Đồ nghề cao cấp có làm nên một game thủ chuyên nghiệp?
Chơi game là phải sắm gear thật xịn, thật đẳng cấp, có như vậy thành tích đạt được mới cao, mới xứng tầm chuyên nghiệp. Nực cười hơn, có những người chơi còn đánh giá đối thủ chỉ qua độ “khủng” bộ gear mà họ mang theo. Dường như không ít gamer đang quên mất điều gì mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại trong mỗi trận đấu.
Đồ nghề cao cấp là cần thiết
Nhẩm tính một cách sơ sơ thì muốn đầu tư đủ bộ chuột, bàn phím, bàn di (chưa kể tai nghe) vào loại tương đối để chơi game trên PC thì bạn hãy sẵn sàng móc ví trên dưới 100USD hoặc nhiều hơn, tức là vào khoảng gần 2 triệu đồng Việt Nam – con số không hề nhỏ. Tất nhiên, với một bộ gear xịn, những gì bạn nhận được hoàn toàn xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Thể thao điện tử giống như cuộc chơi của tốc độ và sự chính xác, bạn muốn giành chiến thắng thì chuột, bàn phím, bàn di hay gamepad tốt là điều cần thiết. Việc ấy đảm bảo phần nào cho thành tích của bạn và độ ổn định trong suốt quá trình thi đấu. Với những thiết bị phổ thông, giá thành thấp, việc đó khó đạt được.
Giới hạn sản phẩm cũng là một chi tiết đáng quan tâm, bởi lẽ phụ kiện phổ thông sản xuất cho số đông người dùng phổ thông và rõ ràng hiệu năng sử dụng chỉ nằm trong một mức độ nhất định, không thể bì kịp những đồ nghề hạng sang, dán mác “for gamer”. Đơn cử như độ nhạy của chuột chơi game chuyên dụng lên tới cả ngàn DPI, bàn phím phục vụ người chơi StarCraft thường xuyên đáp ứng tốc độ ra phím lên tới 200 – 300 apm rất dễ dàng…
Bên cạnh đó, model cao cấp thường đi kèm với nhiều tính năng phụ hấp dẫn như các nút thay đổi DPI trên chuột, khả năng thay đổi trọng lượng chuột phụ hợp từng đôi tay, bàn phím chuẩn hay đi kèm với hệ thống các nút marco hữu dụng… Nếu biết khai thác triệt để đặc điểm này thì sẽ tạo nên lợi thế đáng kể cho những gamer xài đồ nghề xịn.
Nhưng có phải yếu tố quan trọng nhất?
Ưu điểm của đồ nghề cao cấp đã rõ, tuy nhiên vẫn có những game thủ sắm đến đủ loại vũ khí, vô số nhãn hiệu cùng khoản tiền khổng lồ bỏ ra khiến nhiều người phải tròn mắt ngạc nhiên mà kết quả xung trận vẫn chẳng đâu vào đâu. Nguyên nhân vì sao?
Thứ nhất, phần nhiều trong số những game thủ này mang nặng tâm lý chạy theo số đông và thích ra oai trước đồng đội. Họ đổ nhiều tiền bạc vào chuyện sắm sửa và nâng cấp đồ nghề chơi game bởi thấy người khác cũng vậy, cũng như thích thú trước ánh mắt ngưỡng mộ của đối thủ khi nhìn vào ba lô của mình hơn là sự nể phục lúc chiến thắng trên sàn đấu.
Video đang HOT
Có thể khẳng định, những gamer này quên mất trình độ, sự khổ luyện và học hỏi mới là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến kết quả thi đấu. Đồ nghề chinh chiến tốt luôn cần thiết nhưng không có nghĩa phải quá chú trọng. Nếu còn giữ tâm lý như vậy, bạn mãi mãi chỉ như anh chơi phụ kiện đắt tiền chứ không bao giờ được hiểu là gamer đúng nghĩa.
Không đáng lên án bằng trường hợp thứ nhất nhưng sự thiếu hiểu biết của game thủ cũng là yếu tố khiến thành tích không tăng cùng với độ khủng của đồ nghề. Thị trường phụ kiện chơi game đang rất phát triển với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Vì thiếu nền tảng, chẳng có gì lạ nếu bạn hy sinh cả đống tiền nhưng lại rinh về kho thiết bị chẳng hề phù hợp với mình.
Ví dụ rất đơn giản như chuyện chọn chuột chơi game, người chơi tinh tường sẽ phải biết nó phụ thuộc vào rất nhiều khía cạnh như vừa khuôn đôi tay không, hợp với thể loại game mình đang chơi ra sao? Hoặc như chọn mousepad, bạn cũng phải biết mình cần phiên bản Speed hay Control, chất liệu cứng hay mềm, cỡ to hay nhỏ, tương thích với cảm biến quang, laser ra sao…
Với một bộ phụ kiện kém tương thích, chúng ta khó có thể nâng cao thành tích chơi game nếu không muốn nói là có thể tụt hậu so với thời kỳ chưa bỏ tiền ra lên đời.
Chắc chắn, đồ nghề chơi game cao cấp là điều cần thiết và nên có, nhưng để phát huy được hết hiệu quả của máy móc thì người chơi cần chuẩn bị cho mình những kiến thức nhất định.
Tuy nhiên, hơn hết gamer hãy ghi nhớ rằng sự khổ luyện, tìm tòi và học hỏi mới là thứ quyết định nhiều nhất đến thành tích cuối cùng. Nếu kinh tế có hạn, giải pháp chọn mua phụ kiện cũ hoặc những món đồ nghề rẻ mà tốt vẫn có thể tính đến như một sự thay thế hợp lý.
Theo gamek
Phải chăng mousepad càng dày càng xịn?
Dùng phiên bản Speed hay Control?
Mousepad dòng Control sở hữu bề mặt tương đối thô ráp, nếu nhìn gần có thể thấy rõ các lỗ vải nhỏ (đối với mousepad vải) trong khi dòng Speed đem lại cảm giác trơn láng hơn, bề mặt mịn và có kết cấu liền mạch.
Chính vì vậy, di chuyển chuột trên mousepad dòng Speed có cảm giác nhanh, trơn tru hơn còn sử dụng dòng Control giúp người dùng có thể kiểm soát độ chính xác khi trỏ chuột dễ dàng hơn. Nhưng đánh giá dựa trên yếu tố cảm nhận sẽ rất khác nhau ở mỗi người, để biết mousepad loại nào thích hợp nhất với mình hãy dùng thử chúng với chuột trong một tựa game mà bạn thường chơi.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng khuyên nếu bạn sử dụng chuột có độ nhạy (sensitivity) cao thì nên sử dụng mousepad dòng Control, và ngược lại, hãy nhớ đến mousepad dòng Speed nếu ưa thích chuột có nhạy thấp.
Nên chọn chất liệu mềm hay cứng?
Mousepad cứng (nhựa, nhôm, sợi thủy tinh) có bề mặt phẳng, mịn hơn do chất liệu bề mặt tối ưu hơn mousepad mềm (vải). Ngoài ra, mousepad cứng không bị ảnh hưởng bởi độ lún khi người sử dụng di chuột (không tác động tới đường truyền tín hiệu của cảm biến). Nhưng thật sự cảm giác di chuột trên hai loại mousepad này khác nhau nhiều đếu đâu thì còn tùy ở mỗi sản phẩm và mỗi người.
Tuy vậy, nhìn chung khi đã quyết định ra lò mousepad cứng thì các nhà sản xuất đều đã chủ định hướng nó đến phân khúc người dùng cao cấp, có giá thành đắt hơn hẳn mức thông thường của mousepad mềm. Chính vì vậy, hiệu quả sử dụng của mousepad cứng luôn được đánh giá cao hơn (cả ở phiên bản Speed và Control) so với mousepad vải.
Điều người dùng e ngại khi dùng mousepad cứng là mức độ "ăn" feet chuột, nhưng nếu bạn dùng feet tốt thì cũng chỉ lâu lâu (tùy mức độ sử dụng) mới cần thay thế một lần.
Có phải mousepad càng dày thì càng xịn?
Mousepad xịn thường sở hữu bề dày lớn nhưng không phải cứ có bề dày lớn là mousepad xịn. Theo đánh giá của nhiều game thủ có kinh nghiệm thì bề dày của mousepad chỉ ảnh hướng đến sự thoái mái khi dùng chuột trong thời gian dài và hơn hết là thói quen sử dụng.
Một mousepad vải, dày thường đem lại cảm giác êm ái khi phải dùng chuột trong thời gian dài hơn nhưng quá dày sẽ gây trở ngại cho việc di chuyển chuột còn quá mỏng có khi lại khiến game thủ bị hẫng.
Chính vì vậy, trong cùng một tựa game, cùng một loại chuột, không hiếm trường hợp game thủ này thì thích sử dụng Razer Goliathus Control dày tới 4,3mm còn game thủ kia thì chỉ ưa mỗi Razer Sphex mỏng như tờ giấy.
Kích thước thế nào đây?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cùng một phiên bản mousepad, nhà sản xuất lại bán ra ở rất nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nếu chọn mousepad quá nhỏ so với nhu cầu, người dùng rất dễ rơi vào cảnh chuột bay khỏi bàn di khi đang chiến game, còn mousepad quá lớn thì rõ ràng là không được lợi gì về mặt khai thác giá trị sử dụng, tốn kém vô ích.
Thông thường, người ta căn cứ vào độ nhạy chuột để chọn kích thước mousepad cho phù hợp (càng nhạy thì càng cần ít diện tích di chuyển, mousepad chỉ cần nhỏ). Nhưng thực tế thì chúng tôi chưa thấy công thức nào để liên hệ một cách chính xác giữa độ nhạy vào kích thước mousepad. Việc quyết định chọn kích thước thế nào có lẽ phải sử dụng thật một vài lần mới trả lời chắc chắn được.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên căn cứ một phần vào diện tích bàn máy tính của mình để cân nhắc chuyện kích thước mousepad.
Chuột quang hay laser có ảnh hưởng đến việc chọn mousepad?
Câu trả lời là có, do hai công nghệ cảm biến quang và laser bản chất vẫn có những khác nhau nhỏ về mặt kỹ thuật nên không phải bề mặt mousepad nào tối tưu cho cảm biến quang cũng sẽ tốt cho laser (hạn chế được những nhược điểm của công nghệ laser) hay ngược lại. Hãy biết chắc loại cảm biến mà chuột của bạn tích hợp và chọn mousepad tối ưu dựa vào thông tin nhà sản xuất cung cấp.
Tuy nhiên, các loại mousepad trên thị trường hiện nay đa phần đã có chứng nhận là tương thích với cả hai công nghệ cảm biến cùng lúc. Trừ một số phiên bản như: SteelSeries SP, Steel Series Experience I-2 (chỉ tối ưu cho cảm biến quang), Razer Goliathus Control/Speed, SteelSeries QcK, XtrAC Ripper XXL (có tối ưu cho cảm biến quang nhưng chỉ ở độ nhạy thấp)...
Theo gamek
Bàn phím giá thấp: "Vũ khí" lợi hại cho gamer Việt Mitsumi (loại thường) Cái tên này chắc chắn là đề cử đầu tiên, bàn phím Mitsumi cũng có lẽ là mẫu bàn phím có doanh số bán ra cao nhất ở Việt Nam trong suốt 10 năm trở lại đây. Lợi thế của sản phẩm là giá thành quá hấp dẫn, sở hữu thiết kế tiêu chuẩn, độ nảy phím tốt, dễ làm...