Đỗ ĐH Y Hà Nội, nữ sinh nghèo vừa mừng vừa lo
Sinh ra, em đã không biết cha là ai, người mẹ tật nguyền tần tảo nuôi em khôn lớn. Căn nhà xập xệ, rách bươm và ánh đèn dầu leo lét tiếp bước cho em đến trường. Ngày em đỗ ĐH Y Hà Nội, hai mẹ con vừa mừng vừa lo đến mất ăn mất ngủ…
Em là Nguyễn Thị Hương, ở thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), học sinh Trường THPT Thọ Xuân 4. Vừa qua, em đỗ ĐH Y Hà Nội, khoa Bác sĩ đa khoa với số điểm 28 (đã làm tròn).
12 năm học dưới ánh đèn dầu
Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Nguyễn Thị Hương. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Hương để độc giá có thể chia sẻ với em. Số điện thoại: 0167 679 6844 (địa chỉ: thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)
Cô học trò vừa đỗ ĐH Y Hà Nội ấy có một tuổi thơ khốn khó bên người mẹ tật nguyền trong ngôi nhà tồi tàn, rách nát vốn là ngôi nhà ông bà ngoại để lại trước khi qua đời. Mẹ em bị tật nguyền sau một trận co giật nặng ngày còn nhỏ. Nhà nghèo không có tiền chữa trị, chị chấp nhận để khuôn mặt mình biến dạng và mất hoàn toàn bộ răng. Hơn 30 tuổi, chị can đảm vượt qua mọi thứ, cả những gian nan phía trước để sinh một đứa con. Và Hương đã ra đời bằng tất cả tình yêu thương, nỗi đau, tủi phận của người mẹ.
Trong căn nhà tồi tàn của hai mẹ con Hương hở cả trước và sau vì không có cửa, chẳng có một vật dụng gì giá trị ngoài chiếc giường ọp ẹp, cái bàn con cũ kĩ, vài chiếc ghế đã gãy chân. Nhà nghèo, người mẹ tần tảo chỉ biết chăm những luống rau trong vườn để chạy ăn từng bữa. Bao nhiêu năm qua, mùa nắng cũng như mùa mưa, mùa đông lạnh cóng hay mùa hè nắng cháy, mẹ vẫn dậy từ 4 giờ sáng rồi hái rau ra chợ bán. 18 năm trôi qua, Hương lớn lên bằng những giọt mồ hôi chan đầy nước mắt của mẹ. Mẹ không có tiền để mắc điện sáng, suốt 12 năm qua, Hương miệt mài học dưới ánh đèn dầu.
Suốt 12 năm, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hương học dưới ánh đèn dầu nhưng em vẫn luôn đạt học sinh giỏi toàn diện.
Dù bao khó khăn như vậy nhưng suốt 12 năm học, Hương luôn là học sinh giỏi toàn diện. Ngoài ra, em còn giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, giỏi huyện như: giải Khuyến khích môn Văn cấp huyện lớp 8; giải Nhì môn Hóa cấp huyện và khuyến khích cấp tỉnh năm lớp 9. Năm lớp 10, em “đánh bật” các anh chị lớp trên và giành giải Ba cấp tỉnh môn Hóa; lớp 11 đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Hóa. Lớp 12, Hương đoạt giải Ba môn Hóa và giải Ba môn giải Hóa bằng máy tính Casio.
Video đang HOT
Em bảo, có lẽ lớn lên trong căn nhà xập xệ này, chứng kiến nước mắt của mẹ, mồ hôi mặn đắng của mẹ, nỗi gian truân, nhọc nhằn nơi mẹ và cả những ánh đèn dầu leo lét mỗi tối học bài chính là động lực để em nhủ mình phải cố gắng dù bằng giá nào. Cô học trò giàu nghị lực ấy còn cho biết: “Em đã đọc được một quyển sách có viết rằng Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đườngvà cũng biết được rất nhiều những hoàn cảnh còn éo le hơn mình, họ vẫn vượt qua được thì tại sao mình lại không làm được. Với em, mẹ đã là tất cả rồi, cả cuộc đời mẹ vất vả vì em, lam lũ vì em thì em phải làm điều gì đó để không phụ lòng những gì mẹ đã hy sinh, bởi thế em đã luôn cố gắng chuyên tâm học hành”.
Tuổi thơ thiệt thòi, cơ cực càng làm cho cô học trò có thêm động lực để cố gắng.
Nói về mẹ, Hương xúc động: “Cảm ơn mẹ đã sinh ra em trên cuộc đời này, cho em tương lai, cuộc sống, yêu thương em gấp bội lần người khác, dù khổ cực, gian nan vẫn cho em được cắp sách đến trường… Những điều đó luôn nhắc nhở em phải cố gắng”.
Cũng bởi mẹ cả cuộc đời sống chung với bệnh tật khiến cô học trò nghèo ấp ủ từ những ngày còn bé giấc mơ trở thành bác sĩ, ước mơ có thể nghiên cứu và chữa trị thành công những bệnh hiểm nghèo.
Đậu đại học mà rơi nước mắt
Em bảo, ngày em một mình ra Hà Nội đi thi bằng số tiền do bà con hàng xóm gom góp, lúc bước vào phòng thi em đã nghĩ đến hình ảnh của mẹ để cố gắng, nhủ mình quyết tâm phải đậu đại học. Thế mà khi nghe tin mình đậu ĐH Y Hà Nội mà nước mắt cứ lăn dài. Từ ngày biết tin đến giờ, đêm nào hai mẹ con cũng lo lắng không ngủ được.
Hương lo lắng cho mẹ những ngày sắp tới khi em phải xa nhà đi học.
“Mẹ thì lo rồi đây sẽ phải làm gì để mỗi tháng có vài triệu chu cấp cho em học hành còn em thì vừa lo tiền ăn học, vừa lo mẹ ở nhà. Mẹ bệnh tật thế, lúc trái gió trở trời, ốm đau thì sao. Chỉ nghĩ thôi, lòng em đã rối bời lắm rồi. Nhưng dù thế nào em cũng phải đi học để hoàn thành tâm nguyện của mẹ đó là thoát cảnh nghèo khổ” – Hương nghẹn ngào trải lòng.
Chị Nguyễn Thị Ngãi – mẹ em Hương không cầm được nước mắt mỗi khi nghĩ về những ngày tháng tới rồi chị len lén lau đi những giọt nước mắt vì sợ con nhìn thấy lại tủi thân. Chị tâm sự: “Cả cuộc đời lam lũ nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến con là mọi khó nhọc lại như tan biến, chỉ cần nghĩ đến con thì con đường gánh rau đến chợ có dài cả chục cây số vẫn thấy không mệt mỏi. Bởi thế khi con đậu đại học, tôi vừa mừng lại vừa lo, có nhiều đêm thức trắng không ngủ được nhưng rồi lại nghĩ vì con mà cố gắng vay mượn để con được đi học, thoát cảnh nghèo khổ như mình”
Hai mẹ con Hương trong căn nhà xập xệ.
Chia sẻ về cô học trò giàu nghị lực, thầy Lương Ngọc Hòa – giáo viên chủ nhiệm của Hương tâm sự: “Tôi và các giáo viên trong trường thực sự rất khâm phục nghị lực vươn lên trong học tập của em Hương. Tôi không ngờ, một học sinh 12 năm học dưới ánh đèn dầu lại có thể vươn lên và học giỏi như vậy. Sau khi biết em đậu ĐH Y Hà Nội, trường cũng đã xuống trao quà động viên mẹ em tiếp tục cố gắng để em được đi học. Nhưng điều nhà trường băn khoăn hơn hết đó là hoàn cảnh quá khó khăn của em. Mẹ em thì ốm yếu, tật nguyền vì vậy con đường đến giảng đường của em chắc sẽ nhiều gian nan lắm…”.
Nguyễn Thùy
Theo VNE
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm gia đình thủ khoa ĐH Y Hà Nội
Sáng 22/8, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm và tặng quà cho gia đình thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến. Ngoài việc thăm hỏi động viên, Phó Chủ tịch nước cũng đã dành những phần quà nhỏ tặng gia đình em Tiến.
Qua báo chí, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biết thông tin về gia đình em Nguyễn Hữu Tiến - thủ khoa ĐH Y Hà Nội gặp nhiều khó khăn nhưng các con vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Đặc biệt hơn, cả 4 anh chị em của gia đình Tiến đều đang học các trường ĐH, CĐ ở trung tâm Hà Nội.
Cảm động trước hoàn cảnh nghèo khó của thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội 2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã quyết định dành thời gian đến thăm gia đình em ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm hỏi, động viên hai anh em Tiến và Tiền trước ngày đến trường nhập học.
Gặp mặt các thành viên trong gia đình Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã động viên bố mẹ em là ông Nguyễn Hữu Định và bà Hoàng Thị Thanh cố gắng vượt khó khăn để nuôi dạy các con. Đồng thời, giao lãnh đạo địa phương xem xét, xác minh nếu đủ điều kiện thì cấp chứng nhận hộ nghèo cho gia đình bà Thanh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2011 gia đình bà Thanh được công nhận là hộ nghèo nhưng chẳng hiểu sao năm 2012 lại chỉ được công nhận là cận nghèo.
Ngoài số tiền nhỏ tặng Tiến và Tiền ( em trai Tiến đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội - PV), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng tặng gia đình bà Thanh, ông Định tấm vải để may quần áo mới.
Bà Hoàng Thị Thanh chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm động khi được tin Phó Chủ tịch sẽ về thăm và tặng quà cho hai cháu. Tiến và Tiền dù khó khăn nhưng đã học nên người. Cháu cũng được địa phương tạo điều kiện để được tiếp tục đi học tại Trường ĐH Y Hà Nội".
Chiều nay, hai anh em Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền sẽ lên Hà Nội chuẩn bị nhập học.
Theo Dantri
Nỗi lo buồn của á khoa ĐH Y Hà Nội Thi vào ĐH Y Hà Nội, em Nguyễn Hoàng Yến đỗ á khoa với 29 điểm. Niềm vui chưa qua, cô học trò lớp 12A1 Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang lo cho những ngày sắp tới khi mẹ em vừa bị tai nạn rất nặng trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn... Nữ sinh trường làng đạt điểm...