Doanh nghiệp công nghệ Việt vươn ra thế giới để khẳng định mình
Hai doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin lớn nhất nhì Việt Nam là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tập đoàn FPT đang đẩy mạnh chiến lược “toàn cầu hóa” của mình.
Sản xuất thiết bị viễn thông tại nhà máy của Viettel. Nguồn: internet
Sẽ là 1 trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới
Những năm qua, trong khi VNPT vẫn loay hoay với bài toán tái cơ cấu và tìm đường ra nước ngoài, thì Viettel đã thành công trong việc đầu tư ra nước ngoài. Điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng làm được, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế trên toàn thế giới kéo dài suốt những năm qua.
Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Thông tin – Truyền thông, Phó Tổng giám đốc Viettel – Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Tổng giám đốc) cho biết, doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel trong năm 2013 đã đạt 1 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2012. Lợi nhuận từ việc đầu tư ra nước ngoài của Viettel đạt 150 triệu USD trong năm 2013. Như vậy, tính từ năm 2011 đến nay, Viettel đã chuyển khoảng 270 triệu USD lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài về nước. Ở thị trường nước ngoài, trong năm 2013, Viettel có thuê bao điện thoại lũy kế toàn mạng 14,75 triệu thuê bao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chiến lược của Viettel đang chuyển dịch từ công ty viễn thông trong nước sang công ty đa quốc gia. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ lớn hơn trong nước và Viettel sẽ là một trong 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về đầu tư ra nước ngoài và là một trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.
Video đang HOT
Thật ra, từ khá lâu và rất nhiều lần, lãnh đạo Viettel khẳng định: thị trường trong nước to, nhưng cũng giống như cái áo đã chật, “bắt buộc” doanh nghiệp phải ra nước ngoài nếu muốn tiếp tục phát triển.
Hướng tới một tập đoàn công nghệ quy mô toàn cầu
Với FPT, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình đã khẳng định, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam bắt đầu trở nên nhỏ bé với FPT. Đã đến lúc FPT cần có những thách thức, sân chơi lớn hơn nữa để tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh như trong quá khứ. Toàn cầu hóa là con đường duy nhất để FPT tiếp tục phát triển, trở thành một tập đoàn công nghệ quy mô toàn cầu. Lãnh đạo FPT cũng cho biết, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Myanmar và khối các nước đang phát triển sẽ là thị trường trọng tâm của FPT trong chiến lược toàn cầu hóa. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ ủy thác phát triển phần mềm tại các thị trường truyền thống, FPT cũng sẽ tiên phong cung cấp giải pháp ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ mới Social, Mobility, Bigdata/Analytics, Cloud (SMAC) cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore.
Sau 25 năm phát triển, hiện nay FPT đã có văn phòng đại diện ở 16 quốc gia: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Australia, Kuwait, Bangladesh và Indonesia. Trong số các lĩnh vực hoạt động ở nước ngoài, lĩnh vực phát triển dịch vụ phần mềm của FPT đã được khẳng định ở tầm thế giới. Mới đây, FPT Software là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong tốp 100 nhà cung cấp dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing) toàn cầu. Năm 2014, FPT Software dự kiến tuyển dụng 2.500 nhân viên mới và tăng trưởng doanh thu khoảng 30% so với năm 2013, hướng tới mục tiêu doanh thu 200 triệu USD và 10.000 nhân viên vào năm 2016. Năm 2013, doanh thu toàn cầu hóa của FPT đạt 2.607 tỷ đồng (khoảng 130 triệu USD, chiếm gần 10% tổng doanh thu của FPT), tăng trưởng 30% so với năm 2012. FPT đang hướng tới mục tiêu đạt 350 – 400 triệu USD doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài vào năm 2016 và trở thành nhà tích hợp hệ thống hàng đầu khu vực ASEAN trong lĩnh vực dịch vụ tin học và ứng dụng chuyên ngành.
Mới đây, Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho biết FPT đã chuẩn bị khoảng 50 triệu USD để tiến hành các thương vụ mua bán – sát nhập (M&A) với những công ty về công nghệ, thị trường hoặc dịch vụ để tăng trưởng nhanh trong hành trình toàn cầu hóa của mình ngay trong năm 2014 này. Theo đó, chiến lược M&A của FPT sẽ hướng tới những công ty nước ngoài hoặc trong nước đang có thế mạnh về công nghệ, thị trường mà FPT chưa có hoặc có nhưng chưa đủ mạnh. “Mỗi thị trường có một nét văn hóa kinh doanh riêng. Nếu có được người bản địa thì cũng là lợi thế cạnh tranh cho FPT trên hành trình toàn cầu hóa.
Theo sggp.org.vn
FPT: "Tin vào lãnh đạo trẻ" nhưng vẫn phải... chờ
Việc FPT thay đổi chiếc ghế Tổng giám đốc tới 3 lần chỉ trong một thời gian ngắn đã cho thấy rõ những khó khăn của Tập đoàn này trong việc tìm kiếm gương mặt kế cận, vừa trẻ lại vừa giỏi đúng như mong mỏi của các cựu binh như ông Trương Gia Bình.
Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho biết sẽ cố gắng chuyển giao công việc điều hành cho các nhân sự trẻ hơn.
Như lời thừa nhận thẳng thắn của Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc thì ban giám đốc FPT đã rất "cố gắng chuyển giao (công việc điều hành - PV) cho các nhân sự trẻ hơn", nhưng quy trình này được "làm chưa tốt", buộc FPT "phải làm lại".
Và lời trấn an của ông rằng ít nhất vị trí Tổng giám đốc FPT sẽ ổn định trong năm nay, dù khiến giới đầu tư tạm yên lòng phần nào, nhưng thực chất lại là tin không mấy vui cho những ai kỳ vọng vào một sự thay máu mạnh mẽ ở tập đoàn CNTT lớn hàng đầu Việt Nam này trong tương lai gần. Nhìn lại "lịch sử" thì từ năm 2008 đến nay, FPT đã thay đến đời Tổng giám đốc thứ 4: sau ông Trương Gia Bình, người chèo lái Tập đoàn trong suốt 20 năm thì ông Nguyễn Thành Nam chỉ đảm nhận được 3 năm. Ông Trương Đình Anh thậm chí còn ngồi ghế nóng ngắn hơn, từ đầu năm 2011 đến tháng 9/2012, buộc ông Trương Gia Bình phải tạm quay lại với cương vị Tổng giám đốc bất đắc dĩ trong 9 tháng. Mãi tới tháng 7/2013, ông Bình mới được tạm nghỉ nhờ ông Bùi Quang Ngọc lên thay.
Đâu đó đã có ý kiến đặt câu hỏi về việc phải chăng, những lần thay máu bất thành này là do thế hệ lãnh đạo cựu binh của FPT chưa tin tưởng vào thế hệ trẻ?, rằng những nhân sự trẻ sẽ không thể đủ tầm thay thế những cây đại thụ với cái bóng quá lớn như ông Trương Gia Bình?
Tuy nhiên, trả lời báo giới chiều 19/2, Tổng Giám đốc Bùi Quang Ngọc nhấn mạnh rằng việc chuyển giao sẽ vẫn tiếp tục tiến hành, chỉ có điều lần này Tập đoàn sẽ tiến hành từng bước và có lộ trình, có sự chuẩn bị bài bản, hiệu quả hơn. "Chúng tôi sẽ chuyển giao một phần công việc quan trọng cho các nhân sự trẻ hơn trong 2-3 năm tới".
"Lứa tuổi già chúng tôi cũng chẳng ngồi lâu được nữa. Già rồi thì phải nghỉ thôi", ông Ngọc tâm sự thẳng và thật. Nguyên nhân chuyển giao thất bại, theo phân tích của ông Ngọc là do sự lớn mạnh của FPT gắn liền với thế hệ lãnh đạo đời đầu. Họ hiểu rất rõ Tập đoàn vì lớn lên cùng Tập đoàn, trong khi những nhân sự như Trương Đình Anh chỉ hiểu sâu sắc về công ty thành viên mà họ điều hành mà thôi. Khi chuyển lên cấp độ Tập đoàn thì tất cả đều khác, từ dịch vụ, đào tạo, cách quản lý.
Hiện tại FPT đang có nhiều chương trình đào tạo cán bộ trẻ, với hơn 1000 người được coi như "cán bộ nguồn". Ông Ngọc khẳng định đó chính là con đường phát triển bền vững cho Tập đoàn trong tương lai. Nói cách khác, "suy nghĩ có rồi nhưng hành động thực tế cũng phải có".
Ông Ngọc giải thích rằng sự hụt hẫng sau khi nhậm chức của các cựu Tổng giám đốc là do FPT chưa thực hiện việc luân chuyển nhân sự qua các bộ phận, chưa tiến hành điều hành chéo để các cán bộ nguồn tích lũy kinh nghiệm. Việc này sẽ phải thay đổi và chương trình luân chuyển sẽ được triển khai trong vòng 1-2 tháng nữa, với mục tiêu cuối cùng là làm sao để khi lên Tập đoàn, các cán bộ này sẽ thực sự đạt đến độ "chín" cả về kinh nghiệm lẫn trình độ.
Hiện tại thì các phó Tổng của FPT đều sinh từ năm 1974 đến 1977. Ban Tổng Giám đốc của các công ty thành viên người già nhất cũng sinh năm 69 và trẻ nhất là 77.
"Tại Việt Nam, nếu nhìn vào các công ty tư nhân ra đời cách đây từ 20 - 25 năm, tương đồng với FPT thì chưa có bất cứ doanh nghiệp nào nói đến chuyện chuyển giao lãnh đạo cấp cao. Nhưng FPT lại khác. Ngay từ năm 2000, anh Trương Gia Bình đã nói phải chuyển giao", ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ chia sẻ.
Tuy nhiên, để chương trình luân chuyển cán bộ đạt được kết quả bước đầu thì ít nhất FPT cũng phải đợi thêm 3-4 năm nữa, nhanh nhất cũng phải hơn 2 năm.
Cũng theo kết quả kinh doanh tóm tắt được FPT chia sẻ tại cuộc gặp, doanh thu của Tập đoàn năm qua đã đạt 130 triệu USD, tương đương 2607 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2012. Cũng giống như Viettel, FPT đang xác định mở rộng đầu tư sang các thị trường quốc tế, một hướng đi mà Tập đoàn này gọi là "Toàn cầu hóa" là một trong 2 hướng phát triển trụ cột, chiến lược của năm 2014. Hiện FPT đang hiện diện ở 17 nước, FPT Telecom đứng thứ 2 về thị phần cung cấp dịch vụ ISP tại Campuchia, FPT Trading đạt doanh thu 5,6 triệu USD, tăng trưởng 123% so với kế hoạch ban đầu tại thị trường Myanmar. FPT Retail cũng đang lên kế hoạch mở cửa hàng tại Campuchia.
Doanh thu từ hai dịch vụ mới là đám mây và di động đạt 95 tỷ đồng, tăng trưởng 300% so với năm 2012.
Theo Vietnamnet.vn
Viettel đặt mục tiêu thành tập đoàn toàn cầu Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người... Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Viettel, sáng 20/2 "Thành tích 25 năm qua là đáng tự hào, nhưng triết lý của Viettel không cho phép chúng tôi sống bằng quá khứ",...