Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, lao động khốn đốn
Dù đã có nhiều biện pháp để thúc ép doanh nghiệp trả nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tuy nhiên, tại Quảng Ninh vẫn có nhiều doanh nghiệp lớn nợ tiền bảo hiểm lên đến hàng chục tỷ đồng, khiến lao động gặp nhiều khó khăn.
Xin nghỉ việc cũng khó
Chị Mai Thị Thủy – Tổ trưởng Công ty May Quảng Ninh cho biết: “Thời gian qua, tôi và nhiều chị em khác xin nghỉ việc nhưng do nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), công ty không chịu ký quyết định thôi việc. Mấy tháng nay, tôi đã đi xin việc nhiều nơi, nhưng họ đòi bảo hiểm, tôi không có nên họ không nhận. Mà không có quyết định thôi việc chúng tôi không thể chốt được sổ bảo hiểm. Hiện nay chị em công nhân đang làm việc tạm để chờ sổ”.
Đại diện công nhân Công ty CP SXVLXD Hà Khẩu cùng ký vào bản cam kết trả lương, bảo hiểm cho công nhân. Ảnh: N.Q
Báo cáo chi tiết đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tính đến hết tháng 3.2018 do BHXH tỉnh Quảng Ninh cung cấp có: Công ty CP Gạch ngói Đất Việt (nợ trên 1,2 tỷ đồng); Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (trên 1,8 tỷ đồng); Công ty Xây lắp mỏ – TKV (gần 7 tỷ đồng); Công ty CP Xí nghiệp Than Uông Bí (trên 2,3 tỷ đồng); Công ty CP Xây dựng công trình 507 (trên 1,1 tỷ đồng); Công ty CP Thống nhất 508 (trên 2,2 tỷ đồng); Công ty CP May Quảng Ninh (8,4 tỷ đồng)…
Còn ông Hoàng Trung Tâm (51 tuổi, đã có 14 năm gắn bó với nhà máy sản xuất gạch, Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Khẩu, TP.Hạ Long) cho biết: “Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy khó khăn, bế tắc như bây giờ. Từ quý IV.2012 đến nay, công ty vẫn trừ lương để đóng bảo hiểm cho công nhân, nhưng công nhân lại không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều công nhân sinh con đến nay đã 7 tuổi vẫn không được thanh toán chế độ thai sản”. Bản thân ông Tâm cũng không thể kiên trì chờ đợi, đã xin thôi việc và phải tự bỏ ra 5 triệu đồng để chốt sổ bảo hiểm chuyển sang đơn vị mới.
Video đang HOT
Theo BHXH tỉnh Quảng Ninh, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, nhưng vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp (DN) có số nợ động BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cao. Điển hình như: Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn (nợ 9 tỷ đồng, kéo dài 88 tháng); Công ty CP May Quảng Ninh (nợ 8,4 tỷ đồng, kéo dài 21 tháng); Công ty CP Vật liệu xây dựng Hưng Long (nợ 2,5 tỷ đồng, kéo dài 77 tháng)…
Khởi kiện cũng khó
BHXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện hồ sơ một số DN để chuyển sang cơ quan công an. Dù quy định khởi tố DN nợ BHXH đã có hiệu lực, nhưng không phải DN nào nợ, BHXH cũng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố.
“Trước mắt, BHXH Quảng Ninh ưu tiên thực hiện đôn đốc, thanh kiểm tra để thu hồi nợ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, sau đó nếu DN vẫn cố tình chây ỳ mới chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra” – bà Nguyễn Thị Tuyết Loan- Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ – BHXH tỉnh Quảng Ninh, cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Loan, việc đưa được những DN này ra pháp luật cũng gặp một số trở ngại. Đó là muốn khởi kiện DN nợ đọng BHXH phải có đơn của người lao động, thông qua công đoàn cơ sở. Trong khi đó, công đoàn cơ sở lại ăn lương của DN chi trả, nên hầu hết không ai dám gửi đơn kiện giám đốc DN mình. Còn nếu người lao động trực tiếp gửi đơn lên liên đoàn lao động (LĐLĐ) cấp trên, sau đó LĐLĐ cũng vẫn phải tới công đoàn cơ sở để làm việc theo đơn kiến nghị, khi đó rất khó khăn để tiếp cận ý kiến thực tế của người lao động.
Tại TP.Hạ Long, địa phương có số DN nợ đọng BHXH đứng hàng “top” đầu của Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Hưng – Chủ tịch LĐLĐ thành phố nêu ý kiến: “Chúng tôi đã gửi kiến nghị lên LĐLĐ tỉnh, đề nghị cấp trên tham mưu tới các cấp xây dựng pháp luật, chính sách về BHXH. Như hiện nay, chúng tôi vẫn gặp khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền khởi kiện; thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện của tòa án, về quy trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể, về hệ thống văn bản của các cơ quan tư pháp, về năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn tham gia tố tụng …”.
Ông Lê Đình Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh, cho hay: Trong thời gian tới, nhằm hạn chế tình trạng trốn, nợ BHXH, BHYT, BHTN, chúng tôi sẽ tăng cường đôn đốc thu, thanh kiểm tra liên ngành, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra tòa án và gửi sang công an tỉnh đối với những đơn vị nợ BHXH.
Theo Danviet
Thảm cảnh đòi nợ bảo hiểm xã hội
Kể từ ngày 1.1.2018, những doanh nghiệp (DN) cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bị truy tố về mặt hình sự. Dù đã có những quy định đủ mạnh nhưng nhiều DN vẫn chưa sợ khiến công tác "đòi nợ" của BHXH địa phương khá vất vả.
Đòi nợ phải "nịnh"
Theo ông Nguyễn Ngọc Toan - Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng, thời gian qua TP.Hải Phòng đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để thu nộp, giảm nợ. Tính đến hết ngày 31.12.2017, số thu toàn thành phố đạt 7.402,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 103,63% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Đặc biệt, nhờ BHXH các cấp đã làm tốt công tác đòi nợ mà nợ đọng BHXH chỉ còn 194,7 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Người dân tham gia đóng BHXH tại BHXH quận Kiến An. Ảnh: D.V
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết đơn vị này cũng đang tích cực với các đơn vị có liên quan như Tổng liên đoàn, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, công an tuyên truyền tìm giải pháp đòi nợ BHXH.
Trong năm 2017 BHXH thành phố cũng phối hợp với các đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 251 đơn vị và phối hợp với Thanh tra Sở LĐTBXH thanh tra tại 33 đơn vị. Sau thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng đã nộp số tiền nợ 35,3 tỷ đồng.
Rà soát của BHXH quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho thấy, địa bàn có gần 2.000 DN thì có tới hơn 500 DN nợ tiền BHXH đã "mất tích". Ông Nguyễn Hữu Đô - Phó Giám đốc BHXH quận Hồng Bàng cho biết, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan như thuế, ngân hàng và BHXH còn gặp nhiều bất cập. BHXH muốn phối hợp các đơn vị lấy thông tin rà soát hoạt động của DN thì gặp khó khăn với lý do bảo vệ khách hàng.
"Là người thường xuyên tham gia cùng đoàn kiểm tra, tôi biết việc đòi nợ rất khó. Có những đơn vị họ tỏ thái độ: "Ra tòa không sợ", có đơn vị gây khó khăn trong vấn đề ra tòa nên đơn vị phải nhẹ nhàng thuyết phục. Nếu mình căng quá, DN không hợp tác, hồ sơ khởi kiện cũng bị trả về, rất mệt mỏi" - ông Đô nói. Theo ông Đô, khi DN gặp khó khăn, họ cố tình chây ì, không đóng BHXH.
Thậm chí, tại một số quận , nhiều DN còn lẩn trốn, không treo biển để đối phó với đoàn kiểm tra. Quận này có khoảng 2.100 DN, nhưng chỉ có 587 đơn vị có địa chỉ giao dịch với thuế.
Người lao động chịu thiệt
Đòi nợ BHXH không được, nhiều DN hứa hẹn, cam kết trả nợ, nhưng "lời hứa gió bay", được một thời gian thì quên luôn. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TP.Hải Phòng chia sẻ, nhiều khi đoàn kiểm tra xuống làm việc hầu hết giám đốc đơn vị đi vắng, ủy quyền cho cấp dưới nên không chốt được lộ trình trả nợ.
"Thực trạng nợ đọng tiền BHXH của DN khiến người lao động không được cấp thẻ BHYT, thậm chí một số lao động mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận... phải chấp nhận mua thẻ BHYT tự nguyện để chữa bệnh. Đây là khó khăn cần được giải quyết rốt ráo" - bà Thanh nói.
Theo Danviet
Nợ đọng BHXH giảm kỷ lục ở các tỉnh Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, đặc biệt là với quy định về hình sự hóa tội trốn đóng, nợ đóng BHXH, thời gian gần đây số nợ BHXH ở các tỉnh, thành đã giảm kỷ lục. Điển hình là Đồng Nai. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT của Đồng Nai đạt 103,4% kế hoạch được Thủ tướng giao;...