“Đọ” bún thang ở Hà Nội
Dù là ẩm thực tinh túy Hà Thành, nhưng bún thang đúng “gu” không phải dễ tìm.
Kể cả những tiệm bán bún thang ngon nức tiếng tại Cầu Gỗ, Hàng Hòm, Giảng Võ… cũng tùy người ăn, tùy thời tiết mà nên chọn hay không.
Đơn giản nhưng rất kỳ công, bún thang giờ đã được “vác” ra thành món ăn no ở Hà Nội. Điều này hứa hẹn tương lai tươi sáng rằng chỉ chục năm nữa, nhiều người sẽ không thể biết nó chỉ là món ăn nhẹ, món “dồn” thức ăn còn dư của ngày Tết. Còn nhớ, ông Nguyễn Phương Hải – người đã bỏ công phục dựng mấy chục món ăn cổ của Hà Nội từng ta thán: bún thang Hà Nội giờ chỉ còn là món bún gà thôi.
Ông Hải nói điều đó dựa trên sự chuẩn mực bún thang mà ông đã được hưởng, được truyền dạy từ nhỏ. Thậm chí, trong chuẩn mực đó, để bày trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, củ cải, rau thơm, nấm, trứng muối… lên mặt bát bún, người xưa còn chế ra hẳn một dụng cụ “định dạng khung” bằng tre. Đặt khung này lên miệng bát, thức thang cứ xếp ô nào vào ô nấy là đẹp đều tăm tắp. Giờ đây, nói “ngay và luôn” không thể tìm thấy thứ bún thang đó ở bất cứ hàng nào tại Hà Nội nữa.
Tất nhiên, nếu nói bún thang thành bún gà có lẽ cũng hơi quá khắt khe. Bởi vị bún thang ở một số hàng vẫn còn khá đậm đà chất Hà Nội. Đặc biệt, những hàng thang ngon xuất hiện tương đối co cụm tại khu vực phố cổ, nơi “miệng lưỡi” thẩm quà rất chuẩn. Thêm điểm cộng nữa cho bún thang là các hàng bún thang ở đây bao giờ cũng có bán kèm thức quà khác liên quan đến gà. Hàng ở phố Đinh Liệt có thêm phở gà truyền thống, phở gà trộn. Nhà Hàng Chỉ có thêm món xôi gà lạp xưởng. Xôi nhỏ, bún nhỏ vẫn tiếp tục nhỏ xíu cả hai thức ở Hàng Hành… Khách hàng chỉ cần định bụng sẽ ăn cả hai món, ba món là có cách gọi tương ứng ngay.
Những nguyên liệu của hàng bún thang trên phố Đinh Liệt – Ảnh: Ngọc Thắng
Video đang HOT
Cũng như các hàng quà khác, bún thang dù đã thơm đậm vị mắm tôm vẫn bị vị mì chính (bột ngọt) tấn công. Chính vì thế, những hàng bún thang nổi danh đều phải tránh sa vào cái “bẫy” đó. Cũng là bún thang Cầu Gỗ nức tiếng, nhưng bên này đường bán vỉa hè, bún thang buổi sáng đậm đà bao nhiêu thì bên kia đường vị mỳ chính lại “hùng hồn” bấy nhiêu. Thế nên dân chơi không nhầm, nhưng khách vãng lai nghe danh thang Cầu Gỗ nhầm lia lịa. Nhờ vị nước rất thanh, bún ở đây được khuyên là có thể ăn bất cứ lúc nào kể cả vào mùa hè. Không có lựa chọn nào khác buổi sáng vì nhà hàng chỉ đến 10 giờ là dọn, nhường chỗ cho bún chả.
Đứng ngang hàng với bún thang Cầu Gỗ là bún thang Đinh Liệt. Nước ngọt và theo hướng “mâm cao cỗ đầy”, bát bún ở đây lý tưởng cho những ngày trời lạnh, bữa trưa. Đây cũng là nơi khách có chỗ để xe thoải mái.
Bún thang Hàng Hòm, Hàng Chỉ không thanh bằng nhưng bù lại thức thang được thái vô cùng đẹp. Nhìn sợi trứng nhỏ li ti mới hiểu rõ vì sao người ta lại gọi là thái chỉ. Gà mái nhỏ con, mềm. Tuy nhiên, vì thế nhân thang cũng ít theo. Bún thang Hạ Hồi cũng có quan điểm bát không nhiều như vậy. Với những hàng bún này chỉ nên ăn sáng. Nếu muốn ăn bữa khác khách có thể gọi thêm xôi cho chắc dạ lâu dài.
Tất nhiên, vẫn có những lựa chọn khác, nhưng vì khó làm nên bún thang có độ vênh “đẳng cấp” rất lớn. Chưa kể, những cửa hàng đã nổi danh này cho tới giờ vẫn tuyển nguyên liệu, trong đó có gà “xịn” chứ không chạy theo những lứa gà mái già thải loại.
Theo Trinh Nguyễn (ihay)
Lang thang ăn bún thang đêm phố Lò Đúc
Một hàng bún thang, bún gà chất lượng ổn mà giá cả phải chăng cho teen.
Nằm trên con phố vốn chẳng nổi tiếng gì về đồ ăn đêm, ấy thế mà cuối phố Lò Đúc, đoạn giao với Trần Khát Chân lại tồn tại một con ngõ nhỏ, với đầy ắp hàng quán nhộn nhịp từ chiều đến tận tối mịt. Nổi bật nhất trong đó là hàng bún thang, bún gà ở ngay đầu ngõ, với địa chỉ 238 Lò Đúc. Chúng mình cùng đi "thị sát", xem đồ ăn ở đây như thế nào mà luôn đông khách nhé.
Ở hàng bún này, bạn sẽ được phục vụ rất nhiều món chuyên về gà. Từ cháo gà, bún gà, miến gà, cho tới cả món phức tạp như bún thang. Quán mở cả ở trong ngõ, thế nên bạn không phải lo lắng gì nhiều về chỗ ngồi. Quán cũng đông nhân viên nên bạn cũng không phải chờ lâu đâu.
Về đồ ăn mà nói, chúng tớ thấy, món bún thang ở đây ăn khá được. Khi chị nhân viên bưng bát bún ra, cảm giác đầu tiên của chúng tớ là thơm nức mũi luôn. Mùi thịt gà, mùi nước ninh xương, mùi nấm hương, mùi mắm tôm thoang thoảng quyện lại tạo nên một hương vị thật khó tả.
Đấy mới là ấn tượng ban đầu, còn khi nếm thử, chúng tớ cũng không phải thất vọng chút nào khi bát bún ở đây được nấu đậm đà, tròn vị. Sợi bún nhỏ, thịt gà trắng mềm, hành rau thơm phức, rồi cả những sợi củ cải sần sật vui miệng nữa, tất cả hòa lẫn trong thứ nước dùng ngọt, thơm và ngậy. Nếu nói xuất sắc thì hơi quá, nhưng mà ngon và ăn được thì là chính xác.
Tuy nhiên, có một điểm các bạn nên chú ý là nếu bạn nào không thích ăn nước béo thì hãy nhắn nhân viên ngay từ đầu, bởi nước dùng ở đây đã khá béo rồi đấy.
Bên cạnh bún thang thì bún gà, miến gà ở đây cũng là những món đáng để thử đấy. Một bát bún cũng đầy đặn, ăn xong là bạn có thể thấy no căng rồi.
Giá cho một bát bún ở đây là 30k bạn nhé. Một mức giá chấp nhận được khi mà hầu hết các hàng bán đồ ăn đêm ở khu phố cổ đều mạnh dạn "chém đẹp" 50k, 60k cho một bát bún, phở được bán vào lúc 10h tối bạn nhỉ.
Theo TTVN
Thưởng thức bún thang ở Sài Gòn Bát bún thang là sự pha trộn giữa sắc và vị, tạo nên cái hấp dẫn, quyến rũ rất riêng của món ăn. Từ trước đến nay, phở là món ăn đặc trưng mỗi khi nhắc đến ẩm thực của người Hà Nội. Tuy vậy, với những người sành về ẩm thực Hà thành sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua món bún...