Đô vật già, trẻ, gái, trai thượng đài ở xứ Huế
Sáng mùng 6 Tết, đình làng Thủ Lễ sôi động với những màn so tài của gần 100 đô vật.
Sáng 2/2 (mùng 6 Tết), đình làng Thủ Lễ (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) sôi động với tiếng trống khai hội vật truyền thống.
Sới vật hình tròn được đặt giữa sân đình để phục vụ khách du xuân. Các đô vật thượng đài sau tiếng trống khai hội do trưởng làng đánh.
Ra đời từ thời các chúa Nguyễn nhằm tuyển chọn những thanh niên trai tráng, mạnh khỏe để bảo vệ đất nước, sau một thời gian gián đoạn, hội vật truyền thống làng Thủ Lễ được khôi phục và ngày càng quy mô, chuyên nghiệp.
Từ sáng sớm, người dân địa phương và du khách đã tập trung về sân đình chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Nhiều người phải leo lên cây mới có thể theo dõi màn so tài của các đô vật.
Nhiều cụ già chống gậy đi xem đấu vật, những màn so tài ở đây đã trở thành một bữa tiệc tinh thần rất lớn với người dân Cố đô nói chung, Quảng Điền nói riêng mỗi dịp đầu xuân.
Hội vật bắt đầu với màn so tài của 2 đô vật cao niên, với ý nghĩa tinh thần “càng già càng dẻo càng dai” và truyền động lực cho thế hệ sau duy trì hội vật của làng.
Video đang HOT
Sau màn so tài của những người cao niên là các trận đấu của đô vật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Hội vật làng Thủ Lễ năm nay có gần 100 đô vật tham gia, gồm cả nam và nữ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Các đô vật thi đấu trên nguyên tắc loại trực tiếp, ai giành hai trận thắng liên tiếp, làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng”thì sẽ vào vòng bán kết.
Các đòn thế khóa tay, chân, quật ngã đối thủ thường được các đô vật sử dụng.
Một thế vật độc đáo của đô vật nữ.
Hội vật làng Thủ Lễ không mang nặng giải thưởng mà quan trọng nhất là phát huy tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến theo dõi màn so tài của các đô vật và tặng thưởng những người chiến thắng.
Võ Thạnh
Theo VNE
Chợ hoa Tết miền Trung nhộn nhịp
Phải đến 29 Tết, nhờ trời hửng nắng, thị trường hoa Tết ở nhiều tỉnh miền Trung mới sôi động sau nhiều ngày ế ẩm do mưa.
Những ngày cận Tết, trời mưa kéo dài tại nhiều tỉnh miền Trung nên lượng người mua giảm. Sáng 26/1 (29 Tết), trời rực nắng khiến mặt hàng này sôi động trở lại.
Tại Quảng Nam, nhiều tiểu thương nói giá quất cảnh, hoa, mai... cao hơn những năm trước do phải đưa từ nơi khác về. Tỉnh này năm nay lũ liên tiếp, hai tháng giáp Tết mưa triền miên nên người trồng hoa mất mùa.
Ở Đà Nẵng, sáng 25/1, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đội mưa đến động viên người bán hoa tại khu vực chợ hoa Xuân trước Quảng trường 2/9, do chợ vắng vì mưa nhiều ngày. Sáng nay khi trời hửng nắng, nhiều người bắt đầu đến sắm Tết.
Cây mai này được bán với giá 1,4 triệu đồng. Khách mua cho biết do thời tiết miền Trung năm nay khắc nghiệt nên có được cây mai nhiều nụ và hoa là mừng, không tính toán nhiều đến giá cả.
Người Đà Nẵng có thói quen để chậu hoa cúc trang trí trước cổng nhà nên loại hoa này bán khá chạy.
Nhiều chủ sạp bán hoa Tết ở Đà Nẵng sáng nay mừng ra mặt khi được thành phố hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng.
Tại Huế, do nhiều ngày mưa lớn, lo ngại bị ế, một số chủ vựa hoa đã đại hạ giá để xả hàng. So với các năm trước, năm nay hoa giá cao hơn. Trung bình mỗi cặp hoa cúc giá 300.000-600.000 đồng. Riêng hoa cúc Mỹ khoảng 900.000 đồng/cặp.
Sáng 26/1, trời xứ Huế nắng ráo trở lại, các chợ hoa lại đông khách. Các năm trước, khu vực Kỳ Đài Kinh thành Huế chật kín hoa cúc nhưng năm nay lượng bày bán chỉ bằng 1/3. Nguyên nhân do đợt lũ vừa qua, người trồng hoa cúc ở xã Phú Dương, Thủy Vân bị mất trắng do ngập sâu.
Tại Quảng Trị, lượng hoa Tết chỉ bằng một nửa năm ngoái. Do mưa liên tục khiến cánh hoa dập nát, ít hút khách. Các tiểu thương chỉ mong trời ngớt mưa để bán cho hết hàng.
Dịch vụ chở hoa, cây cảnh thuê cũng giúp nhiều lao động có thu nhập trong những ngày cận Tết. Chiều nay, trời ở nhiều tỉnh miền Trung lại lất phất mưa.
Nhóm phóng viên
Theo VNE
Những gốc Hoàng Mai giá trăm triệu ở Huế Giá bán mai Huế thường cao hơn so với nhiều loài mai khác, một gốc mai có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ. Hoàng Mai được xem là cây cảnh "đặc sản" của xứ Huế, và còn được gọi là Lạp mai. Lạp là sáp ong, được ví với màu vàng tươi nhuận của hoa...