Doanh nghiệp lại ‘khóc ròng’ vì phôi thép giá rẻ
Lượng phôi thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng cực kì xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp thép trong nước.
Lượng phôi thép giá rẻ được ồ ạt nhập về Việt Nam trong năm 2015 và đặc biệt trong những tháng đầu năm 2016 đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước gặp khó khăn, trực tiếp gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2015, sau khi 4 doanh nghiệp ngành thép bao gồm Công ty cổ phần thép Hòa Phát, công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, công ty CP Gang thép Thái Nguyên, công ty CP Thép Việt Ý yêu cầu Bộ Công Thương điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu, thì mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) tiếp tục gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan ngại trước lượng phôi thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu phôi thép tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: KT)
Theo số liệu của VNSteel đưa ra, lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam năm 2015 lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014. Đặc biệt, mức nhập khẩu phôi thép đã tăng đột biến trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, với mức tương ứng là 317.000 tấn và 340.000 tấn. Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Video đang HOT
Trong khi đó, mức giá bình quân nhập khẩu liên tục giảm mạnh, từ mức 451 USD tấn (tháng 1/2015) giảm xuống mức 269 USD/tấn (tháng 1/2016), đã gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất phôi thép trong nước.
Cùng với đơn cầu cứu của các doanh nghiệp ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ khi cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 – 5 triệu tấn trong năm 2016. Với tình hình này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.
VSA dẫn số liệu sản lượng sản xuất phôi thép trong nước cả năm 2015 đã giảm 4% so với năm 2014 khi chỉ đạt 5,6 triệu tấn. Trong khi sản xuất thép tăng 21% thì sản xuất phôi thép lại giảm do nhập khẩu phôi tăng 214% so với năm 2014. Nguyên nhân được VSA xác định là do lượng phôi thép nhập khẩu ồ ạt với giá thấp, các nhà sản xuất phôi thép trong nước bị thu hẹp thị phần, chỉ vận hành được khoảng 50% công suất.
“Tính đến 31/12/2015 thì năng lực sản xuất phôi thép trong nước lên tới hơn 11 triệu tấn. Giá thành sản xuất phôi thép trong nước còn cao nên không thể cạnh tranh với phôi nhập khẩu”, Đại diện VSA khẳng định.
Từ tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phôi thép vẫn ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam với khối lượng ngày càng gia tăng.
VSA cảnh báo, các doanh nghiệp nhập khẩu đang cố tình nhập khẩu và tích trữ hàng hóa để tranh thủ đầu cơ khi cơ quan quản lý áp dụng biện pháp tự vệ, nên càng làm cho lượng nhập khẩu gia tăng.
Do đó, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần thực hiện nghiêm chỉ đạo liên quan đến quản lý nhập khẩu các sản phẩm thép. Bộ Công Thương sớm xử lý và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với 3 vụ kiện liên quan sản phẩm phôi thép và thép dài; thép mạ kẽm; thép mạ lạnh và thép mạ màu; giám sát chặt việc kê khai các mã HS của phôi thép nhập khẩu và sớm ban hành tiêu chuẩn về phôi thép để làm căn cứ giám sát./.
Theo_VOV
EU điều tra thép nhập khẩu từ Trung Quốc
Thép nhập khẩu từ Trung Quốc đang đe dọa ngành công nghiệp của châu Âu vốn đang chao đảo do nguồn thép nhập khẩu giá rẻ.
Ngày 12/2, Liên minh châu Âu (EU) đã mở các cuộc điều tra mới đối với các mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ không cho phép "sự cạnh tranh thiếu công bằng" đe dọa ngành công nghiệp của châu Âu vốn đang chao đảo do nguồn thép nhập khẩu giá rẻ.
Trong một tuyên bố, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstroem nhấn mạnh "quyết tâm áp dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo các đối tác thương mại của EU chơi đúng luật."
Theo tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra đối với các mặt hàng ống thép đúc, thép tấm và thép dẹt cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. EC đã áp đặt riêng thuế chống bán phá giá đối với thép dẹt cán nóng của Trung Quốc và Nga. Hồi tháng trước, EC cho biết cũng đã áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với thép thanh được sử dụng trong ngành công nghiệp xây dựng.
Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thép thô toàn thế giới. (Ảnh minh họa: KT)
Trước đó, trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Cao Hổ Thành công bố ngày 5/2, bà Malmstrom đã kêu gọi Trung Quốc giảm sản lượng thép, đồng thời cảnh báo nước này sẽ bị điều tra nếu không có hành động nào trong bối cảnh sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng 50% trong năm 2015 đã khiến thị trường thép toàn cầu và châu Âu mất ổn định.
Hãng sản xuất thép hàng đầu thế giới ArcelorMittal có trụ sở tại Luxembourg cho rằng Trung Quốc gây thiệt hại tới 8 tỷ USD trong năm 2015 và hàng nghìn nhân công ngành này bị mất việc. Các nhà sản xuất châu Âu đang tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung thép toàn cầu.
Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thép thô toàn thế giới, tuy nhiên trong tình trạng nền kinh tế chững lại hiện nay, Trung Quốc không thể tiêu thụ phần lớn sản lượng như trước đây. Trung Quốc đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng tới 150 triệu tấn thép trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, lượng cắt giảm này kém xa so với mức dư thừa mỗi năm của nước này mà các chuyên gia ước tính vào khoảng 340 triệu tấn./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Theo_VOV
Thép ngoại tăng đột biến: DN nội yêu cầu biện pháp tự vệ Trước tình trạng phôi thép và thép dài nhập ngoại tăng đột biến về số lượng trong năm 2015, 4 doanh nghiệp thép trong nước vừa nộp hồ sơ lên Bộ Công thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ với thuế suất 45% với phôi thép và 33% với sản phẩm thép dài nhập khẩu. Bộ Công thương đang tiến hành...