Doanh nghiệp châu Á ‘gánh’ thêm 14 tỉ USD nợ vì nhân dân tệ
Đợt phá giá đồng nhân dân tệ kỷ lục của Trung Quốc đã kéo gần như mọi loại tiền tệ ở châu Á đi xuống, cộng vào hóa đơn nợ nước ngoài của các doanh nghiệp khu vực hàng tỉ USD.
Nhân dân tệ sụt giá đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực trên khắp châu Á – Ảnh: Reuters
Theo số liệu từ Bloomberg, gần như 1.600 tỉ trái phiếu và các khoản vay bằng đồng đô la Mỹ, euro trên khắp châu Á, trừ Trung Quốc và Nhật Bản, vừa “gánh” thêm 14 tỉ USD. Khoản nợ tăng thêm này đè nặng lên các doanh nghiệp sẽ trả nợ bằng đồng nội tệ.
Doanh nghiệp Indonesia có thể là các công ty chịu ảnh hưởng nặng nhất, theo Wai Hoong Leong, thành viên hãng Nikko Asset Management (Singapore). “Nếu bạn nhìn vào doanh nghiệp Indonesia, các khoản vay của họ chủ yếu là bằng USD. Do đó, nội tệ suy yếu sẽ khiến doanh nghiệp Indonesia có biến động lợi nhuận hoặc thua lỗ lớn hơn so với doanh nghiệp Trung Quốc”, Leong nói.
Đơn cử, trái phiếu doanh nghiệp bằng USD của hãng sản xuất lốp xe PT Gajah Tunggal và sản xuất thức ăn gia súc PT Japfa Comfeed ở Indonesia đã giảm đến mức thấp kỷ lục, khi đồng rupiah của nước này sụt giá 1,8%. Cả hai công ty gần đây bị hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm, một phần do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng từ tiền tệ yếu.
Video đang HOT
Ở Malaysia, đồng ringgit đang tuột giá 2,3%. “Chúng tôi đặc biệt lo lắng về Malaysia vì bản tệ nước này chịu áp lức lớn nhất khi nhân dân tệ phá giá. Nhiều nhà đầu tư đã nắm giữ các loại trái phiếu như của hãng dầu khí Petronas, nhưng diễn biến tồi tệ của các loại trái phiếu này cho thấy nhà đầu tư đang thoái lui”, Gordon Tsui, thành viên hãng Taikang Asset Management ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết.
Hôm 11.8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm kỷ lục tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ, khiến bản tệ nước này có hai ngày sụt giá mạnh nhất kể từ năm 1994. Động thái này đẩy rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. Đồng baht của Thái Lan thì chạm đáy 6 năm.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Trung Quốc đánh đu với tỷ giá?
Sau 2 lần bất ngờ phá giá liên tiếp trong ngày 11, 12.8, với gần 4% giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, thị trường chứng khoán toàn cầu bị một phen chao đảo, giá trị tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi và một số nước khu vực châu Á cũng giảm theo.
Với khoản dự trữ ngoại hối khoảng 3,7 ngàn tỉ USD Trung Quốc cho biết sẽ giữ đồng NDT ổn định và ở mức hợp lý - Ảnh: Reuters
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12.8, chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức giảm 3,3% do các nhà đầu tư lo ngại hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Đức cho dù Đức được đánh giá là một trong những nền kinh tế ổn định vững chắc nhất ở châu Âu và trên thế giới. Theo Bloomberg, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 3,4%; FTSE 100 của Anh giảm 1,8%; S&P 500 của Mỹ giảm 1,5%...
Lý giải cho hành động bất ngờ phá giá đồng NDT, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết đó là phương cách quản lý tỷ giá mới theo hướng thị trường đồng thời nhằm mục đích hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng lo ngại mục đích đi kèm trong động thái phá giá đồng NDT nhằm mục đích hỗ trợ xuất khẩu. Bởi thời điểm Ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định phá giá đồng NDT cũng rất đáng chú ý khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bày tỏ ý định nâng lãi suất đồng USD vào tháng 9 tới đây.
Sau hành động phá giá NDT, đồng USD đã... vô tình mạnh lên. Nếu Fed vẫn giữ kế hoạch nâng lãi suất đồng USD sẽ tăng giá thêm lần nữa, điều này hoàn toàn không có lợi cho Mỹ và cả các loại hàng hóa định giá bằng USD vì nó sẽ đắt hơn. Trao đổi với kênh truyền hình CNBC ngày 11.8, chuyên gia hoạch định chiến lược Boris Schlossberg cho rằng có thể Fed trì hoãn thời điểm nâng lãi suất đồng USD.
Trở lại với mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu của chính quyền Bắc Kinh khi phá giá đồng NDT, theo bản tin Reuters ngày 13.8, các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã giảm giá xuất khẩu xuống khoảng 5 - 10 USD/tấn, xuống còn khoảng 295 USD/tấn, để gọi là hưởng ứng chiến lược phá giá NDT.
Hiện tại Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Nhưng nhu cầu ở thị trường trong nước không còn theo kịp lượng cung quá lớn, buộc các nhà sản xuất thép chuyển hướng sang thị trường nước ngoài. Đồng NDT yếu sẽ làm giá thép Trung Quốc xuất khẩu càng rẻ hơn, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ. Nhiều khả năng thị trường toàn cầu sẽ phải đón nhận một "cơn lũ thép" mới của các nhà sản xuất Trung Quốc. Điều này sẽ khiến cho các nhà sản xuất thép ở một số quốc gia, như Ấn Độ chẳng hạn, giận dữ, bởi vốn dĩ họ đang kêu ca rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang bán phá giá.
Theo Reuters, trong tháng 7, Trung Quốc đã xuất 9,37 triệu tấn thép. Tính từ đầu năm đến nay số lượng thép xuất đi của nước này là 62,13 triệu tấn tương đương 2/3 số lượng của năm 2014. Xuất khẩu tăng sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất sống sót qua thời kỳ khó khăn đồng thời giúp chính quyền Bắc Kinh hoãn nỗ lực tổ chức lại ngành sản xuất thép và cắt giảm công suất vốn đã quá lớn, khoảng 300 triệu tấn, gấp 3 lần so với Nhật Bản, nước đứng thứ 2 thế giới về sản lượng thép.
Đồng NDT yếu hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất khẩu, tiêu biểu là ngành thép, tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Theo The Wall Street Journal, đồng NDT yếu đã làm cho chi phí trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cao đồng thời làm tăng khả năng rút vốn của các nhà đầu tư. Hiện tại, khối doanh nghiệp nhà nước đang nợ khoảng 1,6 ngàn tỉ USD, trong đó khoảng 80% là nợ ngắn hạn.
Ngoài ra, nguy cơ đáng lo ngại hơn là dòng vốn đầu tư sẽ rút khỏi thị trường khi đồng NDT mất giá, bởi nhà đầu tư lo sợ tài sản sẽ bị mất giá hơn nữa. Theo nhà kinh tế Tom Orlik, đồng NDT giảm giá có thể làm nổ ra một cuộc rút vốn ồ ạt. Ông Tom Orlik cho biết: "Theo tính toán của chúng tôi, nếu NDT giảm giá 1% so với USD sẽ khiến cho khoảng 40 tỉ USD biến khỏi thị trường". Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Trong khi đó, có vẻ như các nhà đầu tư cũng thuận theo ý nguyện của Ngân hàng trung ương Trung Quốc rằng để thị trường có vai trò lớn hơn trong việc thiết lập giá trị đồng NDT khi tiếp tục bán ra đồng NDT. Theo The Wall Street Journal, sau 2 ngày mất 3,7% giá trị, đồng NDT tiếp tục giảm thêm khoảng 1,98%, gần sát với biên độ cho phép 2%, trong phiên giao dịch cuối buổi chiều 12.8, xuống mức 1 USD = 6,4510 NDT.
Cũng theo The Wall Street Journal, trước tình hình giá đồng NDT giảm sâu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có chỉ thị cho một ngân hàng quốc doanh bán ra USD trong 15 phút cuối của ngày giao dịch 12.8. Qua đó đã giúp đồng NDT tăng lại 1% giá trị so với USD về mức 1 USD = 6,3870 NDT. Trong một tuyên bố hôm 12.8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc, với khoản dự trữ ngoại hối khoảng 3,7 ngàn tỉ USD, cho biết họ sẽ giữ đồng NDT ổn định và ở mức hợp lý.
Nhà kinh tế Ligang Liu của ngân hàng ANZ ở Hong Kong, cho rằng: "Ngân hàng trung ương Trung Quốc buộc phải can thiệp vào thị trường nếu như nhận thấy đồng NDT bị... kiệt sức. Trong khi họ lại có quá nhiều... "đạn dược" (ám chỉ 3,7 ngàn tỉ USD dự trữ - NV)". Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đẩy đồng NDT xuống thấp hơn để kiểm tra giới hạn đồng NDT sẽ giảm giá tới đâu.
Lê Uyên
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ phá giá nhân dân tệ khoảng 10%? Hôm nay 13.8, Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ. Mức độ điều chỉnh của ngân hàng trung ương nước này đang giảm dần và có nguồn tin cho biết nhân dân tệ có thể hạ giá khoảng 10%. Tỷ giá tham chiếu chính thức của nhân dân tệ vừa giảm ngày thứ ba liên tiếp - Ảnh:...