Doanh nghiệp nhà nước bị ‘cấm cửa’đầu tư ngân hàng, chứng khoán, bất động sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Nghị định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước ( DNNN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh là bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào những lĩnh vực trên phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
DNNN được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong đó bao gồm đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, đầu tư ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
Theo Bizlive
Video đang HOT
Tái cơ cấu hết thời đủng đỉnh
Các chuyên gia kinh tế lưu ý, Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức lớn và hiện không còn nhiều thời gian.
"Thành công bước đầu mà chúng ta đạt được là đã thống nhất được nhận thức: không tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ không phát triển được, nhưng cái mà chúng ta vẫn chưa đạt được là yêu cầu cả về chất lượng lẫn tiến độ". Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao
Ông nói, dù đã đạt được một số kết quả cụ thể nhưng vẫn chậm so với mục tiêu đặt ra, chậm so với yêu cầu của đất nước là hướng nhanh đến phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Dù đánh giá 3 năm tái cơ cấu ở các chiều cạnh khác nhau nhưng các chuyên gia cùng có chung nhận định là "chậm" và "chất lượng" chưa cao. Nguyên nhân cũng được chỉ ra ở nhiều góc độ: do khách quan, chủ quan, do thiếu động lực và áp lực, do sợ chịu trách nhiệm...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh đã báo cáo kết quả 3 năm triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ông cho biết, xét trong bối cảnh 3 năm thực hiện đề án, đó là thời gian bất ổn kinh tế vĩ mô khá nghiêm trọng, vì vậy với kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô đã liên tục được giữ vững. Chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện. Phản ứng của thị trường khá tích cực. Xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của DNNN và hệ thống NH trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn.
Tuy vậy, ông Vinh cũng cho biết, hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu. Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng cổ phần hóa chưa cao. Cơ chế hoạt động của DNNN nói chung và thể chế quản trị DNNN nói riêng còn một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Các chương trình đề án tái cơ cấu của địa phương chưa chú ý tận dụng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Chưa chú ý tới tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất các chuỗi cung ứng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chưa gắn DN nội địa với DN FDI nhằm nâng cao trình độ phát triển công nghiệp và giá trị gia tăng nội địa.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu
TS. Nguyễn Đức Kiên không ngần ngại chỉ ra rằng: tất cả là do người đứng đầu. Ông nói, cùng một cơ chế chính sách như nhau, cùng một chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng sao Bộ Giao thông vận tải đã cổ phần hóa được 92% số DN trong danh sách cổ phần hóa, trong khi nhiều bộ, ngành khác vẫn ì ạch?
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh vai trò và bản lĩnh người đứng đầu, nhưng cũng cần cảm thông và chia sẻ với những nguyên nhân dẫn đến tái cơ cấu chậm.
Ông đặt câu hỏi, với tái cơ cấu DNNN thì vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sẽ ra sao? Hay như chuyện muốn cổ phần hóa, thoái vốn nhanh nhưng không dễ tìm nhà đầu tư chiến lược. Rồi vấn đề ai dám quyết bán cổ phần Nhà nước khi giá thấp - quyết thì "trách nhiệm" bảo toàn vốn đến đâu, thậm chí "liệu có trục lợi ở đây không"?...
Bên cạnh đó là những khó khăn trong tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nông lâm trường quốc doanh, giải quyết nợ xấu... vẫn cần có những quy định bổ sung cho khung pháp lý...
TS. Lê Đăng Doanh thì nhắc đi nhắc lại sự liên quan giữa tái cơ cấu với cải cách thể chế, bộ máy Nhà nước và hiệu quả đầu tư công... Ông nói phải tái cơ cấu ngay bộ máy Nhà nước, giảm cồng kềnh, góp phần tái cơ cấu ngân sách nhà nước... tái cơ cấu đầu tư công.
Bộ trưởng Vinh đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Trong đó sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, dựa trên lợi thế so sánh, khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành tạo cơ sở xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại nông nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ ưu tiên các ngành có lợi thế.
Phát triển các khu kinh tế trong quy hoạch vùng và tăng cường liên kết các địa phương trong vùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động cơ chế thị trường, tạo sân chơi bình đẳng với các DN khác... Và khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác làm đầu mối liên kết giữa nông dân, người sản xuất nhỏ lẻ với DN và cơ quan cung ứng dịch vụ công nghệ cao...
Trước những giải pháp đó, các chuyên gia kinh tế lưu ý, Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức lớn và hiện không còn nhiều thời gian.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tái cơ cấu phải gắn liền với cải cách thể chế mới đạt được mục tiêu, hiệu quả và chất lượng như mong muốn. Ông nói: "Nền kinh tế đang đứng trước tình trạng không có đường lùi, không có con đường nào khác là phải cải cách nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực".
Theo Thời báo Ngân hàng
Giải pháp tái cơ cấu đặc biệt Qua hơn ba năm triển khai, đề án "Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015" đã đi đến giai đoạn thực hiện cuối cùng, song cũng là giai đoạn quyết định, quan trọng nhất đồng thời cũng khó khăn nhất. Sau giai đoạn các ngân hàng thương mại (NHTM) tự nguyện sáp nhập và tự...