Doanh nghiệp châu Âu nhảy vào lĩnh vực biến rác thải thành năng lượng ở Đông Nam Á
Đông Nam Á muốn tạo ra nhiều cơ sở biến rác thải thành năng lượng và các công ty châu Âu đang háo hức với tiềm năng của thị trường này.
Một người đàn ông tìm chai nhựa để tái chế tại bãi rác ở Malaysia. Ảnh: Getty Images
Kênh DW (Đức) đưa tin các công ty châu Âu đang bắt đầu đầu tư mạnh vào thị trường chuyển rác thải thành năng lượng (WtE) ở Đông Nam Á, do nhu cầu điện của khu vực dự kiến sẽ tăng cao trong những thập niên tới trong khi nhu cầu đốt rác thải của chính châu Âu đang giảm.
Các công ty châu Âu và Nhật Bản từ lâu đã thống trị ngành WtE. Cấp độ đơn giản nhất của WtE là các nhà máy điện đốt rác thải chôn lấp không thể tái chế để sản xuất điện. Trang tin tức về năng lượng sạch Energymonitor.ai gần đây ước tính rằng có hơn 100 dự án chuyển rác thải thành năng lượng đã hoàn thành hoặc đang triển khai ở Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Trong đó có một nhà máy ở Pangasinan (Philippines) được tài trợ bởi Allied Project Services có trụ sở tại Anh và một dự án do chính phủ Đan Mạch hậu thuẫn cho một nhà máy tại thành phố Semarang (Indonesia). Còn có một dự án ở Chonburi (Thái Lan), được hỗ trợ bởi các công ty Pháp là ENGIE và Suez Environment.
Công ty Harvest Waste có trụ sở tại Hà Lan vào năm 2022 đã bắt đầu tiến hành các nghiên cứu ban đầu cho một dự án biến rác thải thành năng lượng tại tỉnh Sóc Trăng của Việt Nam, với chi phí ước tính là 100 triệu USD (93,5 triệu euro).
Video đang HOT
Vào năm 2021, Harvest Waste cũng đề xuất xây dựng một cơ sở ở Cebu ở Philippines, được kỳ vọng trở thành nhà máy WtE tiên tiến nhất châu Á. Nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ tương tự như cơ sở tại Amsterdam, có thể tạo ra 900 kilowatt giờ (kWh) điện từ mỗi tấn rác thải.
Ông Luuk Rietvelt, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Harvest Waste, giải thích rằng thị trường Đông Nam Á đang phát triển vì có nguồn tài trợ từ các ngân hàng phát triển lớn và một số chính phủ trong khu vực đưa ra ưu đãi, bao gồm cả thuế quan, để thúc đẩy đầu tư. Ông nói với DW: “Rất nhiều chất thải rắn đô thị và chất thải thương mại trên khắp châu Á vẫn được chôn lấp hoặc đổ công khai vì thiếu các giải pháp thay thế”.
Ông Janek Vahk tại tổ chức phi lợi nhuận Zero Waste Europe, cho biết các nhà cung cấp công nghệ châu Âu hiện đang tìm kiếm thị trường mới do nhu cầu ngày càng tăng ở những nơi khác và cơ hội ít hơn tại quê nhà. Ở châu Âu, có khoảng 500 nhà máy WtE hiện đang hoạt động. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn năng lượng Ecoprog (Đức) công bố vào tháng 10/2022, môi trường kinh doanh của ngành WtE tại châu Âu đang có mức giảm lớn nhất trong một thập niên.
Trong khi đó, Đông Nam Á lại là một thị trường tiềm năng của WtE. Theo nhiều ước tính, dân số thành thị tại các quốc gia Đông Nam Á dự kiến đến năm 2023 tăng lên khoảng 400 triệu người và nhu cầu năng lượng đến năm 2040 sẽ tăng 2/3.
Vì điều này, các chuyên gia cho rằng lượng rác thải chôn lấp và rác thải không được tái chế sẽ tăng cao trong những năm tới. Giáo sư Masaki Takaoka, chủ tịch Hội đồng nghiên cứu rác thải thành năng lượng tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho biết các chính sách ngăn chặn việc tạo ra rác thải sẽ được thực hiện nhưng “xử lý khẩn cấp” sẽ cần thiết trong khu vực.
Theo phân tích gần đây của công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, thị trường biến rác thải thành năng lượng của Đông Nam Á dự kiến sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 3,5% từ năm 2021 đến năm 2028. Công ty Veolia Environment SA có trụ sở tại Pháp, là một trong năm công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực WtE tại Đông Nam Á. Những doanh nghiệp khác bao gồm Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản, và các công ty địa phương của Indonesia và Singapore.
Tuy nhiên, có một vấn đề là tài trợ. Ông Janek Vahk cho biết ở châu Âu, chi phí vốn của hầu hết các lò đốt WtE công nghệ cao thường vào khoảng 1.000 euro/tấn mỗi năm, có thể quá đắt đối với một số quốc gia ở châu Á. Tuy nhiên, một số ngân hàng phát triển lớn, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đang đầu tư mạnh vào ngành này. Trong khi đó, châu Âu đã loại đầu tư vào năng lượng từ rác thải khỏi các hoạt động kinh tế được coi là “tài chính bền vững”.
Các nhà môi trường cũng lo lắng rằng việc hướng tới WtE sẽ không khuyến khích các nỗ lực của địa phương nhằm tăng cường tái chế và sử dụng thay thế rác thải không gây hại cho môi trường.
Liên minh châu Âu (EU) coi hành động khí hậu là cốt lõi trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở Đông Nam Á. Chỉ thị Khung về rác thải của EU nêu rõ rằng các phương pháp quản lý chất thải khác được ưu tiên hơn là đốt.
Những người ủng hộ WtE lại cho rằng cần phải làm gì đó đối với việc chôn lấp rác thải ở các khu vực như Đông Nam Á, cũng như nhu cầu điện tăng cao ở khu vực này.
EU đề xuất áp các biện pháp nhằm ngăn chặn giá năng lượng leo thang
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/9 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất các biện pháp nhằm giới hạn mức trần doanh thu của các công ty sản xuất điện từ các nguồn chi phí thấp và buộc các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chia sẻ lợi nhuận có được nhờ giá năng lượng tăng cao.
Các phương tiện xếp hàng chờ đổ xăng tại Harfleur, miền tây nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg (Pháp), bà von der Leyen cho biết: "Lúc này sẽ là sai lầm khi nhận những mức doanh thu và lợi nhuận quá lớn và kiếm lời trên lưng người tiêu dùng. Lợi nhuận phải được chia sẻ và được chuyển đến cho những người cần nhất".
Theo bà von der Leyen, EU cũng sẽ thảo luận giới hạn mức trần giá bán năng lượng và nỗ lực thiết lập mức giá "chuẩn mang tính đại diện hơn" cho khí đốt, hơn là mức giá của Trung tâm giao dịch TTF tại Hà Lan, bên cạnh đề xuất giảm sử dụng điện năng trên toàn khối.
Theo dự thảo đề xuất của EC, các trang trại năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời, cũng như các nhà máy điện hạt nhân sẽ phải đối mặt với mức trần là 180 euro/MWh doanh thu mà họ nhận được từ việc bán điện. Chính phủ các nước thành viên sẽ cắt toàn bộ phần thu cao hơn mức giá này và dùng để hỗ trợ người tiêu dùng. Biện pháp này sẽ giới hạn doanh thu của các công ty điện ở mức gần 1/2 mức giá thị trường hiện nay.
Các công ty sử dụng năng lượng hóa thạch cũng phải đối mặt với mức thuế đánh vào lợi nhuận kiếm được bất ngờ nhằm thu lại cái mà EC gọi là "lợi nhuận ngoài kỳ vọng" do giá dầu khí tăng cao vì xung đột ở Ukraine. Cụ thể, theo dự thảo đề xuất, các công ty dầu, khí, than đá và lọc dầu sẽ có trách nhiệm đóng "một khoản đóng góp đoàn kết" là 33% phần lợi nhuận tăng thêm chịu thuế trong tài khóa 2022.
Chính phủ các nước EU đã chấp nhận tốn hàng trăm tỷ euro vì các biện pháp giảm thuế, hỗ trợ và trợ cấp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine. Điều này làm gia tăng lạm phát, buộc các công ty phải cắt giảm sản xuất và làm gia tăng hóa đơn năng lượng của người dân khi mùa Đông sắp đến. Giá điện ở Đức tháng trước đã tăng đến mức kỷ lục là hơn 1.000 euro/MWh và ngày 13/9 là hơn 400 euro/MWh.
Theo bà von der Leyen, EU sẽ thu được 140 tỷ euro từ biện pháp áp mức trần lợi nhuận của các công ty năng lượng.
Đông Âu chật vật tìm nguồn thay thế công nhân Ukraine do xung đột Nhiều công ty châu Âu vốn đang vật lộn phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19, cũng như đang phải đối mặt với chi phí năng lượng và lạm phát tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, giờ đây lại phải đau đầu trước tình trạng khan hiếm lao động nghiêm trọng. Số lượng công nhân Ukraine tại nền kinh...