Đoàn luật sư Philippines “cãi” gì trong phiên tranh tụng Biển Đông?
Bởi diễn ra theo thể thức kín nên diễn biến của phiên tranh tụng trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc tại Tòa Trọng tài luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Buổi tọa đàm pháp lý với tiêu đề “Bình luận về phiên tranh tụng đầu tiên vụ kiện trọng tài Philippines – Trung Quốc” đã diễn ra tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Buổi tọa đàm pháp lý điểm qua những nét chính từ cái nhìn “trong cuộc” về phiên tranh tụng diễn ra kín tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (The Hague – PCA) dựa trên bản ghi những diễn biến của phiên tranh tụng liên quan đến nội dung tòa có thẩm quyền với vụ kiện hay không.
Theo diễn giả của buổi tọa đàm Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, do đề cập đến một tranh chấp khởi kiện ra một cơ quan tài phán, nên câu hỏi đầu tiên được các luật sư của Philippines giải đáp nhằm phản bác những lập luận của Trung Quốc là: có tồn tại tranh chấp.
Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, những tranh chấp này chỉ thuộc thẩm quyền của PCA theo phụ lục VII nếu đó là những tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS, chứ không phải tranh chấp chủ quyền.
Phụ trách vấn đề quan trọng này, luật sư Paul Reichler của đoàn Philippines cho rằng, Trung Quốc thực sự đã yêu sách quyền lịch sử, đồng thời phân tách tranh chấp ở đây thành hai loại tranh chấp:
Thứ nhất, vì Trung Quốc và Philippines có cách giải thích quy chế của các thực thể khác nhau, do đó tồn tại bất đồng về việc giải thích và áp dụng các điều khoản của UNCLOS liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể này, cụ thể là Điều 13 và 121.
Trong vấn đề tồn tại quyền lịch sử, câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có được quyền yêu sách lịch sử hay không? Việc yêu sách đó có phù hợp với UNCLOS hay không? Vì Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử, nội dung nằm ngoài UNCLOS, trái với cơ sở pháp lý của phía Philippines, do đó, đây là sự khác biệt thứ hai.
Với hai lập luận này, luật sư Reichler đã chứng minh thành công có tồn tại tranh chấp về mặt pháp lý trong vụ việc lần này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (phải) trong buổi bình luận
Tiếp đó, để chứng minh Philippines không yêu cầu phân định chủ quyền như lập luận của Trung Quốc về việc Philippines đã thay đổi chủ đề của tranh chấp, không nhìn thấy bản chất của tranh chấp này là tranh chấp chủ quyền, Tiến sĩ Lan Anh cho biết luật sư, giáo sư Philippe Sands đã có những lập luận thú vị tại phiên tòa.
Thứ nhất, theo giáo sư Sands, nếu một thực thể là đảo thì nó là đảo, không phụ thuộc đảo đó là của bên nào. Để minh họa cho lập luận này, ông lấy ví dụ về vị trí đứng phát biểu của các luật sư trong khán phòng của phiên tranh tụng tại PCA. Theo ông, vị trí này có thể là của PCA hoặc cũng có thể là của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có cùng trụ sở. Nhưng dù là thuộc PCA hay ICJ, đó vẫn là vị trí đứng của các luật sư. Như vậy, ông kết luận, việc xem xét quy chế của một thực thể không cần xem xét thực thể đó thuộc nước nào.
Video đang HOT
Trước lập luận của Trung Quốc cho rằng Philippines đã phân mảnh các tranh chấp, và để xác định quy chế các thực thể cần phải xác định quyền chủ quyền, luật sư Sands lập luận, một vụ kiện có nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau, bản thân việc đệ trình một khía cạnh không làm vô hiệu hóa việc đệ trình đó và cũng không bị cấm.
Với việc trong lúc Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với tất cả các thực thể ở Biển Đông, trong khi Philippines chỉ khởi kiện một số thực thể, luật sư Sands khẳng định nếu có thể phân định một số thực thể, hoàn toàn có thể áp dụng kết quả cho các thực thể còn lại.
Trong lúc Trung Quốc cho rằng việc xác định bên nào sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm cũng là vấn đề chủ quyền, luật sư Philippines lập luận như trong các vụ kiện trước đó, không thể đồng nhất bãi nửa nổi nửa chìm với lãnh thổ.
Việc xác định bên nào sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm là vấn đề phân định biển vì phụ thuộc vào cấu trúc của đáy biển: bên nào sở hữu đáy biển có bãi nửa nổi nửa chìm thì sở hữu bãi nửa nổi nửa chìm đó. Quy trình xác định ai sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm không phải là quy trình xác định lãnh thổ và vì thế đây không phải là vấn đề về chủ quyền.
Quang cảnh phiên tranh tụng.
Giả thuyết tối đa cũng được đưa ra tại tòa để bác bỏ lập luận của Trung Quốc, cho rằng muốn xác định các hoạt động của Trung Quốc có bất hợp pháp hay không theo khẳng định của Philippines, cần phải xác định quyền chủ quyền để biết các hoạt động diễn ra ở đâu, từ đó có cơ sở để xác định hoạt động có bất hợp pháp hay không.
Theo luật sư Sands, đệ trình của Philippines dựa trên giả thuyết tối đa, trong đó giả thuyết tối đa thứ nhất là Philippines có chủ quyền. Giả thuyết tối đa thứ hai là những vùng lãnh thổ Trung Quốc có chủ quyền có khả năng tạo ra các vùng biển cũng là tối đa. Dựa trên hai giả thuyết tối đa này, Trung Quốc không thể vươn tới những vùng biển mà nước này có những hành động theo phía Philipines là bất hợp pháp, và như vậy chắc chắc các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, không cần phải xác định quyền chủ quyền hay phân định biển.
Với những lập luận như vậy, luật sư Sands kết luận những gì Philippines đưa ra không liên quan đến tranh chấp chủ quyền.
Trong phần chứng minh Philippines thỏa mãn các bước thủ tục (cụ thể mục 1 phần XV), trong đó có Điều 281 quy định nếu các bên đã có thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thì các bên phải theo thỏa thuận đó và Trung Quốc có viện dẫn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), luật sư Lawrence Martina lập luận, DOC là một cam kết chính trị, và vì Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo DOC, do đó Trung Quốc không được viện dẫn quyền theo DOC.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng vì Trung Quốc viện dẫn Điều 281 để phản đối việc Philippines kiện lên PCA, trong khi Điều 281 quy định về việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS giữa các bên; do đó, chính Trung Quốc đã thừa nhận có tồn tại tranh chấp giữa hai bên.
Năm 2006, Trung Quốc đưa ra tuyên bố loại trừ tất những gì Điều 298 cho phép loại trừ, do vậy, tại phiên tranh tụng, đoàn luật sư Philippines cũng tập trung chứng minh các hoạt động của Trung Quốc không phải là hoạt động quân sự để tránh loại trừ theo Điều 298 Điểm 1b dẫn đến việc trọng tài không có thẩm quyền; hay việc Trung Quốc không ngăn chặn ngư dân và tàu thuyền nước này khai thác nghề cá ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vì không thực hiện thì không thực thi quyền tài phán, quyền chủ quyền, do đó không thuộc phạm vi loại trừ của Điều 297…
Vì các loại trừ của đều không trùng với nội dung Philippines đưa ra khởi kiện, do đó trọng tài có thẩm quyền với toàn bộ nội dung khởi kiện.
Kết thúc buổi bình luận, Tiến sĩ Lan Anh nhấn mạnh, vì đây không phải là một phiên tranh tụng về vấn đề thực chất, chính vì thế Philippines không đi vào biện hộ tại sao Philippines đúng hay sai. Mục đích của phiên tranh tụng này nhằm khẳng định trọng tài có thẩm quyền.
Theo Báo Tin Tức
Các nước Biển Đông có thể gánh hậu quả từ bất ổn Trung Quốc
Đây là quan điểm của ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Ngoại giao, trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn về chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc.
Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược HV Ngoại giao. Ảnh: Hồng Duy
- Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức như thị trường chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ phá giá.... Theo ông, chủ tịch Trung Quốc kỳ vọng những gì ở chuyến thăm Mỹ này?
- Theo dự kiến, hai bên Mỹ - Trung sẽ bàn về 4 nhóm vấn đề chính gồm địa chính trị và chiến lược, trong đó có những điểm quan trọng như vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như an ninh mạng. Về vấn đề hợp tác, hai bên sẽ bàn thảo về hợp tác song phương trong đó nhấn mạnh chống khủng bố, biến đổi khí hậu toàn cầu. Về chính trị, hai bên bàn thảo để hướng tới xây dựng quan hệ đối tác kiểu mới. Về kinh tế, việc ông Tập chọn thành phố Seattle, nơi nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ đặt trụ sở, là điểm dừng chân đầu tiên cho thấy mong muốn của phía Bắc Kinh.
- Trung Quốc coi chuyến thăm Mỹ của ông Tập là cơ hội làm nổi bật vị thế quốc gia duy nhất cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thông qua chuyến đi và giao thiệp đôi bên để từng bước xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa một bên là siêu cường đang nổi và một bên là siêu cường đã khẳng định vị thế trong 70 năm qua nhằm tránh các mâu thuẫn, xung đột dẫn tới nguy cơ chiến tranh. Theo tôi, đây là mục tiêu lớn nhất của ông Tập.
- Cạnh tranh ảnh hưởng là khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Trung - Mỹ nhưng không phải duy nhất. Quan hệ giữa hai nước này là mối quan hệ phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế hiện đại ngày nay. Dù cạnh tranh ảnh hưởng nhưng hai bên vẫn có lợi ích rất lớn trên phương diện kinh tế, hợp tác giáo dục, khoa học, quốc phòng.
Nhân chuyến đi này, ông Tập Cận Bình có thể mở rộng bàn thảo về các vấn đề liên quan, trong đó có việc định hình mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.
- Một số chuyên gia cho rằng khủng hoảng trên thị trường chứng khoán cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu yếu hơn và dễ tổn thương sau thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nóng. Vấn đề nội tại có khiến Bắc Kinh nhún nhường tại Biển Đông?
- Ngoài vấn đề kinh tế, Trung Quốc cũng đang đương đầu với nhiều vấn đề trong nội tại như bất ổn Tân Cương, các sự kiện gần đây ở Hong Kong hay chính sách chống tham nhũng gặp nhiều trở ngại. Chúng sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới chính sách đối ngoại nhưng chúng ta cần theo dõi thêm để biết rõ tác động của nó.
Tuy nhiên, nếu bất ổn nội tại quá phức tạp, Trung Quốc có khả năng đẩy mâu thuẫn ra ngoài và các nước xung quanh, đặc biệt là các quốc gia ở Biển Đông, có thể phải gánh chịu hậu quả. Theo quan điểm của tôi, một mặt, khó khăn nội tại sẽ làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc nhưng ở thái cực ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng tới cục diện khu vực khi Bắc Kinh tìm cách đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài.
Ông Obama và Tập Cận Bình gặp nhau tại Sunnylands, California, năm 2013. Ảnh:Getty
- Tổng thống Obama quan tâm những gì trong cuộc gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc?
- Nếu đứng từ góc nhìn của Mỹ, Washington sẽ quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia. Qua theo dõi của chúng tôi, mối quan tâm nhất của Mỹ hiện nay là về vấn đề tin tặc.
Trong thời gian qua, tin tặc liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và công nghệ quốc phòng của Mỹ. Thậm chí, tin tặc còn đánh cắp hồ sơ cá nhân của 22 triệu viên chức thuộc Văn phòng Quản lý Nhân sự. Ông Daniel R. Russel, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á, còn lo sợ tin tặc Trung Quốc nắm giữ thông tin về hệ thống cấp nước và lưới điện quốc gia, có thể tạo ra cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ khi nó bị can thiệp.
Ngoài ra, cuộc gặp nhiều khả năng là lần cuối cùng ông Obama hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị tổng thống Mỹ nên phía Washington sẽ không ngần ngại tranh thủ cơ hội để thúc đẩy lợi ích trong quan hệ Mỹ - Trung.Phía Mỹ cũng bày tỏ quan ngại khi Trung Quốc thực thi chiến dịch "săn cáo" - cử mật vụ vào Mỹ để bắt các nhân vật bị buộc tội tham nhũng đang chạy trốn. Washington nhiều lần cảnh báo động thái này vi phạm luật pháp Mỹ và 2 bên cần có giải pháp thỏa hiệp cho vấn đề này.
Gần đây, trong nội bộ Mỹ có nhiều quan điểm yêu cầu Tổng thống Obama có những hành động cứng rắn với Trung Quốc ở biển Đông, biển Hoa Đông cũng như vấn đề Triều Tiên và đặc biệt là sự vi phạm dân chủ, nhân quyền thông qua việc xiết chặt kiểm duyệt Internet của Trung Quốc. Chúng tôi dự đoán những vấn đề này sẽ được Mỹ gây sức ép lên phía Trung Quốc trong chuyến công du của ông Tập.
- Ông đánh giá thế nào về quan điểm cho rằng kinh tế là chiến trường không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc?
- Từ góc độ kinh tế, quan hệ giữa hai nước này là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dù hai phía cạnh tranh gay gắt và có những va chạm. Tuy nhiên, đây cũng là điều tương đối bình thường. Nếu nói kinh tế là chiến trường không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc thì cũng đúng nhưng hơi quá. Ngoài ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những siêu cường nên mọi động thái đều có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Từ một khía cạnh khác, người Mỹ được hưởng lợi nhiều từ hợp tác kinh tế với Trung Quốc dù sự cạnh tranh từ quốc gia đông dân nhất thế giới làm giảm cơ hội việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý đồng tiền dẫn tới quyết định phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian qua gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới Mỹ. Kinh tế trở thành trọng tâm trong cuộc gặp sắp tới và đôi bên sẽ tranh luận có phần gay gắt về vấn đề này.
- Tờ Duowei có trụ sở ở Mỹ cho rằng Washington đang quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng những vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại quá chăm chú với đại cục và những kế hoạch dài hạn. Bởi vậy, hai bên khó có thể gặp nhau và có chung tiếng nói. Trong khi đó, giới phân tích "không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp lần này". Ông nhận định thế nào về kết quả chuyến thăm?
- Đây là quan điểm chính xác. Thời gian dành cho Tổng thống Obama không còn nhiều khi những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ thứ 2 sắp trôi qua. Trong khi đó, phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh vào quan hệ dài hạn và họ muốn dùng các biện pháp dài hạn nhằm hạn chế sức ép trước mắt.
Tôi cho rằng trong chuyến đi này, mối quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ mà Trung Quốc ấp ủ khó có thể hình thành. Đôi bên cũng khó đạt được đột phá trên lĩnh vực an ninh mạng, dân chủ nhân quyền hay cả vấn đề Biển Đông.
Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ thể hiện thiện chí và đạt được thỏa thuận nào đó để giải tỏa khó khăn và để dư luận trong nước và thế giới thấy được sự ổn định trong mối quan hệ giữa 2 siêu cường. Nó cũng giúp Mỹ và Trung Quốc chứng tỏ khả năng kiểm soát được mối quan hệ để nó không ảnh hưởng tới chính trị nội bộ của đôi bên. Cả Bắc Kinh và Washington đều còn rất nhiều việc phải làm sau đó.
Theo Zing News
Trung Quốc vi phạm các điều khoản luật pháp quốc tế nào ở Biển Đông? Cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại này đã tìm mọi cách biện bạch cho hành vi leo thang, gây hấn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế... Trong bài báo "Đa Chiều: Trung Quốc có phải "lưu manh" ở Biển Đông hay không?", tờ báo tự nhận là cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại...