Đoạn trường cô gái mang án buôn người
14 tuổi lấy chồng, cứ tưởng Mơ sẽ lầm lũi gắn đời mình theo chồng lên nương về bản. Nhưng rồi, một chút lòng tham, một chút dại dột và sự hạn chế hiểu biết về pháp luật đã biến Mơ trở thành kẻ buôn người.
20 tuổi, Cao Thị Mơ đã có 2 đời chồng, 3 đứa con và bản án 6 năm tù giam về tội mua bán người, mua bán trẻ em.
Tôi không nghĩ rằng cô gái đứng trước vành móng ngựa kia đã là mẹ của 3 đứa con. Tròn 20 tuổi, Cao Thị Mơ (SN 1994, bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An) đã trải qua 2 đời chồng và 3 lần làm mẹ. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ để biết cuộc đời Mơ không bình lặng như nhiều cô gái nơi huyện miền núi này.
Đi cùng với Mơ tới phiên tòa còn có mẹ. Bà “hộ tống” con gái xuống Vinh chịu sự trừng phạt của pháp luật bằng khuôn mặt tím bầm. “Mẹ bị bố đánh đấy”, Mơ mở đầu về câu chuyện của mình như thế. Cố gắng lắm Mơ cũng chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ ở nhà đi nương với mẹ. Mẹ Mơ, như bao nhiêu người phụ nữ trong bản, chỉ biết lầm lũi đi theo chồng lên nương rồi về nhà tất bật với cơm nước giặt giũ. Thậm chí bị chồng đánh bà cũng chẳng dám nói năng gì mà cứ âm thầm chịu đựng.
Không muốn chứng kiến mãi cái cảnh bố đánh mẹ như cơm bữa, 14 tuổi, Mơ gật đầu làm vợ người ta. Chồng Mơ sinh năm 1987, ở ngay trong bản. 15 tuổi, Mơ làm mẹ. Không may mắn khi đứa con 2 tuổi nhưng vẫn không biết nói năng gì. Rồi Mơ sinh đứa con thứ 2, giông tố cuộc đời Mơ cũng bắt đầu từ đó.
“Chồng em tốt bụng nhưng bố mẹ chồng thì khó tính lắm. Đứa con đầu thì bị câm điếc, rồi ông bà lại hắt hủi. Thế là em bỏ 2 đứa con lại, ra Nam Định kiếm sống. Em cũng thương con lắm nhưng phần vì không có tiền chữa bệnh cho con, phần vì bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà nên…”, Mơ bỏ lửng câu nói ở đó.
Ra Nam Định, Mơ được nhận vào làm tạp vụ tại một nhà nghỉ. Nhớ con nhưng nghĩ tới mỗi tháng kiếm được hơn 1 triệu đồng, cố gắng chắt chiu để về đưa con đi khám, may ra… nên Mơ dặn lòng cố gắng. Ngày làm việc quần quật, hết dọn dẹp rồi giặt giũ, nỗi nhớ cũng vơi đi nhưng đêm về, nghĩ tới hai đứa con nhỏ khóc đang khóc ngằn ngặt ở nhà khiến Mơ không tài nào ngủ được.
Nhớ vợ, thi thoảng chồng Mơ bắt xe ra Nam Định thăm. Phần vì nhớ con, phần vì công việc không phù hợp, Mơ quyết định về quê sinh sống. Biết được ý định về quê của vợ chồng Mơ, Phạm Thị Lĩnh (chủ nhà nghỉ) và Bùi Thị Liễu (quê Nam Định) đặt vấn đề nhờ Mơ về tìm giúp nhân viên nữ phục vụ, nếu được, mỗi người Lĩnh và Liễu sẽ trả cho vợ chồng Mơ 2 triệu đồng.
Về quê, tháng 4/2010, vợ chồng Mơ Mão tìm được Vi Thị T. (SN 1993) và Phan Thị H. (SN 1994) đồng ý ra Nam Định làm phục vụ tại nhà nghỉ. Hai vợ chồng Mơ đưa ra tận nơi và nhận 4 triệu đồng tiền công. Lần thứ 2, vào cuối tháng 5/2010, Mão đưa cháu Phan Thi Y. (SN 1997, là em gái của Phan Thị H.) ra Nam Định giao cho Bùi Thị Liễu nhưng chê cháu Y. quá bé nên Liễu không nhận.
Video đang HOT
Sau khi đón được Phan Thị Y. về, bà Vi Thị Năm (mẹ của H. và Y.) đã làm đơn tố cáo Cao Thị Mơ và Vi Văn Mão ra trước pháp luật. Khi biết chồng bị bắt, Mơ bỏ trốn ra huyện Giao Thủy (Nam Định). Tại thời điểm bị bán, cháu Phan Thị H. mới được 15 tuổi, 5 tháng, 15 ngày, cháu Phan Thị Y. mới được hơn 12 tuổi, 9 tháng. Với tội mua bán người và mua bán trẻ em, Vi Văn Mão phải chịu mức án 12 năm tù giam. Với tội danh tương tự, Nguyễn Thị Lĩnh phải chịu mức án 3 năm tù giam.
Lại nói về Mơ, ra Nam Định, Mơ sống như vợ chồng với một người đàn ông và hạ sinh thêm một đứa con. Biết không trốn tránh được pháp luật, tháng 10/2013, Cao Thị Mơ trở về và đến cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đầu thú. Khi biết Mơ đến cơ quan chức năng đầu thú, người chồng “hờ” đã vào bắt đứa con về Nam Định. Trong khi đó, 2 đứa con với người chồng đầu ở với ông bà nội thành ra được tại ngoại, Mơ cũng chẳng được ôm đứa con nào của mình vào lòng.
Trước vành móng ngựa, Mơ thành khẩn khai báo mọi hành vi phạm tội của mình. Bà Vi Thị Năm – đại diện cho bị hại Phan Thị H. và Phan Thị Y. cũng có lời xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Cao Thị Mơ. Trong mắt người phụ nữ này, Mơ cũng như con gái bà khi sinh cùng năm, lớn lên cùng bản và chơi thân với con gái bà. “Con dại thì cái mang, xin tòa xem xét cho Mơ được hưởng mức án thấp nhất để nó về với các con”, bà Năm nói trước tòa.
Nhận thấy Cao Thị Mơ vì thiếu hiểu biết nên mới dẫn đến vi phạm pháp luật, bị cáo lại thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, HĐXX tuyên phạt 5 năm tù về tội mua bán trẻ em, 1 năm tù về tội mua bán người. Tổng hợp cả 2 hình phạt, Cao Thị Mơ phải chấp hành án phạt 6 năm tù giam.
“Em sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về. Chỉ sợ khi đó các con em chẳng còn nhớ tới mẹ nó nữa”, Mơ cúi xuống cố dấu những giọt nước mắt chực lăn ra.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Những cây cầu nhìn... sởn tóc gáy!
Những cây cầu treo này được xây dựng cách đây hơn chục năm, hiện đang xuống cấp rất nghiêm trọng: hầu hết mặt cầu và hệ thống dây cáp đã bị hư hỏng nặng; có cầu rệu rã, cũ nát như trong... phim kinh dị!
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 10 cây cầu treo ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa. Phần lớn những cây cầu này phân bổ chủ yếu tại các địa bàn miền núi, địa hình phức tạp và hiện đang bị xuống cấp rất thê thảm. Có cầu chỉ còn lại dây cáp nối 2 đầu.
Cầu treo bắc qua bản Vây 2 bị hư hỏng nặng
Cây cầu treo bắc qua suối La La, thuộc bản Vây 2, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã bị hư hỏng nặng. Cầu được xây dựng khoảng năm 2002, với thiết kế chiều rộng chưa đầy 1 m. Mặt cầu giờ chỉ còn lại những thanh tre và bị rơi rụng gần hết, để lộ nhiều khoảng trống cả người lớn chui lọt. Hệ thống dây cáp cũng bị hoen gỉ không đảm bảo.
Thứ được gọi là "cầu" này khiến người lạ sởn tóc gáy!
Từ khi xây dựng, cây cầu đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của hơn 20 hộ dân bên kia suối. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí thấp nên cầu được dựng rất sơ sài. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã ngăn hai đầu cầu, nhằm tránh nguy hiểm xảy ra đối với con người và phương tiện khi qua cầu.
Trong khi chưa có phương án khắc phục, người dân buộc phải dựng tạm một cây cầu gỗ ở dưới suối để đi qua. Thế nhưng, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, còn về mùa mưa lũ thì hàng chục hộ dân bên kia sông bị rơi vào thế cô lập.
Anh Hồ Văn Thủy, cán bộ bản Vây 2 cho biết, từ khi có cây cầu này đã giúp cho bà con trong bản đi lại được thuận tiện hơn. Thế nhưng, năm 2012 cầu bắt đầu xuống cấp, mặt cầu bị hư hỏng nặng, dây cáp cũng bị hoen ghỉ và không đảm bảo an toàn nên bà con đi lại rất nguy hiểm. Đã có trường hợp người đi trên cầu bị trượt chân ngã nhưng may mắn bám được dây cáp nên không rơi xuống sông. Còn việc xe cộ qua lại cây cầu treo này bị rơi xuống sông cũng xảy ra thường xuyên.
"Hiện nay, bà con đã dựng tạm cây cầu gỗ để đi lại, nhưng đó là phương án vào mùa nước cạn. Còn về mùa mưa, lũ thì bà con phải đi bộ bằng đường rừng qua địa bàn khác để sang sông. Cầu bị hư hỏng cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc đến trường của các em học sinh" - anh Thủy nói.
Xã Hướng Sơn là địa phương có số lượng cây cầu treo nhiều nhất của huyện Hướng Hóa. Hầu hết, 7 cây cầu treo tại địa phương này đều được xây dựng từ lâu và đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Trong số đó, các cầu treo Làng Hồ 1, Làng Hồ, 2 Làng Hồ 3, Nguồn Rào,...bị hư hỏng hết và đã được thay thế bằng các cầu tràn xây bằng bê tong, cốt thép. Tuy nhiên, về mùa mưa lũ thì dường như việc đi lại của bà con tại những nơi này bị chia cắt hoàn toàn.
Nhiều cầu treo tại xã Hướng Sơn cũng bị hư hỏng nặng
Các cầu treo Bản Mới, Làng Cát, bản Pin... cũng phục vụ rất lớn nhu cầu qua lại của người dân, nhưng đã bị hư hại nghiêm trọng và chỉ còn lại hệ thống dây cáp trơ trọi.
Ông Hồ Đình Tào, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, phần lớn người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn, địa hình cách trở. Đặc biệt, về mùa mưa, lũ, nước suối chia cắt nên người dân và các em học sinh không thể qua suối để đến trung tâm. Việc xây dựng cầu treo tại những nơi này đã giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, do thời gian các cầu này đã bị hư hỏng khá nhiều nhưng vẫn chưa có kinh phí để khắc phục.
"Ngoài 4 điểm từng có cầu treo bắc qua, được thay thế bằng cầu tràn bê tông, còn lại những điểm khác vẫn chưa có kinh phí để xây dựng lại. Địa phương đã tiến hành ngăn chặn hai đầu tại các cầu xuống cấp, gây nguy hiểm để đảm bảo tính mạng cho mọi người" - ông Tào cho biết.
Ngoài ra, tại Quảng Trị cũng có một số cầu treo khác như cầu treo Bến Tắt, huyện Gio Linh là di tích đặc biệt quốc gia, thuộc cụm di tích đường mòn Hồ Chí Minh. Cầu được xây dựng lại năm 2013, nhưng chỉ phục vụ tham quan du lịch. Cây cầu treo Cam Hiếu, huyện Cam Lộ cũng được xây dựng kiên cố nhưng cũng đang có dấu hiệu xuống cấp ở thành và mặt cầu.
Cầu treo Cam Hiếu cũng đang có dấu hiệu xuống cấp...
Gần đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở GTVT tiến hành rà soát và yêu cầu các địa phương kiểm tra cầu nào còn đủ điều kiện qua lại phải lắp đặt thanh ngang giới hạn chiều cao xe qua cầu, hàn khóa thanh ngang giới hạn chiều cao vào cột đứng hai bên cầu và lắp lại biển báo hạn chế tải trọng. Đối với các cầu treo bị hư hỏng nặng cần khẩn trương rào chắn, cấm người đi qua cầu để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Đăng Đức
Theo Dantri
Tháo biển số xe để tiện bề cướp giật điện thoại Mỗi khi vào nội thành gây án, "cặp đôi" cướp giật đều tháo biển số xe máy rồi cất vào cốp. Ngày 28-3, Cơ quan CSĐT - CAQ Hà Đông cho biết, vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Công Tuấn (SN 1996) và Lê Duy Đức (SN 1997, cùng trú...