Độ mặn trên hệ thống thủy lợi An Trạch vẫn ở mức thấp
Đây là nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên tại bản tin dự báo chất lượng nước ngày 30/7.
Độ mặn trên hệ thống thủy lợi An Trạch tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, kết quả quan trắc chất lượng nước trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn ngày 29/7 phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2020 tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cho thấy tại 4 vị trí trạm bơm Miếu Ông (VT5), Cẩm Toại (VT6), Túy Loan (VT7),Tứ Câu (VT10) đều không bị nhiễm mặn nên có thể lấy nước phục vụ tưới cho lúa.
Chỉ số chất lượng nước tại các vị trí đều từ mức trung bình đến tốt. Đáng chú ý tại trạm bơm Tứ Câu chất lượng nước ở mức trung bình, nguyên nhân do ở thượng lưu trạm bơm có vị trí xả thải của khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc đổ vào.
Kết quả tính toán, dự báo độ mặn trong tuần tới (từ ngày 31/07 – 6/08) tại các vị trí cho thấy: độ mặn trên các sông có xu hướng giảm hơn so với tuần trước, tại vị trí các trạm bơm không bị nhiễm mặn.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, trong tuần tới, trên địa bàn có khả năng xảy ra mưa với lượng mưa dao động trong khoảng từ 42,8mm đến 151,4mm độ mặn trên các sông tiếp tục dao động ở mức thấp, chất lượng nước khá tốt.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần thường xuyên kiểm kê các nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm chủ động điều chỉnh các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả với tình hình xâm nhập mặn để giảm thiểu thiệt hại.
An Trạch là hệ thống thủy lợi liên tỉnh thuộc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, bao gồm 4 đập dâng và 10 trạm bơm điện phục vụ tưới cho 9.700ha đất nông nghiệp của 2 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 350.000m3/ngày đêm .
Vá đập tràn trên sông Lam
Hơn 46 m đập tràn bị nước cuốn trôi được vá bằng bê tông, đá hộc, và sẽ hoàn thành trong đêm nay.
Chiều 8/6, 5 máy múc cấp tập chuyển các khối bê tông, đá hộc xuống hiện trường tại địa phận huyện Đô Lương - nơi hơn 46 m đập tràn bara Đô Lương bị cuốn trôi trên sông Lam. Ở vòng ngoài, hàng chục xe tải vận chuyển vật liệu tới.
Từ đêm qua, hàng chục công nhân cùng máy móc đã thi công xuyên đêm. 3.000 tấn bê tông, 5.000 khối đá hộc đã được sử dụng.
"Còn hơn 10 m sát bờ, dòng chảy khá mạnh, đá hộc vứt xuống sẽ bị trôi. Chúng tôi dùng các khối bê tông đúc sẵn (mỗi khối 5 tấn) thả xuống, hôm nay sẽ làm xuyên đêm để hoàn thành công việc", ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, đơn vị khắc phục sự cố, nói.
Khu vực xảy ra sự cố, chụp sáng 8/6. Ảnh: Nguyễn Hải.
Sau khi "vá", đơn vị thi công sẽ đóng cọc cừ phía trên để thi công đoạn này. Vật liệu dùng ngăn dòng sẽ được múc đi. Nước từ thượng lưu đổ về sẽ được điều tiết qua hai cửa xả cát hoặc đoạn tràn tự do đã thi công xong.
Chiều 8/6, hơn 30 m đập tràn cũ được vá nên lưu lượng nước đổ về sông Đào tăng. Mực nước trên sông này tăng nửa mét so với hôm qua. Tuy nhiên, một số trạm bơm dọc sông chưa thể hoạt động.
"19.000 ha lúa vừa cấy và gieo. Tuy nhiên, dự kiến vài ngày tới nước đổ về nên không ảnh hưởng nhiều", ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An nói.
Hôm qua, tỉnh Nghệ An chỉ đạo đơn vị thi công phải làm việc xuyên đêm để khắc phục sự cố, quyết tâm đưa nước về sông Đào bình thường sau 3-4 ngày.
Chiều 8/6, hơn 10 m đập (ngoài cùng bên phải) đang được thi công để khắc phục. Ảnh: Nguyễn Hải.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, sự cố vỡ đập tràn này không phải lỗi đơn vị thi công. Công trình đã có thời gian sử dụng 83 năm nên bê tông bị mủn, sắt hoen gỉ.
Hơn một năm trước, dự án nâng cấp đập bara Đô Lương (thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An) được đầu tư hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn JICA (Nhật Bản). Đêm 6/6, 46 m trong tổng số 102 m tràn cũ chưa dỡ bỏ bất ngờ bị nước cuốn trôi. Hạ du không có ảnh hưởng, song mực nước trên sông Đào thấp hơn một mét. Hơn 7.800 hộ dân bị mất nước nửa ngày do trạm bơm không thể hoạt động...
Đập tràn cũ có thiết kế, mực nước ở cao trình khi qua tràn là 10,5 m (so với mực nước biển). Trong lịch sử, khi xảy ra lũ thì tràn này từng ghi nhận mực nước ở cao trình 17 m (so với mực nước biển).
"Thời điểm xảy ra sự cố, mực nước ở cao trình khi qua tràn này chỉ 10 m, do đó không thể nói đơn vị thi công tính toán sai khiến áp lực nước mạnh làm vỡ", ông Hiếu cũng khẳng định trong hôm nay đơn vị thi công sẽ ngăn thành công dòng chảy tại hiện trường.
Tỉnh Nghệ An, xác định sự cố không phải do nhà thầu, do đó không yêu cầu điều tra nguyên nhân. Hiện, toàn bộ kinh phí khắc phục do đơn vị thi công bỏ ra.
Một trạm bơm phục vụ nông nghiệp trên sông Đào đã không thể hoạt động sau sự cố vỡ đập tràn. Ảnh: Nguyễn Hải.
Hiện, Trạm cấp nước Đô Lương ở thượng nguồn sông Đào vẫn phải dùng bơm dã chiến đưa lên bể lóng với công suất 220 m3/h (tương đương 70% so với hút trực tiếp). Từ 20h ngày 7/6, hơn 7.800 hộ dân của một thị trấn và 7 xã đã có nước sử dụng.
Nước trên sông Đào cao thêm 40 cm nữa thì máy sẽ hoạt động để đưa nước trực tiếp với công suất 4.800 m3 mỗi ngày.
Được Pháp xây dựng từ năm 1933 đến 1937, đập Bara Đô Lương dài hơn 340 m, có nhiệm vụ ngăn dòng chảy sông Lam, làm nước dâng lên, đổ vào sông Đào phục vụ tưới tiêu cho 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.
Theo thiết kế, trung bình lưu lượng nước đổ về sông Đào đạt 43 m3/s.
Hiện trường vụ vỡ đập tràn. Video: Nguyễn Hải.
Quản lý chặt nguồn nước hệ thống An Trạch Đây là khuyến cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên tại bản tin dự báo chất lượng nước ngày 23/04. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, kết quả quan trắc chất lượng nước trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn ngày 22/04 phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp năm 2020...