Đoàn đến đoàn về, bệnh “lạ” vẫn tăng
Theo chân đoàn công tác của Bộ Y tế trở lại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi ngày 26-4, nơi bùng phát bệnh viêm dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (bệnh “lạ”), tình hình vẫn chưa khả quan.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thăm bà Phạm Thị Ước, bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh “lạ”, Ảnh: Ph.Long
Người dân ở bốn thôn, từ Làng Rêu đến Gò Nghênh, ở Hi Long qua Làng Tương, ai cũng hoang mang.
Chưa có biểu hiện lây
Video đang HOT
Báo cáo UBND xã Ba Điền cho biết những ngày qua có thêm năm người ở thôn Hi Long mắc bệnh “lạ”, tổng số ca bệnh là 177 với 19 người tử vong, trong đó đang điều trị ở Quy Nhơn 43 người và Trung tâm Y tế Ba Tơ 5 người, còn những trường hợp nhẹ, tái phát điều trị ở nhà. Đoàn công tác chia làm bốn tổ để khảo sát ký sinh trùng, môi trường, tập tục và đời sống bà con và tổ lâm sàng.
Các y bác sĩ đi tới từng nhà ở Làng Rêu, Hi Long, Gò Nghênh để điều tra trên diện rộng về căn nguyên bệnh. Đây là đoàn thứ ba của Bộ Y tế vào xã Ba Điền kể từ đầu tháng 4 đến nay và trước đó còn có các đoàn của ngành y tế Quảng Ngãi, Bộ tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng).
Trao đổi với báo chí sau khi thăm khám và khảo sát ở địa phương, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết hiện chưa có khuyến cáo cụ thể về căn bệnh này. Ông nói sau khi các tổ khảo sát hoàn thành, có kết quả xét nghiệm, các giáo sư, nhà khoa học sẽ ngồi lại với nhau và đưa ra nhận định chung, tiếp đó tìm biện pháp, khuyến cáo hợp lý nhất cho người dân, sớm nhất là tối 27/4 được đưa ra được các khuyến cáo cần thiết.
Theo ông Bình, vừa qua có 14/26 mẫu xét nghiệm từ người mắc bệnh “lạ” có cho dương tính vi-rút Ricketsia gây bệnh sốt mò bọ chét. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh.
Qua đánh giá ban đầu của các chuyên gia, hiện chưa tìm thấy bằng chứng về sự lây lan bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân có rối loạn chức năng gan từ người này sang người khác, dù trong một năm kể từ khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, bệnh nhân mắc bệnh này từ co cụm ở một xã nay đã mở rộng lên bốn xã.
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ có cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Y tế và các cơ quan chuyên môn về hướng xử lý tiếp theo trong việc tìm căn nguyên bệnh lạ. Với các mẫu bệnh phẩm, mẫu đất, nước tại khu vực có bệnh nhân đã lấy để kiểm tra, dự kiến sẽ có kết quả trong một tuần nữa.
Theo báo cáo ban đầu, ngoài biểu hiện dày sừng da bàn tay bàn chân, khoảng 10% bệnh nhân mắc bệnh này có men gan tăng cao từ 4-20 lần so với bình thường, một số bệnh nhân bị xuất huyết, giảm protid máu. Trong số trên 170 bệnh nhân bị viêm dày sừng da bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi trong một năm qua, lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 15-29 tuổi.
Âu lo Ba Điền
Từ tháng 4/2011 đến nay, khi bệnh “lạ” ở xã Ba Điền bùng phát, người dân các làng đã quen cảnh hầu như tuần nào cũng có một đoàn y, bác sĩ đến. “Tui quen cái cảnh lấy nước uống, gạo, máu, lấy tóc, da, phun thuốc… Đoàn này làm rồi, sau đoàn khác đến cũng làm như vậy. Cái bệnh của làng thì cứ mỗi ngày một tăng, người chết không giảm”, già làng Phạm Văn Đang than. Đến Trường tiểu học THCS Ba Điền, quang cảnh vắng tanh. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Dương buồn bã: “Ngày 24/4, tình hình bệnh có lắng xuống, học sinh đi học đông lên. Vậy mà ngày 25/4, khi xã có thêm ca bệnh, sáng 26/4 trở lại như mấy ngày trước, chỉ 50% học sinh đến lớp”. Theo thầy Dương, hiện trường có 29 học sinh mắc bệnh “lạ”, tám em tử vong. Thầy Dương cũng kể thêm năm 2008, xã Ba Điền đã có người chết mà triệu chứng bệnh giống bệnh “lạ” này.
Già làng Đang cho biết: “Ở đây, thời chiến tranh bị rải chất độc nhiều lắm. Hồi đó, tôi là bộ đội đóng quân trên núi, thấy máy bay rải chất độc tới đâu là cây cối chết đến đó”. Tiếp lời, anh Xa, cán bộ y tế xã Ba Điền, cho hay già làng Mai cách đây năm năm đi làm ruộng phát hiện cái hũ có bề mặt màu đen, phía dưới như mật ong, có mùi rất hôi. Già Mai đã chôn cái hũ đó xuống ruộng. Mới đây đoàn công tác của Bộ tư lệnh Hóa học theo hướng dẫn của già Mai đến khu ruộng, nơi chôn hũ hóa chất đào lên thì không tìm thấy.
Hiện ở Ba Điền có đến 14 gia đình với 68 nhân khẩu đều mắc bệnh.
Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho rằng bệnh “lạ” không lây giữa người với người. Ngành y tế đã tăng cường cán bộ xuống xã, làng để theo dõi, thăm khám cho những người mắc bệnh nhưng vẫn chưa làm an lòng dân. Mặt khác, những gia đình có người đang điều trị bệnh bỏ làm ăn, lâm vào cảnh khó khăn.
Bà Phạm Thị Nga, phó chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết đời sống của người dân đã khó nay càng khốn khó hơn bởi lương thực cạn kiệt, địa phương đang kiến nghị hỗ trợ người dân.
Theo Phúc Long – Lan Anh
Tuổi trẻ