Doanh nghiệp Mỹ khao khát Huawei
Huawei đã bị điều tra giữa lúc vai trò của công ty này trong chuỗi cung ứng ở Mỹ trở nên đặc biệt quan trọng.
Báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 29/8 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các công tố viên Mỹ đang điều tra các trường hợp “đánh cắp” công nghệ liên quan đến tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.
Huawei đã trở nên quá quan trọng với Mỹ.
Theo đó, Huawei bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ từ nhiều cá nhân và tổ chức trong nhiều năm, cũng như chiêu mộ nhân viên từ các công ty đối thủ.
Chính phủ Mỹ đang điều tra một vài khía cạnh trong các hành vi kinh doanh của Huawei, vốn không được nêu trong bản cáo trạng đưa ra hồi đầu năm nay. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Huawei và Giám đốc Tài chính của tập đoàn này là bà Mạnh Vãn Châu ( Meng Wanzhou) vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vì đã có hoạt động kinh doanh với Tehran thông qua một công ty con.
Vụ điều tra được đưa ra bất chấp hàng trăm doanh nghiệp Mỹ ồ ạt xin cấp phép được bán hàng cho Huawei như trước khi xảy ra vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu.
Được biết đã có hơn 130 đơn xin cấp phép bán hàng từ Mỹ cho Huawei gửi lên Bộ Thương mại Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 tháng trước đã tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm nhưng chính quyền nước này vẫn chưa duyệt bất kỳ giấy phép nào.
Video đang HOT
Sự trì hoãn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các nhà sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng của Huawei ở Mỹ mất đi hàng tỉ USD doanh thu.
Lượng đơn xin cấp phép hiện tại đã vượt xa con số 50 đơn mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra vào tháng 7 qua. Người phát ngôn của Bộ Thương mại nước này cho biết, quy trình liên ngành liên quan đến các yêu cầu cấp phép cho các giao dịch với Huawei và các chi nhánh ngoài nước Mỹ vẫn đang diễn ra.
Heng Wang, Phó Giáo sư & Đồng Giám đốc tại Trung tâm Luật Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc (CIBEL) tại Khoa Luật của Đại học New South Wales nhận định, số lượng các công ty Mỹ muốn bán sản phẩm cho Huawei là con số chứng minh cho thấy có bao nhiêu chuỗi cung ứng được tích hợp với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
“Đây là phản ánh thực tiễn của chuỗi giá trị toàn cầu. Huawei nhập khẩu rất nhiều từ các nhà cung cấp Mỹ, trong khi các doanh nghiệp Mỹ cũng muốn xuất khẩu sản phẩm của họ sang Huawei” – chuyên gia Heng Wang giải thích.
Số liệu của Huawei cho thấy gã khổng lồ công nghệ đã mua hơn 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ vào năm 2018, trong số 70 tỷ USD mà họ đã chi cho việc mua linh kiện.
Ông Heng Wang cho rằng, số đơn xin cấp phép để doanh nghiệp Mỹ được tiếp tục làm ăn với Huawei là bằng 0 là do các cuộc đàm phán thương mại sau cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 vẫn còn bế tắc.
Tiến sĩ Stephen Nagy, Phó Giáo sư cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế Tokyo cũng đồng tình quan điểm này. Ông nêu tên hai yếu tố thúc đẩy các công ty Mỹ muốn hợp tác với Huawei.
“Trước hết, đó là sự phụ thuộc vào Huawei và sản phẩm của họ cho các doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa tìm thấy một sự thay thế cho Huawei và kết quả là, họ cần duy trì mối quan hệ kinh doanh mạnh mẽ.
Thứ hai, tôi nghĩ cũng quan trọng không kém, đó là việc Tổng thống Mỹ đang dao động đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông Trump cũng có thể thay đổi lập trường về việc xử phạt Huawei và các công ty công nghệ khác từ Trung Quốc. Có thể Mỹ sẽ để ngỏ cho các công ty Mỹ tiếp tục cố gắng duy trì những mối quan hệ mạnh mẽ với công ty Trung Quốc cho đến khi họ tìm thấy một nhà cung cấp thay thế” – Tiến sĩ Stephen Nagy.
Tiến sĩ Nagy cho rằng, cách Mỹ hành động với Huawei chính là một phần trong chiến lược của Tổng thống Trump trong việc đưa Huawei lên bàn đàm phán và liên kết nó với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
“Tôi nghĩ rằng chiến thuật đàm phán của Tổng thống Trump là bắt nạt. Vì vậy, họ nhanh chóng thay đổi cách thức đe dọa để làm mất sự cân bằng của Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại. Ông ấy đã an ủi Huawei và rồi buông xuôi những lời hứa nới lỏng trừng phạt. Đây là chiến thuật mà Tổng thống Trump đang cố gắng đạt được” – ông Nagy nhận định.
Đông Phong
Theo baodatviet
Mỹ gia hạn nhưng lại cấm thêm chi nhánh của Huawei
Mặc dù Huawei được tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ nhưng hàng chục thực thể của hãng tiếp tục bị Washington đưa vào "danh sách đen".
Đúng theo những thông tin được báo chí đăng tải, Bộ Thương mại Mỹ vừa xác nhận giấy phép tạm thời của Huawei, vốn có thời hạn đến 19/8 sẽ được gia hạn đến 19/11.
Việc gia hạn nhằm giúp người tiêu dùng và nhà mạng ở Mỹ có đủ thời gian cần thiết để dịch chuyển khỏi thiết bị Huawei, xét đến nguy cơ dai dẳng về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, đi kèm với quyết định này, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại bổ sung 46 chi nhánh của Huawei vào "Danh sách thực thể", nâng tổng số các chi nhánh, công ty con của công ty Trung Quốc nằm trong lệnh cấm lên con số hơn 100.
Như vậy, việc gia hạn thực ra không mang nhiều ý nghĩa tích cực, mà trái lại, nó mở ra thời kỳ đen tối hơn cho Huawei. Nhiều chi nhánh, công ty con của Huawei sẽ bị ngừng hoạt động hơn, và các đối tác Mỹ sẽ giảm dần phụ thuộc vào Huawei hơn.
Về phần mình, Huawei phản đối việc làm này và cho rằng đây là hành vi mang động cơ chính trị, không hề liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh tự do của kinh tế thị trường.
Theo nghenhinvietnam/Washington Post
Minh Anh
Mỹ sẽ gia hạn giấy phép bán linh kiện cho Huawei Washington dự tính sẽ nối dài thời hạn giấy phép tạm thời, cho phép Huawei tiếp tục mua linh kiện từ các công ty Mỹ thêm 90 ngày, theo Reuters. Chính quyền Mỹ đang có kế hoạch gia hạn giấy phép tạm thời, cho phép các công ty Mỹ được tiếp tục giao dịch với Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc...