Doanh nghiệp bất động sản chơi Tết dài
Thị trường chậm, công trình không chịu áp lực tiến độ khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng và môi giới địa ốc vẫn thảnh thơi chơi Tết. Nhiều đơn vị cho hay, phải qua tháng Giêng, địa ốc mới vào guồng.
Ông Nguyễn Huy, chủ nhà thầu tại một số công trình ở đường Nguyễn Trãi, Đào Tấn (Hà Nội) cho hay, mặc dù nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đã đi làm trở lại, tại công trường của anh, công nhân vẫn chưa đến đủ. “Trước Rằm tháng Giêng, cả công trường chỉ có khoảng vài người đến gọi là ‘điểm danh’. Còn đến nay, công trường mới chỉ lấp đầy được khoảng khoảng 70% số công nhân”, anh chia sẻ.
Đơn cử, tại công trường xây dựng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, số công nhân cách đây 4-5 hôm chỉ có khoảng 20-30%. Mỗi tổ chỉ có khoảng 2-6 người đến công trường. “Từ hôm mùng 9 Tết đến trước Rằm, số công nhân lên công trường chỉ lác đác, hầu hết các đội chỉ có tổ trưởng đến”, ông Huy chia sẻ. Theo ông Huy, qua Rằm tháng Giêng, số công nhân đã đến đông hơn nhưng để “đủ quân số” thì phải ít nhất sang đầu hoặc giữa tháng Hai âm lịch.
Địa ốc chơi đến hết tháng Giêng. Ảnh: Hoàng Lan.
Ông Nguyễn Bằng, chủ một doanh nghiệp xây lắp tư nhân cho hay, phải sang tuần tới, công nhân của ông mới đến đủ. Một số người ở gần khu vực Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thanh Hóa thì công nhân đã đến đủ. Tuy nhiên, người làm từ các tỉnh xa như Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai… thì vẫn vắng mặt.
“Công trình dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thiện nên chúng tôi không chịu áp lực tiến độ. Công nhân đi làm cả năm trời, lương khoảng 220.000 đồng mỗi ngày, thợ giỏi khoảng 250.000-300.000 đồng. Họ chỉ có dịp Tết về thăm nhà nghỉ ngơi nên cứ để họ thảnh thơi vì công trình không gấp”, anh chia sẻ.
Video đang HOT
Hầu hết doanh nghiệp xây dựng thuộc các tổng công ty lớn của Nhà nước đều đi làm theo đúng lịch bắt đầu từ mùng 9 Tết (tức 18/2). Tuy nhiên, không ít đơn vị dành hết tháng Giêng để đi chùa, du lịch. Anh Hường, nhân viên xây dựng của một công trường chia sẻ, trong tuần đầu đi làm, hầu như chỉ có những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong công ty mới có mặt. Ngoài trừ nhân viên văn phòng thuộc khối hành chính đến cơ quan để kiểm tra sổ sách giấy tờ công văn, còn đội ngũ công nhân công trường vẫn chưa đến đủ. Công nhân không đến thì công trường cũng không làm việc được nên mọi hoạt động chỉ diễn ra “túc tắc”.
Riêng các công trình trọng điểm, thuộc dạng gấp rút tiến độ thì chủ đầu tư buộc phải thực hiện theo đúng cam kết và nhà thầu phải thúc các đội. Trong trường hợp, chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ phạt tới 0,01%-0,1% mỗi ngày tùy thuộc vào hợp đồng cam kết. “Những công trình này, ra Tết vẫn tất bật, nhưng không phải là số đông trong xu hướng hiện nay”, một nhà thầu cho biết.
Không chỉ có công ty xây dựng mà nhiều đơn vị môi giới cũng nghỉ Tết dài. Anh Nguyễn Thế Cường, thuộc văn phòng môi giới bất động sản Long Biên chia sẻ, đầu năm nhiều môi giới địa ốc vẫn được nghỉ ngơi khách mua còn hạn chế. Ra Tết, có một số dự án được khách hỏi mua, tuy nhiên, giao dịch chưa có nhiều. “Trong tháng Giêng âm lịch, nhiều người vẫn đi lễ chùa, du lịch nên họ chưa đề cập nhiều đến vấn đề tình hình này, phải sang tháng mới vào guồng”, anh Cường nói.
Chị Trần Nguyệt Hằng, một môi giới địa ốc ở khu vực Hà Đông chia sẻ, trong khi thị trường còn chưa khởi sắc, chị đã tranh thủ bán hàng quần áo và mở quán cafe. Chỉ khi có khách hỏi mua nhà, chị mới túc tắc làm. Mỗi tháng, thu nhập từ mở quán cafe và bán quần áo cũng lên tới trên 20 triệu đồng. “Thu nhập dĩ nhiên không bằng địa ốc thời sôi động, nhưng trong bối cảnh thị trường như hiện nay thì đó là giải pháp tối ưu”, chị chia sẻ.
Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá, năm nay, do thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều dự án chưa bán được hàng nên các doanh nghiệp xây dựng bất động sản có phần “thảnh thơi” hơn. Cả năm vất vả trầy trật xây chạy tiến độ, nhưng hàng bán ra vẫn chậm nên nhiều doanh nghiệp oải, không muốn cố, nhất là dịp sau Tết.
“Ngoại trừ những dự án trọng điểm mang tính chất quốc gia phải chịu áp lực tiến độ, nhìn chung các doanh nghiệp bán nhà thương mại vẫn đang rất rảnh rang. Chỉ khi nào địa ốc khởi sắc, doanh nghiệp mới thực sự vào cuộc ‘chiến’”, ông Võ chia sẻ.
Theo VNE
'Bơm tiền vào bất động sản là cách cứu nền kinh tế'
Thị trường bất động sản suy sụp sẽ khiến thị trường tài chính rối loạn. Do đó, bơm tiền cho địa ốc không phải là cứu các chủ đầu tư mà giải vây cho nền kinh tế Việt Nam, theo ông Đặng Hùng Võ.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ quan điểm về gói cứu trợ cho thị trường bất động sản và khả năng hồi phục của thị trường này trong năm 2013.
- Mới đây Bộ Xây dựng ký kết vay BIDV 30.000 tỷ đồng, mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, thông qua việc ưu đãi cho đầu vào là các chủ đầu tư dự án, đầu ra là người có nhu cầu thực về nhà ở. Khoản vay này có thực sự cứu cánh cho thị trường địa ốc trong thời gian tới, thưa ông?
- Theo tôi được biết, việc sử dụng nguồn tài chính này nhằm hỗ trợ một mặt là tiếp cho bên cầu, mặt khác hỗ trợ cho các chủ đầu tư của dự án cũ để có thể giải quyết được tồn kho bất động sản bằng các giải pháp Bộ Xây dựng đã đề xuất. Ví dụ như: những dự án nào sắp hoàn thành thì sẽ cố gắng hoàn thành, những dự án nào năng lực kém phải dừng lại, dự án nào chuyển công năng sang loại hình bất động sản khác như nhà cho thuê, trung tâm thương mại, nhà công vụ... sau khi xem xét cần hỗ trợ để giảm giá tổng giá trị bất động sản.
Bộ Xây dựng ký kết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực ra là đứng ra bảo lãnh cho khoản vay đó, thì khoản vay đó mới có độ tin cậy cao đối với ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để thực hiện cho đúng mục tiêu. Theo tôi, khoản vay này sẽ có tác động ở một mức đáng kể để tháo gỡ tắc nghẽn cho thị trường bất động sản hiện nay.
- Sau khi Chính phủ công bố dự thảo bơm hàng chục nghìn tỷ đồng cứu nền kinh tế, trong đó có địa ốc, dư luận cho rằng không nên bơm cho bất động sản mà phải trị tận gốc rễ, hạ lãi suất tạo điều kiện cho người dân mua nhà. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi hai việc cần phải làm là hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho bên cầu là việc cần thiết, là giải pháp tốt. Song song với đó là chủ đầu tư cũng rất cần nguồn vốn này, do họ đang vào thời điểm rất khó khăn. Họ chỉ cần có khả năng tiếp cận vốn với nguồn ưu đãi thì họ cũng tháo gỡ được bất động sản tồn đọng.
Dư luận chỉ quan tâm đến một việc là đừng lấy tiền thuế của dân cho không các chủ đầu tư. Tôi cho rằng hoàn toàn không có chuyện đó. Bởi có nguồn vốn cho bên cầu vay tức là việc cho vay sẽ tạo khả năng thanh toán và hỗ trợ trực tiếp cho người mua bất động sản.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cho chủ đầu tư có giải pháp giải quyết hàng tồn kho bất động sản như chuyển công năng nhà ở, chia nhỏ căn hộ như thế nào, hoàn thành gấp các dự án dang dở... đều cần có hỗ trợ tài chính vốn ưu đãi. Ở đây phải hiểu là không phải cho các nhà đầu tư, mà các nhà đầu tư phải trả vốn ngay sau khi thị trường ấm lại. Việc có cần thiết cho nhà đầu tư vay hay không chúng ta phải nhìn dưới góc độ rộng hơn.
Thị trường bất động sản suy sụp thì sẽ gây khủng hoảng tới tài chính, sẽ làm rối loạn thị trường tài chính. Hiện tại cái kho bất động sản quỵ hoàn toàn thì chắc chắn nền kinh tế sẽ có vấn đề. Chúng ta không phải cứu các chủ đầu tư mà cứu nền kinh tế Việt Nam. Không ai ủng hộ cơ chế cho không các chủ đầu tư bất kỳ khoản tiền nào.
Tuy nhiên, chúng ta cứu chủ đầu tư phải minh bạch và công bằng, đây là hai nguyên tắc lớn nhất chúng ta phải giữ được để giải quyết khâu tắc nghẽn của thị trường bất động sản.
- Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp để khơi thông tắc nghẽn thị trường bất động sản, nhưng cho tới hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên. Theo ông, tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu?
- Theo tôi đánh giá là đã điểm đủ các giải pháp, vấn đề là cơ chế nào thực hiện các giải pháp thì năm 2013 phải tính tới. Còn việc lúc nào xử lý xong tắc nghẽn bất động sản phải phụ thuộc vào giải phóng được hàng tồn kho bất động sản; kích thích được phân khúc nhà ở giá rẻ.
Hai nguyên tắc minh bạch và công bằng là hai nguyên tắc chúng ta phải đảm bảo. Năm 2013 chúng ta phải loay hoay thực hiện nguyên tắc này: cơ chế ra làm sao, thực hiện như thế nào, ưu tiên và chưa ưu tiên giải pháp nào...? Như vậy, năm 2013 chúng ta có thể hy vọng chút ít nóng lên, ấm lên của phân khúc nhà ở giá rẻ, nếu chúng ta có lực đầu tư cao hơn. Việc giải quyết tồn kho bất động sản, gắn với nợ xấu phải tính bước đi dài hơn, có thể chưa giải quyết xong ngày hôm nay, mà có thể chúng ta cần 1-2 năm thậm chí dài hơn nữa.
Theo VNE
Người dân Văn Giang lại mời GS Đặng Hùng Võ đối thoại GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường vừa nhận được thư mời đối thoại phúc thẩm của người dân Văn Giang. Nhưng ông đã từ chối cuộc gặp tiếp theo này. Ngày 14/12, những người nông dân bị thu hồi đất ở Văn Giang đã gửi thư cho GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên...