Đồ hộp để được bao lâu, quá hạn có ăn được không?
Các loại thực phẩm đóng hộp như sữa, thịt, rau rất phổ biến. Một trong những lợi thế của thực phẩm đóng hộp là có thể để lâu, thậm chí rất lâu so với thực phẩm tươi, theo MSN.
Không nên ăn nếu đồ hộp xuất hiện các dấu hiệu hư hỏng như vỏ hộp bị móp nghiêm trọng, rỉ sét hoặc hộp bị phình lên – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tuy nhiên, không phải lúc nào người mua cũng biết thực phẩm đóng hộp có thể để được trong bao lâu. Hạn sử dụng in trên bao bì không phải là căn cứ duy nhất để biết thực phẩm bên trong có còn ăn được hay không.
Một điều đáng chú ý là hạn sử dụng in trên hộp thực phẩm không phải là thời hạn mà bạn có thể ăn mà không mắc bệnh. Đó là thời hạn mà thực phẩm trong hộp vẫn chưa bị hỏng và vẫn còn nguyên hương vị. Sau thời gian đó, thực phẩm vẫn có thể dùng được nhưng không còn ngon nữa, MSN dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Amanda Webster.
Video đang HOT
Nếu bạn nhìn, ngửi và nếm mà thấy thực phẩm đóng hộp vẫn còn tốt thì chúng vẫn có thể ăn được. Thời hạn sử dụng trên đồ hộp thường là khoảng thời gian mà nhà sản xuất đảm bảo là thực phẩm vẫn còn tươi ngon, hương vị vẫn chưa bị thay đổi do để quá lâu, bà Amanda giải thích thêm.
Với các loại thịt đóng hộp, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến cáo muốn bảo quản được lâu thì cần đặt chúng ở nơi khô ráo và thoáng mát. Nhiều loại thịt đóng hộp vẫn có thể giữ được hương vị thơm ngon sau 2 đến 5 năm, theo MSN.
Tuy nhiên, dù ngay cả trong điều kiện bảo quản tốt nhưng nếu hộp xuất hiện các dấu hiệu hư hỏng như vỏ hộp bị móp nghiêm trọng, rỉ sét hoặc hộp bị phình lên thì sẽ không an toàn khi ăn.
Với các sản phẩn đóng hộp khác như sữa, nước dừa, nếu được bảo quản tốt thì chúng vẫn có thể dùng được khi đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, sữa và nhiều món có tính a xít cao, chẳng hạn như các sản phẩm làm từ cà chua, sẽ bắt đầu mất đi hương vị sau khoảng 18 tháng, theo MSN.
Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn và giữ được hương vị của đồ hộp là ăn khi còn hạn sử dụng. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của đồ hộp.
Ngoài ra, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lưu ý người dùng không nên ăn nếu món bên trong đồ hộp thay đổi màu sắc và kết cấu, theo MSN.
Rau củ đông lạnh có bổ dưỡng?
Trái cây và rau quả đông lạnh hay đóng hộp không phải lúc nào cũng ít dinh dưỡng hơn so với rau quả tươi.
Trái cây và rau quả đóng hộp giúp duy trì hàm lượng dinh dưỡng - SHUTTERSTOCK
Trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, doanh số thực phẩm đóng hộp tăng cao trên toàn thế giới. Ở Mỹ, trang Stackline thống kê doanh số thực phẩm đóng gói tăng đến 200 - 300% tùy mặt hàng.
Theo các nhà nghiên cứu, trong điều kiện tự nhiên, rau củ bắt đầu "xuống cấp" ngay sau khi được thu hoạch. Vì thế, phương pháp đông lạnh sẽ giúp làm chậm quá trình suy thoái và giữ cho dinh dưỡng tiếp tục tồn tại. Trái cây và rau quả đông lạnh thường được thu hoạch khi đủ độ chín, thời điểm chứa nhiều dinh dưỡng nhất. Trái lại, các loại rau củ tươi bày bán trong siêu thị thường được hái sớm vài ngày.
Tiến bộ công nghệ đã rút ngắn quá trình đóng gói thực phẩm trong vài thập niên qua, đảm bảo dinh dưỡng được giữ lại nhiều nhất có thể. Đậu Hà Lan được thu hoạch, vận chuyển đến nhà máy, rửa sạch, chần và đông lạnh chỉ trong chưa đầy 3 giờ. Trong khi đó, hầu hết rau quả tươi từ khâu thu hoạch, phân loại rồi vận chuyển đến các nhà bán lẻ, sau đó đến tay người tiêu dùng chắc chắn mất nhiều thời gian hơn.
Các vitamin như C và B có xu hướng bị mất dần đi sau khi rau quả được thu hoạch. Mới đây, nghiên cứu của Diane Barrett, từng là nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ thực phẩm tại Đại học California (Mỹ), đã phát hiện ra rằng một số loại rau củ có hàm lượng vitamin cao hơn khi đông lạnh vì phương pháp này giúp tạm ngưng quá trình ô xy hóa. Theo thử nghiệm của Diane Barrett, vitamin C ở bông cải xanh hay vitamin A trong cà chua đông lạnh đều cao hơn so với thực phẩm tươi để nhiều ngày.
Thực tế, rau quả đông lạnh không hề chứa chất hóa học nào, tuy nhiên sẽ có một số bất tiện như được nêm thêm muối hoặc đường trong vài trường hợp. Việc chần nguyên liệu qua nước nóng trong vài phút ở nhiệt độ cao để làm bất hoạt các enzyme không mong muốn hoặc khử trùng vi sinh cũng vô tình làm giảm đi lượng dinh dưỡng.
Theo Fatima Hachem, cán bộ dinh dưỡng cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ, không quan trọng bạn sử dụng rau quả tươi hay đông lạnh, điều cần thiết là chế độ ăn đa dạng xen kẽ các loại thực phẩm.
Các chuyên gia đánh giá trái cây và rau quả dù tươi, đông lạnh, đóng hộp hoặc sấy khô hay lên men đều bổ dưỡng. Một số chuyên gia cũng lưu ý mua thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương và được trồng hữu cơ giúp đảm bảo trái cây và rau quả chứa nhiều dinh dưỡng nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc mua rau quả tươi cũng cần lưu ý ngày tháng thu hoạch, vì nếu mua mà không biết được thời gian thu hoạch chính xác từ bao giờ thì chưa hẳn đã tốt bằng sử dụng thực phẩm đông lạnh đúng cách.
7 thực phẩm cần tránh xa nếu không muốn bị gan nhiễm mỡ Để ngăn ngừa căn bệnh gan nhiễm mỡ, hãy sửa đổi chế độ ăn uống của bạn, tránh xa những thực phẩm như rượu, bia, đồ ăn chiên rán... Gan nhiễm mỡ là gì? Gan nhiễm mỡ là căn bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên hay những người sống ở các nước đang phát triển bởi lối sống...