Doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì cuộc chiến thương mại với Mỹ
Tác động của cuộc chiến thương mại với rào cản thuế quan do chính quyền Mỹ áp đặt được dự đoán sẽ đe dọa sự tồn tại của hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc trong thời gian tới.
Các công nhân làm việc trong một xưởng sản xuất tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Từ nhiều tháng nay, căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung ngày càng có xu hướng leo thang khi hai bên liên tục áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Trung Quốc, nơi coi ổn định xã hội là mục tiêu chính sách quan trọng, đã bắt đầu nhận ra rằng hàng triệu việc làm có nguy cơ biến mất nếu Bắc Kinh không vào cuộc khắc phục những tác động của cuộc chiến thương mại.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang phải đau đầu suy nghĩ trước khi quyết định đóng cửa doanh nghiệp hay chuyển địa bàn hoạt động sang một quốc gia khác, nơi không phải là mục tiêu của chiến tranh thương mại, với chi phí kinh doanh thấp hơn. Tại tỉnh Quảng Đông, nơi được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, các doanh nghiệp nhỏ chiếm một nửa trong thị trường việc làm. Các doanh nghiệp này đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể các đơn hàng, trong khi các chi phí tăng cao tới mức khó chấp nhận.
Trong bối cảnh mối đe dọa đặt ra cho ngành công nghiệp Trung Quốc ngày càng tăng lên, chính quyền tỉnh Quảng Đông ngày 10/9 đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp như giảm các loại thuế hay chi phí thuê đất. Tuần trước, chính quyền Quảng Đông cũng sửa đổi một số quy định liên quan tới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
James Zhang, 45 tuổi, đang điều hành một công ty chuyên sản xuất và cung cấp dây điện cho các khách hàng ở trong và ngoài nước tại trung tâm kinh tế ven biển Thâm Quyến phía đông nam Trung Quốc. Zhang cho biết các đơn hàng đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra hồi tháng 7 và ông dự đoán sẽ tiếp tục giảm thêm 30% nữa trong năm tới.
“Các khách hàng đang rời bỏ tôi. Một vài người trong số họ đề nghị tôi tính thêm chi phí bổ sung do thuế mà Mỹ áp đặt, điều mà tôi không thể làm được. Một số khác đã chuyển sang mua hàng từ các đối thủ của chúng tôi ở Việt Nam hay Ấn Độ”, ông Zhang cho biết.
Thâm Quyến, thành phố nằm giáp với Hong Kong, được xem là “ Thung lũng Silicon” của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở các công ty công nghệ lớn nhất và nổi tiếng nhất như các hãng sản xuất thiết bị viễn thông Huawei, ZTE và hãng chế tạo máy bay không người lái DJI.
Từ một ngôi làng đánh cá nhỏ ven biển vào năm 1978, Thâm Quyến đã trở thành trung tâm trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu và là nơi quy tụ hàng chục nghìn nhà sản xuất quy mô nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm máy móc và điện tử. Tuy nhiên sự tồn tại của các doanh nghiệp này đang bị đe dọa khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra.
Quy mô nền kinh tế tại Quảng Đông bắt đầu có đi xuống. Các chỉ số về quản lý sức mua cho thấy ngành công nghiệp sản xuất tại Quảng Đông đã sụt giảm trong tháng 8 và đây là lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 29 tháng. Trong khi đó, các đơn hàng mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 tháng còn các đơn hàng xuất khẩu mới giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Vật lộn để tồn tại
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: SCMP)
Các doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp của James Zhang đang phải vật lộn để sinh tồn trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế.
Doanh nghiệp của Zhang có khoảng 800 công nhân. Trong giai đoạn làm ăn tốt vào thời điểm năm 2008, các công nhân thường xuyên phải làm thêm giờ mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu dây điện cho khách hàng, bao gồm cả dây được sử dụng trong điện thoại di động và máy tính.
Công việc bắt đầu trở nên khó khăn hơn từ 5 năm trước đây do chi phí thuê nhân công, nhà xưởng và năng lượng tăng lên trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các sản phẩm do doanh nghiệp của Zhang sản xuất nằm trong danh mục hàng nhập khẩu Trung Quốc bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% kể từ ngày 23/8.
“Tôi không thể ngủ được vào mỗi tối. Dường như không có cách nào để tôi có thể xoay sở được lần này. Cách duy nhất bây giờ là từ bỏ mọi thứ ở đây và bắt đầu lại từ đầu với một nhà máy mới ở Việt Nam. Một số bạn bè và khách hàng của tôi đã chuyển đến đó trong vài năm gần đây”, Zhang nói, đề cập tới những lợi thế tại Việt Nam như thuế thấp hơn và giá nhân công rẻ hơn.
Một số đối tác của Zhang cũng đã chuyển địa bàn hoạt động ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc để giảm chi phí. Công ty Samsung của Hàn Quốc cũng đã cắt hoạt động sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc, trong khi đẩy mạnh dây chuyền sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ.
Hu, một người bạn của Zhang, cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự. Từ một xưởng sản xuất dây điện nhỏ vào năm 2000, nhà máy của Hu hiện nay đã có 500 công nhân. Doanh thu xuất khẩu của công ty Hu năm ngoái khoảng 7 triệu USD, nhưng năm nay chủ doanh nghiệp này dự đoán doanh thu sẽ chỉ còn chưa đầy 3 triệu USD.
“Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được tình hình khó khăn từ tháng 4 khi chính phủ Mỹ bắt đầu cấm xuất khẩu đối với ZTE. Đối với các nhà cung cấp như chúng tôi, đơn hàng đã đóng băng trong nhiều tháng. Thậm chí bây giờ nếu ZTE nối lại hoạt động, hoạt động kinh doanh của họ cũng rất đình trệ”, Hu cho biết.
Giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ tại Trung Quốc sẽ khó có thể tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
“Các doanh nghiệp xuất quy mô nhỏ hơn sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong năm tới và một số sẽ phải đóng cửa”, Iris Pang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ING Bank ở Hong Kong, nhận định.
Các chủ doanh nghiệp như Hu đang cảm nhận thêm sức ép khi họ không nhận được đủ sự giúp đỡ cần thiết từ chính quyền trong việc cứu vãn hoạt động xuất khẩu.
“Chúng tôi hiểu rằng chiến tranh thương mại là vấn đề lớn. Nhưng vẫn có nhiều cách họ có thể làm để giúp chúng tôi giảm bớt áp lực. Chúng tôi không thấy họ làm gì cả. Ngược lại, sức ép từ trên xuống còn đang bóp nghẹt chúng tôi”, Hu nói.
Thành Đạt
Theo Dantri
Theo SCMP
Thế giới dè chừng với tiền đầu tư của Trung Quốc
Từ Đức đến Anh đến Canada và nhiều quốc gia khác đã nối gót Mỹ ngăn cản các thương vụ bán công ty công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc do lo ngại vấn đề an ninh.
Chính quyền Tổng thống Trump ngăn nhiều thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AP)
Mỹ nói "không"
Mỹ cho rằng, Trung Quốc dùng đầu tư để có thể sở hữu những công nghệ hạ tầng quan trọng. Với các thương vụ thâu tóm của nước ngoài, Mỹ đưa ra những điều kiện đặc biệt khắt khe đối với các thương vụ trong những ngành kinh tế nhạy cảm.
Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump thậm chí còn khắt khe hơn khi liên tục cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh thương mại không công bằng. Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đầu năm 2017, chính quyền của ông đã ngăn chặn nhiều thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc.
Kể từ đầu năm nay, chính quyền của ông đã ngăn chặn các thương vụ với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD, trong đó đáng chú ý là thương vụ thâu tóm quỹ phòng ngừa rủi ro Skybridge Capital, hay thương vụ thâu tóm hãng Qualcomm.
Theo số liệu của công ty tư vấn Rhodium Group, giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 7 năm.
Ngày càng nhiều thương vụ thâu tóm thất bại
Các nước ngày càng dè chừng với đầu tư từ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Khi Mỹ ngày càng dè chừng với các khoản đầu tư của Trung Quốc với việc ngăn hàng loạt thương vụ có giá trị lớn, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn cho rằng, Trung Quốc sẽ tìm được cơ hội ở các thị trường khác. Tuy nhiên, sự lạc quan đó dường như quá sớm.
Những tháng gần đây, Đức, Pháp, Anh, Liên minh châu Âu, Australia, Nhật Bản và Canada đã đồng loạt nói không với nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại an ninh.
Ngày càng nhiều thương vụ thâu tóm của Trung Quốc gặp rắc rối. Hồi tháng 8, chính phủ Đức lần đầu tiên phủ quyết thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc, cụ thể là công ty sản xuất thiết bị hạt nhân Yantai Taihai đề nghị mua lại Leifeld Metal Spinning, một doanh nghiệp trong ngành hạt nhân và vũ trụ của Đức.
Đức bắt đầu soạn dự luật siết kiểm soát đầu tư sau hàng loạt thương vụ thâu tóm của Trung Quốc, trong đó có thương vụ 5 tỷ USD mua lại Kuka, công ty trong ngành tự động hóa của Đức.
Lo ngại việc Trung Quốc ra sức thâu tóm công nghệ tối tân, năm ngoái chính phủ Đức cũng đã sửa đổi luật để tăng quyền của chính phủ trong việc giới hạn nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không quá 25% cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hạ tầng quan trọng.
Hồi tháng 5, Canada đã phản đối thương vụ Công ty xây dựng giao thông Trung Quốc thâu tóm công ty xây dựng Aecon của nước này.
Năm ngoái, Đức cùng với Pháp và Italy kêu gọi một cơ chế "châu Âu mở rộng" để đánh giá khắt khe hơn các thương vụ thâu tóm của nước ngoài.
Động thái này đưa ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc thâu tóm công nghệ qua các khoản đầu tư.
Anh từng một thời được coi là rộng cửa nhất đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc nhưng đến nay cũng bắt đầu nối gót Mỹ, Pháp, Đức dè chừng hơn với đầu tư của Bắc Kinh. Hồi tháng 4, một tổ chức giám sát của Anh đã thông báo với các cơ quan chức năng về việc ngừng làm ăn với hãng sản xuất viễn thông ZTE của Trung Quốc sau khi Mỹ cấm ZTE mua các linh kiện của Mỹ trong vòng 7 năm.
Do sự dè chừng này, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc giảm lần đầu tiên từ năm 2002, từ mức đỉnh 196,5 tỷ USD năm 2016 xuống còn 124,6 tỷ USD.
Jeremy Zucker, đồng giám đốc công ty luật Dechert ở Washington nhận định: "Xu hướng mà chúng ta đang nhìn thấy trên toàn cầu là sự lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Điều này càng rõ nét hơn với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump".
Ông Zucker chỉ ra rằng, việc Trung Quốc tuyên bố sẽ thống lĩnh trong lĩnh vực công nghệ cao trong vòng 7 năm tới với chương trình "Made in China 2025" là một trong những yếu tố lớn gây quan ngại. "Phương Tây coi điều này giống như một lời tuyên chiến", ông Zucker nói.
Minh Phương
Theo Dantri/ SCMP
Iran tìm đến Trung Quốc khi bị Mỹ trừng phạt? Báo Haaretz dẫn lời một số nhà phân tích nhận định trong bối cảnh doanh nghiệp phương Tây chấp nhận tuân thủ trừng phạt của Mỹ, Iran sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc và chọn quốc gia châu Á này làm thị trường giao dịch tài chính cũng như dầu thô thay thế. Trung Quốc...