Đổ xô đi săn gà chọi dịp cận Tết
Thời gian gần đây, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nở rộ phong trào nuôi gà chọi. Từ đầu tháng 12, các “cò” gà ở thành phố lớn đã đổ về các vùng quê săn gà chiến, cung cấp cho các đại gia mê đá gà mùa Tết.
Nghề nuôi gà chọi: “một vốn bốn lời”
Có thể nói, chưa bao giờ số người nuôi gà đá (gà chọi) ở ĐBSCL nhiều như hiện nay, nhộn nhịp nhất là ở Cao Lãnh (Đồng Tháp ), Chợ Lách (Bến Tre) và dọc theo các tuyến lộ miền Tây, nhất là vào những ngày giáp Tết.
Anh Nguyễn Văn Lai ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho biết: “Bà con ở huyện chợ Lách này cũng như huyện Cái Mơn ngoài thời gian chăm sóc vườn hoa kiểng còn tranh thủ nuôi thêm mấy đàn gà đá. Mỗi tháng kiếm lời trên bạc triệu, nhiều khi gặp được một vài con gà chiến, tung đòn giỏi thì tiền lời gấp 3 – 4 lần bán một con gà thịt”.
Theo anh Lai – một người có kinh nghiệm chăm sóc và biết “xem tướng” gà – chỉ cần nuôi vài bầy gà giống, mỗi năm cũng có thể chọn ra hàng chục con gà chiến có giá trị từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/con. Ngoài ra, anh Lai cũng “bật mí” cách chọn gà đá. Theo anh Lai, gà đá mỗi con mỗi vẻ, màu sắc đa dạng, tính “yêng hùng” cũng khác nhau, nhất là gà điều, gà xám, gà ô, gà tía.
Ông Tư Râu (xã An Hảo, Tịnh Biên) đang sở hửu con gà trống rừng, mỗi năm thu về chục triệu từ việc bán gà giống.
Anh Nguyễn Văn Tư ở xã Song Phú, Huyện Tam Bình, Vĩnh Long, chia sẻ: “Nuôi gà đá tuy dễ kiếm tiền nhưng rất cực và công phu, đòi hỏi người nuôi phải có bề dày kinh nghiệm, lão luyện, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo, chọn được những con hùng dũng, lông lá màu sắc kỳ vĩ, cặp cán (chân) khoẻ mạnh, vẩy vi đều đặn và tiếng gáy oai phong. Ngoài ra họ còn phải biết o bế, chăm sóc và nâng niu gà như con của mình”.
Video đang HOT
Muốn có được những con gà chiến đấu bền bỉ, gan dạ, người nuôi phải chú ý đến con bố mẹ, nhất là con mái phải có ngoại hình khác thường, khoẻ mạnh, hung dữ. Nếu sau một vài lứa, đàn con xuất hiện những con gà trống gan lì, có khả năng chịu đòn giỏi thì người ta sẽ chọn con mái đó làm giống và ra sức huấn luyện những con gà trống nổi trội trong đàn.
Theo anh Lai và anh Tư, cho biết ngoài một số người dân háo hức với nghề nuôi gà đá “một vốn bốn lời” này, một số bà con khác nuôi gà đá là để làm cảnh, thưởng thức tiếng gáy vang khỏe của chúng vào mỗi buổi sáng sớm.
Hiện nay, ngoài những hộ nuôi gà tại nhà còn có một lực lượng khá đông chuyên đi săn tìm những con gà độ để cung cấp cho các đại gia “mê gà”, nhất là từ khi bên kia biên giới Campuchia ở Tây Nam mở ra những trường đấu gà lớn. Nhiều tay cá độ có máu ăn thua ráo riết lùng sục khắp nơi để tìm cho được những con gà độ có nhiều thành tích và tiếng tăm lừng lẫy.
Vượt 200 km để săn gà đá
Trung tuần tháng 12, chúng tôi có dịp về huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, tình cờ gặp nhóm săn gà đá của anh Nguyễn Văn Long (TP Hồ Chí Minh) đang “đóng quân” 3 ngày trên địa bàn huyện, lăn lê vào tận các ngõ ngách xóm, ấp, săn gà chiến.
Anh Long vui vẻ cho biết: “Năm nào cũng vậy, hễ đến khoảng thời gian này, tôi và mấy anh em lại khăn gói lên đường về các huyện của Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang,… để săn gà chiến cho các đại gia mê gà đá. Công việc này chỉ vất vả 1, 2 mùa đầu, chứ mấy mùa sau là có địa chỉ, số điện thoại rồi nên người dân a lô là mình đến xem, chịu giá thì chi tiền, nhận gà ngay”.
Theo anh Long mấy năm trước để săn được gà chiến, giá rẻ, nhóm anh phải lặn lội vào tận ấp, xóm,… để tìm mua. Thấy cách làm này vừa mắc thời gian, vừa tốn nhiều công sức nên năm rồi nhóm anh Long ký gửi hàng chục con gà trống và gà mái chiến cho một số hộ dân uy tín chăm sóc. Cuối năm nhóm anh chỉ đến thu hoạch, trả tiền công cho người nuôi.
Càng gần Tết các “cò” gà ra sức săn tìm gà đá chiến
Bác Tư Chèn – xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè) – cho biết: “Do xứ mình chưa có giống gà hay bán bạc triệu nên thời gian đầu mình phải kết hợp với mấy anh em “cò” gà tìm giống tốt lai tạo. Từ lứa thứ 2, 3, mình bán mỗi con từ 1 đến 2 triệu đồng, lại có giống gà hay để nuôi tiếp”.
Không khí săn gà đá dịp Tết cũng không kém phần náo nhiệt ở Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ,… Anh Hòa – một người săn gà có hơn 10 kinh nghiệm ở TP Hồ Chí Minh – cho biết: “Mấy năm trước cò săn gà đá ít nên có khi mình chậm trễ được. Bây giờ nhiều thanh niên có chút kinh nghiệm xem tướng gà là có thể hành nghề. Bởi vậy trong mấy tuần cuối tháng 12, đầu tháng 1 này, anh em tụi tôi phải chạy vắt giò lên cổ mới có gà chiến cung cấp cho khách”.
Theo anh Hòa, tùy khả năng của mỗi nhóm “cò”, có nhóm một mùa tết cũng kiếm được cả trăm triệu. Nếu một mùa Tết “trúng” 50 – 70 con gà cực chiến, mỗi “em” bán với giá từ 10 – 30 triệu thì đã có trăm triệu trong tay.
Từ lâu nghề nuôi gà đá đã là một nghề có thu nhập hấp dẫn. Nếu như những người nuôi gà và thuần dưỡng gà xem đây là một hoạt động mang tính văn hoá thì việc nuôi gà đá để kinh doanh, giải trí và làm cảnh mới thực sự có ý nghĩa. Nhưng một số người lợi dụng tính “yêng hùng” của những con gà chiến để tổ chức cờ bạc, cá độ và sát phạt lẫn nhau, khiến trò chơi đá gà đã phai nhạt dần nét đẹp.
Theo Dantri
Teen boy đốt ngàn đô cho thú mê... bạc gà
Nhiều người lắc đầu không thể hiểu tại sao: Giữa rất nhiều những thú vui hiện đại đang du nhập vào nước ta ngày một nhiều như: Hiphop, gameonline rồi mới đây là khúc côn cầu, trượt ván thì nhiều "teen boy" Hà Nội lại chọn cho mình một thú chơi đầy chất "hoài cổ" như chọi gà với nào là tía, xám, ô... rồi đá kiềng, đá mé...
Theo L "phát" một tay chơi gà tuổi teen có tiếng ở khu Quan Hoa, Cầu Giấy thì đó chính là vì hiện nay chọi gà không phải chỉ là một "thú chơi" nữa mà bây giờ nó đã trở thành một loại hình "chơi bạc" đầy "tinh thần"... sát phạt.
Chân dung bạc gà tuổi teen
Ở Hà Nội hiện nay chỉ đảo quanh một vòng, nhất là những ngày cuối tuần, sẽ không khó để bắt gặp đâu đó một sới gà tại một công viên, vườn hoa hay vỉa hè nào đó. Có khi chỉ là vài trận giao hữu để luyện võ cho gà nhưng cũng có khi chỉ sau vài hồ (mỗi trận đấu gà được tính làm 10 hồ - hiệp đấu, mỗi hồ 15 phút) là đã có người phải ngậm ngùi chia tay con xe ga bạc triệu của mình.
Những tưởng thú chơi đậm chất truyền thống dân gian này chỉ là đam mê của những người hoài cổ hoặc đứng tuổi, thì trong vài năm trở lại đây, cùng với việc chọi gà được các tay cờ bạc hồi sinh lại một cách mạnh mẽ. Các chủ gà cũng được trẻ hoá rất nhiều và trong đó không ít người vẫn còn ở cái tuổi cắp sách tới trường.
Chuẩn bị nhập cuộc
Với những người hay "dạo chơi" tại một số trường gà như Ninh Xá (Bắc Ninh), Vạn Phúc (Hà Đông) thì ít ai mà không biết tới Luân "tía", một cựu học sinh Kim Liên vừa ra trường thế nhưng cũng đã có thâm niên 4 năm bập vào gà chọi. Với những người trong nghề thì tuổi đó chỉ là hạng tôm tép, nhưng với con Tía Lửa (lông màu đỏ) mà Luân cất công ra tận Đồ Sơn (Hải Phòng) để rinh về cách đây hơn một năm, sở trường với cú hầu dọc thần sầu, Luân cũng đủ tự hào mà vỗ ngực thách thức bất cứ một đối thủ sừng sỏ nào.
Teen và "chiến kê" chuẩn bị vào sới
Không chỉ riêng Luân "tía", hiện nay tại nhiều trường PTTH, quanh địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã xuất hiện một lực lượng khá lớn những tay chơi gà chọi, nếu xét về tuổi nghề và kinh nghiệm thì chỉ đáng hàng chút chít, nhưng nếu xét về độ chơi (đặc biệt là "dân Thủ đô") thì chỉ cần vào sới là có thể khiến không ít "các anh, các bác" phải ngả mũ kính phục.
Để từng bước trở thành một "bạc gà" chuyên nghiệp, theo L thì một điều không thể thiếu đó là phải thường xuyên "đóng học phí" ở các "trường gà". Ai may mắn thì kiếm được một "sư kê" truyền dạy trực tiếp còn không thì cứ vào sới mà học lỏi. Có đứa đã phải đổi cả mấy chiếc laptop Vaio rồi điện thoại, xe cộ mới đủ bập bẹ vào sới. Bởi với chọi gà, không thể chỉ nghe lỏm hay đọc qua sách vở mà có thể trở thành cao thủ được.
Ít nhất thì cũng phải bỏ công chăm sóc, nuôi dạy kinh qua vài chục đời "chiến kê" thì mới gọi là qua được vòng gửi xe. Từ những việc đầu tiên như việc nhận biết, phân biệt về hình dạng đặc điểm của gà như: lông, tướng, mồng, mỏ, lường rồi đến quần sương, "chạy lồng", thoa thuốc... cho đến khi phân biệt được nào là án thiên, phủ địa, tam tài... tất cả đều phải đổi bằng niềm đam mê cộng với tiền hoặc rất... nhiều tiền.
Mất nhà mất xe và mất... thân
Hiện các sới chọi gà đang mọc lên khắp mấy vùng ven đô lúc lén lút, lúc rầm rộ công khai, từ sới Yên Sở (Thanh Trì) đến Vạn Phúc (Hà Đông), Quan Hoa (Cầu Giấy) đến Từ Sơn (Bắc Ninh)... Với những người trong nghề, không khó để có thể tìm đến những chỗ này. Những chủ sới ở đây phần lớn là những anh chị có máu mặt, những lão làng của nghề bạc gà.
Việc mở sới vừa giúp quy tụ những "anh hùng" trong giới về một mối, vừa tạo là một "đấu trường lành mạnh" cho những người mê đá gà. Nhưng cái chính là tạo ra một nguồn thu khổng lồ. Sau mỗi trận đấu người thắng phải chi cho biện gà 50.000 đồng /triệu, riêng những chủ có gà thi đấu phải chi thêm 500.000đ tiền cựa, 1.000.000 tiền trường. Ngoài ra còn tiền thức ăn, đồ uống, phí gửi xe, an ninh...
Chỉ nhìn qua mức phí vào sới như thế cũng đủ để biết lượng tiền đặt vào mỗi cuộc chọi gà phải lớn đến mức nào. Với những sới kiểu này thường là hơi quá tầm so với mặt bằng chung của giới teen, họ đến chủ yếu mang tính chất học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm. Thế nhưng cũng có không ít những teen thuộc hàng "quý tộc" với niềm đam mê sống chết với bạc gà của mình có thể sẵn sàng cho bốc hơi vài "em" vespa LX chỉ để chơi sòng phẳng với các "chú, bác"trong một buổi chiều.
Luân "tía" và "L" "phát" chính là một trong những dân chơi mới nổi kiểu đó. Với số tiền trên, nếu xét theo lương công chức hiện nay, chỉ trong một buổi chiều một cậu ấm có thể đốt số tiền bằng cả năm bố mẹ cày cuốc.
Để "gọn nhẹ", thường thì các teen tự tổ chức sới với nhau. Có khi là một góc sân chung cư, một góc công viên hay khu bờ cỏ thơ mộng nằm giữa đường Láng và sông Tô Lịch cũng là địa điểm được khá nhiều teen lui đến. Chỉ cần vác theo một tấm các tông được ghép dài hoặc chuyên nghiệp hơn thì làm hẳn bìa nhựa dẻo nẹp tre cẩn thận quây xuống đất là đã có thể tạo ra một trường đấu cho các chiến kê thể hiện đủ các ngón nghề dọc, mé... Nhìn qua tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi trận đấu kiểu như thế nếu không phải là giao lưu luyện tập cho gà mới lớn, số tiền cược cũng có thể lên đến từ một vài triệu thậm chí đến cả chục triệu đồng một trận.
Với lô đề, bắt bóng, không ít gia đình đã phải tán gia bại sản chỉ vì những cậu ấm ham đỏ đen bài bạc. Với bạc gà hiện nay, nhìn vào tưởng chừng chỉ là một "thú vui nho nhỏ", nhưng chỉ cần các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm kiểm soát một cách chặt chẽ có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường không chỉ mất tiền mất xe mà còn mất luôn cả con.
Gà chọi ngàn "đô"
Hiện nay với những người tập toẹ chơi hoặc chơi chỉ để làm cảnh thì có thể lui tới chợ Hà Đông vào các ngày 5 - 10 - 15 ...25 30. Tại đây có đủ loại, từ những chú giá chỉ một vài trăm cho đến những đấu sĩ giá cả 5 - 10 triệu đồng. Theo H "tươi" (Long Biên) một tay chơi gà có tiếng ở Hà thành thì giá kỷ lục cho một con gà chọi là ở Việt Nam là... 3.500 USD. Đó là giá "đỉnh" cho một chiến kê ở đất Thổ Hà (Việt Yên - Bắc Giang)!?
Theo VietNamNet
Hai Lúa ế vợ Nam thanh niên nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khó cưới vợ vì thực trạng phụ nữ dôn vê thành phô, kêt hôn với người nước ngoài và tình trạng sinh suât nam cao hơn nữ... Phụ nữ nông thôn cũng không muốn lấy chồng Hai Lúa... Nhìn dáng vẻ bề ngoài ai cũng thây Hai Hảo ở...