Doanh nghiệp “chết lâm sàng” vì giá xăng dầu tăng như vũ bão
Lượng hành khách đi lại ít cộng với giá xăng dầu liên lục “leo thang” khiến doanh nghiệp vận tải khách ở TP.HCM than thở thu không đủ chi, thậm chí thua lỗ.
Các nhà xe tại Bến xe Miền Đông, TP.HCM cho biết, hơn 2 tháng qua, họ phải “gồng gánh” khá nhiều khi giá vé vận tải đứng im, còn giá xăng dầu liên tục tăng. Bên cạnh đó, kể từ sau dịp lễ 30/4 và 1/5 lượng hành khách cũng giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ lỗ nặng sau mỗi chuyến xe.
“Xăng thì tăng lên mà khách khứa thì không có ai đi, chạy chán lắm”;
“11h10p xe tôi xuất bến mà giờ mới bán được 1 vé. Thực sự mỗi chuyến xe chỉ đủ chi trả tiền tài xế, cầu đường với tiền dầu, nhà xe chả được đồng nào hết”;
“Bây giờ ráng gồng phục vụ khách thôi, khi nào cảm thấy không nổi nữa chắc xe phải đậu lại hết”.
Nhiều nhà xe tại bến xe Miền Đông cho biết giá vé “đứng im” nhiều tháng nay trong khi giá xăng dầu liên tục tăng.
Trên đây là một số ý kiến của các nhà xe than phiền vì tình cảnh hiện nay. Để xe chạy thì không có thu mà không chạy thì càng lỗ hơn. Chị Nguyễn Thanh Hiền, chủ xe khách tuyến TP.HCM- Bù Đốp, Bình Phước kể, có hôm xe xuất bến chỉ có 1 hành khách. Những ngày cuối tuần đông khách hơn nhưng cũng không quá 50% số ghế.
Nhà xe của chị Hiền duy trì giá vé 110.000 đồng/khách/lượt cho quãng đường gần 200km đã hơn 2 tháng nay. Trong khi đó, cùng quãng đường trên các xe hợp đồng, xe tự do ngoài bến lại có giá dao động từ 180.000- 200.000 đồng/khách/lượt. Vắng khách, cộng với giá xăng dầu tăng mạnh, chuyến xe nào chị Hiền cũng lo lắng lỗ nặng.
“Mỗi lần đi xe về là tôi chỉ sợ lỗ tiền dầu. Đi xe lúc mà nào cũng đếm tiền xem có đủ tiền dầu hay chưa. Nếu tuyến đông khách như lúc trước với giá vé 110.000 đồng/khách cũng đủ số hụt, nhưng giờ trên xe cao lắm cũng chỉ được hơn 10 khách, không như lúc trước cứ dịp cuối tuần là khách đầy xe. Vì là công ăn việc làm của mình bấy lâu nay nên vẫn duy trì chạy, còn muốn nghỉ thì phải làm đơn gửi lên Sở Giao thông vận tải mới được nghỉ, còn không thì vẫn phải đóng phí cho 2 đầu bến”, chị Hiền chia sẻ.
Video đang HOT
Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày thường rất ít hành khách.
Tương tự, nhà xe Kim Lý chạy tuyến TP.HCM – Đắc Nông cũng đang gồng mình bù lỗ để duy trì 5 chuyến xe mỗi ngày. Anh Thanh Vũ, đại diện nhà xe trên cho biết, giá xăng, dầu liên tục “leo thang” khiến giá vé không chạy đua kịp.
“Giá xăng dầu mỗi ngày mỗi lên trong khi giá vé không tăng mà nếu có tăng cũng không kịp với giá xăng dầu. Không thể cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá nhà xe lại tăng giá vé. Bởi giá vé cao cũng tội cho người dân có nhu cầu đi lại. Tôi chỉ mong Nhà nước có biện pháp nào đó bù lỗ để giá xăng dầu bình ổn trở lại, để doanh nghiệp cũng được ổn định”, anh Thanh Vũ mong muốn.
Giá xăng dầu tăng cao liên tục đang ảnh hưởng đến nhiều chi phí hoạt động khác của các nhà xe. Hầu hết các nhà xe đều đứng trước nguy cơ thu không đủ chi sau khi trừ các chi phí cầu đường, ăn uống, bến bãi, xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi nếu tăng giá vé để chạy đua với giá xăng thì càng mất khách, còn giữ mức giá cũ thì lỗ nặng./.
Giảm tác động từ giá xăng dầu tới doanh nghiệp, người dân
Giá xăng dầu cùng tăng mạnh trong kỳ điều hành giá vừa rồi như "giọt nước tràn ly" đã được dự báo sẽ tác động tới nhiều hoạt động kinh doanh, vận tải.
Nhiều nhà xe, tài xế, cơ sở kinh doanh vốn đã khó nay càng khó hơn trước diễn biến này.
* Doanh nghiệp, người dân gặp khó
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.
Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Anh Nguyễn Anh Tú, chạy xe tuyến Hà Nội - Nội Bài chia sẻ, chỉ khoảng 1 năm trước, giá xăng chỉ ở ngưỡng hơn 20.000 đồng/lít, cước 1 chiều Hà Nội - Nội Bài từ 200.000 - 220.000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi lượt chạy, lái xe cũng thu về được khoảng 100.000 đồng. Nhưng thời gian qua, giá xăng tăng mạnh, lên hơn 30.000 đồng/lít. "Dù giá cước cũng đã tăng theo lên 250.000 đồng/chiều, nhưng không ăn thua. Với mỗi cước chạy, giờ chỉ thu được về khoảng 50.000 đồng".
Nhiều tuần nay, anh Tú liên tục cho xe "đắp chiếu" hoặc chỉ chạy khách thân quen để giữ khách. Không chỉ ô tô mà ngay cả những shipper xe máy cũng đang chịu tác động rất mạnh từ giá xăng tăng.
Anh Lâm Tiến Du, 433 Bạch Mai - shipper trên ứng dụng Aha cho biết, những đơn xa, mức cước rẻ thì đều được hủy chuyến hoặc chuyển sang các khung giờ thấp điểm, tránh đông đúc. Với mức cước từ 7-8km nhưng chỉ khoảng từ 30.000 - 40.000 đồng cước sẽ không đủ chi phí xăng xe. Thay vào đó, có thể chạy từ 5-6 chuyến gần 1-2km, nhàn hơn và đỡ tốn xăng.
Đại diện Công ty vận tải Cường Thắng - bà Vũ Tuyết Hạnh cho hay, trước đây chi phí một chuyến Bắc - Nam khoảng 15 triệu đồng thì nay đã lên tới 30 triệu đồng, chưa tính các chi phí khấu hao, hỏng hóc. Dù thế nhưng lượng khách gửi hàng không được như trước, hiện nay khôi phục các hoạt động thông thương nhưng cũng chỉ được 60% so với trước dịch.
"Nhiều chuyến không đủ lượng hàng, chúng tôi chỉ chạy lấy hòa vốn, thậm chí lỗ chỉ để giữ khách. Việc đàm phán với khách hàng về tăng giá cước về cơ bản không thể nhanh và dễ dàng, bởi đơn hàng chạy đã được ký trước cả năm. Có chăng chỉ tăng được giá cước ở những đơn hàng lẻ. Chưa bao giờ doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn như hiện nay", bà Hạnh nói.
Biến động giá xăng dầu tăng ngoài ảnh hưởng tới lĩnh vực vận tải thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo một số cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng rau củ quả và nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, tăng theo giá xăng dầu.
Anh Đỗ Tuấn, chủ quán phở gà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, giá các nguyên liệu đều đã bị đội lên theo giá xăng nhiều tuần nay, đặc biệt là rau củ, hành hẹ, trứng gà. Việc này buộc cửa hàng phải tính tới tăng giá bán lên, bởi các chi phí cho 1 bát phở đã tăng tới hơn 20%.
Theo khảo sát ngày 16/6 tại chợ 8/3 và chợ Mơ Hà Nội, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 32.000 đồng/chục trứng gà ta, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 3.000 - 4.000 đồng so với trước đó. Thịt gà ở mức 150.000 đồng/kg, tăng 50% so với đầu năm; giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái...
* Kìm đà tăng giá
Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, giảm tác động đến người dân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả. Bởi về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.
Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Chính vì vậy, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ông Thịnh nói thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, để giảm tác động từ giá xăng, giải pháp trước mắt và lâu dài là cả nhà nước, các ngành, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện quyết liệt chiến lược sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hợp lý, gắn với giảm suất tiêu hao xăng dầu trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu suất sử dụng xăng dầu thông qua các biện pháp cụ thể.
Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng khác có thể thay thế được mà nước ta có lợi thế như: nhiên liệu sinh học, khí đốt, năng lượng tái tạo...
Ngoài những giải pháp tự thân, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ, gỡ bỏ các rào cản hành chính không hợp lý, bình ổn giá. Có thể tính tới giải pháp chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế khi giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá dầu thô toàn cầu sẽ khó có thể giảm trước những căng thẳng địa chính trị, do đó, theo diễn biến thế giới, giá xăng trong nước sẽ không thể hạ nhiệt. Để hỗ trợ người dân trước giá xăng, ông Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế Đại học RMIT Việt Nam cho hay, có hai giải pháp tạm thời là giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu.
Trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Tiếp theo, là giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải mặt hàng xa xỉ cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như ô tô, máy bay,... Bên cạnh đó, cần xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại phí để hạ nhiệt giá xăng dầu...
Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp vận tải trước áp lực tăng giá xăng, dầu Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực: Hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy. Đồng thời, đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngành vận tải trước sức ép xăng dầu tăng giá. Giá...