Đoạn kết đẹp của chàng sinh viên Hà Nội đem lòng yêu cô gái Triều Tiên và 30 năm xa cách tưởng như chẳng thể về bên nhau
Anh sinh viên Việt Nam sang Triều Tiên học tập từ năm 18 tuổi rồi đem lòng thương một cô công nhân thuộc gia đình nghèo khó. Cùng trải qua 48 năm yêu đương, nhưng trong đó 30 năm xa cách tưởng như có lúc mất hẳn nhau, cuối cùng thì, những người yêu nhau rồi sẽ trở về bên nhau.
Hoàng hôn dần buông đầu con hẻm nhỏ, trong căn nhà tập thể rộng chừng 30m2 ở Hà Nội, ông cặm cụi sửa chiếc xe đạp, bà loay hoay nấu bữa cơm tối. Cuộc sống của hai người tuổi xế chiều 69, 70 êm đềm trôi qua từng ngày. Họ gọi đây là khoảng thời gian đủ hạnh phúc, đủ ngọt ngào, để bù đắp cho 30 năm xa cách và đợi chờ.
Tấm hình đen trắng được đặt trang trọng ngay đầu bìa album cưới. Đây là bức ảnh đầu tiên của 2 người, ông để máy tự động. Thời điểm đó, chuyện tình của cả 2 không thể công khai. Năm 1971, chàng sinh viên đến từ Việt Nam cảm thấy anh đã gặp được tình yêu của đời mình, nhưng cô gái Triều Tiên biết rằng có rào cản rất lớn khiến họ khó đến được với nhau.
Bức ảnh đầu tiên anh sinh viên Việt Nam chụp cùng người yêu Triều Tiên, trước khi họ trải qua 30 năm cách trở để quay lại bên nhau.
“Ngay khi nhìn thấy ông ấy, tôi biết đây là tình yêu của đời mình”
Năm 1967, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Cảnh vừa tròn 18 tuổi, là một trong số 200 sinh viên Việt Nam được cử tới Triều Tiên học tập, gọi sang hơn là “du học nước ngoài”. Sau 4 năm miệt mài, anh thanh niên được nhận vào thực tập kỹ thuật hoá học tại nhà máy Phân đạm Hưng Nam, thuộc tỉnh Hàm Hưng, miền đông Triều Tiên.
Cô Ri Yong Hui là con gái lớn trong một gia đình nghèo khó ở vùng biển thuộc thành phố Hàm Hưng. Cô bé Hui lúc nhỏ học giỏi nhưng không có điều kiện học Đại học, hết phổ thông thì về làm tại nhà máy Phân đạm Hưng Nam.
Một ngày nọ, anh Cảnh đến nhà máy, bắt gặp ánh mắt của cô Ri. Chả phải sấm sét gì, nhưng đấy là tình cảm, tiếng gọi của trái tim, thế thôi.
Anh Cảnh, chị Ri ngày ấy giờ đã là những kẻ đầu bạc, gần 70 tuổi.
“Tôi tự nói với mình rằng phải cưới cô gái này”.
“Ngay khi nhìn thấy ông ấy, tôi biết đây là tình yêu của đời mình”.
Từ ánh mắt đầu tiên, cả hai đã phải lòng nhau. Anh Cảnh tiến tới bắt chuyện, hỏi cô Ri đã có người yêu chưa, nếu chưa cho anh xin địa chỉ nhà để tiện liên lạc. Trước khi quay đi, anh tặng chị một chiếc khăn mùi soa và một bức ảnh anh chụp chung với hai người bạn, vì không có bức nào chụp một mình.
Triều Tiên là một đất nước rất khó khăn, 2 anh chị hẹn hò nhau qua những phong thư. Anh Cảnh nhớ, có khi là những bức thư trao tay “trực tiếp” khi anh có điều kiện qua thăm nhà chị. Những dòng chữ phủ kín cả trang giấy, bao nhiêu tâm tư tình cảm gửi trao. Hoặc nếu cách trở, anh gửi bưu điện đưa tận tay chị. Mỗi lá thư ngày đó vận chuyển hết cả tuần mới đến tay người nhận, mỗi tháng 2 kẻ yêu nhau chỉ trao đổi thư được khoảng hai lần.
Theo lời anh Cảnh, cô Ri của những năm ngoài đôi mươi vẫn còn e thẹn, rụt rè và ít nói. Những chuyện buồn vui, lo âu trong cuộc sống, chị không nói ra, mà lặng lẽ viết thư rồi gửi anh Cảnh, dặn người tình không được mở ra đọc ngay. Khi nào về tới nhà, anh hẵng đọc. Anh biết chị buồn, nhưng không thể nào an ủi, càng buồn cho chuyện tình không được công khai. Triều Tiên và Việt Nam khi đó đều cấm công dân kết hôn với người nước ngoài. Việt Nam hiện đã bỏ quy định này nhưng Triều Tiên vẫn duy trì lệnh cấm.
Chiếc nhẫn cưới minh chứng hạnh phúc trên tay ông Cảnh.
Video đang HOT
Cô Ri hẳn là người hạnh phúc nhất thế gian này, chấp nhận tất cả để được ở bên người mình yêu.
Năm 1971, 2 người chụp chung với nhau một tấm ảnh, tại nhà chị, bằng máy ảnh anh mượn của bạn. Mỗi người giữ một bức, xem như một trong những kỷ vật hiếm hoi dành cho nhau.
Một ngày đầu năm 1973, anh Cảnh kết thúc khoá đào tạo tại Triều Tiên và buộc phải trở về Việt Nam. Đó cũng là ngày cuối cùng anh đến nhà người yêu chơi, trước khi hai người cùng bước ra sân ga ly biệt. Giữa sân ga, anh Cảnh nhìn chị Ri, chị nhẹ nhàng “đánh rơi” những giọt nước mắt. Anh chị không dám thể hiện sự thân mật, âu yếm vì nếu lộ ra, sẽ trở nên nguy hiểm.
Anh Cảnh bước lên toa tàu về nước, hứa một ngày nào đó sẽ quay lại tìm chị. Chị Ri đứng nhìn mãi tới khi đoàn tàu vụt mất vào hư không. Hôm ấy chẳng rõ đất Triều Tiên tuyết rơi hay không, nhưng trong lòng 2 kẻ yêu nhau đều như lạnh đến hóa băng.
Có lúc, họ từng nghĩ đấy là khoảng thời gian đau đớn, kiệt quệ nhất đời mình.
Những bức ảnh của ngày xưa, anh Cảnh gìn giữ cẩn thận như những đứa con tinh thần vô giá.
Lá thư từ Triều Tiên gửi đến Hà Nội: Vẫn yêu anh nhiều lắm
Về Việt Nam, những phong thư tình vẫn được cặp đôi trao gửi cho nhau nhưng ít hơn, mỗi năm chỉ khoảng đôi, ba lần.
Mãi đến năm 1978, anh Cảnh có dịp trở lại Triều Tiên để học về sản xuất thuốc trừ cỏ. Năm ấy, anh gặp lại chị, nhưng chỉ được 3 tháng vỏn vẹn. Thư từ cũng phải ngừng vì lý do cách trở điều kiện chính trị. Những lá thư ấy, chị Ri đọc xong phải đốt đi vì sợ bị phát hiện, còn anh Cảnh cất kỹ một xấp khoảng 40 lá trong tủ gỗ, nhưng bị mối xông từ lúc nào không hay.
Trong suy nghĩ, anh Cảnh dự tính viết một lá thư với ý định gửi cho giới lãnh đạo Triều Tiên đề nghị Bình Nhưỡng cho phép họ kết hôn. Tuy nhiên, chị Ri ngăn cản, nói: “Anh định thuyết phục nhà nước tôi à?”. Anh không trả lời, chỉ nghĩ phận mình thấp bé, chả làm được gì ngoài việc thuyết phục.
Căn nhà nhỏ hiện tại của ông Cảnh bà Ri, trước cửa họ trồng những chậu cây xinh xắn.
Bên trong là những tấm ảnh ngày xưa của ông bà và người thân.
Cuối những năm 90, Triều Tiên trải qua nạn đói nghiêm trọng. Lo lắng cho gia đình người yêu, anh Cảnh vận động bạn bè quyên góp và gửi 7 tấn gạo sang giúp đỡ nước bạn. Điều này giúp anh ghi dấu ấn trong lòng gia đình chị Ri.
Tuy nhiên, đến năm 1992, cả hai bặt vô âm tín, không thể liên lạc với nhau. Anh Cảnh từng nhận được tin người yêu đã lấy chồng, thậm chí có người bảo chị đã chết. May mắn thay, cùng năm đó, anh có cơ hội quay lại Triều Tiên với tư cách phiên dịch viên cho một đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng lần này anh không gặp được cô Ri.
Khi trở về Hà Nội, anh nhận được một lá thư từ chị, nói rằng chị vẫn yêu anh nhiều lắm.
“Chúng mình vất vả quá nhỉ”
Tháng 5/2002, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Di Niên sang CHDCND Triều Tiên, ông Cảnh (53 tuổi) viết một lá thư nhờ gửi lên các vị lãnh đạo trong đoàn nhờ can thiệp giúp chuyện tình cảm của mình. Điều bất ngờ đã đến khi ông nhận được phê chuẩn kết hôn của Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên, cho phép ông lấy bà Ri Yong Hui. Bình Nhưỡng đồng ý cho họ tùy chọn sống ở Triều Tiên hay Việt Nam miễn là bà Ri giữ quốc tịch gốc.
Ngày 1/10/2002, ông Cảnh bắt chuyến tàu từ Hà Nội sang Triều Tiên tìm gặp người thương. Trong hành lý, ông chuẩn bị bộ suit chú rể chỉnh tề, trang trọng, đồ cô dâu cũng là một bộ suit cưới, một đôi giày và cặp nhẫn cưới bằng vàng. Sau 2 ngày đường, ông quá cảnh ở Bắc Kinh. Do biết đời sống của Triều Tiên còn khó khăn nên khi dừng ở Trung Quốc, ông Cảnh mua thêm ít thịt lợn, thịt bò, mỗi món từ 3-4 kg để gửi tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng.
Tối thứ Bảy, ngày 4/10/2002, ông đặt chân lên mảnh đất Triều Tiên – nơi có “một nửa” mà ông vẫn hằng nhớ mong. Họ đã phải chờ đợi quá lâu cho một cuộc gặp gỡ, giống như chưa từng chia ly. Cô dâu Ri Yong Hui rời thành phố Hàm Hưng đến thủ đô Bình Nhưỡng gặp người thương. Tuy vậy, họ không được gặp nhau ngay lập tức. Bà mất thêm 15 ngày để hoàn thiện giấy tờ tại địa phương và khoảng vài tiếng để đi hết quãng đường 300 km từ Hàm Hưng tới Bình Nhưỡng.
Căn nhà nhỏ, ấm cúng và lãng mạn.
Hồ sơ kết hôn của hai ông bà.
Dù chỉ gặp mặt thêm đôi ba lần vào năm 1978 và bẵng đi 10 năm không hề thư từ qua lại, ông bà vẫn dễ dàng nhận ra đối phương khi hội ngộ vì “đó là người mình yêu mà”. Người con gái mà ông Cảnh đem lòng mến thương từ giây phút đầu chạm mặt lúc này đã 55 tuổi, những nếp nhăn xô đổ vẻ thanh tú trên gương mặt của người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân chờ người yêu quay lại.
Cuộc đoàn viên thay vì phải mừng rỡ, hân hoan, chú rể chỉ khẽ nói: “Chúng mình vất vả quá nhỉ”. Vợ ông chỉ im lặng gật đầu mà nước mắt tuôn rơi.
Sau hôn lễ tại “họ nhà gái”, ngày 13/12/2002, ông Cảnh và vợ đã tổ chức cưới lần 2 tại Nhà thi đấu Hà Nội. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đại diện bộ Ngoại giao và đại sứ Triều Tiên đã đến chúc mừng. Bà Ri có tên được phiên âm ra tiếng Việt là Lý Vĩnh Hỷ, có thể hiểu là “Niềm vui mãi mãi”. Mặc dù người thân ở Triều Tiên không thể tới tham dự đám cưới nhưng cô dâu Ri Yong Hui không lấy làm quá buồn, bởi “sang được tới đây là đã vui lắm rồi”.
Ngày hôm đó, ai cũng vui với hạnh phúc của cô dâu, chú rể nhưng trong lòng họ lại đượm một nỗi buồn day dứt. Khi hai ông bà đường hoàng đến với nhau, cả 2 đều đã già. Không thể có với nhau một đứa con chính là điều ông Cảnh tiếc nhất trong cuộc tình duy nhất của đời mình. Nhớ lại khi còn trai trẻ, bố nhiều lần giục cậu con trai duy nhất cưới vợ, nhưng ông hoặc cười trừ, hoặc nói chưa tìm được người như ý, bởi trong lòng vẫn trọn tình với cô Ri Triều Tiên.
“Khi cưới, tôi đã 54 tuổi, cô ấy 55 tuổi, chẳng thể sinh con được nữa. Đó là cái giá phải trả để có được điều mình nỗ lực nhiều năm mới có được. Giá như hạnh phúc có thể đến với chúng tôi sớm hơn”, ông Cảnh nhấp ngụm trà, nói.
Năm 2002, ông Cảnh và bà Ri chính thức kết hôn với nhau.
Đám cưới đơn sơ, mộc mạc ngày ấy.
Bao nhiêu kỷ niệm ùa về.
Bà Ri trong bộ hanbok truyền thống, còn ông Cảnh đóng vest.
Tính đến nay, hai ông bà đã cùng nhau trải qua 48 mùa yêu, trong đó 30 năm chia cách vì tình hình chính trị 2 nước. Đợi chờ cả tuổi trẻ để được ở bên người mình yêu, dẫu biết là khó khăn, chưa bao giờ một trong 2 người muốn từ bỏ.
“Đến với cô ấy, tôi biết là khó khăn chứ, nhưng trái tim mình mong muốn thì mình cứ theo đuổi theo. Người với người sống trên đời là để yêu nhau”.
Theo lời ông Cảnh, bao nhiêu khó khăn đã vượt qua nhường lại sự thanh bình trong cuộc sống này. Mỗi ngày, bà ở nhà lo cơm nước, sáng sớm ngủ dậy muộn tí cũng được, ông đạp xe nâng cao sức khoẻ. Chiều chiều, ông nắm tay bà cùng đi dạo, tập thể dục. Những hôm đẹp trời, ông lấy xe máy chở bà đi bát phố, ngắm cảnh sắc quê hương.
Ước mong duy nhất của ông bà hiện tại rất giản đơn, là có sức khoẻ, không bị ốm yếu để sống quãng đời còn lại hạnh phúc bên nhau.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Cảnh hy vọng cuộc hội đàm sẽ diễn ra thành công và người dân hai đất nước được tự do, hạnh phúc. Bởi đơn giản như ông nói, ai cũng có quyền được sống trong hoà bình, được yêu thương nhau và cùng về chung một nhà.
“Hai từ “tình yêu” thể hiện tất cả, có tình cảm rồi mới yêu. Nếu quay lại, tôi vẫn chọn Ri Yong Hui. Thậm chí nếu bắt buộc phải sinh sống ở Triều Tiên để được bên cạnh cô ấy, tôi đương nhiên chấp nhận”.
Theo Trí Thức Trẻ
Bố con đồng cảnh ngộ
Cuối tháng, chàng sinh viên gọi điện về nhà rên rỉ:
- Bố ơi, con hết tiền rồi ạ! Mấy hôm nay toàn phải ăn mì gói cầm cự.
Ông bố nghe thế liền mừng rỡ reo lên:
- Khéo ghê, bố cũng vừa hết xong. Xin mẹ xong nhớ tiện thể xin thêm cho bố một ít nhé!
- !!!
Tất Nhiên (st)
Theo VNE
Trưa cười: Ông nói gà nhưng bà nghĩ vịt Mời quý vị và các bạn thư giãn buổi trưa với mẩu truyện cười: Ông nói gà nhưng bà nghĩ vịt. Một chàng sinh viên chở bạn gái trên một chiếc xe đạp. ang đi, bỗng nhiên chàng thắng lại cái "ké...é....ét" ngay trước một quán pizza rồi quay ra sau hỏi: - Ăn không tình yêu của anh? Người yêu thấy quán...