Doanh nghiệp than khó khi nộp phí bảo trì đường bộ
Đáp lại kiến nghị của các hiệp hội vận tải về xem lại mức phí với xe rơ moóc, lùi thời gian thu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định “việc lùi thời hạn đã thực hiện, bây giờ phải chấp hành”.
Tại hội nghị triển khai quỹ bảo trì đường bộ ngày 17/12, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho biết, đã nhận được nhiều văn bản của các hiệp hội vận tải địa phương kiến nghị xem xét lại mức phí với xe rơ moóc. Bởi kinh tế khó khăn, những công ty có hàng loạt rơ moóc thiết kế chở ôtô nằm dài cả năm vì không có hàng.
Ông Liên đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét tình hình kinh tế xã hội để có “bước lùi” thu phí lại một năm hoặc giảm mức thu phí khoảng 30% của rơ moóc so với xe đầu kéo vì phải có đầu kéo xe rơ moóc mới chạy được.
Ngoài ra, ông Liên cũng kiến nghị cần hướng dẫn cụ thể thêm việc miễn thu phí xe máy đối với hộ nghèo. Bởi trong phụ lục thu thông tư 197 không có biên bản xác nhận miễn cho hộ nghèo. Ngoài ra, Thông tư quy định miễn phí thu xe máy của hộ nghèo nhưng mỗi hộ nghèo có 2-3 xe máy rẻ tiền thì có miễn toàn bộ hay chỉ một xe?
“Mong cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe để điều chỉnh phù hợp”, ông Bùi Danh Liên bày tỏ.
Phí bảo trì đường bộ thu theo đầu phương tiện và xóa các trạm thu phí nhà nước.
Ông Hoàng Văn Tản, Phó tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho rằng việc thu phí ôtô theo kỳ đăng kiểm 3-6-9 tháng và một năm chưa phù hợp với tình hình doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn hiện nay. “Nếu thu theo chu kỳ 3 hay 6 tháng mỗi xe đóng hơn một triệu/tháng thì doanh nghiệp có hàng trăm xe sẽ rất khó khăn vì còn phải đóng các loại thuế khác. Đề nghị xem xét đối với xe kinh doanh vận tải nên thu phí theo từng tháng để giảm áp lực đóng 3 đến 6 tháng/lần”, ông Tản kiến nghị.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng còn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải công bố danh sách các trạm thu phí sẽ dừng hoạt động khi thực hiện quỹ bảo trì để doanh nghiệp tránh bị động trong việc tính toán giá cước từng tuyến vận tải. Ông Tản kiến nghị nên bỏ cả trạm đã bán quyền thu phí để tránh phí chồng lên phí. Với ôtô đã kiểm định trước 2013 và trong năm 2013 chưa đến kỳ kiểm định mới để nộp phí thì cần thông báo cho bên cảnh sát giao thông để tránh họ không nắm rõ và xử phạt khi không thấy xe dán tem đã nộp phí.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho biết các hiệp hội thành viên đều cho rằng thu phí theo đầu phương tiện sẽ thiếu công bằng. Nếu thu theo xăng dầu dù 60-70% lượng dầu không sử dụng vào đường bộ nhưng việc hoàn phí cho đối tượng ngoài đường bộ không quá phức tạp. Với điều kiện hiện nay ngành tài chính có thể làm được.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị làm rõ cho người dân biết với trạm thu phí BOT, trạm bán quyền thu phí thì tiền thu phí đã có cả tiền bảo trì đường bộ chưa, có chồng phí hay không? “Doanh nghiệp nộp phí nhưng cần bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, mong quỹ thu đúng thu đủ để bảo dưỡng nâng cấp đường, công khai minh bạch cho người dân biết rõ”, ông Thanh kiến nghị.
Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, do kinh tế khó khăn Bộ đã kiến nghị Thủ tướng cho lùi thời hạn thực hiện 7 tháng đến 1/1/2013 mới thu thay vì 1/6/2012. Việc lùi thời hạn đã thực hiện nên bây giờ phải chấp hành đúng quy định.
“Trong quá trình thực hiện quỹ chúng tôi sẽ theo dõi trên tinh thần đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ nếu điều chỉnh thì phải sau 3 đến 6 tháng thực hiện thu quỹ để tổng hợp những bất cập, phát sinh. Trước mắt cứ thực hiện rồi điều chỉnh sau. Bất cứ nghị định, thông tư nào khi ban hành có tác động đến người dân sẽ có ý kiến khác nhau. Với ý kiến trái chiều trong quá trình thực hiện Hội đồng quỹ trung ương và hai bộ Tài chính, Giao thông Vận tải sẽ tổng hợp, nghiên cứu để có đề xuất điều chỉnh”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Thứ trưởng Trường cũng cho rằng chi phí cho việc thu phí được quy định ở mức thấp nhất. Nếu thu theo tháng sẽ in thêm tem phiếu, chứng từ, chi phí tăng lên. “Quy định chỉ cho thời gian chậm nộp phí vài ba ngày, nếu quá 3-4 ngày không đóng phí thì cảnh sát giao thông sẽ phạt, lúc đó tiền phạt còn lớn hơn số tiền thu theo hàng tháng. Chu kỳ thu theo đăng kiểm 3, 6, 9 tháng và 1 năm là tương đối phù hợp để giảm chi phí in ấn, thời gian doanh nghiệp mang xe đến cơ quan đăng kiểm để nộp phí, dán tem. Còn trường hợp có số phương tiện lớn muốn đóng mỗi tháng một lần thì Hội đồng quỹ trung ương giao cơ quan đăng kiểm xem xét và đưa vào hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, bên nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm”, ông Trường nói.
Về ý kiến thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, ông Trường cho biết, cách này không thành công vì giá xăng dầu thay đổi liên tục. Thu qua xăng dầu nhiều khi hòa vào ngân sách nên tách ra dùng bảo trì đường bộ rất bị động. Ngoài ra, không công bằng với người sử dụng xăng dầu ngoài đường bộ vì 90% xăng dùng vào đường bộ nhưng dầu chỉ dùng 40%.
Theo thông tư hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ, ôtô có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm (18, 24 và 30 tháng), chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng) được dán tem nộp phí tương ứng. Nếu nộp phí cho cả chu kỳ đăng kiểm thì được cấp tem nộp phí cho cả chu kỳ đăng kiểm. Còn nếu nộp phí 12 tháng thì khi hết thời gian nộp phí, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí cho thời gian tiếp theo. Trường hợp đăng kiểm đến sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm thì thời điểm tính phí là thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí lần trước.
Đối với xe môtô, UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí. UBND cấp xã chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai, thu phí đối với xe môtô. Xe môtô phát sinh trước ngày 01/01/2013 thì thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng.
Theo VNE
Nghèo mức nào được miễn phí đường?
Khi bị CSGT kiểm tra, ngoài các loại giấy tờ, có phải xuất trình thêm giấy chứng nhận hộ nghèo mới không bị phạt lỗi "không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định"?
Liên quan quy định nộp "phí sử dụng đường bộ" từ đầu năm tới, theo Thông tư của Bộ Tài chính, xe mô tô của chủ phương tiện thuộc hộ nghèo (theo quy định của pháp luật về hộ nghèo) được miễn phí.
Tuy nhiên, tại cuộc tập huấn về thu nộp phí sử dụng đường bộ do Bộ GTVT vừa tổ chức, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp hộ nghèo.
Theo ông Liên, hiện nay, chỉ có địa phương, tổ dân phố, phường xã nắm được danh sách các hộ nghèo. Hơn nữa, danh sách này chỉ được lập theo từng năm.
Vậy nhưng, trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có các mẫu biên bản nộp phí, nhưng không thấy có mẫu nào xác nhận cho hộ nghèo để được miễn phí. Khi xe máy không nộp phí ra đường, sẽ bị phạt từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng theo Nghị định 71. Không lẽ đến lúc đấy lại về phường xã xin xác nhận mình là hộ nghèo. Điều này hết sức phức tạp.
Từ đó, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chính quyền địa phương phát hành một loại giấy xác nhận cho hộ nghèo.
Khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô sẽ phải đóng phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2013
Mặt khác, ông Liên lại nêu vấn đề người sử dụng phương tiện xuất trình giấy tờ khi bị CSGT kiểm tra.
Theo ông Liên: "Chúng ta đang muốn giảm thủ tục hành chính. Vậy nhưng, chúng ta đi xe lại phải có CMND, đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, và nay lại thêm phiếu xác nhận hộ nghèo."
"Mặt khác, có hộ nghèo sử dụng 3 - 4 xe máy (có thể rẻ tiền), chỉ được miễn 1 xe hay toàn bộ." - Ông Liên đặt câu hỏi.
Liên quan đến quy định thu phí ô tô, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu ví dụ về những doanh nghiệp có số lượng xe lớn nhưng hiện nhiều xe đang "đắp chiếu". Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giảm phí để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
Đại diện Sở GTVT Lào Cai cho rằng cần hướng dẫn cụ thể hơn về chế tài xử phạt. Nếu người sử dụng phương tiện không thực hiện thì giải quyết thế nào? Theo vị đại diện đến từ Lào Cai, Nghị định 71 đã quy định xử phạt lỗi này nhưng cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất.
Một số ý kiến đề xuất, với một số doanh nghiệp sở hữu nhiều xe, phải nộp một lúc quá nhiều tiền phí. Trong khi tình hình kinh doanh đang khó khăn, doanh nghiệp cần vốn để sản xuất, chịu đủ các chi phí, lãi suất ngân hàng... Vậy có nên cho phép doanh nghiệp nợ một kỳ nộp phí hoặc nộp trước chỉ 1 tháng.
Đại diện các hiệp hội cũng nêu câu hỏi, từ 1/1/2013 còn bao nhiêu trạm thu phí trên đường. Đề nghị Tổng Cục đường bộ công bố để doanh nghiệp vận tải tính toán hướng kinh doanh và giá cước, hợp đồng với khách hàng.
Giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong quá trình thu phí sẽ tiếp tục theo dõi, cố gắng đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Nếu tình hình kinh tế vẫn khó khăn, cần điều chỉnh thu mức thu với cũng phải sau 6 tháng thực hiện.
Có những doanh nghiệp vận tải có số lượng xe nhiều, sẽ giao cơ quan đăng kiểm xem xét để đảm bảo họ không phải nộp trước một lúc số tiền quá lớn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Trường cũng cho hay, sẽ công bố cụ thể số trạm ngừng thu phí đường bộ chậm nhất là vào 25/12.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:
Đối với vi phạm "không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định", chủ xe mô tô, xe gắn sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 nghìn đồng. Còn chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng và các loại xe tương tự ô tô nếu bị phạt từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Đây là mức xử phạt tương đương với lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện. Vi phạm lỗi trên sẽ bị buộc phải mua hoặc nộp phí theo quy định.
Theo 24h
Bộ GTVT: Đường xấu càng phải đóng phí "Nói đường chưa tốt không nên thu phí là không nên. Chúng ta thu phí là để đầu tư đường tốt hơn. Đường chưa tốt chúng ta càng phải có trách nhiệm đóng góp một phần phí để có đường tốt hơn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước"... - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định. Thủ...