Doanh nghiệp đừng sợ cạnh tranh
Năm 2016 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm (2016 – 2020), nền kinh tế được tạo đà bởi những thành tựu sau 30 năm đổi mới và đứng trước nhiều cơ hội để hội nhập mạnh mẽ hơn với những cam kết hội nhập vừa được ký kết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng , bên cạnh đó, Việt Nam cũng bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, chịu vô vàn những sức ép lớn cả trong và ngoài nước…
Xung quanh chủ đề này, PV NTNN đã bàn tròn với các chuyên gia kinh tế: TS Nguyễn Quang A; TS Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch – Đầu tư; TS Nguyễn Trí Hiếu để tìm những giải pháp hiến kế cho Chính phủ, doanh nghiệp (DN) trong quá trình hội nhập.
Cánh cửa hội nhập đã mở ra rất gần
Năm 2016, có thể nói là năm Việt Nam khó để từ chối bước chân qua cánh cửa hội nhập với hàng loạt những cam kết sẽ có hiệu lực. Các ông nhìn nhận về cơ hội này như thế nào?
- Ông Nguyễn Quang A: Có thể khẳng định ngay: Không có hội nhập nước ta ít có khả năng phát triển. Hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho DN, nhất là về mở rộng thị thường, công nghệ và cạnh tranh. Thiếu 3 yếu tố cơ bản ấy DN không thể phát triển. Cơ hội, tuy vậy chỉ đến với người biết nắm bắt và chộp lấy. Với người “há miệng chờ sung” cơ hội luôn vuột qua mất.
Mở rộng thị trường và tiếp thu công nghệ (mà quan trọng nhất là công nghệ quản lý, tức là vấn đề con người, chứ chưa hẳn là công nghệ kỹ thuật) có thể là dễ hiểu. Có sản phẩm, dịch vụ mà thị trường hẹp thì khó phát triển. Không có công nghệ (nhất là cách quản lý) tốt và phù hợp (tôi nhấn mạnh chữ phù hợp) cũng khó phát triển. Hội nhập tạo cho chúng ta cơ hội để tiếp cận với hai thứ tối quan trọng này. Có tận dụng được chúng hay không lại là chuyện khác.
- Ông Lưu Bích Hồ: Chúng ta đang chuyển động mạnh để bắt đầu một giai đoạn mới, chúng ta cần bắt đầu một cuộc đổi mới lần thứ hai để nền kinh tế tăng trưởng mạnh về chất lượng, sâu về chất lượng. Năm 1986 chúng ta đã thực hiện đổi mới lần thứ nhất, sau một quãng thời gian phát triển nhất định, chiếc áo cũ đã chật so với thể trạng của nền kinh tế.
Năm 2016, tức là 30 năm sau lần đổi mới thứ nhất, chúng ta đã thu được những thành công nhất định, chúng ta cần tiếp tục phải thay đổi để hội nhập sâu, để tăng trưởng không chỉ dừng ở bề rộng, bề cao mà cả bề sâu nữa. Đã đến lúc chúng ta thực hiện thay đổi nhanh, mạnh mà nhiều chuyên gia khác hay nói là đổi mới lần 2.
Số 6 là số duyên và có nhiều may mắn. Tôi kỳ vọng một năm mới may mắn và thành công.
- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cũng cùng nhận định, năm 2016 là năm kinh tế có nhiều biến chuyển, đưa Việt Nam vào quỹ đạo mới. Tình hình thế giới đang có nhiều biến động tại thời điểm này. Về mặt tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25 phần trăm điểm sau 8 năm duy trì lãi suất 0% vào cuối năm 2015, đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức độ mỗi lần 0,25% trong năm 2016 cho đến khi lãi suất USD đạt mức 1%.
Trong khi đồng tiền các nước châu Âu, châu Á đang mất giá thì đồng đô la Mỹ lại thêm hấp dẫn. Điều này khiến cho Mỹ thêm khẳng định vị trí hàng đầu của mình.
Và trong bối cảnh đó Việt Nam đứng ở đâu? Việt Nam có quan hệ bền vững với Trung Quốc, với Nga. Nhưng thời gian gần đây có sự tăng cường quan hệ Việt Nam với Mỹ. Cũng trong năm 2015 mình đã chứng minh được nền kinh tế tăng trưởng hợp lý. Vì vậy nhìn nhận của tôi, tiền đề 2016, khởi đầu thuận lợi.
Video đang HOT
“Đừng sợ cạnh tranh”
Dù mang nhiều kỳ vọng kinh tế năm 2016 sẽ có nhiều khởi sắc tuy nhiên nếu không tích cực thay đổi thì liệu cơ hội có đem lại hiệu quả hay không?
- Ông Lưu Bích Hồ: Chúng ta cần chọn lọc những điểm mạnh đích đáng để phát triển. Chẳng hạn như vấn đề xuất khẩu nông sản, dù hạn chế ở chất lượng nhưng đó vẫn là kênh để đưa tiền về cho nền kinh tế. Vẫn nhờ xuất khẩu nông sản chúng ta mới có được tăng trưởng 6,5% trong năm 2015. Nhưng 2016 cần chú ý về chất lượng, về chuỗi giá trị, về chế biến.
Thứ hai, cái tôi muốn nhấn mạnh, cái bao trùm lên là cải cách thể chế đã được làm tích cực trong năm 2015. Và 3 vấn đề đều có bước đi được định hướng mạnh hơn trong năm 2016. Dù biết trong 3 cuộc tái cơ cấu: Đầu tư công, ngân hàng, DN nhà nước, chỉ có tái cơ cấu ngân hàng nổi trội lên nhưng ngân hàng là nơi cung ứng vốn, cũng là mạch máu cho nền kinh tế. Thể chế kinh tế nhất là môi trường kinh doanh đã tích cực và Chính phủ quyết tâm thay đổi mạnh trong năm 2016. Cái đó tôi đánh giá là một bệ đỡ nữa.
- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có 2 điều cần làm quyết liệt là khi bước vào nền kinh tế thị trường tất cả những DN có vốn nhà nước phải được giải quyết nhanh chóng, luật pháp cải tiến theo hướng xu hướng chung của thế giới. Thời gian trước các vấn đề cải cách được đưa ra nhưng thực hiện chưa mạnh. Tuy nhiên dẫu sao tiền đề cải cách khối DN có vốn nhà nước đã được triển khai, năm 2016 cần thực hiện mạnh.
Nền kinh tế không nên duy trì theo hướng chỉ huy từ trên xuống – nền kinh tế quản lý. Chúng ta cần phải thoát khỏi tư duy này để tạo thị trường cạnh tranh thực sự. Mình phải tôn trọng các sáng kiến tư nhân, để các thành phần kinh tế tự vận hành. Nền kinh tế phải có sự trong sáng, về chính sách thuế, chính sách tiền tệ. DN tự vận hành tự phát triển thì nền kinh tế cần có thông tin, và thông tin cần minh bạch để ai cũng có thể được tiếp cận như nhau.
Như vậy có nghĩa là việc Nhà nước và các DN là chủ thể cần phải thay đổi mạnh mẽ trong năm 2016 để chớp thời cơ hội nhập. Nhưng thay đổi những gì là điều rất cần được chỉ ra một cách rõ nét?
- Ông Nguyễn Quang A: Làm ăn là phải sòng phẳng, có đi có lại. Ta có thể tiếp cận đến thị trường người thì họ cũng phải được quyền tiếp cận đến thị trường ta, và như thế cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ khốc liệt hơn, nhưng như đã phân tích ở trên: Đừng sợ cạnh tranh vì đó là cơ hội vàng.
Chẳng ai có thể mách nước cho các DN hơn chính họ.
Với Nhà nước cũng vậy. Nhà nước hãy làm công việc của mình và đừng lấn sang công việc của DN và xã hội dân sự. Vài việc mà nhà nước phải làm trong hội nhập là tạo dựng môi trường pháp lý (về cạnh tranh lành mạnh; thực thi thỏa thuận tư; bảo vệ quyền sở hữu tư; thủ tục quản lý như đăng ký, thuế khóa… đơn giản; xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp tận tụy, trong sạch; an sinh xã hội; giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học cơ bản; xây dựng hạ tầng cơ sở…) để khuyến khích doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Với tư cách người điều phối vĩ mô, Nhà nước phải tạo ra khung khổ để cho sự phân công lao động đó tự diễn ra một cách hữu hiệu nhất, ít có sự can thiệp nhất.
DN biết thế, Nhà nước biết thế và cùng hành động thì hội nhập là cơ hội vàng cho sự phát triển, còn ngược lại thì thì là thách thức to lớn. Thành bại do chúng ta là chính.
Giúp DN không “cô đơn” trong hội nhập
Tại diễn đàn DN thường niên cuối năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, DN đang “cô đơn” trong hội nhập. Chúng ta cần có thay đổi gì để giúp DN trong năm 2016?
- Ông Nguyễn Quang A: Nhiều người bảo cạnh tranh gia tăng là thách thức lớn với DN ở ta vì vừa ít vốn, công nghệ lạc hậu, lại ít kinh nghiệm… Họ nói không sai, chỉ thiếu điểm cốt lõi: Cạnh tranh tạo cơ hội lớn, rất lớn. Với người có tài, năng nổ, dám đối mặt với thách thức, dám vươn lên, tức là người có chí thành công thì cạnh tranh là cơ hội vàng. Nó chỉ là thách thức với những người thiếu các đặc tính vừa nói và thường thích độc quyền, hay dựa dẫm, thích kiếm đặc lợi.
Rủi ro là chuyện ai làm kinh doanh cũng phải tính đến, và kém may mắn một vài lần có thể là bài học tốt về quản trị rủi ro. Che chắn, nâng đỡ có chọn lọc đối với một vài lĩnh vực kinh doanh (tuyệt nhiên không cho một số DN cụ thể) trong một thời gian nhất định trước cạnh tranh có thể là chính sách khôn ngoan, nhưng phải rõ ràng (chỉ cho một số lĩnh vực chọn lọc và trong thời hạn định rõ) nếu không sẽ hủy hoại tương lai của chúng và nhìn về dài hạn là phương thuốc độc.
- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có nhiều DN nói họ chưa nhận được nhiều hỗ trợ, họ cô đơn, nhưng điều này chỉ đúng một nửa. Các DN phải tự tạo ra những sân chơi cho mình, không thể chờ ban phát từ Nhà nước. DN lúng túng thì phải tự mày mò, đưa ra sáng kiến, Nhà nước sẽ không thể dẫn tay DN đưa vào hội nhập được.
Thứ nữa, trong câu chuyện hội nhập DN đang quá thụ động. DN phải mạnh dạn hơn nữa, tự tìm kiếm tự tìm cơ hội cạnh tranh cho chính mình.
Một điều nữa, theo tôi là DN phải chung sức cùng nhau, cần thiết lập cách làm việc chung cùng nhau. Thực trạng kinh doanh hiện nay là mỗi anh một ý, ở trong lãnh thổ hoạt động tốt nhưng ra ngoài lãnh thổ làm bạn với nước bạn thì phân tán và manh mún. Đấy là điều hạn chế của DN cần khắc phục.
- Ông Lưu Bích Hồ: Theo tôi, DN phải tự gồng mình lên trên cơ sở thể chế Nhà nước đang thay đổi để hỗ trợ DN. Chúng ta đang nói nhiều về vấn đề giúp đỡ DN. Và quan điểm của tôi là Nhà nước tạo môi trường, Nhà nước không thay đổi được đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu thì DN không kinh doanh được.
Nhưng quan trọng hơn là DN cũng cần đồng hành cùng Nhà nước, phải gồng lên tự thay đổi. Thay đổi con người, nhập khẩu công nghệ, cái đó chỉ có DN mới tự làm được, không ai làm thay DN. DN phải có tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh.
Xin cảm ơn các ông!
“Nền kinh tế không nên duy trì theo hướng chỉ huy từ trên xuống – nền kinh tế quản lý. Chúng ta cần phải thoát khỏi tư duy này để tạo thị trường cạnh tranh thực sự”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu “Quan điểm của tôi là Nhà nước tạo môi trường, Nhà nước không thay đổi, không đơn giản hóa các thủ tục hành chính, không giảm nhũng nhiễu thì DN không kinh doanh được”.
Ông Lưu Bích Hồ Làm ăn là phải sòng phẳng, có đi có lại. Ta có thể tiếp cận đến thị trường người thì họ cũng phải được quyền tiếp cận đến thị trường ta. Đừng sợ cạnh tranh vì đó là cơ hội vàng”.
Ông Nguyễn Quang A
Theo Danviet
'Đây là thời điểm để nền kinh tế Việt Nam cất cánh'
Nhận định này được bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra tại diễn đàn "Doanh nhân nữ Việt Nam 2015: Biến lợi thế cạnh tranh thành sức mạnh hội nhập" do VCCI phối hợp với World Bank tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.
Theo bà Victoria Kwakwa, sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu khả quan ngay cả khi kinh tế thế giới chững lại, Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO tăng 5,94%. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp tại khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng được tăng lên đáng kể. Năm 2013, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng lên 96,7% so với 82,8 % năm 2000. Nguyên nhân là do Việt Nam gia nhập WTO, doanh nghiệp tư nhân có điều kiện thuận lợi để phát triển. Ngoài ra, FDI vào Việt Nam tăng trường rất mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều FDI nhất tính theo tỷ trọng của GDP.
Tác động thể chế sau việc gia nhập WTO cũng đã theo chiều hướng thuận lợi rất nhiều, khung pháp lý được cải thiện, rất nhiều luật và quy định quan trọng đã được xem xét, sửa đổi theo chuẩn quốc tế. Những luật đó bao gồm Luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Đấu thầu, luật Đất đai, luật Sở hữu trí tuệ... đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thị trường.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn
Cho rằng, có rất nhiều ngành của Viêt Nam được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO, bà Victoria Kwa Kwa cho biết, chế tạo công nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm đồ gỗ và đồ nội thất là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Những ngành này dù mới phát triển nhưng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, nhiều ngành đã thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính nhất của thế giới như Mỹ, Châu Âu. Qua đó giúp tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước năm 2014 đạt 150 tỷ USD so với 50 tỷ USD năm 2007.
Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển từ việc thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức như việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước chưa đủ mức; bổ sung giá trị còn hạn chế; liên kết giữ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn yếu; doanh nghiệp trong nước chủ yếu là quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ; năng lực quản lý, quản trị, hội nhập vào giá trị toàn cầu còn yếu...
Nhấn mạnh việc khu vực tư nhân gia tăng mạnh mẽ, nhưng đóng góp vào GDP chưa thay đổi nhiều so với trước đây; doanh nghiệp trong nước đã được hưởng lợi nhưng chưa được ưu tiên như doanh nghiệp FDI, bà Kwakwa cho rằng, trong thời gian tới, chính phủ cần thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước, tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho cả doanh nghiệp do nam giới lẫn nữ giới làm chủ. Hiện nay, dường như các doanh nghiệp của nam giới được ưu tiên nhiều hơn so với doanh nghiệp nữ. Về phía các doanh nghiệp, bà Kwakwa khuyên các doanh nhân trước mắt cần tìm hiểu thật rõ về hội nhập, thu nhập thông tin về các hiệp định thương mại; Cùng nhau ngồi lại bàn về thách thức doanh nghiệp sẽ phải chịu, định vị bản thân để tận dụng cơ hội. Tìm kiếm sự hợp tác với các doanh nghiệp bạn qua đó thâm nhập thị trường nước ngoài, chuyển từ gia công hợp đồng sang xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài, chuyển từ gia công hợp đồng sang xuất khẩu trực tiếp.
"Trong 1 năm rưỡi trở lai đây, Việt Nam đã khôi phục kinh tế hơn 6%. Đã tới thời điểm cần có mô hình hội nhập mới. Hội nhập sẽ mang lại cơ hội thuận lợi lẫn thách thức, tuy nhiên, kết quả tốt đẹp ra sao sẽ phụ thuộc vào những hành động và sự nỗ lực của Việt Nam. Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ thì cần sự vào cuộc của tất cả mọi người. Các doanh nghiệp cần tự làm chủ với tương lai của mình, cần phải giúp chính phủ cùng hội nhập" - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Dddn