Đô đốc Mỹ lý giải việc Tổng thống Trump chưa điều tàu đến Biển Đông
Mặc dù Hải quân Mỹ không tiến hành bất cứ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, song quan chức Mỹ khẳng định không có bất cứ thay đổi nào trong chính sách của Washington.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift khẳng định, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm nay. (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift hôm nay 8/5 khẳng định, không có bất cứ thay đổi chính sách nào liên quan đến hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Trump.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, các tàu của Hải quân Mỹ đã tiến hành hàng loạt hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1 năm nay, Hải quân Mỹ chưa thực hiện bất cứ hoạt động nào như vậy.
New York Times hồi tuần trước cho biết, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc hồi tháng 3 đã từ chối đề nghị của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở khu vực gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đây là khu vực Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép của Philippines năm 2012. Hồi tháng 2, hai đề nghị tương tự của Hải quân Mỹ cũng bị bác bỏ.
Một số người cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tránh “chọc giận” Trung Quốc, mặt khác muốn xem Trung Quốc có thể hỗ trợ thế nào trong việc gây sức ép với Triều Tiên, buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi. Thực tế, Tổng thống Donald Trump mới đây đã đề cao sự hợp tác của Trung Quốc trong việc gây sức ép với Triều Tiên.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ở Singapore hôm nay, Đô đốc Scott Swift nói: “Chúng tôi chỉ đang trong giai đoạn chuyển giao chính quyền. Tôi không ngạc nhiên khi vấn đề này vẫn đang được thảo luận, khi mà chính quyền mới vẫn đang xem xét tình hình thực tế và quyết định khi nào thích hợp để chớp lấy cơ hội, và khi nào phải chờ đợi”.
“Không có gì thay đổi đáng kể trong 2-3 tháng qua”, ông Swift nhấn mạnh khi nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump không có ý định thay đổi chính sách an ninh ở khu vực và sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm nay. Cuối tuần trước, Đô đốc Swift cũng nói rõ rằng, chính quyền của Tổng thống Trump không giảm nhẹ quan điểm của mình về Biển Đông nhằm giành được sự ủng hộ của Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên
Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, nói rằng Hải quân Mỹ có thể sẽ sớm tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, song không tiết lộ thêm chi tiết.
Minh Phương
Theo Dantri
Hai hạm đội Mỹ dồn sức đối phó Trung Quốc
Hạm đội 3 đang gia tăng hiện diện trên địa bàn hoạt động của Hạm đội 7 ở châu Á trước những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương. Ảnh: Nikkei
Ngày 14/6, một quan chức cấp cao hải quân Mỹ tiết lộ với tờ Nikkei Asian Review rằng hải quân nước này đang sử dụng kết hợp sức mạnh của cả Hạm đội 7 và Hạm đội 3 để đối phó với nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng ở châu Á sau những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
"Điều đó là có thật. Việc Hạm đội 3 được triển khai đến châu Á là có thật", Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm đến Nhật Bản.
Hiện tại, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ gồm có Hạm đội 7 đóng quân ở Yokosuka, Nhật Bản, và Hạm đội 3 đóng tại thành phố San Diego, Mỹ. Địa bàn hoạt động của hai hạm đội này được ngăn cách bằng đường đổi ngày quốc tế gần Hawaii. Nhiệm vụ chủ yếu của Hạm đội 3 là bảo vệ nước Mỹ, trong khi Hạm đội 7 được giao đảm trách mọi vấn đề từ quần đảo Hawaii đến biên giới Ấn Độ - Pakistan, trong đó có khu vực Biển Đông.
"Tôi không biết tại sao lại có sự phân chia nhiệm vụ theo đường đổi ngày quốc tế như vậy. Đây là một sự mù mờ của việc phân chia địa bàn hoạt động", Swift nói, đồng thời cho rằng hải quân Mỹ cần huy động "sức mạnh tổng hợp" với 140.000 thủy thủ, hơn 200 tàu chiến và 1.200 máy bay thuộc Hạm đội Thái Bình Dương để đối phó với những bất trắc có thể xảy ra ở khu vực châu Á.
Tuyên bố trên của Đô đốc Swift được đưa ra trong bối cảnh một tàu chiến Trung Quốc vừa tiến vào khu vực gần nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên một chiến hạm của hải quân Trung Quốc đến gần nhóm đảo này như vậy.
Đô đốc Swift nói rằng ông nhận thấy "diễn biến chung" đang xảy ra trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi "tình trạng không chắc chắn và bất an trong khu vực đã tạo nên sự thiếu minh bạch".
Phân chia địa bàn hoạt động của Hạm đội 7 và Hạm đội 3. Đồ họa: Nikkei
Ông nói rằng Mỹ và Trung Quốc đã xây dựng những cơ chế để quân đội hai nước đối thoại, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để hai bên có thể hiểu biết lẫn nhau. "Chúng tôi vẫn phải chờ đợi, dò xét vì hiện nay đối thoại chưa đủ để tạo nên sự minh bạch hơn".
Đô đốc này cũng bày tỏ sự lo ngại đối với những tuyên bố gần đây của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. "Tôi thấy choáng với những tuyên bố được đưa ra, kể cả những yêu sách bên ngoài cái mà Trung Quốc gọi là đường 9 đoạn. Họ đề cập đến một khái niệm mới là ngư trường truyền thống, và điều đó làm dấy lên lo ngại", Swift nói.
Việc kết hợp sức mạnh của hai hạm đội đồng nghĩa với việc các tàu chiến của Hạm đội 3 sẽ được điều tới hoạt động ở tây Thái Bình Dương, địa bàn truyền thống của Hạm đội 7. Mới đây, một cụm tàu chiến gồm ba khu trục hạm của Hạm đội 3 đã được điều đến châu Á để thực hiện nhiệm vụ trong 7 tháng.
Phó đô đốc Nora Tyson, tư lệnh Hạm đội 3, cũng được ông Swift cử đến tham dự các sự kiện ở tây Thái Bình Dương trong những tháng gần đây để thể hiện sự gia tăng can dự của hạm đội này ở khu vực.
"Đây là sự thừa nhận rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động khắp thế giới phù hợp với các quy tắc và luật pháp quốc tế bằng sức mạnh tổng hợp của toàn Hạm đội Thái Bình Dương", Đô đốc Swift nhấn mạnh.
Việt Dũng
Theo VNE
Mỹ sẽ kết hợp sức mạnh hạm đội 3 và 7 để đối phó Trung Quốc Hải quân Mỹ cần dùng sức mạnh kết nối giữa Hạm đội 7 và 3 của Hạm đội Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương ngày 14.6 cho biết. Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương. REUTERS Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei...