Đoạn tuyệt tình thâm
Sống trong sự bạo hành của cậu ruột suốt thời thơ ấu, người thanh niên hiền lành phút chốc trở thành tội đồ giết người
Phiên tòa xét xử bị cáo H.T.H (SN 1989) với tội danh “Giết người” của TAND TP Đà Nẵng mới đây diễn ra trong không khí nặng nề, căng thẳng. Bị hại và bị cáo đều là những người trong cùng một gia đình. Thế nhưng, khi dắt díu nhau ra tòa cũng là lúc họ đoạn tuyệt tình thâm.
Tuổi thơ bị bạo hành
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm lên 5 tuổi, H. phải về sống nhờ bà ngoại và gia đình của cậu ruột. Tuổi thơ của H. đã có nhiều ngày tháng khốn khổ bởi sự nóng nảy, cộc cằn và thích dùng bạo lực của cậu. “Cậu cột chân, cột tay bị cáo lại để đánh đập. Có lần, cậu còn nhốt bị cáo vào chuồng gà rồi châm lửa đốt. Đến khi chuồng cháy, bị cáo mới băng lửa chạy thoát thân…” – H. nức nở kể tại phiên tòa.
Đơn tố cáo của các nạn nhân gửi cơ quan chức năng. Minh họa: NGUYỄN TÀI
Không chỉ mình H. bị hành hạ, ông M. (cậu của H.) còn thường xuyên chửi bới bà ngoại của H. và đối xử bạo lực với nhiều người xung quanh. Ký ức không tốt đẹp của tuổi thơ, những uất ức bị dồn nén lâu ngày khiến H. trong phút chốc không kìm nén được tức giận đã đâm chết cậu bằng nhát dao xuyên thủng tim.
Ngày xảy ra vụ án, ông M. đã đến quán giải khát của mẹ H. để đập phá đồ đạc, đánh cả ba H. Khi về đến nhà, thấy ba ngồi khóc và kể lể sự tình, quá bức xúc, H. mang dao bỏ vào túi quần đi tìm cậu. Bị ông M. rượt đuổi, ném vỏ chai vào người, H. đã rút dao đâm 3 nhát liên tiếp…
Video đang HOT
Đến tham dự phiên tòa hôm ấy, vợ ông M. dắt 3 đứa con nhỏ cùng mặc áo tang mang theo di ảnh của người chết đến phòng xử, ánh mắt nhìn H. đầy căm phẫn. Nghe bà ngoại của H. (đại diện hợp pháp cho người bị hại) khai với tòa rằng H. rất hiền, còn ông M. có bản tính nóng nảy, nhiều lần đánh đập cháu và chị ruột, vì quá bức xúc mà H. gây nên nỗi, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho H…, vợ ông M. liền đứng lên phản đối, cho rằng mẹ chồng nói sai sự thật, ông M. không hành xử bạo lực, mẹ chồng dựng chuyện lên để tòa xử nhẹ tội cho cháu ngoại. Từ khi chồng chết, phía nhà chồng cho rằng bà gián tiếp gây nên cái chết của chồng, mẹ chồng cũng không thừa nhận cháu nội.
Bà đề nghị tòa xử đúng người, đúng tội, không được giảm nhẹ hình phạt cho kẻ thủ ác. Bà cũng khẳng định mẹ của H. là đồng phạm trong vụ án, đề nghị tòa làm rõ nhiều tình tiết để không bỏ lọt người, lọt tội, mặc cho đại diện VKS nhiều lần giải thích vụ án đã được cơ quan điều tra làm sáng tỏ…
Là người một nhà, bỗng chốc họ đứng về hai chiến tuyến, tranh luận gay gắt khiến không khí phòng xử trở nên ngột ngạt. Khi được tòa cho phép nói lời sau cùng trước giờ nghị án, H. bày tỏ mong muốn nếu có cơ hội được làm lại cuộc đời, điều đầu tiên bị cáo sẽ làm là bù đắp mất mát cho 3 con nhỏ của cậu. “Bị cáo đã sống thiếu sự quan tâm của gia đình, nay vì phút bồng bột, bị cáo giết cậu để lại 3 em mồ côi cha. Bị cáo không muốn 3 em giẫm lên “vết xe đổ” của mình. Xin tòa cho bị cáo sớm được trở về để có cơ hội gần gũi, nuôi nấng và bảo bọc các em” – H. tha thiết nói.
Nhưng dường như lời nói ấy không đủ xoa dịu nỗi đớn đau, căm hận vì sự mất mát quá lớn của mợ H. và các em họ.
Nhận định bị hại cũng có một phần lỗi, tòa tuyên phạt H. 6 năm 6 tháng tù giam. Án tuyên xong, vợ ông M. dắt các con quày quả rời phòng xử án. Phía bên kia, gia đình nhà chồng lặng lẽ rẽ đi theo một hướng khác… Từ sau khi vụ án xảy ra, họ đã không còn coi nhau là người trong cùng một gia đình.
“Vụ án là hệ lụy của bạo lực gia đình kéo dài trong nhiều năm tháng mà bị cáo là nạn nhân. Nếu những người lớn trong gia đình bình tĩnh ứng xử, không châm thêm dầu vào lửa, có lẽ đã không xảy ra bi kịch” – luật sư bào chữa cho bị cáo nói.
Theo NLD
Tình người với gia đình kẻ tội đồ gây tai nạn
Sau phiên xử, nơi góc khuất của khán phòng có 2 phụ nữ đứng tựa vào nhau, nghẹn ngào động viên cố gượng qua mất mát, đau thương, vì còn phải làm chỗ dựa cho những số phận bất hạnh đang trông chờ vào mình.
Họ, một người là vợ của bị cáo, còn người kia là chị ruột của nạn nhân.
Đêm 6/7, như hàng đêm Duyên thao thức với bao lo lắng bồn chồn cùng nỗi đau từ cái ngày chồng bị tạm giam do gây tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người. Trong căn phòng trọ ngột ngạt mà 3 mẹ con thuê để chờ sáng mai kịp dự phiên tòa xét xử, cô chỉ mong trời mau về sáng. Vừa mới thiếp đi vì cơn mệt lả của lo toan, Duyên bỗng giật mình thức giấc bởi một tiếng gọi: "Em ơi, mau dậy mà còn đưa các cháu kịp đến tòa gặp cha"...
Bị cáo Quyền.
Phút giải lao chờ tòa nghị án, Duyên lặng lẽ ôm 2 con, mắt nhòa lệ nhìn chồng. Bị cáo Bùi Văn Quyền hốc hác, mắt trũng sâu, đôi tay bấu chặt vào thành ghế, cất tiếng hỏi vợ: "Mấy hôm rày chân của mình đã đỡ đau chưa?", rồi tiếp tục nhìn 2 con rưng rưng nước mắt "có nhớ cha không?".
Theo cáo buộc, tối 7/2, khi phía trước có đông người đang chờ đèn tín hiệu ở ngã tư đường Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (thành phố Đà Nẵng), Quyền đạp phanh nhiều lần nhưng chiếc xe tải không chịu dừng lại. Không xử lý được, Quyền cứ thế điều khiển xe chạy vượt đèn đỏ, rồi tông vào ông Huỳnh Khánh Tam (66 tuổi, quận Thanh Khê) chở cháu Quế Thị Xuân Thảo (18 tuổi). Tiếp đó, xe của Quyền lại chồm lên, đâm vào anh Huỳnh Trọng Dũng (45 tuổi, quận Thanh Khê).
Sau khi gây tai nạn cho 3 nạn nhân, xe tải của Quyền vẫn tiếp tục chạy khoảng 10m, va quệt thêm với vài người tham gia giao thông mới chịu dừng lại. Vụ tai nạn liên hoàn đã tước đi sinh mạng của ông Tam và anh Dũng, đồng thời để lại di chứng thương tật 62% cho em Thảo.
Tại phiên xử lưu động vào sáng 7/7 của TAND quận Thanh Khê, vợ và con gái của 2 nạn nhân Dũng và Tam đầu chít khăng tang, thổn thức khóc. Vẫn đang phải chịu những đau đớn di chứng thương tật, Thảo nép vào lòng chị họ rần rật, hoảng hốt khóc, mỗi khi chủ tọa phiên tòa vấn tra, yêu cầu bị cáo khai nhận lại diễn biến vụ tai nạn. Ba mẹ con chị Duyên nước mắt lăn dài trên má, hết nhìn chồng, nhìn cha rồi lại buồn bã hướng ánh mắt về phía người thân của các nạn nhân như cầu cứu, van xin xá tội.
Có một người phụ nữ dáng thấp đậm, phúc hậu, đôi mắt sưng mọng nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, tay dang ra đỡ lấy thân hình gầy gò đang lả dần của Duyên, rồi nhỏ nhẹ vỗ về an ủi. Chị tên Huỳnh Thị Xuân - chị gái của nạn nhân Dũng.
Vợ và con bị cáo.
Chị ngồi bên Duyên để động viên cô cố gượng vượt qua bệnh tật, cố gượng vượt qua nỗi đau, để còn phải làm tròn trách nhiệm, thay chồng những ngày chịu án tù sắp đến mà gánh vác gia đình nuôi con ăn học.
Cả bé Thảo và vợ của hai nạn nhân Tam và Dũng trước tòa cũng đề đạt nguyện vọng đều xin giảm án cho bị cáo. Riêng chị Xuân, đại diện gia đình người bị hại, đứng lên nói: "Người thì đã chết, kẻ gây tai nạn chắc chắn phải đền tội trước pháp luật. Chỉ mong tòa giảm nhẹ cho bị cáo, để được nhanh chóng trở về với gia đình. Nơi đó, cũng như gia đình chúng tôi, đang mất mát một chỗ dựa, trụ cột của cả gia đình...".
Rồi chị tiếp lời: "Bây giờ, chúng tôi không còn có "lòng hận thù, oán trách", vì theo tình người mà nói tất cả các gia đình chúng tôi và cả gia đình bị cáo đều là "nạn nhân". Nạn nhân của những "quái xế" không chú trọng đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phương tiện nên để lại kết cuộc đau lòng cho gia đình các nạn nhân và cả chính gia đình bị cáo".
Được nói lời sau cuối, bị cáo xin phép HĐXX quay xuống phía thân nhân người bị hại cúi đầu xá tội. Nhiều người dự phiên xử đã không cầm được nước mắt. Họ được biết với tấm lòng vị tha, nhân hậu, phía gia đình các bị hại không những gạt bỏ đi "lòng oán hận", mà còn đang cưu mang, giúp đỡ vợ con Quyền khi từ Nam Định vào đây để dự phiên tòa.
Do nhân thân tốt và tích cực khắc phục hậu quả, bị cáo được HĐXX giảm nhẹ án dưới khung hình phạt (VKSND đề xuất 7-9 năm tù), tuyên 6 năm tù do vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ.
Theo VNExpress
Cậu bé người Tày và nhát dao oan nghiệt Theo lời kể của Đoan, gia đình cậu cũng khá nghiêm khắc trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Nếu chỉ nhìn gương mặt và nụ cười ấy, khó có thể tin được Đoan phải lãnh án 5 năm cho tội danh giết người. Lời bạt: Cậu bé người dân tộc Tày mà tôi trò chuyện cùng lần này có nụ cười,...