Doanh nghiệp du lịch vượt khó phục hồi thị trường
Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch trong nước sẽ còn khó khăn kéo dài.
Để trụ vững, các doanh nghiệp du lịch buộc phải chủ động, sáng tạo trong kinh doanh để ứng phó với tình hình cũng như cần thêm trợ lực từ Nhà nước để phục hồi thị trường.
Tín hiệu lạc quan
Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình “Người Việt đi du lịch Việt”, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tích cực hưởng ứng với gói sản phẩm hấp dẫn chưa từng có để kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Tại Hà Nội, các doanh nghiệp uy tín như: Hanoitourism, DulichViet, Vietravel, Saigontourism… đồng loạt “tung” ra những gói kích cầu giảm giá từ 30%-50%, trong đó tập trung vào du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng bắt kịp theo xu hướng du lịch hậu Covid-19.
Đại diện Công ty CP Truyền thông du lịch Việt (DulichViet) cho biết, công ty đã thực hiện các chương trình Du hí non nước Việt Nam an toàn – thơ mộng với ưu đãi hấp dẫn lên tới 40%. Còn Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng “tung” gói combo với mức ưu đãi từ 20-30%… Trong các chương trình kích cầu, DN đều hướng khai thác các điểm đến biển đảo như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc… để phục vụ du khách.
Công ty CP Truyền thông du lịch Việt triển khai gói kích cầu giảm tới 40%
Với chính sách giá, đường tour hấp dẫn, lượng khách đăng ký mua sản phẩm của nhiều DN đang có sự tăng trưởng tích cực, từ 20-30%. Bà Nguyễn Phương Thùy, đại diện Hanoitourism thông tin, hơn một tháng qua Hanoitourism đã mở cửa tổ chức tour trở lại, số lượng khách hàng quan tâm và có nhu cầu cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo các công ty du lịch, hiện đa số khách mua tour chủ yếu là khách quen, đối tượng hưu trí. Còn lại, các đối tượng khách cơ quan, doanh nghiệp, gia đình hầu như chưa có đơn đặt hàng.
Với khối kinh doanh lưu trú, hiện tại cũng đã có tín hiệu lạc quan hơn khi lượng khách đặt phòng đã bắt đầu sôi động trở lại, giúp “phá băng” thị trường trong giai đoạn cách ly xã hội và trống nguồn khách quốc tế. Theo đại diện Resort Flamingo Đại Lải, nhờ triển khai các gói kích cầu, lượng khách tới khu nghỉ dưỡng này đã tăng, đặc biệt, một tháng nay gần như “cháy” phòng vào cuối tuần. Đối tượng khách hàng chủ yếu là các gia đình, nhóm bạn trẻ từ Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cần thêm trợ lực
Thị trường du lịch đã bắt đầu “ấm” lên, song trước dự báo khả năng phục hồi chậm và Việt Nam chưa mở cửa thị trường khách quốc tế nên DN du lịch vẫn phải đối diện nhiều thách thức khi doanh thu tiếp tục giảm sâu, thậm chí nhiều đơn vị, tiềm lực hạn chế đang phải gồng mình để duy trì hoạt động.
Ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng giám đốc Công ty DulichViet cho biết, mặc dù hoạt động du lịch đã bước đầu có tín hiệu khả quan, tuy nhiên, với hơn 5 tháng không có doanh thu, nhưng DN hàng tháng vẫn phải chi trả tiền băng thông, đường truyền, tiền lương nhân viên và các chi phí khác. Trước thực tế này, DN buộc phải nghĩ cách mở rộng kinh doanh, tìm kiếm thêm nguồn thu như tham gia phân phối trực tiếp đầu ra cho sản xuất giải cứu nông sản; hay đầu tư sản xuất khẩu trang, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
Ngành du lịch đã có những tín hiệu phục hồi, song dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn đến hết năm nay
Hanoitourism cũng là đơn vị khá linh động thích ứng với khó khăn bằng việc kinh doanh thêm dịch vụ “Bếp cơm văn phòng” online. Bà Nguyễn Phương Thùy chia sẻ, sau vài tháng triển khai dịch vụ, đến nay công ty đã có một lượng khách hàng ổn định, nhờ đó có một phần nguồn thu trang trải chi phí vận hành công ty và có thêm nguồn lực “chống đỡ” trong giai đoạn khó khăn này.
Video đang HOT
Mặc dù đã rất nỗ lực, sáng tạo, song DN vẫn cần thêm trợ lực từ phía cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương để thúc đẩy kích cầu, “hồi sinh” thị trường cũng như phát triển mạnh mẽ hơn. Ông Lưu Đức Kế kiến nghị, DN cần sự kết nối từ địa phương, cơ quan quản lý nhằm tạo ra những hành động thiết thực; khắc phục những tồn tại, làm mới sản phẩm, dịch vụ; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại một số trọng điểm du lịch.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp du lịch sẽ còn khó khăn kéo dài, do đó, ngoài việc tự nỗ lực vượt khó, các cơ quan ban ngành nên chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng miễn, giảm, giãn thuế; địa phương đồng hành kích cầu thông qua việc giảm giá, lệ phí điểm tham quan, thắng cảnh. “Khó khăn hiện nay cũng nên coi là cơ hội “hiếm có” để ngành du lịch tái cấu trúc thị trường, sản phẩm, chính sách quản lý… tạo sức hấp dẫn mới và sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Doanh thu du lịch sụt giảm, nhiều nơi dừng đón khách để chống Covid-19
Nhiều địa phương đã dừng đón, có nơi thì vắng khách khiến cho ngành du lịch cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Mộc Châu (Sơn La) tạm dừng đón khách du lịch từ vùng có dịch Covid-19
Nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế tối đa lây nhiễm qua đường du lịch, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã quyết định tạm dừng, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn.
Với thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ, Mộc Châu luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách.
Cụ thể, tại công văn số 635, ngày 11/3/2020, Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động cho ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tạm dừng không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn; các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch thì tạm thời từ chối, hoặc hủy cung cấp dịch vụ đối với các đoàn đông người, đến từ các quốc gia và vùng có dịch để phòng ngừa.
Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS- CoV-2 cần phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý khách du lịch theo quy trình, hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.
UBND các xã, thị trấn cũng được yêu cầu chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền và phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường trong phạm vi cơ quan và hộ gia đình; khuyến khích tạm dừng tổ chức tất cả các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch, hạn chế thấp nhất việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người; chủ động phối hợp nắm tình hình về toàn bộ số người nước ngoài, số người trở về từ vùng dịch để chủ động các biện pháp theo dõi phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Mộc Châu quyết định tạm dừng, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào địa bàn.
Theo Lãnh đạo UBND huyện Mộc Châu, với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, cao nguyên Mộc Châu luôn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngay trong những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19, Mộc Châu vẫn có khá đông du khách trong nước, quốc tế đến tham quan du lịch. Tuy nhiên, bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, Mộc Châu vẫn giữ vững mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe của du khách và cộng đồng dân cư trước đại dịch Covid-19. ( Trấn Long-VOV-Tây Bắc)
Thừa Thiên Huế tạm dừng đón khách tham quan các điểm di tích
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ký văn bản hỏa tốc về việc tạm thời không đón khách vào tham quan các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Các điểm di tích Huế dừng đón khách tham quan.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các huyện, thị xã, thành phố Huế, kể từ 17h ngày 14/3 các điểm trên dừng đón khách cho đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh thực hiện xử lý môi trường, phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch Covid 19 và đảm bảo điều kiện an toàn cho việc đón khách tham quan trở lại.
Ông Võ Lê Nhật, Giám Đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: "Di tích, bảo tàng... đều đóng hết cho đến khi có thông báo sau tuỳ tình hình. Tôi thấy, lượng khách vẫn đông mà tình hình dịch đang phức tạp, yêu cầu dừng đã, còn chuyện mở cửa phải chờ các thông báo tiếp theo của Ban chỉ đạo". (Lê Hiếu/VOV-Miền Trung).
Tạm dừng bán vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tạm thời dừng bán vé tham quan.
Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Theo ông Phan Hộ, việc tạm dừng bán vé tham quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhưng đơn vị vẫn nghiêm túc chấp hành. Ông Phan Hộ cũng cho biết, đến ngày 3/3, Mỹ sơn đón hơn 1.000 lượt khách tham quan. Sau đó vài ngày, lượng khách bắt đầu sụt giảm còn khoảng 700 khách. Con số này tiếp tục sụt giảm khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các nước châu Âu.
"Để an toàn chung cho nhân dân, đồng thời cũng hạn chế việc đi lại của khách nước ngoài. Ở Mỹ Sơn, cơ cấu lượng khách tham quan đến hơn 80% là khách nước ngoài. Trong điều kiện hiện nay, nếu Mỹ Sơn tiếp tục mở cửa thì du khách vẫn tiếp tục đến. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, chúng tôi phải thực hiện biện pháp tạm thời đóng cửa không phục vụ khách du lịch nữa trong một thời gian khi nào có quyết định mới sẽ thông báo", ông Phan Hộ nói.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất tạm dừng bán vé tham quan đô thị cổ Hội An vì dịch Covid-19. (Hoài Nam/VOV-Miền Trung)
Vắng khách, du lịch TP HCM thiệt hại nặng vì Covid-19
Đến thời điểm này, ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, mất doanh thu lớn là tình trạng chung của các điểm tham quan, các doanh nghiệp du lịch.
Những ngày qua, Bưu điện TPHCM vắng hẳn khách tham quan so với thời điểm này năm ngoái.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có kiến trúc cổ và không gian rộng rãi, lâu nay là điểm tham quan thu hút rất đông khách trong và ngoài nước, nhưng những ngày qua lượng du khách đến đây giảm sút nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Đức Trung, hướng dẫn viên của Công ty cổ phần Du lịch Quốc tế - Asian Travel, thường xuyên dẫn khách ở khu vực này cho biết, lượng khách đến Bưu điện TP HCM chỉ bằng một phần nhỏ trước đây do khoảng 70% các tour tham quan TP bị hủy, nhất là sau khi Chính phủ ngừng miễn thị thực cho công dân 8 nước Châu Âu.
"Nếu như năm trước tầm này đông nghịt khách nhưng bây giờ tất cả mọi người đều nhìn thấy, rất ít khách, cỡ bằng 10% năm trước. Khách ít như vậy, thu nhập...đại đa số bị ảnh hưởng rất lớn", anh Đức chia sẻ.
Chị Lê Thị Hồng Thu, tiểu thương tại chợ Bến Thành chỉ biết cầu mong cho dịch bệnh qua mau để khách du lịch đông trở lại.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, phụ trách mảng Tiếng Đức, hướng dẫn viên của Công ty TNHH MTV Tiêu điểm Châu Á, cũng thường xuyên hoạt động tại khu vực Bưu điện TP HCM cho biết, trong một tháng vừa rồi rất nhiều khách sạn, công ty lữ hành phải hủy tour. Khách du lịch không đến TPHCM ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều người làm trong ngành du lịch.
Số lượng vé tham quan bán ra của Dinh Độc Lập những ngày qua giảm sút đáng kể.
Tương tự, chợ Bến Thành là điểm tham quan hút khách, nhộn nhịp nhất nhì TP HCM, bởi đây không chỉ là điểm du lịch mà còn là nơi buôn bán lớn của TP HCM. Thế nhưng gần hai tháng nay, chợ trở nên vắng vẻ, đìu hiu.
Tiểu thương Lê Thị Hồng Thu cho hay, thu nhập chủ yếu của chị là nhờ bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài. Nếu trước đây du khách ra vào nườm nượp, trung bình một ngày đêm chị bán được 40 lượt khách thì nay phải ngồi buồn rầu, từ sáng đến trưa vẫn chưa có khách tham quan.
"Trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì chợ bán rất ế. Khách đi du lịch từ sáng tới giờ là không thấy. Bình thường khu này bán rất sớm mà tới thời điểm này vẫn chưa bán mở hàng, chưa có ai hỏi tới, so với trước Tết thì bây giờ quá ế, nhìn không thấy ai đi cả", chị Hồng chia sẻ.
Khách vắng, vé bán giảm, bị hủy tour, mất doanh thu... đó là tình trạng chung của rất nhiều điểm tham quan, công ty du lịch tại TPHCM. Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên bán vé tour tại Dinh Độc Lập phải thừa nhận Dinh cũng đang bị ảnh hưởng vì dịch covid-19: "Số lượng vé giảm, ngày này đang dịch thì giảm hơn bình thường. Tuần vừa rồi chưa có dịch trở lại cũng đông, nhưng giờ thì vắng hơn. Không những Dinh mà tất cả những chỗ khác đều giảm và vắng".
Ông Đặng Hiếu Minh, Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại & Du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) tại TPHCM cho rằng, số ca mắc covid-19 gia tăng thì hai đến 3 tháng tới du lịch TPHCM sẽ bị "tê liệt", rơi vào trạng thái "ngủ đông", rất ảm đạm. Vì thế ông mong muốn các hãng hàng không có thể hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, điểm tham quan trong việc hủy tour, hủy chuyến. Đồng thời các doanh nghiệp cần có kiến nghị trong chính sách thuế để tháo gỡ khó khăn hiện tại.
Một nhóm khách Châu Âu đang nghe hướng dẫn viên thuyết minh trong Dinh Độc Lập.
"Nếu có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chúng tôi trong việc hủy, phạt vé máy bay thì chúng tôi rất hoan nghênh. Đồng thời các doanh nghiệp lữ hành cũng nên cùng nhau đề xuất lên chính phủ để có chính sách giảm thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệ có cơ hội hồi phục. Trong thời gian này chúng ta nên tận dụng để xây dựng lại các sản phẩm du lịch và đưa ra các gói truyền thông cũng như kích cầu, tour, chương trình khuyến mãi khi thị trường có tín hiệu hồi phục chúng ta có thể ngay lập tức thu hút lại khách du lịch quốc tế", ông Minh nói.
Theo Sở Du lịch TP HCM, qua khảo sát 22 doanh nghiệp lữ hành có quy mô lớn, đến hết tháng 2, số khách trong và ngoài nước hủy tour tham quan TP HCM và các dịch vụ du lịch vì dịch Covid-19 là gần 88.000 khách, thiệt hại về doanh thu hơn 920 tỷ đồng. Theo dự báo của một số chuyên gia du lịch, đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, khách du lịch nước ngoài đến TP HCM ít nhất giảm thêm 40-50%. Do lượng khách chiếm tỉ trọng cao là Trung Quốc, Hàn Quốc không đến, khách Châu Âu hủy tour đến Việt Nam, trong đó có TP HCM.
Nhóm phóng viên/VOV
Theo vov.vn
Lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh giảm 52% so với cùng kỳ Chiều 5-3, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình du lịch thành phố trong tháng 2-2020. Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh giảm mạnh trong tháng 2-2020. Theo đó, lượng khách quốc tế đến thành phố trong tháng 2-2020 ước đạt 346.650 lượt khách, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 2 tháng...