Doanh nghiệp hết tiền chi ‘3 tại chỗ’, hàng trăm nhà máy thủy sản dừng sản xuất
123 nhà máy chế biến thủy sản tại các tỉnh phía nam phải dừng hoạt động sản xuất khi phát hiện công nhân nhiễm Covid-19 và không kham nổi gánh nặng tài chính để duy trì “3 tại chỗ”.
Nhiều doanh nghiệp chế biến phải tạm dừng sản xuất vì không đủ khả năng chi phí cho “3 tại chỗ” . ẢNH THANH NIÊN
Ngày 22.8, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho biết, ở các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, đã có 123 nhà máy chế biến thủy sản phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.
Trong số đó, 19 nhà máy đã phát hiện có công nhân, người lao động nhiễm Covid-19, buộc phải dừng sản xuất, phong tỏa để xử lý ngăn chặn, dập dịch.
104 nhà máy còn lại buộc tạm dừng hoạt động, không thể duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vì kinh phí tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Thực tế đến ngày 20.8, ở các tỉnh phía nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Nhưng ở các nhà máy này, doanh nghiệp phải chia công nhân thay nhau làm ca nên công suất trung bình chỉ đạt khoảng 30 – 40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, chỉ có Sóc Trăng, Cà Mau đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy chế biến thủy sản, hình thành các vùng xanh, cho phép công nhân ở nhà, đưa đón đến nhà máy làm việc nên công suất chế biến đang trên đà phục hồi. Trong đó, Cà Mau năng lực chế biến thủy sản đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch Covid-19.
Video đang HOT
Cũng theo thông tin từ Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, 13 tỉnh khu vực đồng sằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% lượng tôm và 100% cá tra.
Nhưng hiện tại, việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn nên cá tra thương phẩm, giá tôm đều xuống thấp nên không kích thích được người dân tái sản xuất. Riêng giá cá tra giống đang rất thấp, chỉ từ 21.000 – 23.000 đồng/kg, tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cuối năm.
Gánh nặng tiền trọ
Với chi phí hàng tháng chiếm 15-20% tổng thu nhập, tiền trọ được xem gánh nặng với nhiều lao động, công nhân mất việc, khó khăn do dịch, muốn bám trụ TP HCM.
Gần 3 tháng thành phố giãn cách xã hội cũng là quãng thời gian vợ chồng ông Hà Văn Hồng, đều ngoài 60 tuổi, thuê trọ ở khu phố 7, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 thất nghiệp. Trước đây, ông Hồng đi phụ hồ công trình, vợ ông mỗi ngày đẩy xe bán cơm chiên, bánh mì cho các xóm lao động nghèo, thu nhập đủ đắp đổi qua ngày. Từ ngày mất việc, chỉ có tháng đầu tiên vợ chồng ông đủ tiền trả phòng trọ, còn lại phải xin chủ nhà cho khất.
"Cuối tháng 6, vợ chồng tôi vét sạch túi còn được hơn 2 triệu đồng, đủ trả tiền phòng, còn ăn uống trông chờ đồ cứu trợ của phường và nhà hảo tâm", ông Hồng nói và cho biết sang tháng 7, chủ nhà giảm mỗi phòng 300.000 đồng. Tuy nhiên, không có việc nhiều tháng, ông phải xin nợ tiếp, "nếu chủ trọ đuổi cũng phải chịu, không dám trách".
Ông Hà Văn Hồng tại căn phòng trọ. Ảnh: An Phương
"Mình ở trọ mà không có tiền trả mắc cỡ lắm nhưng không biết xoay đâu ra. Thành phố tiếp tục giãn cách đến ngày 15/9, không biết khi nào vợ chồng tôi có việc làm", ông Hồng nói và cho biết mấy hôm trước tổ trưởng khu phố đến lấy danh sách lao động tự do để hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng qua mấy đợt chi, cả ông và vợ đều chưa được nhận.
Cùng hoàn cảnh, nữ công nhân Lê Thị Tố Quyên, 29 tuổi, quê Long An, trọ ở đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, chưa biết xoay xở ra sao cho kỳ tiền phòng sắp tới. "Đói tôi không sợ, chỉ lo có tiền phải trả phòng, mất chỗ tá túc giữa lúc dịch giã thế này", chị Quyên nói và cho biết gần 2 tháng qua vợ chồng sống nhờ vào đồ cứu trợ, ai cho gì ăn đó, không dám mua thức ăn vì để dành trả tiền nhà.
Cuối tháng 6, nhà máy nơi chị Quyên làm việc, ở Khu chế xuất Tân Thuận, phát hiện ca nhiễm nên một số bộ phận dừng sản xuất. Chị phải tạm nghỉ việc, nhận hỗ trợ gần 3 triệu đồng. 10 ngày sau, chồng chị là tài xế cũng mất việc. Do không có hợp đồng lao động nên khi nghỉ anh không được nhận khoản hỗ trợ nào.
Nữ công nhân cho biết mỗi tháng tiền phòng, điện, nước gần 2,7 triệu đồng. Tháng rồi, chủ nhà giảm mỗi phòng 500.000 đồng nên vợ chồng chị dư mấy trăm nghìn đồng. "Bây giờ cả tháng đã không làm gì ra tiền mà phải trả hơn 2 triệu đồng tiền trọ. Vợ chồng cũng tính phương án chạy xe về quê nhưng bất thành", chị Quyên nói và cho biết đã liên hệ khu phố, phường hỏi thủ tục xin hỗ trợ 1,5 triệu đồng bù vào tiền trọ nhưng chưa được.
Gia đình nữ công nhân Hồng Tuyết tại phòng trọ, ở số 111/18 đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp. Ảnh: An Phương
Cuối năm ngoái, Liên đoàn Lao động TP HCM sau khi khảo sát hơn 1.000 công nhân, chủ doanh nghiệp, chủ trọ, đưa ra số liệu chi tiêu dành cho nhà ở của công nhân chiếm khoảng 15-20% tổng thu nhập. Thống kê của thành phố mới đây nhất, có khoảng 1,5 triệu hộ khó khăn cần được hỗ trợ nhà trọ.
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy, trung bình một người thuê trọ mỗi tháng trả khoảng 1,5 triệu đồng cho tiền nhà, điện, nước. Đây là áp lực nặng nhất với công nhân, lao động, đặc biệt khi họ mất việc và thu nhập. Đến nay, thành phố đã giãn cách xã hội gần 3 tháng, nhiều người thất nghiệp, không có tích luỹ nhưng đến tháng phải đóng tiền phòng sẽ khó kham nổi.
Người đứng đầu công đoàn TP HCM nói hiện ngoài hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm để đảm bảo "người dân không bị đói", chính quyền nhiều địa phương vận động các chủ nhà trọ miễn tiền phòng cho người lao động. Riêng tổ chức công đoàn đã vận động gần 670 chủ nhà trọ miễn, giảm được hơn 5 tỷ đồng tiền thuê trọ cho gần 36.000 người.
Với gần 119.000 phòng trọ và trên 269.000 người thuê trọ, TP Thủ Đức là một trong địa bàn đông lao động nhập cư ở TP HCM. Do đó việc vận động chủ nhà trọ miễn tiền phòng cho công nhân khi thành phố tiếp tục cách ly xã hội được chính quyền thành phố quan tâm.
Thủ Đức triển khai mô hình "nhà trọ 0 đồng" hỗ trợ người khó khăn. Ảnh: Trung tâm văn hóa TP Thủ Đức
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho hay từ giữa tháng 6, tổ trưởng khu phố, lãnh đạo 34 phường trên địa bàn gặp các chủ nhà thuyết phục miễn, giảm tiền thuê phòng cho công nhân, lao động, giảm bớt gánh nặng cho người thuê giữa lúc dịch bùng phát. Đến nay, hơn 56.000 phòng trọ miễn, giảm với số tiền 45 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, để giảm áp lực, giúp người dân đang thuê trọ an tâm "ngồi yên chống dịch", chính quyền TP HCM nên xem việc vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền phòng như một chính sách tương đương các gói hỗ trợ, cần thực hiện ngay.
Song song với hỗ trợ người thuê, TP HCM cũng nên có chính sách miễn tiền thuế cho các chủ nhà trọ giúp đỡ người lao động. Điều này giúp chủ nhà thấy được quyết tâm chính quyền và có thêm nguồn lực giảm tiền nhà cho người khó khăn. Chủ nhà chỉ cần lập danh sách người thuê được miễn, giảm tiền phòng trong giai đoạn thành phố giãn cách, phường, xã xác nhận là được hỗ trợ.
"Các lĩnh vực điện, nước và viễn thông cũng cần giảm sâu hơn để người khó khăn được thụ hưởng thực chất", ông Bình nói.
Trong kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp 4,7 triệu người khó khăn do Covid-19, UBND thành phố cho biết một phần kinh phí sẽ được tính toán giúp tiền thuê phòng trọ cho gần 1,5 triệu hộ dân trong 2 tháng, mỗi hộ nhận 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Tổng kinh phí hơn 4.700 tỷ đồng.
Tại đợt bùng phát dịch lần thứ 4, TP HCM trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội với nhiều cấp độ. Hiện, thành phố thực hiện 3 gói hỗ trợ bằng tiền mặt gồm gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ chung cả nước, hai gói riêng tổng kinh phí gần 1.800 tỷ đồng. Thành phố cũng thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu giúp người dân khó khăn bởi dịch ở 3 cấp (thành phố, quận huyện, phường xã).
Thừa Thiên - Huế tiếp sức cho người lao động vượt khó, ổn định cuộc sống Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 300 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, khoảng 7.500 lao động bị dừng hoặc mất việc làm. Đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Trước diễn biến phức tạp của dịch...