Đoạn trường 20 năm bị bán sang Trung Quốc làm vợ lẽ
Sau 20 năm làm nô lệ ở xứ người, bà Đào Thị H. ( xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An) không dám tin có ngày mình còn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, gặp lại những đứa con mình đứt ruột đẻ ra.
Những người hàng xóm tới chia vui khi bà Đào Thị H. trở về sau 20 năm lưu lạc
Chuyện bà H. trở về sau 20 mất tích không còn “ nóng” như trước đây nữa nhưng hành trình 20 năm đau khổ, tủi nhục của bà thì vẫn là câu chuyện được người dân truyền tai nhau bởi sự ly kỳ của nó. Một buổi sáng tinh sương, bà đứng trước ngôi nhà mà đúng 20 năm trước bà đã cất bước ra đi trong đêm tối. Bà cất tiếng gọi những đứa con mà ngỡ như không phải đang gọi bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình bởi quãng thời gian sống khổ nhục bên Trung Quốc, bà không được nói bằng ngôn ngữ quê hương.
Nghe tiếng gọi, những đứa con của bà mở cửa chạy ra, ngơ ngác nhìn. Người đàn bà gầy gò, tiều tụy đứng trước mặt họ 20 năm qua đã không hiện diện ở căn nhà này. Bà ra đi trong một đêm tối trời. Từ đó tới giờ không tin tức, chẳng ai biết là bà còn sống hay đã chết. Sau cái phút giây ngơ ngác ấy là cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của những con người cùng chung huyết thống. Bà trở về trong vòng tay gia đình sau 20 năm lưu lạc xứ người.
Câu chuyện 20 năm lưu lạc của bà được tái hiện bằng những giọt nước mắt. Quãng đời ấy bà không bao giờ muốn nghĩ đến. Tất cả cũng chỉ bởi bà quá nhẹ dạ, cả tin…
Mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, bà trải qua tuổi thơ cay đắng cơ cực của phận “mẹ ghẻ con chồng”. 31 tuổi, quá lứa lỡ thì, bà nhận lời làm lẽ một người đàn ông hơn cả tuổi cha mình để thoát khỏi căn nhà ấy. 2 đứa con đủ nếp đủ tẻ ra đời giúp bà hoàn thành được tâm nguyện “kiếm đứa con trai” của chồng. Nhưng cũng chẳng vì thế mà cuộc sống của bà đỡ vất vả, nhọc nhằn. Ngày ngày, bà bươn chải với công việc đồng áng, ruộng vườn để nuôi con chồng, con mình và chăm người chồng già yếu.
Với bà, đoạn trường 20 đau khổ ở xứ người là quãng thời gian muốn quên nhất trong đời
Quần quật luôn tay nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình bé nhỏ. Đứa con út lên 2 nhẳng nheo như cây sậy bởi thiếu ăn, khóc ngằn ngặt suốt ngày. Bởi vậy, khi một người phụ nữ làng bên (đến giờ bà cũng chẳng còn nhớ mặt, nhớ tên) ngỏ ý giúp tìm một công việc nhẹ nhàng mà thu nhập ổn định bằng cách ra Hà Nội làm giúp việc, bà tin và đồng ý đi theo ngay.
Video đang HOT
Đêm khuya, đang ôm con ngủ thì người phụ nữ kia gọi cửa. Không kịp từ biệt chồng con, vơ vội mấy bộ quần áo, bà lặng lẽ đi vội vì sợ tới muộn sẽ không xin được việc. Không ngờ rằng lần ra đi vội vã ấy kéo dài biền biệt tới 20 năm sau bà mới có cơ hội quay về.
Trở lại với chuyến đi đêm đó, bà bị đưa tới biên giới Việt – Trung, bị trao cho một người đàn ông trung niên. Ông kia đưa bà đi xuyên rừng đến một căn nhà rách. Lúc này bà mới biết mình đã bị bán làm vợ cho một người nghèo kiết xác bên Trung Quốc. Những ngày đầu bà chỉ khóc và luôn tìm cách trốn chạy. Biết được, người chồng mới đánh bà thừa sống thiếu chết.
Sau nhiều lần bỏ trốn bất thành, bà chấp nhận cuộc đời làm vợ, làm nô lệ ở đất khách. Bà làm việc quần quật từ sáng tới tối nuôi cả nhà chồng nhưng hễ có điều gì không vừa lòng, gã chồng thô lỗ lại trút trận mưa đấm đá xuống thân hình tiều tụy của vợ. Khi bà sinh một cô con gái, chồng bà cũng bớt kiểm soát hơn. Bà được nói chuyện với những người cùng xóm.
Ý định bỏ trốn vẫn nung nấu trong đầu người phụ nữ này. Một ngày, bà gặp một người phụ nữ quê Hải Dương cũng bị lừa bán sang đây làm vợ. Cùng cảnh ngộ, thấu hiểu những nỗi đau đớn, cùng cực của phận nô lệ, hai người lên kế hoạch bỏ trốn.
Trờ về quê hương sau 20 năm xa cách, bà vẫn canh cánh trong lòng đứa con gái mang quốc tịch Trung Quốc
Bà mất mấy năm trời tích góp từng xu tiền lẻ để làm lộ phí, tranh thủ những lần được ra chợ huyện để tìm cho mình con đường thoát thân. “Quyết định bỏ trốn, tôi bị dằn vặt rất nhiều bởi đứa con gái mang quốc tịch Trung Quốc. Dẫu sao nó cũng là con tôi, là máu mủ, ruột rà, dứt đi răng được. Nhưng mà đưa nó theo thì không thể. Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định ra đi một mình. Dẫu sao nó cũng cùng huyết thống với người ta, chắc chẳng ai nỡ hành hạ nó nếu tôi bỏ trốn”, bà H. tâm sự.
Bí mật hẹn nhau ở chợ, hai người phụ nữ cắt rừng chạy trốn. “Sợ bị đuổi kịp, bắt về chỉ có nước chết, chúng tôi nào có dám dừng lại để nghỉ. Cứ cắt rừng mà chạy, bất kể đêm hay ngày. Gai góc cào xước hết tay chân mặt mũi, quần áo rách như tổ đỉa. Sau những ngày đói rét, rách rưới chúng tôi đặt chân được tới biên giới. Được sự giúp đỡ của nhiều người, hầu hết là những người chưa từng quen biết chúng tôi đặt chân được về Việt Nam. Đứng trên mảnh đất 20 năm trước mình đã bước chân đi, hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc như mưa. Dẫu có mơ tôi cũng không dám nghĩ tới ngày mình còn được trở về, được đứng chân trên quê hương của mình…”, bà trào nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian chạy trốn của mình.
Trở về sau 20 năm lưu lạc, cảnh cũ, người xưa không còn nhưng bà vẫn cảm nhận được sự ấm áp, quan tâm chân thành của mọi người. Điều bà thấy mình được an ủi nhiều hơn cả là những đứa con, cả người con riêng của chồng đã chia sẻ nỗi đau, động viên bà vượt qua mặc cảm để sống tiếp.
Sống trong tình yêu thương, đùm bọc của người thân, bà vẫn canh cánh trong lòng về đứa con đang sống ở Trung Quốc và quyết định quay sang. Thế nhưng bà ra đến Hải Phòng thì lực lượng chức năng báo tin: đã bắt được người phụ nữ bán bà sang Trung Quốc cách đây 20 năm. Bà quyết định quay về để đợi ngày người đàn bà ác độc kia phải trả giá trước pháp luật.
Dẫu rằng tuổi trẻ, sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc của bà khó có gì đắp đổi được nhưng dẫu sao đó cũng là cái kết có hậu của người phụ nữ với đoạn trường 20 năm sống phận nô lệ ở xứ người.
Theo Dantri
Hành trình tận thu cây kim cương để bán sang Trung Quốc
Với giá bán lên đến 10-12 triệu đồng/lạng (loại khô), cây kim cương đang được người dân một số xã ở huyện Kon Plong, Kon Tum đổ xô vào rừng tận thu để bán cho các thương lái người Trung Quốc.
Nhiều năm nay, cây lá kim cương luôn được các thương lái Trung Quốc thu mua với giá ngày càng cao. Nếu năm ngoái giá mỗi kg cây lá kim cương tươi từ 600-700 nghìn đồng, thì năm nay giá đã hơn 1 triệu đồng/kg. Cái giá này đã khiến cho hàng trăm hộ gia đình ở các xã Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút... của huyện Kon Plong không ngại khó khăn, gian khổ để vào tận rừng sâu tận thu dược liệu quý về bán cho các thương lái. Kéo theo đó là hệ lụy khiến cây kim cương đang rơi vào tình trạng bị tận diệt.
Có mặt ở xã Hiếu khi con gà rừng mới ngừng tiếng gáy, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm cặp vợ chồng cơm đùm, gạo nắm và dao, rựa đang chuẩn bị kéo nhau vào rừng, bắt đầu một cuộc hành trình tận thu cây lá kim cương.
Với sức hút của giá bán lá kim cương, dù năm nay đã gần 60 mùa rẫy, nhưng vợ chồng ông Đinh Hồng Gió (59 tuổi)- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hiếu cũng đã có thâm niên cùng vợ con săn tìm cây kim cương hơn 10 năm nay. Và cũng như mọi năm, vợ chồng ông Gió lại chuẩn bị xoong nồi, gạo và mắm muối để vào rừng sâu săn tìm cây lá kim cương. Ông Gió cho biết, mấy ngày trước, 2 vợ chồng ông vất vả đi một ngày trời vào rừng, phát từng lùm cây rậm để tìm những cây kim cương (cao chừng 10cm) mang về bán. Sau một ngày tìm kiếm vất vả, vợ chồng ông Gió chỉ tìm được 12 cây kim cương với cân nặng chưa đầy nửa lạng.
Thành quả sau một ngày vất vả lặn lội vào rừng săn tìm cây kim cương của vợ chồng ông Gió
Tưởng chừng sau chuyến đi ấy, vợ chồng ông Gió sẽ bỏ cuộc. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, sức hút của giá bán cây kim cương khá hấp dẫn nên vợ chồng ông Gió không chỉ dừng lại ở nhà làm rẫy mà quyết định đi vào rừng sâu hơn để mong tìm được nhiều hơn: "Tìm cây lá kim cương không phải dễ, muốn tìm được nó thì phải phát các bụi rậm mới thấy được nó mọc dưới đất. Năm ngoái cây kim cương nhiều hơn nên tìm được nhiều hơn, có ngày may mắn vợ chồng tôi tìm được 3-4 lạng. Nhưng năm nay nó ít đi rồi, khó tìm lắm, người ta phải vào tận rừng sâu đi mấy ngày mới về", ông Gió chia sẽ.
May mắn hơn vợ chồng ông Gió, vợ chồng anh Tham (34 tuổi) và chị Y Rái (33 tuổi) tâm sự, sau một ngày dầm mưa lặn lội trong rừng liên tục tìm kiếm cây kim cương, vợ chồng anh Tham đã tìm được 2 lạng, bán với giá 200 nghìn đồng. Hôm nay, vợ chồng Tham quyết định mang theo đồ ăn và xoong để vào rừng sâu hơn, với kế hoạch ở lại rừng vài ba ngày: "Mấy năm trước, vợ chồng mình tìm được cây kim cương nhiều hơn. Nhưng năm nay tìm khó quá, cây kim cương nó không có mọc kịp để người dân mình hái bán đâu. Năm nay, vợ chồng mình cũng phải đi vào rừng sâu hơn mới tìm được, những ai già quá không đi sâu mãi vào rừng được thì tìm được ít hơn", anh Tham nói.
Chị Diễm cho biết, mỗi kg kim cương đất tươi chị lời 200 nghìn đồng, thu muađến đâu thương lái Trung Quốc lấy đến đó
Ông Đinh Xuân Rường (44 tuổi), trưởng thôn Vigơlơng cho biết: Trong thôn hiện có 96 hộ dân và tất cả 96 hộ này đến hẹn lại lên (từ tháng 9- tháng 12 âm lịch hàng năm) lại kéo nhau vào rừng, núi để tìm cây kim cương. Thậm chí, có cặp vợ chồng huy động toàn bộ con cái để cùng nhau vào rừng tìm loại dược liệu này.
Và cũng như những người dân trong thôn mình, không nằm ngoài "cơn lốc" tìm cây kim cương, bản thân vợ chồng ông Rường cũng lặn lội vào rừng săn tìm dược liệu quý: "Vợ chồng mình năm nào cũng đi vào rừng tìm cây kim cương. Những năm trước còn kiếm được vài lạng mỗi ngày, bây giờ nhiều người đi lấy quá nên cây kim cương sắp hết rồi. Chính quyền xã, huyện cũng nhắc nhở mình không cho người dân đi, nhưng đó là cuộc sống của họ làm sao mình ngăn cản được. Với lại cả thôn cùng đi thì làm sao mình ngăn cản họ được", ông Trưởng thôn thật thà bộc bạch.
Dù chưa ai biết giá trị thực sự của loại dược liệu này được dùng để làm gì, nhưng giá bán hấp dẫn của nó đã khiến cho hàng trăm hộ gia đình không quản khó khăn, nguy hiểm để vào tận rừng sâu săn tìm. Và cứ theo "cơn lốc" này, hẳn rằng sẽ không bao lâu nữa loài dược liệu này sẽ đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, mà người được sử dụng nó lại không phải là những người dân đang sở hữu nó.
Với "cơn lốc" săn tìm dược liệu như thế này, chẳng bao lâu nữa nó sẽ bị tận diệt
Để tìm hiểu thêm về tác dụng của cây kim cương, trong vai một người dân tìm mua loại dược liệu quý này, chúng tôi được một chủ thu mua tên Nguyễn Thị Thu Diễm (20 tuổi, trú xã Pờ Ê, Kon Plong) chào giá bán: Đối với loại kim cương đất (mọc trên đất) giá bán là 1,2 triệu đồng/kg còn kim cương đá (mọc trên đá) giá chỉ 250 nghìn đồng/1kg.
Không chỉ vậy, chị Diễm còn cho biết thêm, mỗi ngày chị đi thua mua của người dân ở xã Hiếu và các xã khác cũng được vài chục kg: "Mình thu mua đến đâu, các thương lái người Trung Quốc và Đài Loan sẽ mua hết đến đó. Mình mới chỉ thua mua 3 năm nay thôi, còn chồng mình thua mua cả chục năm nay rồi, hiện nay mỗi ngày ông xã mình thu mua cả trăm kg, mua đến đâu bán đến đó. Vợ chồng mình đang là chủ thu mua cây kim cương lớn nhất huyện Kon Plong này", chị Diễm khoe.
Không chỉ bán cây kim cương tươi, mà vợ chồng chị Diễm còn bán loại dược liệu này sấy khô để gửi đi Trung Quốc, Hàn Quốc với giá bán 10-12 triệu đồng/lạng kim cương khô.
Về công dụng của cây kim cương, một số người kháo nhau cho biết, sở dĩ loại dược liệu này có giá cao như vậy là vì "nghe đâu người ta dùng để chữa bệnh ung thư". Còn thực hư của tin đồn này chưa ai xác thực.
Theo Dantri
Ký ức hãi hùng của cô gái trẻ bị bán vào động mại dâm 15 tuổi, Lữ Thị Q. bị bán sang Trung Quốc, bắt đầu cuộc đời của một gái bán hoa. Có những ngày em phải tiếp đến 40 khách. Đau đớn, tủi cực tưởng chừng có thể chết đi nhưng lại không can đảm để kết thúc cuộc đời. 15 tuổi, chỉ vì ham chơi, đua đòi, cô sơn nữ Lữ Thị Q. đã...