Doanh nghiệp mía đường thiếu tiếng nói chung
Do ảnh hưởng của thời tiết xấu, dự báo trong năm 2017, thế giới sẽ thiếu hụt 6 triệu tấn đường. Ở trong nước, các doanh nghiệp lại đang kêu “rất khó khăn” trong việc cân đối giữa bài toán đảm bảo nguồn nguyên liệu và tiêu thụ thương mại.
Thiếu hụt nguyên liệu do thời tiết
Theo Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, nhiều vùng nguyên liệu mía bị ngập nặng, nên trong niên vụ 2016 – 2017, các nhà máy đường (NMĐ) thành viên trực thuộc TTCS chỉ đặt mục tiêu sản xuất 186.513 tấn đường thành phẩm, giảm 7% so với vụ chế biến 2015 – 2016.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Tổng Giám đốc nguyên liệu TTCS cho biết, trong 22.000ha mía của các nhà máy, có khoảng phân nửa bị ngập, trong đó 8.000ha ngập nặng. “Do bị nước ngập lâu ngày nên nhiều diện tích mía đổ ngã, sâu bệnh tấn công, mía khô chết dần và chữ đường cũng giảm đáng kể” – ông Hùng nói.
Video đang HOT
Đóng bao đường tại Nhà máy Đường Phổ Phong (Quảng Ngãi). Ảnh: Tư liệu
Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2016 – 2017, cả nước có 40 nhà máy hoạt động. Nhưng năm 2016, thời tiết diễn biến phức tạp nên hầu hết các nhà máy đường vào vụ muộn hơn so với cùng kỳ. Ở ĐBSCL, một số nhà máy vào vụ đúng lịch nhưng không hoạt động liên tục do nguồn cung bị đứt quãng. Tính đến cuối tháng 12.2016, cả nước có 30/39 nhà máy vào vụ.
Ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2017 – 2018, ngành đường thế giới sẽ tiếp tục đối diện vụ thứ 3 liên tiếp thiếu hụt. Tình hình sản xuất trong nước niên vụ 2016 – 2017 chưa thể khẳng định được do thời tiết còn bất ổn. Ngoài ra, đường nhập lậu và gian lận thương mại cũng ảnh hưởng không ít vì giá đường trong nước biến động và phụ thuộc vào giá thế giới. Điển hình như đường trắng tăng dần đến đỉnh điểm 612,4USD /tấn hồi tháng 9.2016. Sau giai đoạn tăng, giá đường giảm liên tục đến nay. Riêng đường của Thái nhập lậu nhiều năm nay với số lượng lớn, ước tính 400.000 – 500.000 tấn/năm.
Vì thế, lãnh đạo VSSA cho rằng cần tăng cường mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà thương mại để ngành mía đường phát triển đồng thời tiếp tục đối phó với những bất ổn sắp tới.
Cần tiếng nói chung
Với ngành mía đường, trong nhiều năm, nhất là niên vụ 2015 – 2016, vẫn chưa tạo được tiếng nói chung giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi có biến động về giá và sản lượng. Hiện đã có một số nhà máy tổ chức thành lập công ty thương mại riêng, vừa tiêu thụ sản phẩm cho đơn vị của mình vừa tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty khách hàng hoặc ký trực tiếp với công ty chế biến thực phẩm.
Nhưng theo VSSA, lượng đường bán trực tiếp cho khối doanh nghiệp chế biến thực phẩm dùng nguyên liệu đường vẫn còn khiêm tốn, như Công ty Mía đường Cần Thơ chỉ 10%, Công ty NASU Nghệ An 30%… Vì thế, một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm có nhu cầu phải thông qua các doanh nghiệp thương mại dịch vụ.
Các doanh nghiệp thương mại thì lại cho rằng tình hình mua bán của mình cũng không khả quan hơn. Bà Nguyễn Thị Minh Thái – Giám đốc Công ty Thực phẩm Minh Tâm cho biết làm thương mại ngành đường rất cực khổ. “Mua đường của nhà máy phải trả tiền mặt, nhưng bán ra thì lại bị nợ, chưa kể nạn đường lậu. Tính ổn định chưa có, nhất là trong vấn đề giá cả, hễ cứ vô vụ giá giảm, cuối vụ thì giá tăng” – bà Thái nói.
Bà Đặng Thị Nghĩa – Giám đốc Công ty Toàn Phát bức xúc phản ánh tính trạng vi phạm hợp đồng khi có biến động về giá và sản lượng. Bà đề nghị dù giá lên hay xuống cũng phải có kế hoạch ổn định nguồn hàng.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ – Tổng Giám đốc TTCS cho rằng các nhà sản xuất phải chia sẻ cho nhiều bên. Đặc thù của mía đường là sản xuất 6 tháng nhưng tiêu thụ cho cả năm. Giá bán lại phụ thuộc vào giá mía của nông dân và giá đường thế giới nên giá cả và sản lượng thường không ổn định. “Trong khi các nhà thương mại, chế biến thực phẩm lại rất cần tính ổn định về số lượng, giá cả để ổn định sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu sự đồng thuận, chia sẻ giữa sản xuất và thương mại là chính đáng” – ông Ngữ cho biết.
Theo ông Doanh, thương mại và dịch vụ là khâu quan trọng không thể tách khỏi sự phát triển của ngành mía đường. Sau giai đoạn tái cơ cấu và kinh doanh có lãi, nhiều nhà máy đã chú ý hơn đến phát triển mạng lưới thương mại.
Theo Danviet