Đồ chơi dân gian phong phú nhưng khó hút khách Hà thành
Đa dạng về chủng loại, phong phú về hình thức, giá cả phải chăng với người tiêu dùng… Những tưởng đồ chơi dân gian đang dần lấy lại được chỗ đứng trên thị trường nhưng thực tế những món đồ chơi này vẫn vắng khách mua.
Không vắng bóng nhưng… vắng khách
Càng cận Trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em trên các tuyến phố như Hàng Mã, Lương Văn Can lại càng nhộn nhịp.
Nếu như vài năm trước, thị trường đồ chơi trẻ em dịp Trung thu bị các mặt hàng đồ chơi có xuất xứ ngoại nhập gần như độc chiếm thì năm nay, các mặt hàng đồ chơi có gắn mác “made in Vietnam” xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ hàng.
Các mặt hàng đồ chơi dân gian ngày càng phong phú.
Đặc biệt là sự quay trở lại của các mặt hàng đồ chơi dân gian, với đủ loại đồ chơi như mặt nạ ông địa, đầu sư tử, đèn ông sao, đèn lồng… màu sắc rất sặc sỡ bắt mắt các “thượng đế nhí”. Giá cả phù hợp nhiều đối tượng người tiêu dùng, mỗi chiếc đèn ông sao có kích cỡ khác nhau giá dao động 15.000 – 75.000 đồng/chiếc. Đầu sư tử, đầu lân giá dao động 250.000 – 2.500.000 đồng/1 chiếc tùy vào kích thước và độ công phu của sản phẩm.
Cứ vài gian hàng lại có một gian bán đồ chơi truyền thống. Thế nhưng những món đồ dân gian tưởng như quen thuộc ấy lại trở nên xa lạ với từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người lớn tuổi. Mọi người hầu hết chỉ lướt qua ngắm đồ chứ không mua khiến các gian hàng trở nên vắng khách.
Một bạn trẻ tại “chợ trung thu” cho biết: “Tôi ghé hỏi mua một vài món đồ dân gian để làm quà, một chiếc đầu lân mặc dù rất đẹp nhưng lại là đồ thủ công dễ hỏng, khó bảo quản nên ngắm thì thích chứ không mua”.
Các mẫu đồ chơi hiện đại được nhiều trẻ em ưa chuộng.
Anh Vũ Quyết Thắng (Lĩnh Nam, Hà Nội) cùng cậu con trai của mình chỉ ngắm qua những món đồ chơi dân gian. “Cũng thích mua cho con một món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn cá chép… Nhưng có quá nhiều đồ chơi mới bắt mắt hơn nên thằng bé không để ý đến những món đồ dân gian đơn giản kia, trẻ con mà”, anh cười chia sẻ.
Video đang HOT
Chủ một cửa hàng có bán một số đồ chơi dân gian như đầu sư tử, đèn kéo quân, đèn ông sao…, cho biết: “Hàng bán rất chậm hay không muốn nói là bị “ế”, tôi phải bán thêm các món đồ chơi hiện đại khác để có khách. Treo những món đồ này chắc chỉ để phong phú thêm các mặt hàng thôi”.
Con phố tấp nập kẻ mua người bán, nhưng những gian hàng kín khách vây quanh hầu hết là kinh doanh đồ chơi hiện đại. Những món đồ như mặt nạ phát sáng, đèn nhựa chạy pin hiện đại, bờm nơ lấp lánh, robot thông minh… cực kỳ thu hút từ trẻ nhỏ cho đến thanh niên, thậm chí cả phụ huynh các em.
Một chủ cửa hàng chia sẻ :”Xuất xứ của những món đồ chơi này hầu hết là từ Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá thành cũng rẻ nên thu hút được sự quan tâm của khách hàng”.
Tín hiệu mừng cho đồ chơi dân gian
Nghệ nhân làm đèn kéo quân Vũ Văn Sinh ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội cho biết, nếu những năm trước nghệ nhân chỉ lắc đầu ngao ngán vì thị trường quay lưng với đồ chơi dân gian thì năm nay, thị trường đã “có chỗ” cho đồ chơi gian.
Nghệ nhân Sinh cho biết thêm, nhà ông đã làm nghề này đến đời thứ ba. Cái đèn kéo quân nhìn bề ngoài thì đơn giản nhưng lại tốn rất nhiều công sức. Từ chẻ tre dựng khung, cho đến làm trục sao cho cân, dán giấy màu vào đèn. Có khi cả ngày chỉ làm được một cái mà giá bán từng sản phẩm lại không thấm vào đâu so với nguyên liệu và công sức bỏ ra.
Các hàng bán đồ chơi dân gian lâm vào cảnh vắng khách.
Cũng theo ông Sinh, năm nay số lượng đơn hàng nhà ông nhận được có tăng nhưng vẫn không thể cạch tranh được với đồ chơi ngoại nhập. Ngoài nguyên nhân chính là những món đồ chơi này mẫu mã chưa bắt mắt, làm thủ công hoàn toàn nên giá thành khá cao, thì còn do hiện tại sản phẩm chưa có nơi trưng bày, giới thiệu nên khách hàng khó tiếp cận.
Theo Pháp luật Việt Nam
Thiệt mạng vì đồ chơi Trung Quốc: Cảnh báo "thần chết giấu mặt"
Vài ngày nữa là đến Tết Trung thu. Các em bé háo hức đòi bố mẹ đi mua nhiều loại đồ chơi bắt mắt chơi Tết. Thế nhưng, các phụ huynh không hề biết là mình đang tiếp tay cho "thần chết giấu mặt".
Mới đây, ngày 16/9/2015, cháu Nguyễn Kim Hải B. (SN 2008, trú tại thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã tử vong sau khi bị một dị vật bắn ra từ món đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc được bày bán ngay tại cổng trường tiểu học nơi em học. Cái chết tức tưởi của cậu bé có gương mặt đẹp như thiên thần đã khiến cả một vùng quê nghèo xôn xao. Người lớn lại giật mình bởi lâu nay, con trẻ vẫn đang sử dụng những món đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc bày bán tràn lan khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn... Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng những cái chết thương tâm như của bé Hải B. vẫn làm nhiều người giật mình, xót xa pha lẫn bức xúc từ những món đồ chơi "tử thần" bày bán mà không ai kiểm soát...
Cái chết tức tưởi của một cậu bé...
Chiều ngày 21/9/2015, có mặt tại nhà của cậu bé xấu số. Chị N.T.H.- mẹ của cháu Hải B. vẫn đang "ngất lên, ngất xuống" vì chưa hết bàng hoàng sau cái chết của con. Đến lúc này, chị vẫn không thể tin rằng, đứa con thứ hai của chị phải chết một cách tức tưởi như vậy. Bà con hàng xóm vẫn hàng ngày đến động viên chị H. và gia đình mặc dù cháu Hải B. đã tử vong được hơn 1 tuần nhưng nhìn di ảnh với gương mặt đẹp như thiên thần của cậu bé khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trong nghẹn ngào đau đớn, chị H. cho chúng tôi biết về sự việc của cháu Hải B., mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến chị vừa kể vừa lăn dài nước mắt.
Món đồ chơi đã trực tiếp gây ra cái chết của cháu Hải B. ("viên đạn" được bắn ra từ đèn của chiếc xe máy đồ chơi).
Nguyên nhân gây ra bi kịch cho gia đình chị là món đồ chơi có tạo hình một chiếc xe máy nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, món đồ này vừa là chiếc xe máy đẩy, vừa có còi để thổi và một đầu có thể lắp đạn bằng cao su cùng với đó là một chiếc cần nảy làm cò bắn đạn.
Khi hai con chị nô đùa và giằng nhau món đồ, thì chiếc cò của món đồ chơi bật ra và mảnh "đạn" bắn ra trúng cháu Hải B. khiến cháu xỉu dần. Cháu đã tử vong ngay sau đó 10 phút trên đường đi cấp cứu. Các bác sỹ kết luận là do dị vật xâm nhập đột ngột chèn vào khí quản của cháu dẫn đến co thắt khí quản đột ngột gây phù cấp dẫn đến xuất huyết màng dịch phổi.
Cái chết của cháu Hải B. diễn ra quá nhanh khiến gia đình, hàng xóm, bạn bè không khỏi bàng hoàng, đau xót. Nhưng, đau xót hơn cả là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu chính từ một món đồ chơi cháu mua tại cổng trường tiểu học nơi cháu đang theo học.
Vụ việc của cháu Hải B. nhanh chóng lan ra toàn xã Thanh Tùng và xa hơn là toàn huyện Thanh Miện. Theo gia đình, trong đám tang của cháu Hải B., hiệu trưởng, hiệu phó của nhà trường cũng đã hứa với gia đình sẽ kiểm soát chặt chẽ các cửa hàng bán đồ chơi quanh trường và quyết tâm không để học sinh nào tiếp xúc với đồ chơi Trung Quốc như trường hợp của anh em B. và D.
Đồ chơi bạo lực, độc hại
Khi chúng tôi làm việc với gia đình cháu Hải B., họ cung cấp cho chúng tôi món đồ chơi là chiếc xe máy có thể bắn ra đạn, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cháu Hải B., cầm chiếc xe máy đó, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ trên 3 trường tiểu học của huyện Thanh Miện. Khi nhìn thấy món đồ chơi đã dẫn đến cái chết của cháu Hải B. rất nhiều cửa hàng bán đồ chơi nói rằng, món đồ này đã hết.
Tuy nhiên, bên cạnh món đồ chơi "tử thần" mà chúng tôi cầm trên tay, những món đồ chơi bạo lực khác như dao, kiếm nhựa hay súng bắn đạn nhựa vẫn được bày bán công khai tại các cửa hàng ven trường tiểu học. Không khó để PV có thể mua được một khẩu súng bắn đạn nhựa chỉ với giá 10.000 đồng, cùng với gói đạn nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc. Chiếc súng này có thể bắn đạn nhựa xa gần 20m với lực tương đối mạnh.
Người chủ hàng cũng cho biết, đây là mặt hàng bán khá chạy ở khu vực này. Tương tự như tại huyện Thanh Miện, một số trường tiểu học trên địa bàn huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, số đồ chơi trẻ em có xu hướng bạo lực vẫn được bày bán công khai và "bao vây" quanh các trường tiểu học.
Đồ chơi Trung Quốc có mặt ở khắp nơi
Không chỉ tràn ngập nông thôn, tại Hà Nội, ở những tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em như Lương Văn Can, Hàng Mã, Đinh Lễ... cùng bất kỳ ngõ phố, con hẻm nào người ta đều dễ dàng tìm mua được những loại đồ chơi rẻ tiền nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro cho con trẻ. Nếu như, những năm trước, những đồ chơi bạo lực có thể gây sát thương như súng bắn chì, đạn nhựa, kiếm nhựa cứng, thú vật phun lửa... thì năm nay đã xuất hiện những đồ chơi bạo lực và độc hại được ngụy tạo dưới nhiều hình thức khác nhau như ô tô có thể bắn đạn, xe máy vừa có còi thổi vừa bắn được đạn dính vào tường, hay các đồ chơi "công nghệ" như ánh đèn laser, các đồ chơi có thể phun được những hóa chất không rõ nguồn gốc.
Trên phố Lương Văn Can, Hà Nội khách hàng không khỏi choáng ngợp bởi các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc được bày bán la liệt, nhiều chủng loại mẫu mã từ đầu phố đến cuối phố. Các loại đồ chơi đầy đủ màu sắc như búp bê, cánh thiên thần phát sáng, ô tô điều khiển từ xa, các mặt nạ hình quái vật phù thủy, đèn lồng, bộ nấu ăn, gấu bông, siêu nhân... Nhiều đồ chơi mang tính bạo lực nhưng được ngụy tạo dưới dạng ô tô, xe máy có thể bắn ra đạn được bày bán công khai. Tất cả đều "Made in China".
Tại nhiều cửa hàng, xuất hiện những đồ chơi có nhiều công dụng khác nhau. Nhiều chiếc đu quay vừa quay, vừa phát ra tiếng nhạc, vừa phun mưa khiến những đứa trẻ hiếu kỳ thích thú. Theo người bán hàng thì hóa chất tạo mưa có thể phun ra nhiều loại xanh đỏ tím vàng và cũng theo người bán hàng này thì khi hết có thể dùng xà phòng pha loãng thay thế là lại sử dụng được ngay.
Tương tự như vậy là một loạt các loại lọ nhựa to nhỏ bán theo vỉ chứa thứ hóa chất pha loãng và một chiếc que đính kèm nắp, mở lọ ra nhúng chiếc que vào giơ lên thổi, bong bóng xanh, đỏ, tím, vàng theo nhau bay tứ tung. Những chất này đã nhiều lần gây ra dị ứng và mẩn ngứa đối với trẻ em. Không chỉ vậy với những món đồ chơi nhỏ xíu như vậy, trẻ em có thể cho ngay vào túi quần hoặc dấu nhẹm trong lòng bàn tay.
Liên tiếp bắt giữ đồ chơi nhập lậu Hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi bạo lực trẻ em đã bị lực lượng trạm Kiểm soát liên hợp Km15- Bến tàu Dân Tiến bắt giữ trên địa bàn TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trong hai ngày 7 và 8/8. Các sản phẩm này có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc bao gồm: 208 khẩu súng nhựa đồ chơi loại bắn nước, kích thước 30cm/khẩu; 468 khẩu súng nhựa đồ chơi loại bắn đạn nhựa, kích thước 15cm/khẩu; 300 khẩu súng nhựa đồ chơi loại chạy pin, kích thước 20 cm/khẩu; 192 chiếc kiếm nhựa đồ chơi chạy pin, kích thước 60cm/chiếc. Trước đó vào tháng 7, đội Kiểm soát Hải quan số 1 (cục Hải quan Quảng Ninh) cũng đã bắt giữ 1.669 sản phẩm đồ chơi trẻ em trong đó có nhiều đồ chơi trẻ em bạo lực như súng, kiếm nhựa...
TP. HCM: Xử lý nhiều vi phạm liên quan đến kinh doanh đồ chơi Trung Quốc Một lãnh đạo phòng nghiệp vụ thuộc chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết: "Từ đầu năm đến nay chúng tôi liên tục bắt giữ và xử lý nhiều vụ liên quan đến việc đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường. Những lô hàng vi phạm chủ yếu là liên quan tới hóa đơn, chứng từ không đúng quy định, hàng nhập lậu, hàng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...". Số liệu hoạt động kinh doanh đồ chơi trẻ em 9 tháng đầu năm 2015 do Chi cục tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm là 30 vụ, phần lớn là hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu. Đáng nói có 7 vụ bày bán đồ chơi thuộc diện cấm kinh doanh như súng, kiếm nhựa, súng dùng pin, với số lượng 374 cái. Bên cạnh đó, Chi cục còn phát hiện một vụ thiết lập website bán hàng đồ chơi trẻ em mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước.
Phát hiện, thu giữ nhiều đồ chơi nguy hiểm Công an phường Hồng Sơn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An kiểm tra hành chính tại ki-ốt kinh doanh các mặt hàng đồ chơi trẻ em tại đường Lê Huân do Nguyễn Ngọc Tú (SN 1975) trú tại khối 7, phường Hồng Sơn làm chủ. Qua đó, phát hiện, thu giữ 24 thanh đao, 12 thanh kiếm, 21 gậy, 3 chiếc cào. Tất cả đều được làm bằng nhựa và là đồ chơi trẻ em nguy hiểm. Mở rộng điều tra, Công an phường Hồng Sơn tiếp tục kiểm tra 2 kho hàng của Nguyễn Ngọc Tú tại số 1 và số 61, đường Lê Huân, TP.Vinh. Tại đây, tổ công tác tiếp tục phát hiện và thu giữ 120 gậy nhựa, 5 vỉ súng nhựa, 70 cây rìu, 49 chiếc cào, 16 thanh kiếm, 8 thanh đao, 34 khẩu súng pin, 51 vỉ cung tên bằng nhựa. Số hàng nói trên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được Tú đặt mua qua điện thoại của một người đàn ông ở tỉnh Quảng Ninh để bán trong dịp Trung thu năm nay.
Hà Hằng
Theo_Người Đưa Tin
Tìm hiểu đồ chơi truyền thống của những nền văn hóa khác Ngày 26/9, các em thiếu nhi cùng với gia đình sẽ có cơ hội được tự tay làm những chiếc đèn lồng truyền thống trong "Cuộc thi làm lồng đèn" tại Trung tâm Thương mại Tràng Tiền. Lồng đèn, mặt nạ, đồ chơi truyền thống của Việt Nam và các nước khác như Nhật Bản, Đan Mạch... sẽ được giới thiệu đến người...