Đô đốc Mỹ khẳng định duy trì sự hiện diện của tàu chiến tại Biển Đông
Chuẩn đô đốc Karl Thomas cho biết, các tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại Biển Đông để đảm bảo hòa bình và tự do hàng hải.
Với việc tăng cường các hoạt động hàng hải tại Biển Đông, các tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực để đảm bảo hòa bình và tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất trên thế giới này. Đây là tuyên bố của chuẩn đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan lớp Nimitz trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm 8/8 khi chiếc tàu sân bay này neo đậu tại cảng ở thủ đô Manila của Philippines.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: Philstar.
“Chúng tôi có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và chúng tôi có mặt ở đây để đảm bảo an ninh và ổn định. Con tàu này rất có năng lực và sẵn sàng ứng phó với một loạt các tình huống khác nhau, cho dù là khủng hoảng, ứng phó thảm họa nhân đạo, hay bất kỳ điều gì liên quan đến an ninh và chúng tôi luôn sẵn sàng để làm điều đó”, Chuẩn đô đốc Thomas nói.
Khi được hỏi về những thách thức trong việc đảm bảo tự do lưu thông ở Biển Đông, ông Thomas nhấn mạnh, có nhiều tàu chiến đang hoạt động trong vùng biển này. Theo chuẩn đô đốc Thomas, mục đích của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan là đảm bảo an ninh, ổn định trong khu vực và tạo môi trường để các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình. “Mục tiêu của chúng tôi là di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông nói./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Video đang HOT
Theo Philstar
Sau khi diễn tập ở Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã đi đâu?
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ gồm hai tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville và USS Antietam đã tới thủ đô Manila của Philippines hôm 7/8 sau khi diễn tập ở Biển Đông.
Theo Rappler, đây là chuyến thăm thứ hai tới Manila của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trong vòng một năm qua.
Chuyến thăm tới Manila của tàu USS Ronald Reagan lần này là một phần trong hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ. Hải quân Mỹ cũng bày tỏ cam kết tăng cường hoạt động với hải quân Philippines đồng thời đẩy mạnh các mối quan hệ song phương.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ. (Ảnh minh họa)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan thuộc biên chế Hạm đội 7, lực lượng phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ. Tàu có trọng tải 97.000 tấn, dài 333 m, thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan còn có khả năng mang theo khoảng 70 chiến đấu cơ F/A-18, máy bay trinh thám cùng trực thăng.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Mỹ trước những căng thẳng địa chính trị trong khu vực, phát biểu ngắn gọn trên boong tàu USS Ronald Reagan, Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Chuẩn Đô đốc Karl Thomas khẳng định một phần phản ứng của Washington trước tình hình căng thẳng là sự hiện diện của lực lượng hải quân Mỹ.
"Mục đích của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan là hỗ trợ đắc lực cho nền an ninh và ổn định của khu vực. USS Ronald Reagan giúp Mỹ hiện diện ở khu vực và tạo ra một môi trường nơi những tranh chấp có thể giải quyết bằng con đường hòa bình", Tướng Thomas cho hay.
Cũng theo ông Thomas, "mục tiêu của chúng tôi là cho phép mọi người có thể hoạt động và đi qua những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép và tôi cho rằng chúng tôi đã làm khá tốt điều này".
Hôm 4/8, khi bắt đầu thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay Washington có ý định triển khai lực lượng tên lửa tầm trung truyền thống tới khu vực trong vài tháng tới. Trước đó, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) với Nga hôm 2/8. Bộ trưởng Esper cũng đã lên tiếng chỉ trích thái độ hung hăng và lối hành xử gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi tin chắc rằng, không một quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và chúng tôi đang phối hợp với các đồng minh và đối tác để giải quyết các nhu cầu an ninh cấp bách trong khu vực", Reuters dẫn lời ông Esper phát biểu ở Sydney.
"Chúng tôi cũng kiên quyết chống lại hành vi hung hăng, gây bất ổn từ phía Trung Quốc. Điều này bao gồm vũ khí hóa trên toàn cầu, lợi dụng kinh tế và nợ nần cho các thỏa thuận chủ quyền và thúc đẩy hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của các quốc gia khác", ông Esper nhấn mạnh thêm.
Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận lời cáo buộc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo Bắc Kinh, Washington đã đưa ra những lời bình luận vô trách nhiệm và khẳng định hành động của quân đội Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng vệ.
Trước khi tới Manila, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đã đã tiến hành hoạt động huấn luyện nhằm thúc đẩy "hòa bình thông qua sức mạnh" trên Biển Đông gần khu vực Trung Quốc triển khai tổ chức tập trận.
RT đưa tin, để chứng minh sức mạnh của nhóm tác chiến tàu sân bay, hải quân Mỹ đã đưa một nhóm sĩ quan Philippines lên tàu USS Ronald Reagan (CVN 76) vào ngày 6/8.
Phía Trung Quốc liên tiếp cảnh báo Mỹ cần nói rõ địa điểm tiến hành huấn luyện bởi Bắc Kinh cũng đang triển khai đợt tập trận 2 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trước đó, Japan Times đưa tin theo hai thông báo trên trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 5/8, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận trái phép gần quần đảo Hoàng Sa trong hai ngày 6 - 7/8.
Thông báo cũng nhấn mạnh cấm các tàu thuyền tiến vào khu vực tập trận. Những thông tin chi tiết hơn không được Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc công bố.
Hôm 7/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Ngày 07/8/2019, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc".
Minh Thu (lược dịch)
Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông. Chiều 8/8, trả lời câu hỏi về việc tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ khởi hành đến Biển Đông, thăm Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị...