Đồ nhựa dùng lại: Nguy cơ nhiễm khuẩn, thôi nhiễm hóa chất
Sau khi dùng các thực phẩm đóng gói trong bao bì bằng nhựa, nhiều người có thói quen giữ lại các vỏ chai lọ, hộp nhựa này để tái sử dụng.
Cách tiết kiệm này có thể hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài nguy cơ thôi nhiễm hóa chất thì đây rất có thể sẽ là ổ chứa vi khuẩn do vệ sinh không sạch sẽ.
Lợi thì có lợi
Theo KS Vũ Tân Cảnh, phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme – Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), người dân thường tái sử dụng các đồ nhựa nhằm mục đích tiện lợi, tiết kiệm là điều tốt. Tuy nhiên, cũng cần có những kiến thức nhất định để việc tái sử dụng đồ nhựa này không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ví dụ, các hộp sữa chua của công ty sau khi ăn xong vẫn có thể dùng lại để làm hộp sữa chua nhà tự làm, hoặc cốc làm đá trong tủ lạnh, chai nước khoáng uống xong cũng có thể đựng nước tiếp. Nhiều người cũng có thói quen ăn kem xong để lại hộp để đựng thức ăn trong tủ lạnh.
Chai đựng đồ uống được làm từ nhựa PET (#1) chỉ nên sử dụng một lần.
Điều này có thể được, bởi bản chất của các đồ nhựa này là đã đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên mới được sử dụng để đựng thực phẩm bán ra thị trường, nên sau lần sử dụng đầu tiên vẫn có thể dùng lại. Hơn nữa, trong quá trình dùng, các đồ nhựa này không những không có chất độc hại mà nhựa đã bị trơ với môi trường, dẫn đến khó có thể ảnh hưởng ngược lại.
Tuy nhiên, người sử dụng cần hết sức chú ý đến dạng vật chất đựng bên trong, bởi đối với hộp đựng kem, nhựa được gia công để chịu nhiệt độ thấp, nên không thể dùng đựng thức ăn nóng, mặn, có tính axit như dưa cà, mắm muối, hoặc có thành phần lipit như dầu mỡ, chất béo. Bởi khi tái sử dụng, các đồ nhựa này có thể bị biến dạng, nóng chảy hoặc kết hợp với một số chất, vật ngoại lai khác bám trên bề mặt làm sinh ra các sản phẩm phụ ngoài mong muốn. Tốt nhất chỉ nên tái sử dụng hộp nhựa để đựng đồ khô, trung tính.
Không nên sử dụng, nếu…
Chai đựng nước ngọt và nước uống đóng chai thường được làm từ nhựa PET (#1), là loại nhựa chỉ đảm bảo chất lượng cho sử dụng một lần. Một nghiên cứu của Đại học Idaho (Hoa Kỳ) cho thấy, các hóa chất được sử dụng trong chế tạo loại nhựa này có thể thôi ra và ngấm vào nước nếu chúng ta đem sử dụng lại hoặc để chai tiếp xúc với ánh nắng, nhiệt độ và thời gian.
Một lý do nữa mà nghiên cứu này đưa ra để không nên tái sử dụng chai đựng nước và soda làm từ nhựa #1 là vì chúng rất khó cọ rửa sạch. Đây là loại nhựa xốp, những chai này trong quá trình sử dụng đã bị ngấm các hương liệu và vi khuẩn mà bạn không có cách nào rửa sạch chúng được.
Ngoài ra, các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần thường được làm mỏng, độ bền kém, hạn chế thôi nhiễm kém, có thể dùng lần thứ nhất không sao nhưng sử dụng lần thứ 2 là đã bị thôi các chất tạo màu, phụ gia. Đặc biệt, sử dụng lại trong nhiệt độ cao sẽ khiến các chất phụ gia bị thôi nhiễm gây độc hại cho sức khỏe người dùng. Vì thế, tốt nhất dùng đúng với mục đích của nhà sản xuất và tuân thủ đúng các chỉ dẫn.
Cũng theo KS Tân Cảnh, sử dụng nhựa nguyên chất trong bảo quản thực phẩm có màu trắng đảm bảo độ an toàn hơn nhựa màu. Bởi để tạo nên màu sắc sặc sỡ, nhà sản xuất thường phải cho thêm bột màu công nghiệp, khiến phẩm màu có thể bị thôi ra trong quá trình sử dụng.
- Các nhà khoa học cũng cảnh báo hãy rửa các hộp nhựa nhẹ nhàng với xà phòng không chứa chất ăn mòn, bởi các loại cọ và hóa chất tẩy rửa mạnh có thể làm xước bề mặt nhựa, trở thành “ngôi nhà lý tưởng” cho vi khuẩn. Tránh tái sử dụng các đồ nhựa có bề ngoài đã bị cũ, trờn xước, dính bẩn.
– Phân loại theo nhiệt độ, có hai loại nhựa là nhựa nhiệt dẻo và nhựa nhiệt cứng. Nhựa nhiệt dẻo sẽ biến dạng khi có sử dụng ở nhiệt độ cao. Còn nhiệt cứng đựng được nhiệt độ cao hơn. Tuy nhiên, tốt hơn hết nên hạn chế dùng nhiệt độ cao khoảng gần 100oC trở lên để tránh các nguy cơ thôi nhiễm hóa chất.
Theo Bee.net.vn