‘Doanh nghiệp hóa bệnh viện là sai lầm nghiêm trọng’
Việc tiến hành tự chủ tại các bệnh viện công lập là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng nếu cổ phần hóa bệnh viện, áp dụng Luật Doanh nghiệp vào trong y tế là sai lầm nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm.
Sáng 3-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện (BV) công lập. Nhiều vấn đề còn vướng mắc, hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện tự chủ tại các BV công đã được đề cập tại phiên giải trình.
Lạm thu của người bệnh
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến nay 100% số BV, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 BV đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các BV do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 BV đã tự chủ chi thường xuyên.
Để thực hiện tự chủ, nhiều BV đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị. Các BV tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…
Chất vấn tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị bộ trưởng làm rõ nguyên nhân của tình trạng một số BV tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để người bệnh phải trả chi phí nhiều hơn.
Trả lời chất vấn, bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng là do mục đích tăng thu để đầu tư trang thiết bị, giường bệnh, thu hút cán bộ chất lượng, rồi trang phục, hệ thống chống nhiễm khuẩn… để thu hút người bệnh nên đã xảy ra tình trạng lạm thu như trên. Giải pháp cho việc này, theo bà Tiến là có định mức, thanh tra, kiểm toán, giám sát.
Một thực tế đang xảy ra khi tiến hành tự chủ BV là cơ chế thị trường làm chênh lệch lớn thu nhập giữa bác sĩ BV công và tư. Điều này khiến một bộ phận bác sĩ xin nghỉ việc ở BV công để ra làm bên ngoài. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận) chất vấn Bộ Nội vụ có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại BV công lập. Tham gia trả lời chất vấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa giải thích: Thực tế, khi thu nhập của người được tuyển dụng vào thấp quá thì họ sẽ chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Bộ Nội vụ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Khi đó Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế.
Nhờ tự chủ bệnh viện, người nghèo có BHYT đúng tuyến chuyển lên vẫn được hưởng quyền lợi. Trong ảnh: Bệnh nhân nghèo được ghép tạng tại BV Việt Đức. Ảnh: AN HIỀN
Video đang HOT
Không đồng ý cổ phần hóa bệnh viện công
Có mặt tại phiên giải trình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm không nên cổ phần hóa BV công. Ông Nhưỡng nói: “Biến BV thành một doanh nghiệp là sai lầm nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, hiện là phó Tổng hội Y học Việt Nam, cũng bày tỏ sự không đồng tình với một số ý kiến cho rằng nên cổ phần hóa BV công.
“Bản thân tôi cũng như người dân kính đề nghị với Quốc hội, với Nhà nước đừng bao giờ và cũng không bao giờ cổ phần hóa BV công, đừng đưa Luật Doanh nghiệp áp dụng vào trong y tế” – PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết nói.
Ông cho biết việc đi theo con đường tự chủ là rất chính xác, rất hợp lý. Tuy nhiên, nếu cổ phần hóa BV công sẽ lâm ngay vào tình cảnh giống Trung Quốc đang mắc phải và đang phải sửa. Việc áp dụng Luật Doanh nghiệp vào trong y tế sẽ khác hẳn hoàn toàn định hướng, đường lối, nghị quyết của Đảng về mục tiêu của ngành y tế, vì chúng ta phải đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân không bị tổn thương. “Tôi đề nghị có cơ chế chi tiết, rạch ròi từng tí một đối với các BV mà thực hiện tự chủ” – PGS- Nguyễn Tiến Quyết đề nghị.
Chất vấn thêm về công tác đấu thầu tập trung, PGS Nguyễn Tiến Quyết cho biết nhiều ý kiến nói công tác đấu thầu tập trung rất tốt nhưng với bản thân ông lại thấy không tốt.
“Tôi đi một số BV thì các sở y tế bắt đấu thầu tập trung ở bên trên, chọn được loại thuốc này đến khi BV tôi thiếu, tôi cũng chọn được loại thuốc với chất lượng như thế, xuất xứ như thế nhưng nhà cung cấp khác rẻ hơn nhưng lại không được vì đấu thầu tập trung quy định phải chọn nhà cung cấp này. Như vậy làm cho quản lý ở dưới bị ức chế, không thể thực hiện được” – ông Quyết nói.
Mượn thẻ bảo hiểm y tế để… đi sinh
Tham gia giải trình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết cơ quan bảo hiểm đã áp dụng nhiều biện pháp để chống lợi dụng, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm như áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát.
Do vậy, cơ quan bảo hiểm mới phát hiện được những trường hợp người đã cắt tử cung rồi vẫn đi sinh, một bệnh nhân được yêu cầu thanh toán chi phí mổ… ba mắt. Nhưng những trường hợp này khi truy lại phía BV thì chỉ nhận được giải trình là… nhầm. Duy nhất trường hợp người phụ nữ đã cắt bỏ tử cung vẫn đi sinh được thừa nhận là do người chị (đã cắt bỏ tử cung) cho em gái mượn thẻ bảo hiểm y tế để đi sinh.
Theo bộ trưởng Bộ Y tế, việc tự chủ có bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo các hoạt động để tăng nguồn thu.
ĐỨC MINH – AN HIỀN
Theo PLO
Tự chủ bệnh viện: Đại biểu kiến nghị tình trạng lạm dụng, lạm thu
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình, phải có nguồn thu để chi trả, thu hút cán bộ chất lượng, xây dựng mới cơ sở vật chất, đến nhà vệ sinh cũng ít nhất 3 sao...nên sẽ xảy ra lạm thu người bệnh.
Bộ trưởng Y tế tại phiên giải trình sáng nay
Sáng 3/10, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên.
Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sỹ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga...
"Phục vụ con người là mục tiêu cao nhất. Cái được nhất là chỉ số hài lòng của bệnh nhân. Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi. Cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách", bà Tiến cho hay.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, tự chủ có tồn tại, bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn. Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn.
Bệnh nhân nghèo vẫn được đến bệnh viện đặc biệt
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình giám sát, tập hợp ý kiến. Như với giá dịch vụ y tế chưa có sự thống nhất, chỗ chưa tính đúng tính đủ, nơi thì thu thêm. Một lãnh đạo bệnh viện nói "giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì". Nhiều cơ sở phản ánh, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt về cán bộ, tài chính.
"Làm sao để tháo gỡ, ai có trách nhiệm, khi nào thì tháo gỡ xong?", ông Trí nêu hàng loạt câu hỏi. Từ nghị quyết cho thí điểm với 4 bệnh viện đặc biệt, đại biểu chất vấn, có nên ra nghị quyết đặc biệt để thúc đẩy tự chủ cho bệnh viện tuyến dưới còn nhiều khó khăn?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh thực tế bệnh viện dân lập đầu tư từ cơ sở vật chất đến tuyển dụng y bác sĩ rất tốt, đem lại lợi nhuận. Còn bệnh viện công lập được đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng y, bác sĩ nhưng lại khó tiếp cận tự chủ. Ông đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân một số cơ sở thu vượt cầu, lạm dụng kỹ thuật cao...
Giải trình những bất cập đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vướng mắc hiện nay là giá dịch vụ tính đúng tính đủ, họ chọn bác sĩ, điều dưỡng cần, một bác sĩ chăm sóc ít bệnh nhân, chất lượng được nâng lên nhưng như thế giá phải cao hơn.
Nghị quyết thí điểm với bệnh viện tự chủ loại 1, tức là tự chủ đầu tư xây dựng và tài chính, đồng thời xây dựng mô hình tương tự như doanh nghiệp. Những bệnh viện này có 3-4 cơ sở, mỗi cơ sở bằng một bệnh viện. "Đây là tuyến cao nhất, bệnh viện hạng đặc biệt, chỉ có bệnh nhân nặng mới vào, có khoa theo yêu cầu, cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người nghèo nếu chuyển viện đúng tuyến vẫn được. Đó là bệnh khó từ tuyến tỉnh chuyển lên. Họ cũng được hưởng như những người có điều kiện. Những trường hợp ghép gan, ghép tim vừa qua đều là bệnh nhân nghèo mà các tuyến không giải quyết được", bà Tiến cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn quay lại mấu chốt của vấn đề tự chủ, muốn chất lượng tốt phải có nguồn thu để chi trả, thu hút cán bộ chất lượng, xây dựng mới cơ sở vật chất, xây nhà vệ sinh ít nhất 3 sao trở lên, rồi trang phục, chống nhiễm khuẩn rất tốn kém... Như vậy phải làm sao thu nhiều, trong khi bảo hiểm thanh toán mức tối thiểu nên sẽ có lạm dụng kỹ thuật không cần thiết. Thuốc có thể kê ngoài danh mục bảo hiểm thanh toán, số ngày giường nằm viện cũng tăng, số lượt khám tăng... giải pháp cho việc này, theo bà Tiến là có định mức, thanh tra, kiểm toán, giám sát. "Tháng trước chúng tôi mới ban hành chỉ thị chống lạm dụng, trục lợi để có giải pháp tăng cường giám sát", bà Tiến cho hay.
LUÂN DŨNG
Theo TPO
Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công lập Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hiện nhiều bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí cho người bệnh... Phiên giải trình của Ủy ban về các...