Doanh nghiệp gia đình Việt Nam lạc quan về tăng trưởng trong hai năm tới
Ngày 12-4, hãng kiểm toán PwC (PricewaterhouseCoopers) lần đầu công bố báo cáo “Khảo sát doanh nghiệp gia đình 2021 – Góc nhìn Việt Nam”, mang tới cái nhìn thực tế về những trăn trở và định hướng phát triển của doanh nghiệp gia đình Việt Nam trước môi trường kinh doanh và xã hội nhiều thay đổi.
Ảnh minh họa.
Đây là một phần trong Khảo sát doanh nghiệp gia đình toàn cầu lần thứ 10 của PwC, được thực hiện với sự tham gia của hơn 2.800 lãnh đạo doanh nghiệp tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, các doanh nghiệp gia đình chiếm 2/3 tổng số doanh nghiệp trên toàn cầu, và đóng góp tới 70-90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của thế giới.
Theo báo cáo, 65% số doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự báo doanh nghiệp sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Triển vọng cho năm 2022 tích cực hơn, với 33% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ – cao hơn tỷ lệ ghi nhận được ở cấp độ khu vực là 28% và trên toàn cầu là 21%.
Hướng đến những kỳ vọng này, báo cáo cho biết, mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu. 55% lãnh đạo doanh nghiệp gia đình khẳng định sẽ tập trung phát triển, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường; 52% cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới.
Trong bối cảnh đại dịch đang đánh dấu những thay đổi mang tính lâu dài, việc nhìn nhận lại hoặc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng là mối quan tâm ưu tiên đối với 52% doanh nghiệp được khảo sát.
Báo cáo cũng chỉ ra sự chuyển dịch rõ nét của các doanh nghiệp gia đình theo hướng đa dạng hóa kinh doanh và có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn. Mặc dù mô hình vận hành chủ yếu hiện nay của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là do chủ sở hữu hoặc gia đình quản lý (lần lượt 52% và 36%), nhưng điều này dự kiến sẽ thay đổi theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý hoặc điều hành, với tỷ lệ tăng từ 12% năm nay lên 60% trong 5 năm tới.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, 45% doanh nghiệp gia đình đang hướng tới các mục tiêu kinh doanh đa dạng hơn trong 5 năm tới; hơn một nửa (52%) doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát dự kiến thế hệ kế nghiệp sẽ trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới.
Đáng chú ý, dù kết quả từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình chú trọng sáng kiến kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ, nhưng tiến bộ đạt được trong những lĩnh vực này còn hạn chế. 30% doanh nghiệp được hỏi tự đánh giá là mạnh về kỹ thuật số, thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 38%. Chỉ 9% doanh nghiệp gia đình Việt Nam hoàn toàn tự tin vào năng lực số của mình.
Giới chuyên môn nhận định, công thức cho thành công bền vững của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam là bắt kịp xu hướng thay đổi của thế giới. Các ý kiến cũng cho rằng, để sẵn sàng cho ngày mai, các doanh nghiệp gia đình cần có phương pháp tiếp cận mới để nâng cao và phát huy giá trị di sản, dựa trên việc đón đầu chuyển đổi số, tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu phát triển bền vững và chuyên nghiệp hóa quản trị gia đình.
Chỉ số APCI: Giảm chi phí các thủ tục hành chính nhờ áp dụng công nghệ
Nhóm thủ tục hành chính thuế dẫn đầu về mức độ cải thiện trong cải cách thủ tục hành chính trong năm 2020. Sự cải thiện của nhóm thuế là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí, thời gian.
Kết quả chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính qua các năm cho thấy những nhóm thủ tục hành chính có tiến bộ đáng kể trong cải cách phần lớn là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin.
Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức ngày 17/3 tại Hà Nội.
Cải cách phải duy trì bền bỉ
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, báo cáo APCI thường niên lần đầu được thực hiện vào năm 2018 và được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật. Báo cáo phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Báo cáo APCI 2020 thực hiện xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm thủ tục hành chính quan trọng gồm: Đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.
Kết quả so sánh APCI năm 2020 so với năm 2019 cho thấy đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm thủ tục hành chính thuế , với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm. Sự cải thiện của nhóm thuế được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" được liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.
Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Nhóm kiểm tra chuyên ngành sẽ có thể còn tiếp tục được duy trì nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.
Điểm APCI 2020 của các nhóm thủ tục hành chính so với APCI 2019.
Có mức độ cải thiện APCI tiếp tục tăng nhưng thấp hơn là nhóm thủ tục hành chính môi trường tăng 0,5 điểm, nhóm thủ tục hành chính điều kiện kinh doanh tăng 0,2 điểm. Hai nhóm này đều có những đột phá về phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần lại cho thấy sự cải thiện này chưa thực chất. Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy trách nhiệm, gánh nặng đối với doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này chưa giảm đi mà còn tăng lên một cách đáng kể.
Các nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là năm nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Đáng lưu ý là nhóm thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.
Còn dư địa lớn cho cải cách
Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 (Global Competitiveness Index 4.0). Chỉ số Môi trường kinh doanh từ vị trí 90 (trên 190 quốc gia) khi Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới (2016) đã lên vị trí 70 (trên 190 quốc gia) vào năm 2020. Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0, dù không được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá vào năm 2020 do dịch COVID-19, nhưng đã được ghi nhận tăng 10 bậc từ vị trí 77 (trên 140 quốc gia) ở năm 2018 lên vị trí 67 (trên 141 quốc gia) vào năm 2019.
Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín này là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đã và đang đạt được thông qua sự chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, việc kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi và việc xây dựng chính quyền điện tử...
Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam )
Trong năm 2020, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói riêng tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ và được thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về mục đích, ý nghĩa chỉ số APCI và những thông điệp cải cách từ APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Với quan điểm xây dựng "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động" và cách tiếp cận "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển," Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định dư địa cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc.
Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng nhận định nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo dõi sự tiến bộ về thực thi công tác hành chính của Nhà nước là để giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong các thủ tục họ cần phải làm. Những nỗ lực cải cách cũng đã góp phần giúp Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế.
Kết quả của APCI có sự gắn kết và bổ trợ rất cụ thể, sâu sắc cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín về Việt Nam, giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách.
Báo cáo APCI 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính còn mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của Chính phủ kiến tạo để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới doanh nghiệp thời gian tới./.
Doanh nghiệp gia đình thích ứng hiệu quả để vượt qua đại dịch COVID-19 Khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình đã ứng phó tương đối tốt để vượt qua đại dịch. Chỉ dưới một nửa doanh nghiệp được khảo sát (46%) dự kiến sụt giảm doanh số bất chấp các tác động của đại dịch. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tham gia khảo sát cảm thấy lạc quan về khả năng thích ứng...