Dở khóc, dở cười chuyện sinh viên khởi nghiệp
Với mong muốn tìm cơ hội tăng thu nhập cho cuộc sống, nhiều sinh viên đã tìm đến kinh doanh để thử sức. Song “thương trường như chiến trường”, không ít sinh viên đã rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở khi phải ứng phó với những tình huống ngoài kịch bản…
Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần theo đuổi đam mê phù hợp với khả năng của mình
từ lúc đang còn học
(Trong ảnh: Trần Thu Hằng, sinh viên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội
thành công với sản phẩm búp bê nghệ thuật do mình tự sản xuất )
Tìm kiếm cơ hội
Ngay khi nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, sinh viên Vũ Thu Trang, quê ở Hưng Yên đã được bố mẹ giao hẹn trước: “Bố mẹ chỉ có khả năng đóng tiền học phí cho con một vài tháng đầu. Nếu quyết định lên Hà Nội học tập, con phải tìm công việc làm thêm để tự trang trải cuộc sống và tiền học phí”. Không muốn từ bỏ tương lai, Trang đã chấp nhận và coi đây như một sự thử thách đầu tiên khi chân ướt chân ráo lên Hà Nội. Sau một thời gian tính toán và đưa ra nhiều phương án làm thế nào vừa có thời gian đi làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, Trang quyết định cùng một cô bạn thử sức kinh doanh riêng. Trải qua nhiều dịp lễ, kỷ niệm với sạp hoa “di động” của mình ngay gần cổng trường.
Trang cho biết, do không có vốn để thuê địa điểm nên công việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Ngày nào Trang và một người bạn cũng phải đạp xe từ khu Ký túc xá Mễ Trì, huyện Từ Liêm lên tận chợ hoa Quảng An, quận Tây Hồ để mua các loại hoa tươi về bán. “Công việc kinh doanh của bọn em thường bắt đầu vào buổi chiều tối, từ 17h đến 21h. Tuy nhiên, không phải hôm nào việc kinh doanh cũng xuôi chèo mát mái, có hôm mua phải hoa người ta đã để tủ lạnh, vừa bày ra đã héo, đành phải bán đổ bán tháo, mất cả vốn, lẫn lãi…” – Trang chia sẻ
Video đang HOT
Không giống như Trang, Trần Phương Mai, ở Hà Nội, hiện đang học năm thứ 3, khoa Quản trị Kinh doanh – Trường ĐH Thăng Long lại coi việc kinh doanh là dịp để cọ xát thực tế và tích lũy thêm kinh nghiệm sống. Mai hào hứng, do được bố mẹ và gia đình động viên, hỗ trợ vốn nên Mai không quá nặng nề về chuyện lỗ, lãi. Mai chia sẻ, dù chỉ coi đây là sân chơi nhưng đã bước chân vào kinh doanh là phải có lãi. Do có “máu” buôn bán ngay từ khi còn học phổ thông, lại có duyên bán hàng, nên trong dịp dịp lễ tình nhân (14-2) vừa rồi, cô đã có một mùa bội thu. Chỉ trong 2 ngày bán hoa, thiệp mừng, cô cùng nhóm bạn đã thu được hơn 6 triệu đồng tiền lãi. Đó là chưa kể nhiều tình huống phát sinh cũng như các chiêu thức chào hàng mới được Mai và những người bạn rút ra sau các đợt bán hàng. “Kinh nghiệm thực tế là những điều mà chúng em không thể tìm thấy trong sách vở. Với em, đây là cơ hội để mình trải nghiệm, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, có dấn thân vào công việc kinh doanh mới biết quý trọng đồng tiền mình làm ra, dù lắm lúc phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ…” – Mai cho biết.
Dù xuất phát điểm của các bạn sinh viên khi đến với công việc kinh doanh có nhiều lý do khác nhau, song hầu hết họ đều là những bạn trẻ năng động, mong muốn được khẳng định bản thân. Với nhiều sinh viên, kinh doanh là cơ hội để họ được giao tiếp rèn luyện thêm những kỹ năng, giúp họ có thêm sự tự tin cho công việc sau này. Đơn cử, đối với sinh viên đang theo học các ngành kinh tế, họ sẽ hiểu biết hơn về tâm lý khách hàng, cách điều hành công việc có hiệu quả cao… Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó.
Lợi ít, hại nhiều
“Thương trường như chiến trường”, chỉ đến khi dấn thân vào công việc kinh doanh, nhiều sinh viên mới vỡ lẽ mọi chuyện không đơn giản như họ nghĩ. Dù có một số năm kinh nghiệm với thương trường, nhưng Xuân Lan, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Ngoại Thương vẫn phải “dứt” hẳn công việc kinh doanh để tập trung vào việc học tập. Lan tâm sự, lúc đầu, cô đã từng vẽ ra một bức tranh rất đẹp về cửa hàng thời trang mà mình dự định kinh doanh. Nhưng chỉ đến khi bắt tay vào công việc Lan mới thấy cái gì đối với mình cũng mới, đụng đến cái gì là phải tìm hiểu, mò mẫm từ đầu. Sau nửa năm kinh doanh mà chẳng thu được khoản lãi nào, chưa kể phải thi lại 2 môn, Lan đã quyết định tập trung vào việc học, tích luỹ thêm kiến thức rồi sau này khởi nghiệp cũng chưa muộn.
Nhiều sinh viên, dù đã chuẩn bị tâm lý, xác định mục đích chính của việc kinh doanh là ngoài việc kiếm thêm thu nhập, đó còn là cơ hội để các bạn học hỏi kinh nghiệm và tăng cơ hội va chạm với thực tế, nhưng chỉ đến khi tự mình làm chủ họ mới thấy hụt hẫng vì những rủi ro trong kinh doanh khó có thể lường hết. Không ít nhóm sinh viên do không có đủ vốn thuê cửa hàng nên phải di chuyển khắp nơi, chính vì vậy họ không có khách hàng ổn định. Hơn nữa, do bày bán hàng sai quy định nên nhiều khi họ bị cơ quan chức năng thu giữ hết hàng hóa, và thế là cả vốn lẫn lãi đều đi tong.
Nhưng đó vẫn chưa phải là những rủi ro lớn nhất mà các sinh viên gặp phải. Kể lại câu chuyện xảy ra với mình vào dịp 8-3 năm ngoái, Nguyễn Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn chưa hết bàng hoàng. Thủy cho biết, cô cùng một nhóm bạn mở dịch vụ giao quà, hoa tận nhà. Hôm đó, một vị khách ăn mặc khá sang trọng đến cửa hàng đặt 100 bông hoa hồng đỏ để tặng bạn gái. Được trả giá cao, số lượng nhiều, nên Thủy vui vẻ nhận lời. Đến giờ hẹn, Thủy tìm đến địa chỉ mà khách hàng đã cho. Tuy nhiên, cô khá bất ngờ khi người nhận lại chính là vị khách đã đến đặt hoa. Không quan tâm đến bó hoa mà Thủy mang đến, người đàn ông vồn vã mời cô vào nhà rồi dở trò sàm sỡ. Hoảng hốt, Thủy lấy xe chạy thẳng một mạch. “Sau khi kể lại câu chuyện với các bạn, em được biết có nhiều trường hợp bị lừa kiểu đó. Từ đó trở đi, mỗi lần khách đến đặt hàng, em đều phải nhờ cậu bạn học cùng lớp chở đi. Đúng là kinh nghiệm nhớ đời” – Thủy bày tỏ.
Theo cô Nguyễn Mai Phương – Giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chọn công việc kinh doanh đúng với ngành học sẽ tạo cho sinh viên có điều kiện cọ xát với nghề. Song để dung hòa cả công việc và học tập, cũng như sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý không dễ chút nào. Công việc đòi hỏi cường độ cao có thể là nguyên nhân khiến sinh viên chểnh mảng việc bài vở, chưa kể những rủi ro bên ngoài xã hội mà các em có thể gặp phải. Vì vậy, các em nên ưu tiên cho việc học và thời gian nghỉ ngơi trong thời gian biểu. Đối với sinh viên nhiệm vụ chính vẫn là học tập. Công việc kinh doanh không thể giúp các em đi đến mục tiêu mà các em hướng tới, có chăng chỉ là một trong những điều kiện để giúp các em tiến gần hơn tới tương lai. Chỉ có việc học ở giảng đường và với tấm bằng tốt nghiệp mới là hành trang để các em bước tiếp.
Theo ANTD
Chân dài sinh viên đắt khách dịp Tết
Áp Tết, các doanh nghiệp vào mùa quảng bá thương hiệu, đây cũng là dịp cho các SV chân dài kiếm thêm thu nhập.
Đắt "sô"
PG (Promotion Girl) tạm gọi là quảng cáo sản phẩm cho các doanh nghiệp. Công việc này dành riêng cho các bạn gái. Họ đứng giới thiệu và tiếp thị mặt hàng.
Lan (SV năm 3 ĐH Điện lực) cho biết tranh thủ tháng cuối năm em làm thêm, kiếm tiền trang trải cho tết. Qua người bạn cùng xóm trọ, cô được giới thiệu để đi tiếp thị cho hãng một hãng cafe. Có ngoại hình ưa nhìn, cao gần 1m70 nên Thảo được ưu tiên hơn so với các nhân viên khác.
Lương PG của Lan được tính theo ca, mỗi ca từ 4 -5 tiếng được 400.000 đồng. Công việc bận rộn nhưng tương đối ổn định. Tiếp thị rượu bia có những hôm khách hàng đông và cần nhiều địa điểm, sẽ được chia ca "gãy": sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng. Những hôm như vậy sẽ được trả tăng thêm tiền.
Quảng cáo cho các hãng mứt, bánh kẹo ngày tết cũng khá mặc dù vất vả hơn. Càng về giáp tết, chương trình càng phải chạy nhiều.
Kim (SV năm thứ 2, Trường ĐH Hòa Bình) cũng theo chị họ để làm PG cho hãng mứt tết Hữu Nghị, Kinh Đô ở siêu thị Big C, Metro... Lương của Kim được trẻ theo ca, làm xong sẽ được trả tiền ngay. Vì thế mà cô bạn đã quen với việc chạy "sô" từ siêu thị này đến siêu thị khác.
"Tết này gom góp mấy tuần cuối năm làm PG cũng được gần 3 triệu..."- Kim tiết lộ.
Công việc PG với lương cao lại có thể làm thêm ngoài giờ nên khá hấp dẫn với nhiều bạn nữ SV có ngoại hình tốt đặc biệt là dịp tết (Ảnh minh họa)
Cạm bẫy rình rập
Do môi trường làm việc khá phức tạp, đa số những PG cho các hãng rượu phải đứng ngoài đường thậm chí vào những quán bar hoặc karaoke nên các "SV chân dài" có nguy cơ bị trêu ghẹo, quấy rối.
Trang (ĐH Văn hóa Hà Nội) vẫn còn nguyên nét mặt sợ hãi vì tuần trước bị sàm sỡ khi tiếp thị sản phẩm cho hãng thuốc lá. Bạn kể: "Miệng hắn hỏi em giá cả tút thuốc là bao nhiêu nhưng tay hắn chạm nhẹ vào ngực làm em hốt hoảng. Sợ thì sợ nhưng vẫn phải tươi cười, nói nhẹ nhàng với khách".
Trang còn cho biết dịp Tết, lượng khách hàng thường là đàn ông nên trường hợp bị gạ gẫm dễ gặp phải. Khi tiếp thị rượu, khách hàng thường lôi kéo và bắt ép uống cùng.
Có những lần cô từ chối khéo không uống, ông khách quay ngoắt to tiếng: "Cần gọi quản lý đuổi việc không? Phục vụ khách hàng thế à?".
Một số sinh viên nữ không chịu được môi trường làm việc của nghề này nên làm được 4,5 ngày là xin thôi.
Nữ SV làm tiếp thị cho một nhãn hàng trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thảo (SV Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội) cũng thút thít kể chuyện bị bạn trai bỏ từ khi tham gia vào PG cho hãng rượu tết: "Anh ý không cho phép em làm công việc này, mấy lần đến đón em nhìn mấy gã đang đùa cợt em nên đã giận rỗi và đòi chia tay".
Nga (SV năm 1, Học viện Ngân hàng) cũng thử sức với vai trò làm PG cho hãng rượu Sake. Đội cô đứng tiếp thị ở trước một quán karaoke ở đường Trần Duy Hưng. Nga xinh xắn, cao, ngoại hình ưa nhìn dễ lọt vào tầm ngắm của người quản lý.
Mới vào nghề, còn nhiều bỡ ngỡ, quản lý lấy cớ muốn chia sẻ kinh nghiệm riêng với Nga nên hẹn ra quán cà phê sau khi tan ca. Nhưng sau khi nói chuyện, người quản lý dỗ ngon ngọt cô với nội dung: "Nếu làm bạn gái anh thì em không phải lo gì về doanh thu cuối tháng, mọi thứ đều được ưu tiên".
Hắn còn gạ gẫm Nga "quan hệ" ngay từ lần hẹn đầu tiên ấy. Biết được ý đồ của tên yêu râu xanh đã có gia đình, Nga một mực từ chối và bỏ về. Sau hôm đó, cô cũng quyết định xin nghỉ để chuẩn bị về ăn tết với gia đình...
Ngược lại, với những người bản lĩnh, nghề PG sẽ mang lại cho họ nhiều trải nghiệm thú vị.
Nga, một PG có kinh nghiệm chia sẻ: "Công việc này sẽ phải chấp nhận đối mặt với không ít cám dỗ, rủi ro. Điều quan trọng mỗi người cần đủ bản lĩnh, đủ khéo léo để chối từ mọi sự lôi kéo, gạ gẫm không trong sáng của khách hàng".
Theo Nguyễn Linh - Phong Đăng (Vietnamnet)
Cảm phục cậu sinh viên mồ côi nuôi em bại não Năm Trần Ngọc Sang học lớp 10, mẹ em mất vì bạo bệnh. Chưa nguôi ngoai nỗi đau, đến năm Sang học lớp 12 thì cha em cũng qua đời. Từ đó, một buổi đi học, một buổi Sang đi làm thêm, trang trải việc học và nuôi đứa em bị bệnh bại não từ nhỏ. Hiện Trần Ngọc Sang (quê ở xã...