Doanh nghiệp địa ốc càng vay nợ càng thấm đòn Covid-19
Mỗi dự án bất động sản cần dòng vốn từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, càng vay nhiều doanh nghiệp càng khó khăn trong mùa dịch.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, bất động sản là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, trung bình mỗi dự án cần hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Càng vay nhiều doanh nghiệp càng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trong đại dịch.
Ông Khương phân tích, thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án là cực kỳ khó. Trong khi đó việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp gia tăng, tiền lương và thu nhập giảm cũng là bài toán nan giải.
Đối với bất động sản thương mại, vòng quay vốn mất trung bình 10-15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức. Tình thế này buộc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình.
Video đang HOT
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trên thực tế, Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến hơn 50 ngành nghề liên quan đến ngành địa ốc như xây dựng, vật liệu, thị trường lao động, thị trường tài chính… Đây là thời điểm khó khăn vì các doanh nghiệp triển khai dự án buộc phải cần đến nguồn vốn rất nhiều. Song đây cũng là cơ hội lớn với một số nhóm cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt vì dễ săn lùng, thâu tóm các dự án đang gặp khó khăn.
Trong vài quý gần đây, thị trường chứng kiến nhiều nhà đầu tư tiềm lực mạnh đã và sẵn sàng mua, nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Thống kê của Savills Việt Nam cho thấy, từ cuối năm 2019 đến đầu quý II có một số dự án tập trung tại thị trường Hà Nội và TP HCM trong quá trình thương thảo với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Trong vài quý tới dự kiến có một số giao dịch nếu các vòng đàm phán đạt được thỏa thuận.
Tác động của Covid-19 được dự báo còn kéo dài đến cuối năm 2020 và các doanh nghiệp càng nặng đòn bẩy tài chính càng chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng tín hiệu lạc quan đã xuất hiện. UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án bất động sản cùng các chính sách ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp trong đại dịch.
Ông Khương nhận định với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng (tương đương 10,6 tỷ USD), các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư có thể tháo gỡ được phần nào vướng mắc cho thị trường bất động sản thời gian tới.
Đề xuất giảm 50% lãi vay với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa kiến nghị xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng đối với cả doanh nghiệp và người mua nhà.
HoREA đề xuất giảm lãi suất vay cho người mua nhà và doanh nghiệp địa ốc.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong gói hỗ trợ vừa qua, các ngân hàng thương mại chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01 để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng.
Do vậy, HoREA đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Không chỉ đối với người mua nhà, HoREA cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới, có thể giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); giảm phí hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ.
Ngoài ra, xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020; tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).
CHÂU ANH
Kích cầu trong mùa dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển chiến lược mới Một trong cách ứng phó của doanh nghiệp BĐS trước dịch Covid-19 là lên chiến lược mới về sản phẩm, nhất là dự án xanh, tốt cho sức khỏe cư dân nhằm kích cầu vào nhu cầu sống khỏe, sống chất lượng của người mua nhà hiện nay. Theo đại diện Savills Việt Nam, BĐS nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu...