Doanh nghiệp Cuba, Mỹ phối hợp vận chuyển hàng hóa phi thương mại
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, từ ngày 7/10, các doanh nghiệp Aerovaradero của Cuba và Maravana Cargo của Mỹ bắt đầu phối hợp vận chuyển hàng hóa phi thương mại, qua đó tăng cường các hoạt động trao đổi giữa 2 quốc gia.
Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Cuba. Ảnh minh họa: Biospace/TTXVN
Theo hợp đồng ký kết vào ngày cuối cùng của Hội chợ Giao thông và Logistics Quốc tế (FITL 2022), diễn ra từ ngày 4 – 6/10 tại thủ đô La Habana, hai doanh nghiệp trên sẽ hợp tác để rút ngắn thời gian giao hàng hóa phi thương mại từ Mỹ tới người nhận ở Cuba.
Tổng Giám đốc của Aerovaradero, bà Mayelin Gotera, cho biết hợp đồng trên sẽ giúp doanh nghiệp Cuba này mở rộng danh mục khách hàng ở tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ, nơi ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong vài năm trở lại đây. Thông qua liên kết với Maravana Cargo, Aerovaradero cam kết giao hàng đến tận tay người nhận trong thời gian ngắn nhất có thể, đồng thời đảm bảo hàng hóa, trong nhiều trường hợp là thuốc men và các sản phẩm nhạy cảm khác, được an toàn không hư hại. Để đạt được mục tiêu này, Aerovaradero đã làm việc với hơn 23 công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước và nhiều lao động tự do trên khắp đất nước, từ đó xây dựng các liên minh chiến lược, mang lại lợi ích cho khách hàng.
Theo bà Gotera, thế mạnh của Aerovaradero là vận tải hàng không, tuy nhiên công ty này cũng khai thác cả vận tải biển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, tải trọng lớn hoặc thông số kỹ thuật phức tạp.
Cùng với Maravana Cargo, nhiều doanh nghiệp vận tải và hậu cần của Mỹ có trụ sở tại Florida hoặc đại diện tại La Habana cũng tham dự FITL 2022.
Cuba đánh giá về việc Mỹ nối lại hoàn toàn việc cấp thị thực nhập cư
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 21/9, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã đánh giá quyết định của Mỹ khôi phục hoàn toàn việc cấp thị thực nhập cư tại thủ đô La Habana là "bước đi tích cực".
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla phát biểu tại một cuộc họp báo. Ảnh: Lê Hà/TTXVN
Ông Rodríguez Parrilla một lần nữa khẳng định Cuba duy trì thiện chí tăng cường hiểu biết lẫn nhau với Mỹ, song nhấn mạnh rằng Chính phủ Mỹ phải xóa bỏ các yếu tố khuyến khích di cư bất hợp pháp, làm nhiều người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Cuba liệt kê một loạt những yếu tố khuyến khích làn sóng di cư bất hợp pháp, bao gồm việc Mỹ không tuân thủ thỏa thuận cấp ít nhất 20.000 thị thực mỗi năm, áp đặt hạn chế đối với các quốc gia quá cảnh và thắt chặt các biện pháp bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại. Ông Rodríguez Parrilla chỉ rõ bao vây cấm vận chính là hành vi chiến tranh kinh tế trong thời bình, gây ra những thiệt hại "không đong đếm được".
Trước đó, cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba thông báo sẽ khôi phục hoàn toàn công tác xử lý thị thực nhập cư tại thủ đô La Habana vào đầu năm 2023, bổ sung nhân sự cho cơ quan đại diện ngoại giao của Washington tại đảo quốc Caribe này và đẩy nhanh quá trình xử lý thị thực đoàn tụ gia đình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu năm đã công bố kế hoạch nối lại Chương trình Đoàn tụ Gia đình Cuba (CFRP) song không nêu rõ thời điểm bắt đầu. Đầu tháng 5, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba cho biết sẽ ưu tiên những người nộp đơn thuộc diện IR-5, tức là cha hoặc mẹ của công dân Mỹ. Đây là bước đầu tiên mở đường cho quá trình mở rộng các dịch vụ lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao của Washington tại La Habana sau gần 5 năm tạm ngừng sau cáo buộc về cái gọi là "vụ tấn công bằng sóng âm" nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại đảo quốc Caribe này. Một số phương tiện truyền thông Mỹ ước tính có khoảng 22.000 yêu cầu đoàn tụ gia đình với các thủ tục hoàn chỉnh chưa được xử lý trong khoảng thời gian nói trên.
Tháng 9/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tình trạng các nhân viên Đại sứ quán nước này tại La Habana gặp phải một loạt sự cố về sức khỏe, với các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mất thính lực, giảm trí nhớ mà Washington cho rằng do các cuộc "tấn công bằng sóng âm" gây ra. Mỹ đã rút phần lớn nhân viên ngoại giao về nước, đồng thời trục xuất 17 nhà ngoại giao Cuba khỏi Mỹ. Trong 5 năm, người dân Cuba muốn nhập cảnh vào Mỹ buộc phải tới nước thứ 3 như Colombia hoặc Guyana để nộp hồ sơ xin thị thực, điều này khiến gia tăng chi phí và rủi ro. Nhiều người đã lựa chọn di cư bất hợp pháp và đối mặt với sự nguy hiểm đến tính mạng.
Về phần mình, Chính phủ Cuba luôn khẳng định không có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào để chứng minh cái gọi là "vụ tấn công bằng sóng âm" nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại nước này, đồng thời tuyên bố La Habana luôn sẵn sàng hợp tác với Washington để làm rõ sự việc.
Lượng khách du lịch tới Cuba tăng vọt trong 7 tháng đầu năm Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 20/8, Văn phòng Thống kê và Thông tin Quốc gia Cuba (ONEI) cho biết đảo quốc Caribe này đã đón 1.200.580 du khách trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 552,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch tham quan khu phố cổ ở thủ đô La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN Kể từ...