Đô đốc Mỹ: Đưa tên lửa ra Hoàng Sa là dấu hiệu quân sự hóa
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng việc triển khai tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông sẽ đi ngược lại cam kết không quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia
Đô đốc Harry Harris hôm nay cho rằng nếu được xác nhận, động thái này sẽ thể hiện Biển Đông bị quân sự hóa “theo cách Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông sẽ không làm”.
“Đây sẽ là một dấu hiệu rõ ràng của quân sự hóa”, Reuters dẫn lời ông Harris nói trong cuộc họp báo tại Tokyo, nơi ông gặp các quan chức quốc phòng Nhật.
Fox News viện dẫn hình ảnh vệ tinh của ImageSat International, cho thấy hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 với tầm bắn khoảng 200 km, và một hệ thống radar trên đảo Phú Lâm. Một quan chức Mỹ đã xác thực độ chính xác của các bức ảnh, nhưng Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc cho biết họ không bình luận về thông tin tình báo. Các bộ tuyên bố họ đang theo sát tình hình.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không hoàn toàn bác bỏ thông tin do Fox News đăng tải, mặc dù nói rằng đây là một “nỗ lực dựng chuyện của các hãng truyền thông phương Tây”.
Video đang HOT
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở “những đảo và đá liên quan” trong nhiều năm và cho rằng thông tin của một số phương tiện truyền thông phương Tây là “phóng đại”.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Việt Nam luôn khẳng định việc chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa là vô giá trị và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Trọng Giáp
Theo VNE
Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa, còn nói báo chí phương Tây 'dựng chuyện'!
Ngoại trưởng Trung Quốc nói thông tin nước này triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa là sự "dựng chuyện" của báo chí phương Tây, nhưng không phủ nhận thông tin này.
Trung Quốc ngang ngược bố trí tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng - Ảnh minh họa: GoogleEarth/FoxtrotAlpha
Báo chí quốc tế dẫn các nguồn tin từ Mỹ và Đài Loan cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai 2 hệ thống tên lửa đất đối không loại HQ-9 (tương đương hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm thuộc quần đào Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Ngày 17.2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với báo chí nói rằng những thông tin đề cập việc triển khai tên lửa phòng không của của Bắc Kinh ở đảo Phú Lâm đã bị báo chí phương Tây "dựng chuyện", Reuters cho hay.
Ông Vương Nghị chỉ trích những bài báo của phương Tây nhưng lại không phủ nhận việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, theo Guardian.
Ngoại trưởng Trung Quốc không giải thích gì thêm, ông ta chỉ đề nghị báo chí phương Tây nên "chú ý đến các ngọn hải đăng mà Trung Quốc đang xây dựng", theo Reuters. Không rõ ông ta hàm ý gì khi nhắc đến những ngọn hải đăng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc lại to tiếng nói rằng "Trung Quốc có quyền" tự vệ và duy trì sự phòng thủ theo luật pháp quốc tế khi lắp đặt "các cơ sở phòng vệ cần thiết và hạn chế" trên các đảo và đá ngầm, nơi binh lính Trung Quốc đang đóng quân. Ông ta cũng đề cập đến các ngọn hải đăng và phương tiện cứu hộ nhưng không nói gì đến hệ thống tên lửa phòng không.
Giới chức Đài Loan và Mỹ khẳng định từ hình ảnh vệ tinh ImageSat International mới đây cho thấy hệ thống tên lửa được đưa đến đảo Phú Lâm là hệ thống HQ-9 do Trung Quốc chế tạo, phỏng theo hệ thống tên lửa S-300 của Nga, có tầm bắn xa đến hơn 200 km, theo Guardian.
Hồi tháng 11.2015, Trung Quốc đã đưa chiến đấu cơ J-11 đến đảo Phú Lâm. Dưới góc nhìn quân sự, Guardian cho rằng không quá ngạc nhiên nếu Trung Quốc chọn đảo Phú Lâm là nơi triển khai tên lửa phòng không để gia tăng khả năng phòng thủ của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Vương Nghị cũng vừa kết thúc buổi hội đàm với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tại Bắc Kinh. Bà Bishop thúc giục Trung Quốc kiềm chế và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong hòa bình. Bà cho biết Canberra không đứng về phe nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ gọi việc triển khai tên lửa phòng không của Trung Quốc là hành động quân sự hóa ở Biển Đông, trái ngược với những gì Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố khi công du nước Mỹ hồi năm 2015.
"Điều đó cho thấy một dấu hiệu rõ ràng của việc quân sự hóa", Đô đốc Harris phát biểu trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 17.2, nơi ông có cuộc gặp với giới chức quốc phòng Nhật Bản.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Mỹ sẽ tuần tra Biển Đông nhiều hơn Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương xác nhận các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ không chỉ nhiều hơn, mà còn phức tạp hơn, trên quy mô lớn hơn. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM). Ảnh: USNavy "Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi tiếp tục con đường tự do...