Doanh nghiệp chống chọi Covid-19: “Khóc” vì khoản nợ cộng dồn của 3 tháng
Trong đợt 1 dịch covid-19 doanh nghiệp được giãn thời hạn trả nợ ngân hàng 3 tháng. Đợt dịch lần 2 doanh nghiệp phải gồng mình trả khoản nợ cộng dồn.
Người dân cũng như doanh nghiệp cả nước đang phải gồng mình để vượt qua những ngày tháng khó khăn bới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những tưởng dịch covid-19 đã qua đi, doanh nghiệp có cơ hội hồi sinh, không ngờ đợt dịch lần 2 lại ập đến khiến nhiều người dân cũng như doanh nghiệp, tiểu thương lao đạo kiệt quệ. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản. Những ông chủ doanh nghiệp cũng như người lao động đang mong chờ từng ngày từng giờ cho dịch covid-19 nhanh chóng qua đi. Pháp Luật Plus xin gửi tới độc giả những tâm tư của doanh nghiệp về những khó khăn của chính họ trong cơn bão covid-19 tàn phá khốc liệt nền kinh tế thế giới cũng như trong nước.
Một trong số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi covid-19 phải kể đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách và ngành du lịch. Việc hạn chế di chuyển đến nhiều khu vực và tỉnh thành khiến nhu cầu vận tải hành khách giảm sút nghiêm trọng.
Trao đổi với Pháp Luật Plus, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách bày tỏ sự lo lắng, căng thẳng cao độ. Nhiều chủ nhà xe đang ngồi trên đống lửa khi mà xe không chạy nhưng hằng ngày vẫn phải chỉ trả hàng đống chi phí bến bãi, khấu hao, lương nhân viên, lãi ngân hàng,… Theo chia sẻ của một số người làm trong ngành vận tải, không ít hãng xe đã phải dừng hoạt động và sắp phá sản.
Theo đánh giá của giới kinh doanh vận tải, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đang gặp khó khăn nhất, sau đó là kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi. Chủ một hãng xe khách nói rằng: Nhiều doanh nghiệp vận tải đang cực kì khó khăn nhưng vì uy tín, danh dự nên chúng tôi vẫn đang phải gồng mình chống đỡ. Doanh nghiệp vận tải khó khăn cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt người lao động thất nghiệp, đời sống lao đao. Nhiều ngành nghề, dịch vụ khác cũng thiệt hại nặng nề.
Trả lời PV, ông Nguyễn Duy Ninh (GĐ Hãng xe khách Ninh Quỳnh) cho biết, hãng của ông có khoảng 100 xe chuyên chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn/Hải Phòng với tần suất 15p/chuyến. Dịch covid khiến doanh nghiệp tụt giảm doanh thu thê thảm. Hiện nay hãng chỉ còn cố gắng duy trì khoảng 15 xe chạy với tuần suất khoảng 1 tiếng/chuyến.
Theo ước tính của ông Ninh, trước dịch, lượng người đi lại trên các tuyến này cỡ 5000 lượt người/ngày. Hiện nay, lượng người di chuyển ở đây chỉ còn tính theo con số trăm với 5 hãng xe vận chuyển. Bởi vậy, mỗi chuyến xe khách hiện nay chỉ được dăm bảy người, không đủ để bù tiền khấu hao nhiên liệu và chi phí vận hành.
Mặc dù vậy, chủ nhà xe Ninh Quỳnh cho biết, vì giữ uy tín nên hãng vẫn phải cố duy trì xe chạy. Số xe còn lại, doanh nghiệp tạm cho nằm đắp chiếu, chấp nhận trả một ít chi phí bến bãi. Nếu cứ cố chạy, doanh nghiệp không còn đủ sức trang trải kinh phí.
Quang cảnh tại bến xe trong mùa dịch
Video đang HOT
Ông Đỗ Văn Bằng (Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp vận tải Hà Nội) cho biết, từ giữa Quý II và Quý III, tình hình dịch bệnh làm cho ngành vận tải lao đao. Tần suất tuyến xe và lượng khách giảm xuống so với cùng kỳ năm trước hơn 50 lần. Tình trạng của ngành vận tải nói chung đang rất nghiêm trọng. Tính đến thời điểm này, toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải tụt giảm 70-80% doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Dịch bệnh tái phát, Chính phủ cũng như các cấp, các ngành cùng chung tay với doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, cố gắng duy trì ổn định kinh tế vượt qua dịch bệnh. Nhưng đối với doanh nghiệp vận tải, mục tiêu trên đang gần như khó đạt được.
Một trong những triết lý kinh doanh của các hãng vận tải thời covid mà ông Bằng đưa ra là: “ Thà ăn hại còn hơn phá hại“. Ông Bằng phân tích: Đối với Hãng xe khách Sao Việt của ông, chi phí vận hành mỗi một chuyến xe là trên dưới 5 triệu đồng gồm: cầu đường, xăng dầu, tiền lương nhân viên, khấu hao tài sản, lệ phí bến bãi,… Nhưng theo ông, lượng khách chỉ lác đác đếm trên đầu ngón tay, tiền bán vé không đủ 1/3 chi phí vận hành. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hướng cố định như ông Bằng đang tìm mọi cách xoay xở nhưng đều lực bất tòng tâm, đành nằm im chịu trận.
Ông Đỗ Văn Bằng-Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp vận tải Hà Nội
Nói riêng về hoạt động của doanh nghiệp mình, ông chủ Hãng xe Sao Việt cho hay, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động, đảm bảo thu nhập cho gần 300 cán bộ, nhân viên. Vì khó khăn, ông buộc phải cắt giảm 20-25% số nhân viên. Với những người còn lại, ông cố gắng duy trì nhưng cho làm việc luân phiên. Các bộ phận hưởng lương cố định theo tháng, hoạt động ít nhưng thời gian vẫn kéo dài nên anh vẫn phải giữ nguyên mức lương và trợ cấp.
Theo ông Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, tình hình dịch bệnh trở lại khiến cho các doanh nghiệp vận tải phải giải một bài toán vô cùng khó bởi chính họ không biết đề bài như thế nào. “Nếu biết dịch sẽ hết sau 3 tháng hay 6 tháng, thì chúng tôi mới có thể đưa ra kế hoạch giải quyết. Đằng này, chúng tôi không biết dịch bao giờ kết thúc”, ông Bằng nói.
Nhưng điều mà ông Bằng cũng như ông Ninh và những nhà xe được hỏi đều cảm thấy căng thẳng nhất hiện nay chính là khoản vay lãi ngân hàng đang bị cộng dồn trả nợ vào cuối năm.
Khó khăn còn chồng khó khăn khi phần lớn xe của doanh nghiệp đều đang phải vay tiền ngân hàng. Số tiền gốc và lãi phải trả rất lớn. Kinh doanh không có lãi trong khi gánh nặng trả nợ 6 tháng cuối năm còn bị dồn phần nợ của 3 tháng được tạm lùi của Quý II.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp này đã được ngân hàng cho lùi thời hạn trả nợ, tức là chưa phải trả nợ gốc và lãi trong 3 tháng 4-5-6 vừa qua.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải này cho biết, sau thời hạn nói trên, ngân hàng lại lấy tiền nợ gốc và lãi của 3 tháng đó chia đều rồi cộng dồn vào trong các tháng cuối năm. Như vậy, những tháng cuối năm, doanh nghiệp không những phải trả khoản nợ gốc và lãi định kỳ như trước mà còn phải gánh thêm phần nợ của 3 tháng được lùi kia. Điều này còn khiến doanh nghiệp càng khó khăn khi mà đợt dịch covid-19 ập đến lần 2.
Ông Đỗ Văn Bằng cho hay, về nguyên tắc, vốn kinh doanh vận tải và đầu tư phương tiện được hình thành bằng vốn vay của ngân hàng. 100% doanh nghiệp vận tải đều vay tiền ngân hàng mua phương tiện. Vì vậy, chính sách trả nợ đối với ngân hàng rất quan trọng. Theo ông, nếu nói giãn nợ 3 tháng, đáng lý phải là cho doanh nghiệp kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng. Chẳng hạn, ông vay vốn trong 3 năm (tức 36 tháng) thì sẽ được kéo dài thời gian trả nợ thành 39 tháng. Đằng này, số nợ lại bị cộng dồn vào cuối năm đúng dịp covid-19 trở lại khiến doanh nghiệp như vướng phải nợ kép.
Đại diện cho Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các đơn vị tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất, lùi thời hạn thu hồi vốn và điều quan trọng nhất là không chuyển nhóm nợ trong giai đoạn đợt 1 của Covid-19. Nhưng theo ông, đợt dich covid lần 2 thực sự đã làm doanh nghiệp kiệt quệ. Các doanh nghiệp vận tải rất hy vọng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có biện pháp hỗ trợ để các ngân hàng giãn nợ cho doanh nghiệp.
Bến xe khách Gia Lâm trong đợt dịch Covid trở lại
“Nếu tình hình dịch bệnh không sớm chấm dứt thì trong tháng 9, tháng 10 tới, có lẽ nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ dừng hoạt động và phá sản”, ông Bằng nhấn mạnh.
Chúng tôi đã đem câu chuyện ngân hàng cộng dồn nợ cho doanh nghiệp vào những tháng cuối năm đi hỏi các ngân hàng. Tuy nhiên khi liên hệ với các cán bộ truyền thông một số ngân hàng, chúng tôi không nhận được thông tin phản hồi nào.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn (Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm) cho biết hiện nay, lượng xe khách ra vào bến đã giảm đi khoảng 1 nửa. Từ lâu, phần lớn doanh nghiệp vận tải đều đã xin giảm tần suất xuất bến. Tuy vậy, lượng khách đi lại vẫn chỉ lác đác. Đến giờ chạy, nhiều xe cũng chỉ có một vài khách nhưng vẫn đành uể oải xuất bến.
Giảm 30% phí sử dụng đường bộ
Theo Thông tư 74/2020 của Bộ Tài chính, ôtô kinh doanh vận tải hành khách sẽ được giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ.
Nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 10/8, Bộ Tài chính quyết định giảm đến 30% phí sử dụng đường bộ.
Cụ thể, ôtô kinh doanh vận tải hành khách (ôtô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) sẽ chỉ nộp phí bằng 70% mức trước kia.
Mức phí quy định tại Thông tư số 293/2016 là từ 130.000 đồng/tháng đến 590.000 đồng/tháng. Nếu đóng gộp 30 tháng, sẽ có mức phí là từ 3,66 triệu đồng đến 16,6 triệu đồng tùy loại xe.
Đối với xe tải, ôtô chuyên dụng, xe đầu kéo chỉ nộp phí bằng 90% mức quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC.
Theo Thông tư 74, xe tải, ôtô chuyên dụng, xe đầu kéo chỉ nộp phí bằng 90% mức thu quy định trước đó. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong thời gian thông tư có hiệu lực, ôtô chuyển từ không kinh doanh vận tải sang kinh doanh vận tải thì thời điểm áp dụng mức phí tính từ ngày ôtô được ghi nhận trong chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam là ôtô kinh doanh vận tải.
Trường hợp ôtô đã được nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư 293/2016/TT-BTC cho khoảng thời gian có hiệu lực của thông tư này, chủ xe sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch giữa mức phí theo quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC, với mức phí theo quy định tại thông tư này vào số phí phải nộp của chu kỳ tiếp theo.
Từ ngày 1/1/2021 trở đi, các quy định nộp phí trên sẽ trở lại quy định trước ngày 10/8, theo quy định ban hành kèm Thông tư số 293/2016/TT-BTC.
Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Số tiền ước tính giảm có thể lên tới 1.000 tỷ đồng.
Đắk Lắk: Lắp camera giám sát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách Đắk Lắk sẽ thực hiện lắp camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột thường xuyên xuất hiện tình trạng xe khách chạy lòng vòng đón trả khách không đúng nơi quy định. Ngày 8/8, Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk cho biết:...