước có nhiều nguyên nhân. Đơn cử, như hiện nay tỷ lệ xe chạy "rỗng" còn rất lớn. Bên cạnh đó, do không có chỗ đỗ xe nên taxi phải chạy nhiều trên đường khiến chi phí tăng cao.
Theo anh Nguyễn Thanh T., tài xế taxi Vinasun: "Mỗi tài xế của Vinasun phải đóng tiền "thế chân" 10 triệu đồng, được đóng BHYT, BHXH. Nếu chạy đủ định mức từ 1,7 triệu đồng trở lên, tài xế được hưởng 62% doanh thu, từ 2 triệu đồng trở lên được 63%, xăng dầu tài xế tự bỏ tiền mua. Trong trường hợp không đạt định mức còn bị phạt từ 100 - 200 nghìn đồng... Ngay cả khi chạy đủ doanh số, sau khi đã trừ đi các chi phí, mỗi ngày anh T. cũng chỉ kiếm được từ 200-300 nghìn đồng.
Anh Trịnh Quốc Điền lái thuê cho hãng Mai Linh tại Hà Nội cũng cho biết, lái taxi là nghề vất vả nguy hiểm nhưng mỗi tháng thu nhập cũng chỉ khoảng 7 triệu đồng. Nếu trừ chi phí ăn uống trên đường, thuê nhà gần như không có thu nhập tích luỹ.
Làm sao để hạ giá cước taxi?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cước taxi ở nước ta cao hơn một số nước có nhiều nguyên nhân. Đơn cử, như hiện nay tỷ lệ xe chạy "rỗng" còn rất lớn. Bên cạnh đó, do không có chỗ đỗ xe nên taxi phải chạy nhiều trên đường khiến chi phí tăng cao.
"Hiện chúng ta chưa xác định taxi có phải là loại hình vận tải công cộng, nên không có những cơ chế khuyến khích, trợ giá, tạo điều kiện cho loại hình này. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong việc điều chỉnh giá cước cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp", ông Thanh cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng cho rằng, nếu tính chi phí đầu vào của các doanh nghiệp taxi gần như giống nhau, vấn đề còn lại quyết định đến giá thành nằm ở số km hữu ích (xe có khách). Hiện nay, tỷ lệ số km chạy "rỗng" của taxi tới 60% tác động lớn đến giá cước.
"Theo tôi, đa số các yếu tố đầu vào như: Chi phí mua xe, lãi suất ngân hàng, sửa chưa phương tiện, chi phí quản lý... không thể hạ được nữa mà chỉ có tăng lên. Cái có thể giảm là chi phí nhiên liệu nhưng lại biến động liên tục. Để việc điều chỉnh cước được thuận lợi, cần xây dựng cơ chế về giá theo hướng cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc điều chỉnh theo giá xăng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác. Hiện nay, các thủ tục điều chỉnh cước rất phức tạp, có khi phải mất hàng tháng mới được chấp thuận nên có khi chưa kịp điều chỉnh thì giá xăng đã có biến động. Mỗi lần điều chỉnh cước trên đồng hồ cũng mất trên dưới một triệu đồng là chi phí lớn đối với doanh nghiệp", ông Hải cho biết thêm.
Theo Tiến Mạnh - Mai Huyên
Báo Giao thông
Cước vận tải không giảm và "quyền tẩy chay" của người tiêu dùng Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã cố tình lờ đi nghĩa vụ chia sẻ quyền lợi với khách hàng, điều mà họ từng kêu gọi khi muốn tăng giá. Dư luận đang bức xúc trước tình trạng giá cước vận tải vẫn ở mức cao, mặc dầu giá xăng dầu liên tục giảm. Làm gì để quan hệ giữa nhà cung...